Thứ Tư, 2/10/2024
Thời sự - Chính trị
Chủ Nhật, 10/8/2008 17:26'(GMT+7)

Mưa lũ tiếp tục gây thiệt hại nặng các tỉnh phía Bắc

Người dân dùng mảng để đưa xe máy qua một đoạn đường quốc lộ 4E ( Bảo Thắng ,Lào Cai)

Người dân dùng mảng để đưa xe máy qua một đoạn đường quốc lộ 4E ( Bảo Thắng ,Lào Cai)


Thủ tướng Chính phủ đã ra Công điện số 1294/CĐ-TTg yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm, Cứu nạn cử đoàn công tác ngay trong hôm nay (9/8) đến các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ và một số địa phương bị thiệt hại do mưa lũ cùng phối hợp chỉ đạo, triển khai các biện pháp phòng chống và khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của cơn bão số 4...


 ** Lào Cai: 32 người chết, 31 người mất tích và 9 người bị thương

Sáng nay (10/8), tuyến đường từ tỉnh Lào Cai đến huyện Bát Xát, nước đã rút. Hiện một số xã vùng cao các huyện Sa Pa, Bát Xát và Bảo Thắng vẫn đang trong tình trạng cô lập. Quân khu 2 phối hợp với tỉnh Lào Cai huy động mọi lực lượng ứng phó tới các địa điểm này để tìm kiếm người mất tích; dựng lều bạt và nhà ở tạm cho những hộ bị mất nhà và ngập nhà cửa. Tỉnh Lào Cai chuẩn bị hàng cứu trợ như mì tôm, lương khô, nước uống và các nhu yếu phẩm khác để hỗ trợ đồng bào vùng thiên tai. Các địa phương đã huy động cán bộ, chiến sĩ ở các đồn biên phòng, quân đội, công an tham gia ứng cứu khẩn cấp.

Đoàn tàu Hà Nội - Lào Cai bị lật đầu máy


Theo thống kê sơ bộ của Ban Phòng chống lụt bão tỉnh, đến 7 giờ sáng nay, toàn tỉnh có 32 người chết, 31 người mất tích và 9 người bị thương; 39 căn nhà bị sập hoàn toàn, hơn 1.600 căn nhà bị ngập nước hoặc bị đất đá sạt lở vùi lấp; trên 1.500 ha lúa, cây hoa màu bị thiệt hại.
 

Tại Lào Cai, xã Gia Phú (huyện Bảo Thắng) bị ảnh hưởng nặng nhất,
 với 15 thôn ngập trong lũ. Đặc biệt, ở một số thôn, nước ngập tới mái nhà.


Tính đến 11 giờ trưa nay (10/8), riêng huyện Bát Xát có 21 người chết, 19 người mất tích, 9 người bị thương. Hiện huyện Bát Xát đang huy động các lực lượng khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra, di chuyển các hộ gia đình tại những điểm có nguy cơ sạt lở cao và khôi phục các điểm giao thông bị ách tắc.

** Yên Bái: 29 người chết, 19 người bị thương, 4 người mất tích

Trước những diễn phức tạp của mưa lũ, chiều tối 9/8 và sáng 10/8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã đi kiểm tra mưa lũ và thực địa ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Các tuyến đường giao thông bị tắc nghẽn hoàn toàn khiến Yên Bái trở thành một ốc đảo

Chiều 9/8, trước nguy cơ nước tràn vào nhà ga Yên Bái, nơi có những đoàn tàu khách đang lưu lại, lực lượng chức năng tỉnh đã dùng 3 chiếc thuyền đưa hàng trăm hành khách rời tàu đến nơi an toàn.


