Phê phán một số quan điểm tư tưởng – lý luận sai trái trong tình hình hiện nay” là một yêu cầu cần thiết của việc bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, cụ thể là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Nhưng thế nào là quan điểm sai trái? Sai trái phải chăng là vừa sai vừa trái? Sai về nhận thức và sai cả về thực tiễn. Trái với đường lối, chủ trương chính thống, trái cả với bản chất, xu thế phát triển và nguyện vọng của nhân dân. Có lúc nào sai nhưng không trái và trái mà không sai không?
Từ cách nhìn này, ta thử bàn về phê phán quan điểm “một đảng cầm quyền là mất dân chủ”. Thực chất đó là quan điểm cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam duy nhất lãnh đạo và cầm quyền là làm mất đi tính chất dân chủ của nền chính trị Việt Nam. Đúng hay sai?
1. Xin bắt đầu từ nhận thức về dân chủ
Dưới chế độ phong kiến, chỉ có quân chủ chứ không có dân chủ. Mọi quyền lực nhà nước đều thuộc về vua. Vua vâng mệnh Trời để cai trị dân. Vua sáng, tôi trung thì dân được nhờ, xã hội yên. Vua ngu, tôi nịnh thì dân khổ, xã hội rối loạn. Dưới chế độ tư bản, quyền vua chuyển thành quyền dân, quân chủ chuyển thành dân chủ. Hình thức tổ chức nhà nước cũng đa dạng. Có quân chủ lập hiến, có dân chủ đại nghị, có dân chủ theo chế độ nghị viện, có dân chủ theo chế độ tổng thống hay quốc trưởng. Nói là dân chủ, thật ra, quyền lực vẫn chủ yếu nằm trong tay các giai cấp hay thế lực thống trị. Có chế độ đa đảng, nhưng đảng cầm quyền nào cũng trước hết phục vụ cho lợi ích của thế lực mình đại diện. Nói là lo cho dân, thực chất vẫn là lợi ích phe nhóm. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN), về lý thuyết, mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân. Nhân dân là người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp đi liền với giải phóng xã hội, giải phóng con người. Đảng Cộng sản cầm quyền là để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội (CNXH), xây dựng và phát triển chế độ làm chủ của nhân dân.
Nhìn tổng thể là như vậy. Nhưng cụ thể thì biến đổi không ngừng, thiên hình vạn trạng. Chủ nghĩa tư bản hiện đại, qua những cuộc khủng hoảng, vấp váp và thất bại, đã có những điều chỉnh cho hợp với xu thế phát triển, trong đó có những điều chỉnh đối với nền dân chủ tư sản. CNXH hiện thực, qua thực tiễn vận hành cũng đã có những vấp váp, sai lầm, dẫn đến sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu, ở đó, các đảng cộng sản đều mất vị thế lãnh đạo và cầm quyền. Ở các nước XHCN còn lại, để tiến tới một nền dân chủ XHCN đích thực, các đảng cộng sản cầm quyền không thể không tiến hành kiên quyết công cuộc đổi mới và cải cách, nếu không muốn rơi vào bảo thủ và trì trệ.
Dân chủ và dân chủ hóa, dù dưới bất cứ tính từ nào, dân chủ tư sản hay dân chủ XHCN, cũng đều là bước tiến của lịch sử, ở những thang bậc khác nhau. Những giá trị phổ quát của dân chủ là có thật, không ai có thể phủ nhận. Nhưng đánh giá một nền dân chủ phải căn cứ trước hết vào chỗ quyền lực thuộc về ai, lợi ích là của ai và vì ai. Đánh giá một đảng chính trị cũng không thể chỉ căn cứ vào tên gọi, “xem mặt bắt hình dong” mà trước hết phải xem họ thật sự đại diện cho loại quyền lực nào, tranh đấu vì lợi ích của ai.
Khi so sánh các mô hình dân chủ, các chính đảng trong các chế độ chính trị - xã hội khác nhau, một nhà nghiên cứu của ta đã đưa ra nhận xét:
Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất lãnh đạo chính trị, lãnh đạo Nhà nước. Tính ưu việt của nó là ở chỗ: loại trừ lợi ích và cạnh tranh phe phái, đảng phái. Tất cả thống nhất vì lợi ích của dân, của Tổ quốc…
Một đảng cầm quyền có lợi ích riêng thì đa đảng trong hệ thống chính trị là cần thiết. Ở đây, nếu chỉ có một Đảng là độc tài.
Một đảng không có lợi ích riêng khi cầm quyền, cầm quyền vì lợi ích chung thì đa đảng dễ gây bè phái, phân tán.
Nhận xét này rất đáng để suy ngẫm.
2. Về chế độ dân chủ và Đảng cầm quyền của ta
Bác Hồ nói: “Nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân”. Bác cũng nói: “Đảng và Nhà nước ta là công cụ của dân, cán bộ là nô bộc của dân”. “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác” (Sửa đổi lối làm việc, 1947). “Đảng ta là một đảng cầm quyền…Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” (Di chúc)
Tư tưởng của Bác Hồ về mối quan hệ Dân – Đảng, Đảng – Dân, nói rộng ra là mối quan hệ giữa chế độ dân chủ và đảng cầm quyền đã trở thành tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt trong tổ chức và hoạt động của Đảng ta. Tư tưởng ấy đã thể hiện thành Cương lĩnh, đường lối, chính sách của Đảng và cũng đã được thể chế hóa thành Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước.
