Ngày 1/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì buổi làm việc trực tuyến với thành phố Hải Phòng, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất khẩu tại các địa phương này.
Đây là cuộc làm việc thứ 3 của
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang với thành phố Hải Phòng và các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương về nội dung trên sau khi
Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập 26 đoàn công tác do các
thành viên Chính phủ chủ trì làm việc với 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh việc Thủ tướng
phân công các thành viên Chính phủ họp với các địa phương nhằm giúp
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nắm bắt và xử lý kịp thời những khó khăn,
vướng mắc từ cơ sở. Kể từ khi cơ chế này được thành lập, đã có nhiều
thể chế mới được xây dựng và sắp có hiệu lực, điển hình là Luật Đất đai
(sửa đổi) trên cơ sở phản ánh, kiến nghị của các địa phương, trong đó
thay đổi mạnh mẽ nhất là tập trung khắc phục vướng mắc và nâng cao quyền
tự quyết, tự chịu trách nhiệm ở cơ sở.
Đối với 3 địa phương, trên cơ sở
2 cuộc làm việc trước đó, khoảng một nửa các vấn đề đã được các bộ, ngành
tập trung tháo gỡ. Những vấn đề còn lại sẽ tiếp tục được xử lý trong
thời gian tới trong các luật, nghị định, thông tư mới được ban hành.
Để cơ chế làm việc này phát huy hiệu quả hơn nữa, Phó Thủ tướng đề
nghị các địa phương khi có khó khăn, vướng mắc thì trao đổi cụ thể với
bộ, ngành liên quan. Các địa phương phải bám sát công tác xây dựng thể
chế của Trung ương, tránh tình trạng các văn bản của Trung ương ban hành
rồi nhưng địa phương không nắm, không cập nhật kịp thời hay có những
việc được xử lý rồi nhưng địa phương vẫn thắc mắc, vẫn hỏi.
Đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng đang
tập trung hoàn thiện xây dựng các Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật
Đất đai và Luật Nhà ở (sửa đổi) để sớm đưa hai luật này vào cuộc sống,
Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương nghiên cứu kỹ, góp ý vào dự thảo
các Nghị định (riêng Luật Đất đai có 9 Nghị định cần được ban hành) bởi
đây là cơ hội để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương.
Tại cuộc làm việc, đại diện các địa phương đã báo cáo về tình hình sản
xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất khẩu năm 2023 và 2
tháng đầu năm 2024; nêu những vướng mắc về thể chế cần được tháo gỡ.
Cụ thể, tỉnh Quảng Ninh phản ánh hiện mặt hàng
máy photocopy nhập khẩu, mặt nạ lọc khí độc đang chịu sự quản lý của
nhiều bộ, đề nghị mỗi mặt hàng chỉ làm thủ tục cấp phép xuất/nhập khẩu
với một cơ quan đầu mối để giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Tỉnh cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành hướng dẫn xác định
định mức số lượng người làm việc trong cơ sở giáo dục, đơn vị sự nghiệp
công lập, làm căn cứ để Trường Đại học Hạ Long xây dựng Đề án tự chủ
trình UBND tỉnh phê duyệt.
Thành phố Hải Phòng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm trình
Chính phủ quyết định ranh giới quản lý hành chính trên biển giữa Hải
Phòng và Quảng Ninh; Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm báo cáo Thủ tướng Chính
phủ phê duyệt chủ trương đầu tư các khu công nghiệp và dự án 4 bến cảng
thuộc Cảng cữa ngõ quốc tế Lạch Huyện.
Tỉnh Hải Dương kiến nghị các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ ban
hành quy định về trình tự, thủ tục chấm dứt hoạt động dự án đối với
trường hợp dự án không triển khai hoặc triển khai chậm tiến độ mà không
được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép điều chỉnh tiến độ. Hải
Dương cũng đề nghị cần có hướng dẫn để giải quyết một số khó khăn, vướng
mắc liên quan đến căn cứ và phương pháp tính các chi phí trong tổng mức
đầu tư dự án mua sắm thiết bị y tế, các bước để cơ quan có thẩm quyền
quyết định phương án thiết kế của dự án mua sắm thiết bị.
Tại cuộc làm việc, đại diện lãnh đạo các bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Công
Thương; Tài chính; Tài nguyên và Môi trường; Văn hoá, Thể thao và Du
lịch; Giao thông Vận tải phản hồi bước đầu về những kiến nghị của các
địa phương; cập nhật tiến độ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của bộ, ngành
mình theo thẩm quyền; đồng thời cập nhật các quy định mới của Trung
ương./.
TTXVN