Trước những thiệt hại to lớn về người và tài sản của nhân dân trên địa bàn Yên Bái, sau khi đi kiểm tra thực tế tại thành phố Yên Bái, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã chỉ đạo lãnh đạo tỉnh Yên Bái khẩn trương thực hiện những việc cấp bách: Bảo vệ sinh mạng của nhân dân, tiếp tục theo dõi thông báo lũ để thông tin kịp thời cho nhân dân chủ động phòng tránh, sơ tán dân ra khỏi nơi nguy hiểm; Huy động các lực lượng công an, quân đội, dân quân, giao thông vận tải, y tế... khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, khôi phục thông tin liên lạc, giao thông để đảm bảo an toàn các tuyến huyết mạch giao thông trên địa bàn toàn tỉnh. Những địa bàn bị chia cắt nhiều do sạt lở núi gây tắc đường cần chủ động san gạt để thông tuyến trong thời gian sớm nhất. Sau khi nước rút, chính quyền các địa phương cần chỉ đạo nhân dân khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất và sớm ổn định đời sống nhân dân. Tỉnh cần huy động tại chỗ nguồn lực và kinh phí để giúp nhân dân chống lũ, tổ chức thăm hỏi, động viên và cứu trợ cho những gia đình gặp hoạn nạn do mưa lũ gây ra.


Theo số liệu chưa đầy đủ, đến 10 giờ sáng nay tại tỉnh Yên Bái có 29 người chết và 19 người bị thương, hiện vẫn còn 4 người mất tích do mưa lũ. Trời mưa to nên 8 phường, xã của thành phố Yên Bái sáng nay vẫn bị ngập. Thành phố đã di chuyển hơn 2.400 hộ dân trong vùng ngập đến nơi an toàn, còn lại gần 500 hộ đang trong vùng nguy hiểm tiếp tục được di chuyển.


Tuyến Quốc lộ 70 nối các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai đến sáng nay có rất nhiều đoạn bị sạt lở với khối lượng đất đá lên tới hàng chục vạn mét khối. Hiện trời vẫn tiếp tục mưa to, nhiều đoạn bị ngập đến 1,5m nên việc khắc phục hậu quả rất khó khăn. Ông Lê Xuân Sinh – Phó Tổng giám đốc Ban Quản lý Dự án 5 (Bộ Giao thông-Vận tải) đang ứng trực khắc phục giao thông km 101 - Yên Bái cho biết, đến nay mới thông tuyến từ km 90 đến km 99.


Đến sáng 10/8, toàn bộ thành phố Yên Bái bị cô lập với các địa phương trong tỉnh. Ước thiệt hại về kinh tế do mưa lũ gây ra trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 40 tỷ đồng.


** Bắc Kạn: 1 người chết, 1 người mất tích, thiệt hại ước tính hơn 3 tỷ đồng

Theo Ban Chỉ huy phòng chống lũ lụt và cứu hộ cứu nạn tỉnh Bắc Kạn cho biết, tính đến 10 giờ sáng 10/8, mưa lũ đã làm 1 người bị chết và 1 mất tích ở xã Cao Sơn, huyện Bạch Thông; 2 người bị thương ở huyện Na Rì. (Do Cao Sơn là xã vùng sâu bị mưa lũ chia cắt hoàn toàn, lực lượng cứu hộ cứu nạn vẫn chưa tiếp cận được và xác định tên tuổi của những người bị chết và mất tích). Toàn tỉnh có 9 ngôi nhà bị sập hoàn toàn do sạt lở đất, 110 ngôi nhà bị gió lốc làm tốc mái, 2 phòng học hư hại nặng, nhiều tuyến đường giao thông bị ách tắc do đất đá sạt lở. Gần 200 ha lúa mới cấy bị ngập. Tổng thiệt hại ước tính ban đầu hơn 3 tỷ đồng.


Hiện tại, Bắc Kạn trời vẫn mưa khá to và chưa có thông tin liên lạc đầy đủ với các địa phương. Ban Chỉ huy phòng chống lũ lụt và cứu hộ cứu nạn tỉnh Bắc Kạn đang khẩn trương triển khai lực lượng tìm kiếm nạn nhân, khắc phục hậu quả và hỗ trợ gia đình có người bị chết và mất tích 3 triệu đồng/người, đồng thời di dời những hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn, chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với các tình huống xấu có thể tiếp tục xảy ra.


