Hoạt động này còn nhằm để tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ đánh bom kép ngày 15/4.
Ngày 25/5 (giờ địa phương), hàng nghìn người tham gia chạy marathon và
những cổ động viên, đã đổ ra các đường phố ở thành phố Boston, bang
Massachusetts của Mỹ, để hoàn thành nốt chặng đua bị dang dở ngày 15/4
do vụ đánh bom kép nhằm vào giải đua marathon thường niên này. Đây cũng
là hoạt động nhằm tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ khủng bố
trên.
Cuộc chạy đua, do các nhóm vận động viên và doanh nghiệp tổ chức, được
đặt tên là "OneRun" với khẩu hiệu: "Chúng tôi sẽ đi tới đích", thu hút
khoảng 3.000 người tham gia. Nhiều người trong số này từng tham gia cuộc
đua ngày 15/4, song không thể cán đích trong lần chạy trước.
Vận động viên Allison Bryne, người đã bị
thương trong vụ đánh bom chiều 15/4 cho biết, cuộc thi này không chỉ
đơn giản là hoàn thành chặng đua mà còn là cơ hội để mọi người thể hiện
sự ủng hộ đối với Boston và những người bị ảnh hưởng sau vụ đánh bom.
“Tôi có một ước muốn là giúp đỡ các
doanh nghiệp địa phương. Tôi cũng mong muốn khống chế được nỗi sợ hãi
của mình khi đi trên con đường này. Tôi nghĩ rằng, cuộc thi sẽ mang lại
tâm lý tích cực cho mọi người và tôi hạnh phúc khi là một phần của cuộc
thi này”, Bryne chia sẻ.
Theo các nhà tổ chức, những người tham
gia cuộc chạy đua chạy khoảng 0,8 km từ đường Turn Four đến đích là
đường Yard of Bricks trước khi bắt đầu chạy trên đường đua Indianapolis
500 tổ chức vào ngày 26/5 (giờ địa phương).
Nhà tổ chức Alain Ferry nói rằng, việc
hoàn thành giải đua marathon là để vinh danh tất cả những người bị ảnh
hưởng bởi vụ tấn công khủng bố ngày 15/4.
“Đáng ra những người tham dự cuộc thi đã
không bao giờ gặp phải những chấn thương về thể xác hay những tổn
thương về tinh thần. Cuộc đua ngày hôm nay nhằm chia sẻ với mọi người
những tổn thương đó”, Alain Ferry nói.
Hai vụ đánh bom xảy ra tại giải chạy
marathon Boston vào chiều 15/4, khiến 3 người thiệt mạng và hơn 260
người bị thương. Thủ phạm được xác định là hai anh em Dzhokhar Tsarnaev
và Tamerlan Tsarnaev, nhập cư vào Mỹ từ năm 2002./.
Theo VOVnews