Thứ Sáu, 22/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 28/3/2022 9:39'(GMT+7)

Năm 2022, Quảng Nam tập trung hoàn thiện các quy hoạch, đề án

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Ngày 27/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam về kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022; phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 và một số đề xuất, kiến nghị của tỉnh.

Trong chương trình công tác, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác đến thăm, làm việc với Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO); khảo sát cảng Chu Lai và sân bay Chu Lai.

Theo báo cáo, từ khi tái lập tỉnh đến nay, trên chặng đường 25 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam đã vượt qua khó khăn, vươn lên trong từng giai đoạn đổi mới, tạo nên chuyển biến đột phá, đưa Quảng Nam từ một tỉnh thuần nông, chậm phát triển vươn lên thành một tỉnh khá trong khu vực và đóng góp 14% vào ngân sách Trung ương từ năm 2022.

Năm 2021, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 23.773 tỷ đồng, gấp hơn 102 lần so với năm 1997. Kinh tế phát triển toàn diện, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 1997-2021 đạt 9,2%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 68 triệu đồng, gấp gần 31 lần so với năm 1997.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng Quảng Nam có rất nhiều tiềm năng, thế mạnh riêng có. Do đó, Quảng Nam phát triển sau nhưng có thể vượt lên. Để làm được điều này, Quảng Nam phải tập trung vào công tác quy hoạch gắn với tiềm năng, ý tưởng, mô hình phát triển. Quy hoạch tốt sẽ ra nhà đầu tư tốt.

Cùng quan điểm trên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá, Quảng Nam cần chú ý đến công tác quy hoạch, những quy hoạch đã có thì phải rà soát về chất lượng, tính liên kết, tính kế thừa. Trong đó, Quảng Nam cần chú trọng quy hoạch phân khu đô thị, hiện mới chỉ có thành phố Tam Kỳ, cần tập trung cho các thành phố khác.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng lưu ý, tỷ lệ đô thị hóa của Quảng Nam rất thấp, chỉ 8% (so với bình quân cả nước khoảng 40%); trong khi đó, đô thị hóa là yếu tố rất quan trọng trong phát triển.

Phát huy hơn nữa tinh thần tự lực, tự cường

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết qua đi khảo sát tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn, khảo sát sân bay và cảng Chu Lai, bước đầu cho thấy Quảng Nam còn rất nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế-xã hội.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh báo cáo kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và quý 1 năm 2022. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh báo cáo kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và quý 1 năm 2022. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Cả về vị trí địa lý, tỉnh án ngữ từ Đông sang Tây, có vị trí địa lý thuận lợi, vừa có rừng, có biển, có 3 tuyến đường bộ lớn chạy dọc Bắc Nam; có đường sắt, đường hàng không tương đối thuận lợi, có cảng biển; diện tích đứng thứ 6, dân số đứng thứ 18 cả nước), truyền thống lịch sử-văn hóa (tỉnh duy nhất có 3 di sản) và đóng góp của Quảng Nam qua các thời kỳ rất lớn.

Tuy nhiên, sự phát triển của tỉnh Quảng Nam vẫn chưa xứng với tiềm năng. Tiềm năng thì lớn nhưng cơ chế chính sách còn hạn hẹp. Hạ tầng về giao thông, về chuyển đổi số, về biến đổi khí hậu còn bất cập. Bên cạnh đó, các chỉ số về cạnh tranh cấp tỉnh cũng còn vấn đề cần phải cố gắng hơn.

Đời sống nhân dân đồng bào miền núi còn khó khăn, hộ nghèo còn nhiều, nhất là chênh lệch giầu nghèo giữa miền xuôi và miền núi. Chất lượng nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ công chức còn hạn chế,…

Từ đó, Thủ tướng nhấn mạnh Quảng Nam phải phát huy tối đa những tiềm năng, cơ hội đã có, những kết quả đã đạt được, đồng thời phải “tự tạo ra những cơ hội thuận lợi mới để thu hút nguồn lực từ bên ngoài” để phát triển nhanh, bền vững, phát triển xanh.

Tỉnh Quảng Nam đã tự lực tự cường thì tới đây phải tự lực tự cường hơn nữa, phát huy tối đa sức mạnh nội lực để phát triển.

Bên cạnh đó, Thủ tướng lưu ý mọi quyết sách của tỉnh phải luôn xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo đánh giá kết quả thực hiện; luôn luôn linh hoạt, nhạy bén với thực tiễn để tổ chức công việc hiệu quả.

Trong điều kiện các nguồn lực có hạn, Thủ tướng nhấn mạnh Quảng Nam phải lựa chọn những vấn đề, nội dung, dự án… có tác dụng nhất, hiệu quả cao nhất để tập trung thực hiện, "phải có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, không dây dưa kéo dài."