** Lai Châu: Di dời khẩn cấp 26 hộ ra khỏi vùng sụt lún ở Than Uyên

Do mưa lớn kéo dài trên địa hình có cấu trúc địa chất Karst phức tạp, hiện tượng sụt lún nghiêm trọng đang xảy ra tại xã Tà Mung (huyện Than Uyên, Lai Châu), đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng của nhân dân bản Hua Ta. Chính quyền địa phương đang triển khai các biện pháp khẩn cấp, di dời 26 hộ ở bản này ra khỏi khu vực đặc biệt nguy hiểm đến nơi an toàn.


Theo quan sát của nhóm phóng viên, cả triền núi thuộc khu vực bản Hua Ta rộng khoảng 60 ha hiện đang ở trong tình trạng sụt lún nghiêm trọng. Nhiều căn nhà có những vết nứt ngang dọc trên mặt bằng nền nhà, có hộ bị lún tới gần 1 mét. Nhiều đám nương ngô của bà con đang bằng phẳng bỗng nhiên sụt xuống sâu tới 6-7m. Triền núi phía bên kia thuộc khu vực Cang Kéo xuất hiện hàng chục hố Karst, đất bùn và nước đổ xuống hàng chục ngày không lấp đầy. Trên dọc triền núi rộng khoảng 400m, dài trên 1.000 m, đất nứt nham nhở từng mảng lớn và tụt dần xuống lòng đất.


Chính quyền huyện Than Uyên đã chỉ đạo xã Tà Mung vận động các hộ nằm trong vùng nguy cơ cao di dời người và tài sản tới nơi an toàn. Huyện huy động gần 70 người thuộc lực lượng phòng chống lụt bão giúp bà con vận chuyển tài sản, gia súc đến ở tạm tại 2 trường học và ở nhờ các gia đình nằm trên địa điểm an toàn. Tuy nhiên, do tâm lý tiếc của, ngại di dời trong lúc mưa bão và đang trong thời kỳ thu hoạch mùa màng, hiện vẫn còn 6 hộ vẫn "kiên trì bám trụ" tại địa điểm cũ. Chính quyền xã Tà Mung vẫn đang kiên trì tổ chức vận động các hộ còn lại di dời đến nơi an toàn, tổ chức trực 24/24h trước các diễn biến thiên tai phức tạp do ảnh hưởng của cơn bão số 4. Các cơ quan chức năng huyện Than Uyên đang lập phương án hỗ trợ cho các hộ cần di dời trên 10 triệu đồng/hộ, tổ chức cho bà con tìm địa điểm tái định cư mới lâu dài ở khu vực an toàn.


Cách địa điểm trên khoảng 50 km, 3 khu vực thuộc địa bàn xã Hố Mít (huyện Than Uyên) cũng đang xảy ra tình trạng sụt lún tương tự.


** Phú Thọ: 6 người chết do lũ quét

Ngày 10/8, tỉnh Phú Thọ vẫn tiếp tục có mưa trên diện rộng, lượng mưa đo được bình quân 200mm. Hiện tại, lũ sông Thao vẫn đang lên và có nhiều khả năng vượt đỉnh lũ lịch sử 1971.

