Thứ Bảy, 21/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 1/3/2016 15:50'(GMT+7)

Một Thủ tướng luôn sống trong lòng dân

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thắp hương tưởng nhớ cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thắp hương tưởng nhớ cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Đây là hoạt động đầy ý nghĩa tưởng nhớ đến một Thủ tướng đã suốt đời vì nhân dân, luôn sống trong lòng dân.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng, sinh ngày 01/3/1906 ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, trong một gia đình công chức. Từ nhỏ, ông tham gia phong trào bãi khóa chống Pháp của học sinh, sinh viên năm vào những năm còn ngồi trên ghế nhà trường. Năm 1925, khi Phan Châu Trinh mất, ông là những học sinh yêu nước trong đoàn học sinh-sinh viên dự tang lễ Phan Châu Trinh. Năm 1926, ông được tổ chức đưa sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện cách mạng do Hồ Chí Minh tổ chức và gia nhập Việt Nam Cách mạng Đồng chí Hội. Đến năm 1929, ông được cử vào Kỳ bộ Nam Kỳ, rồi vào Tổng bộ Việt Nam Cách mạng Đồng chí Hội và tham gia đại hội của tổ chức này họp ở Hồng Kông. Tháng 7/1929, ông bị thực dân Pháp bắt và kết án 10 năm tù, đày đi Côn Đảo.

Tháng 7-1936, do thắng lợi của Mặt trận Bình dân Pháp, chính quyền thực dân Pháp buộc phải trả tự do cho đồng chí, đồng chí ra Hà Nội tiến hành hoạt động công khai. Tháng 5-1940, đồng chí đi Côn Minh (Trung Quốc) gặp Nguyễn Ái Quốc. Tại đây đồng chí đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, tham gia hoạt động ở Liễu Châu, Tĩnh Tây (Trung Quốc) và được Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ về nước xây dựng căn cứ địa ở biên giới Việt - Trung, đây là những nhiệm vụ đầy thử thách, nguy hiểm khi Quốc dân Đảng của Tưởng Giới Thạch đang giăng lưới khắp nơi để tiêu diệt những người cộng sản - kể cả người Cộng sản Việt Nam hoạt động trên đất Trung Quốc  

Đầu năm 1941, đồng chí được cử về Cao Bằng xây dựng căn cứ địa cách mạng ở các tỉnh Cao Bằng, Bác Cạn, Lạng Sơn. Tháng 8-1945, tại Đại hội Quốc dân diễn ra tại Tân Trào, đồng chí được bầu vào Ủy ban giải phóng Dân tộc, chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám. Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đồng chí được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính của Chính phủ lâm thời. 

Tháng 01-1946, đồng chí được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 16-4-1946, đồng chí được cử làm Trưởng phái đoàn thân thiện của Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thăm Cộng hòa Pháp. Cuối tháng 5-1946 đồng chí được cử làm Trưởng phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Fontainebleau (Pháp).  

Sau đó, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nổ ra, đồng chí được cử làm Đặc phái viên của Trung ương Đảng và Chính phủ tại Nam Trung bộ. Năm 1947, đồng chí được bổ sung làm Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, Ủy viên chính thức từ năm 1949. Sau đó, từ tháng 7-1949 đồng chí là Phó Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tại Đại hội Đảng lần thứ II tháng 2-1951 đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, và được Ban chấp hành Trung ương Đảng bầu vào Bộ Chính trị. Tháng 5-1954, đồng chí được giao nhiệm vụ Trưởng phái đoàn Chính phủ tại Hội nghị Geneve về Đông Dương. Trải qua 8 phiên họp toàn thể và 23 phiên họp rất căng thẳng và phức tạp, với tinh thần chủ động tiến công của phái đoàn Việt Nam, ngày 20-7-1954, bản Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Campuchia và Lào đã được ký kết, thừa nhận tôn trọng độc lập, chủ quyền của ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia.

Tháng 9-1954, đồng chí được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng. Ngày 20-9-1955 đồng chí được Quốc hội khóa I, kỳ họp thứ 5 cử làm Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng Nhà nước ta.     
     
Tại Đại hội lần thứ V của Đảng, đồng chí Phạm Văn Đồng tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị. Tháng 7-1981 đồng chí là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng. 

Tại Đại hội toàn quốc của Đảng, từ khóa VI, VII, VIII đồng chí được Trung ương Đảng các khóa cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương. Tháng 12-1997 theo nguyện vọng cá nhân và được Hội lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII chấp thuận, đồng chí được kết thúc nhiệm vụ Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương. Đồng chí liên tục được bầu làm đại biểu Quốc hội từ khóa I (1946-1960) đến đến khóa VII (1981-1987).