Dân làm chủ nhưng không phải mỗi người dân tự mình đứng ra làm chủ riêng rẽ, cá nhân mà làm chủ thông qua cơ chế đại diện, tức là cơ chế ủy quyền cho những cơ quan nhà nước do mình cử ra, thông qua các đoàn thể chính trị - xã hội do mình lập ra, đồng thời thông qua các hình thức dân chủ trực tiếp tự quản, chủ yếu ở cơ sở.
Đảng lãnh đạo nhưng không ở ngoài dân và đứng trên dân mà ở trong dân, chịu trách nhiệm trước dân, chịu sự kiểm tra và giám sát của dân. Đảng cầm quyền nhưng không phải tự mình biến thành Nhà nước, một mình nắm chính quyền và làm thay công việc của Nhà nước.
Nhà nước quản lý (hiểu theo nghĩa rộng) nhưng không phải là người cai trị dân, sai khiến dân, đè đầu cưỡi cổ dân mà là người được ủy quyền để làm những công việc ích nước lợi dân, chịu sự kiểm tra và giám sát của dân. Không làm được việc thì dân bãi miễn.
Thực tế mấy thập kỷ đổi mới vừa qua cho thấy những cố gắng đáng kể mà Đảng và Nhà nước ta đã làm để bảo đảm thực thi các quyền dân chủ của nhân dân, từng bước xây dựng và phát huy nền dân chủ XHCN. Nhưng thực tế cũng cho thấy những hành vi vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, những biểu hiện “mất dân chủ” trong đời sống chính trị, xã hội của ta là rất nghiêm trọng.
Ngay từ năm 1947, trong Sửa đổi lối làm việc, Bác Hồ đã nói: “Nếu ai nói chúng ta không dân chủ thì chúng ta khó chịu, nhưng nếu chúng ta tự xét cho kỹ, thì thật có như thế… Đối với cơ quan lãnh đạo, đối với những người lãnh đạo, các đảng viên và cán bộ dù có ý kiến cũng không dám nói, dù muốn phê bình cũng không dám phê bình. Thành thử cấp trên với cấp dưới cách biệt nhau. Quần chúng với Đảng rời xa nhau. Trên thì tưởng cái gì cũng tốt đẹp, dưới thì có gì không dám nói ra. Họ không nói, không phải vì họ không có ý kiến, nhưng vì họ nghĩ nói ra cấp trên cũng không nghe, không xét, có khi lại bị “trù” là khác”.
Nay nhìn lại, ta thấy những lời nói đó của Bác Hồ vẫn còn mới nguyên. Có điều là tình trạng “mất dân chủ” ngày nay phức tạp hơn nhiều. Dân chủ trong Đảng, dân chủ trong quản lý nhà nước và dân chủ trong xã hội đều có nhiều mặt bị vi phạm. Chủ nghĩa dân chủ hình thức ngày thêm nặng. Thủ đoạn trù dập người dân tinh vi hơn mà cũng nguy hại hơn. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức; tệ tham nhũng, quan liêu xa dân cộng với tình trạng “mất dân chủ” là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Nếu không khắc phục tình trạng nói trên thì Đảng sẽ tự mình đánh mất bản chất dân chủ và cách mạng của mình.
Nhìn thẳng vào sự thật, phê phán nghiêm khắc những cái hư hỏng ấy là đúng hay sai, cần khuyến khích hay phải chê trách? Chắc chắn, câu trả lời của chúng ta là: đúng và cần. Và cũng chắc chắn là ta không thể xếp những kiểu phê phán ấy vào loại quan điểm sai trái.
3. Vậy phê phán quan điểm sai trái thế nào cho đúng? Có sự phân biệt gì không?
Có thể phân biệt giữa đúng đắn với sai trái và giữa sai trái với thù địch. Tuy nhiên, không phải giữa những cái đó, lúc nào lằn ranh cũng rõ ràng.
Muốn phê phán quan điểm sai trái thế nào cho đúng thì trước hết, phải nhận diện cho đúng thế nào là quan điểm sai trái. Nếu ta không coi là quan điểm sai trái đối với những ý kiến phê phán cái hư hỏng trong việc thực thi dân chủ làm tổn thương đến bản chất dân chủ của Đảng như đã nêu trên thì vẫn phải nói các luận điểm sau đây là sai trái: “Đảng Cộng sản bản chất là không dân chủ và do đó Đảng Cộng sản Việt Nam duy nhất lãnh đạo và cầm quyền là vi phạm nền dân chủ”. “Không có dân chủ tư sản hay dân chủ XHCN mà chỉ có một nền dân chủ chung với những giá trị phổ quát của nó. Muốn đạt tới một nền dân chủ đích thực, phải thi hành chế độ đa đảng…”.
Phê phán phải có lý lẽ, không áp đặt, không cực đoan, không độc quyền chân lý. Có lòng tin nhưng không phải tin mù quáng, chỉ lặp lại những luận điểm có sẵn mà không có sáng tạo.
Đấu tranh lý luận phải phục vụ cho thực tiễn hành động. Và thực tiễn hành động lại là minh chứng thuyết phục nhất cho lý luận. Chúng ta phải chứng minh những quan điểm sai trái nêu trên là vô căn cứ bằng chính những hành động của chúng ta nhằm khắc phục những sai lầm, khuyết điểm và phát huy hơn nữa nền dân chủ XHCN, dân chủ hóa hơn nữa các hoạt động lãnh đạo và quản lý của Đảng và Nhà nước ta./.
Hà Đăng