Người dân Phú Thọ chở thuyền đi chạy đồ giúp hàng xóm


Đến 9 giờ ngày 10/8, tỉnh Phú Thọ đã có 6 người chết do bị lũ quét, thiệt hại về tài sản: 81 nhà bị sập; 05 nhà bị trôi; 39 ngôi nhà bị hư hỏng nặng; 1.265 nhà bị ngập nước; đã có 1.868,5 ha lúa và 690 ha hoa màu bị ngập; 650 hồ lớn nhỏ bị vỡ; 3 cầu bị trôi. Quốc lộ 70 đi Yên Bái và Lào Cai tiếp tục bị ách tắc. Các tuyến đường 311, 318, 319B, 314C, 310... tiếp tục bị ngập sâu và sạt lở, nặng nhất là từ K68+500 đến k68+800 đường 322; K42+200 đường 314; k13+800 quốc lộ 32. Nhiều đoạn đê bao thuộc các huyện Hạ Hoà, Cẩm Khê bị nước tràn kéo dài 15km. Giao thông từ Thanh Ba đi Hạ Hoà hiện tại đã bị tắc nghẽn do nước lũ dâng cao.

 



Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ phối hợp cùng lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quân khu 2 đã tăng cường phối hợp công tác kiểm tra, huy động lực lượng vũ trang kết hợp với lực lượng tại chỗ triển khai tích cực nhiều biện pháp nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của. Tỉnh đã sơ tán kịp thời các gia đình vùng thấp, nhất là người già và trẻ em đến nơi an toàn trước ngày 10/8, công tác phòng tránh đã có những bước chủ động giảm bớt thiệt hại về người và của. Do tình hình thời tiết còn diễn biến phức tạp, nhất là mực nước các sông đang lên, Ban PCLB tỉnh thường xuyên kiểm tra nhắc nhở người dân theo dõi diễn biến của thời tiết, đặc biệt là mực nước ở các sông để có phương án xử lý kịp thời. Đối với các tuyến giao thông, lực lượng chức năng tiếp tục phân luồng, không cho xe ô tô trọng tải lớn đi vào các tuyến đường bị tràn; dùng bao tải cát để nâng cao cốt mặt các tuyến đê không cho nước tràn qua; nghiêm cấm nhân dân không được vớt củi.


** Tại tỉnh Tuyên Quang, mưa lũ đã làm trên 1.300 ha hoa màu và 155 nhà dân bị ngập sâu trong nước, 9 cầu kiên cố, cầu tạm bị hư hỏng, nhiều tuyến tỉnh lộ, đường liên thôn, xã bị tắc trong nhiều giờ đồng hồ. Yên Sơn là huyện có diện tích lúa bị lũ ảnh hưởng lớn nhất tỉnh lên tới gần 1.000 ha. Tại huyện Hàm Yên, một cầu tràn và một cầu treo đã bị nước lũ cuốn trôi. Ban Phòng chống lụt bão các cấp của tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo ứng cứu kịp thời. Hiện tỉnh Tuyên Quang đang khẩn trương khắc phục hậu quả, nhằm hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do lũ lụt gây ra.

Nước lũ dâng cao làm ngập tuyến đường Nguyễn Văn Cừ,
phường Minh Xuân, thị xã Tuyên Quang


Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng-Thuỷ văn quốc gia, mực nước lúc 9 giờ sáng nay (10/8) trên sông Thao tại Yên Bái là 33,88m, trên báo động 3 là 1,88m; tại Phú Thọ là 18,94m, ở mức báo động 3; trên sông Cầu tại Đáp Cầu là 5,13m, trên báo động 2 là 0,33m; hạ du sông Hồng tại Hà Nội là 9,58m, ở mức báo động 1; hạ du sông Thái Bình tại Phủ Lại là 4,30m, dưới báo động 2 là 0,2m. Chiều tối nay, mực nước tại Phú Thọ có khả năng đạt đỉnh ở mức 19,1m, trên báo động 3 là 0,2m. Lũ sông Cầu, hạ du sông Hồng và hạ du sông Thái Bình tiếp tục lên. Sáng mai (11/8), mực nước tại Đáp Cầu sẽ lên 5,8m, ở mức báo động 3; tại Hà Nội lên mức 10,3m, dưới báo động 2 là 0,2m; tại Phả Lại lên mức 5,0m, dưới báo động 3 là 0,5m./.

( VOV, VietNamnet)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất