Ngày 22/7, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua thỏa thuận hợp
tác hạt nhân dân sự với Việt Nam, trong bối cảnh Washington đang tìm
cách mở rộng quan hệ với Hà Nội.
Thỏa thuận trên - được Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Phó Thủ tướng kiêm
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh ký kết hồi tháng 10/2013
bên lề Hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Brunei - đã được Tổng thống
Barack Obama phê chuẩn hồi tháng Hai năm nay và hiện đang chờ Thượng
viện Mỹ thông qua.
Phản ứng trước thỏa thuận nói trên, các nhà hoạt động chống phổ biến vũ
khí hạt nhân và một số nghị sỹ Mỹ quan ngại về việc thỏa thuận trên
không cấm Việt Nam tự làm giàu urani hoặc tái chế plutoni, những năng
lực có thể được sử dụng để phát triển vũ khí hạt nhân. Để trấn an, Việt
Nam đã ký một bản ghi nhớ không ràng buộc về pháp lý với Mỹ rằng Hà Nội
không có ý định tìm kiếm năng lực đó.
Thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự Việt-Mỹ, còn được gọi là Hiệp định
hợp tác hạt nhân 123, sẽ cho phép các công ty của Mỹ thâm nhập vào thị
trường đang mở rộng của Việt Nam về phát triển điện hạt nhân.
Theo đánh giá của Bộ Thương mại Mỹ, thỏa thuận mà chính quyền Tổng thống
Barack Obama đã ký với Việt Nam sẽ mở cửa thị trường Việt Nam cho các
công ty của Mỹ, mang lại cho lĩnh vực xuất khẩu hạt nhân của Mỹ từ 10-20
tỷ USD, đồng thời tạo ra hơn 50.000 việc làm mới cho người lao động Mỹ
với mức lương cao.
Thị trường điện hạt nhân của Việt Nam được đánh giá hiện đứng thứ hai
tại Đông Á, chỉ sau Trung Quốc và ước tính sẽ đạt doanh thu 50 tỷ USD
trong hai thập kỷ tới. Năng lượng hạt nhân là phương án mà Việt Nam đang
theo đuổi nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt năng lượng hiện nay, với
mục tiêu năng lượng hạt nhân sẽ đáp ứng trên 10% nhu cầu tiêu dùng điện
năng trong nước vào năm 2030.
Nga và Nhật Bản đã có các thỏa thuận hợp tác hạt nhân với Việt Nam./.
(TTXVN)