Thủ tướng yêu cầu tỉnh phải khắc phục bằng được những hạn chế yếu kém đã chỉ ra với lộ trình cụ thể và bước đi quyết liệt, hiệu quả.

Tập trung hoàn thiện quy hoạch

Về những nhóm nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Quảng Nam bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết chuyên đề của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để xây dựng các chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện phù hợp với thực tế địa phương. Trong đó cần tập trung cho chương trình phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh phải gìn giữ, phát huy tốt nhất truyền thống đoàn kết, truyền thống lịch sử hào hùng của đất Quảng.

Đoàn kết là nguồn lực, để xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng bộ máy hành chính hoạt động hiệu lực hiệu quả, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí…

Trong năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Quảng Nam phải tập trung vào công tác quy hoạch. Đây là nhiệm vụ trọng điểm, năm nay phải làm xong, nhất là quy hoạch tỉnh (phải hoàn thành trong quý 3 năm 2022), tiếp đó là quy hoạch cấp huyện, cấp xã. Do đó, lãnh đạo tỉnh cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện hiệu quả.

Bên cạnh đó, tỉnh cần tiếp tục tập trung kiểm soát dịch bệnh COVID-19. Trước hết, việc tiêm vaccine mũi 3 phải thực hiện xong trong quý 1 năm 2022, theo đúng tinh thần “thần tốc, thần tốc hơn nữa”.

Về huy động nguồn lực, Thủ tướng nhấn mạnh tỉnh phải lấy nguồn lực nhà nước để kích hoạt, huy động mọi nguồn lực xã hội của nhân dân để phát triển kinh tế-xã hội; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; lấy nội lực là chính, nguồn lực bên trong, kết hợp hài hòa với ngoại lực, nguồn lực từ bên ngoài.

Tỉnh phải đẩy mạnh phân cấp phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân và phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung vào công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; triển khai các giải pháp ứng phó hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu,…

Về các kiến nghị của cụ thể Quảng Nam, Thủ tướng đề nghị các bộ ngành phối hợp với tỉnh xử lý tốt việc này. Trong đó, về dự án phát triển Cảng hàng không Chu Lai, Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải cử một Thứ trưởng làm Tổ trưởng để giải quyết các vấn đề mà tỉnh Quảng Nam đề xuất.

Về cải tạo luồng và nâng công suất Cảng biển Chu Lai, giao Bộ Giao thông vận tải thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật; đồng thời yêu cầu tỉnh Quảng Nam cũng phải chủ động phối hợp thực hiện việc này.

Thủ tướng cũng yêu cầu địa phương xây dựng các đề án về phát triển hệ sinh thái về công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí; trồng dược liệu dưới tán rừng và xây dựng khu công nghiệp dược liệu; chế biến sâu silic cát; xây dựng khu phức hợp giáo dục; nạo vét sông Trường Giang. Thủ tướng giao các bộ ngành theo chức năng, nhiệm vụ của mình xem xét phối hợp giải quyết.

Phát triển hệ sinh thái hỗ trợ ngành cơ khí

Cũng trong chương trình, sáng 27/3, đoàn công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến tham quan, thăm hỏi, động viên người lao động tại các nhà máy sản xuất ở khu phức hợp Chu Lai-Trường Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô xe máy của Tập đoàn THACO. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô xe máy của Tập đoàn THACO. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao kết quả đạt được của Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) trong 25 năm qua và những đóng góp vào cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua.

Đáng chú ý, THACO đã phát triển hiệu quả công nghiệp cơ khí, công nghiệp phụ trợ, nội địa hóa công nghiệp ôtô - một ngành nền tảng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thủ tướng cũng yêu cầu Quảng Nam nghiên cứu, xây dựng các đề án về phát triển hệ sinh thái về công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí.

Trong thời gian tới, Thủ tướng mong muốn THACO cần phá huy những thành quả đã đạt được để sắp tới phát triển "THACO thế hệ mới," thế hệ mới 4.0, chuyển đổi số cả về công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, xây dựng...

Về đề xuất của THACO đầu tư các dự án kết nối giao thông liên vùng giữa Quảng Nam, Đà Nẵng với các tỉnh Tây Nguyên, Thủ tướng đề nghị THACO nghiên cứu, phối hợp với Quảng Nam để nghiên cứu đầu tư mở rộng cảng Chu Lai để đón được tàu lớn; làm tuyến đường mới kết nối với Tây Nguyên. Đây là 2 dự án sẽ tạo thêm những động lực mới phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và các địa phương lân cận. 

Cũng trong chuyến công tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Đoàn công tác Trung ương và lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã viếng Nghĩa trang liệt sỹ Quảng Nam, dâng hương dâng hoa tại Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng và trồng cây lưu niệm tại Tượng đài Mẹ (xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ)./.

Xuân Tùng (TTXVN/Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất