Hãng thông tấn Nga Sputnik dẫn lời quan chức quân đội Mỹ cho hay Trung Quốc đã bắt đầu hoạt động xây dựng một đường băng thứ ba trên các đảo nhân tạo bồi đắp ở biển Đông. Theo các chuyên gia quân sự, đường băng này có thể mở rộng khả năng chống tàu ngầm của Trung Quốc, khiến cộng đồng quốc tế đặc biệt quan ngại.
Tháng 4 năm ngoái, Lầu Năm Góc bắt đầu phát hiện việc Trung Quốc xây một đường băng quân sự trên Đá Chữ Thập.
Nay các hình ảnh mới cho thấy Bắc Kinh đang xây dựng không chỉ một, hai mà là 3 đường băng có tổng chiều dài 3.000 mét trên quần đảo Trường Sa. Nằm trên Đá Chữ Thập, Vành khăn và Subi, các đường băng này sẽ mang lại cho Trung Quốc một tam giác chiến lược, được các chuyên gia đánh giá là sẽ cho phép quân đội nước này thực hiện các hoạt động chống tàu ngầm trong khu vực.
Sử dụng máy bay trinh sát Y-9 và trực thăng Ka-28, quân đội Trung Quốc có thể quét các khu vực nước sâu ở biển Đông và những vùng biển lân cận.
Giới chức Mỹ lo ngại rằng các hòn đảo nhân tạo có thể giúp Trung Quốc ngăn cản tàu thuyền đi vào vùng biển quốc tế trong khu vực.
"Biến một bãi đá chìm thành một sân bay không thể giúp Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền, hoặc cho phép nước này áp đặt hạn chế về hàng không và hàng hải ở vùng biển này" - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter nói trong một cuộc hội thảo của Không lực Mỹ.
Ông nói thêm rằng Mỹ vẫn sẽ hoạt động tại bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.
Zhang Baohui, một chuyên gia an ninh Trung Quốc ở Đại học Lingnan tại Hong Kong chỉ ra rằng các đảo nhân tạo có thể liên quan tới chiến lược răn đe hạt nhân của Bắc Kinh. Theo ông này, các tàu ngầm tấn mang đầu đạn hạt nhân thuộc lớp Jin hoạt động ở căn cứ tại Hải Nam có thể phối hợp với những chiếc máy bay cất cánh từ sân bay ở Trường Sa.
Theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc Bill Urban, Washington đang tích cực theo dõi các hoạt động (xây dựng đảo nhân tạo) của Bắc Kinh.
Việc Trung Quốc tiến hành cải tạo đất, xây các cơ sở quân sự ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đã bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ.
Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối một loạt hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt các hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa.
Các tuyên bố của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đều khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Những hành động trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông là vi phạm chủ quyền của Việt Nam cũng như vi phạm tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 ký giữa ASEAN và Trung Quốc./.
Theo VN+