Là Thủ tướng suốt 32 năm, song từ khi còn mới tham gia cách mạng, rồi khi được Trung ương và Chính phủ cử ông làm Đặc phái viên của Trung ương Đảng và Chính phủ tại Nam Trung bộ, về quê hương đồng chí đã vận động bà con tham gia các lớp học xóa mù chữ tại vùng quê Quảng Ngãi. Tại quê đồng chí, bà bà Mai Thị Hợi, dù sang tuổi 86 vẫn nhớ rõ: bà con ở xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi vẫn nhớ như in những buổi tham gia học xóa mù chữ cách đây 70 năm. Hồi đó, hưởng ứng phong trào “bình dân học vụ”, tối đến 2 vợ chồng bà cùng nhau đi học. Được sự động viên của bác Phạm Văn Đồng, phong trào bình dân học vụ ở đây thu hút đông đảo người dân tham gia. Nhờ đó, vợ chồng bà Hợi cũng như nhiều người được xóa mù. Bà Mai Thị Hợi nhớ lại: “Trường tranh vách đất, lớp học ban ngày là lớp nhỏ, còn lớp ban tối cho người lớn. Nhờ Bác Đồng mà mình đi học. Bác khuyên đi học cho biết chữ, xóa nạn mù chữ cho dân”. 

Diệt giặc dốt, cùng tham gia vận động để mở trường đào tạo cán bộ phục vụ kháng chiến lâu dài là một trong nhiều dấu ấn mà Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã để lại cho quê hương Quảng Ngãi trong khoảng thời gian từ năm 1946 – 1949, khi còn hoạt động ở miền Trung. Lúc đó, ông là đặc phái viên của Trung ương và Chính phủ tại Nam Trung Bộ (thủ phủ tại tỉnh Quảng Ngãi). Từ năm 1949, ông từ giã quê hương ra chiến khu Việt Bắc, tiếp tục tham gia lãnh đạo kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đi đến thắng lợi hoàn toàn. Ông Phạm Hồng Thái, cháu Thủ tướng Phạm Văn Đồng kể lại: “Lần nào về ông cũng dặn con cháu sống cho thật trong sạch, thể hiện một công dân tốt, chăm lo học tập. Để thỏa ước nguyện của ông lúc sinh thời, bà con trong tộc họ thường bảo ban nhau, giáo dục con cháu chăm chỉ học tập, phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, trở thành công dân tốt”. Trong cả cuộc đời trên 32 năm làm Thủ tướng Chính phủ, đồng chí đã để lại nhiều tình cảm bạn bè quốc tế và nhân dân ta. Trong lòng đồng chí, tấm lòng với dân với đất nước luôn là hàng đầu và nhân dân luôn coi đồng chí với những tình cảm sâu nặng nhất giữa người Thủ tướng và người dân. 

Đánh giá về Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VI Nguyễn Văn Linh, trong Lễ tặng thưởng Huân chương Sao vàng cho đồng chí ngày 01 - 3-1990 đã nói: “đồng chí Phạm Văn Đồng là một trong những học trò xuất sắc của Bác Hồ kính yêu, là một trong những chiến sĩ cách mạng và người lãnh đạo kiên cường, giàu kinh nghiệm của Đảng, Nhà nước ta, là một người Cộng sản chân chính, hết lòng vì nước, vì dân”. 

Tại lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 2006 tại Hà Nội, Thủ tướng Phan Văn Khải nêu bật những phẩm chất cao đẹp, những đóng góp lớn của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, nhấn mạnh rằng “đồng chí Phạm Văn Đồng là "một trong những chiến sỹ đặc biệt ưu tú" suốt đời hy sinh, phấn đấu vì dân, vì Đảng, vì lý tưởng cộng sản”. 

“Đồng chí Phạm Văn Đồng là nhà ngoại giao tài năng, có uy tín trên thế giới, nhìn xa, trông rộng, tinh tế và linh hoạt, kiên cường và mềm dẻo, ứng xử nhanh nhạy, sáng tạo, luôn luôn thể hiện lập trường chính trị sáng suốt trước thời cuộc và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh". Đồng chí được bạn bè quốc tế giành cho sự kính trọng, khâm phục và coi là "một trong những nhân vật xuất sắc và có ảnh hưởng lớn nhất ở Việt Nam trong thế kỷ 20, nhờ những khả năng siêu phàm về ngoại giao cũng như uy tín, ảnh hưởng to lớn ở trong nước”.

Trong đời thường, Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người chồng, người cha hết lòng thương yêu vợ,con. Một câu chuyện của Thư ký riêng Thủ tướng - Nhà thơ Việt Phương có kể lại: Trước khi qua đời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã dặn dò người con trai duy nhất của mình - Thiếu tướng Phạm Sơn Dương: “Ba không có tài sản gì để lại cho con. Ba chỉ để lại một sự nghiệp để tiếp tục. Ba yêu cầu con chăm sóc má con, chăm lo dạy bảo các con của con mạnh khỏe, ngoan ngoãn, học giỏi trở thành người có ích cho xã hội, cho đất nước, xứng đáng là người sĩ quan của quân đội ta”. Và lẽ dĩ nhiên Thủ tướng không có ngôi nhà nào khác, ngoài căn nhà đang ở với vợ, con trong Bắc Bộ phủ.

Vinh danh một tấm lòng, một người con đã suốt đời hơn 70 năm cống hiến, hy sinh hết lòng mình cho Đảng, cho đất nước của Thủ tướng Phạm Văn Đồng – người đã luôn sống trong lòng nhân dân và với bạn bè quốc tế đầy tin cậy và mến mộ./.

Phạm Bá Nhiễu                     

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất