Thứ Bảy, 7/12/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Chủ Nhật, 6/5/2018 8:30'(GMT+7)

Nắm bắt, xử lý thông tin về dư luận xã hội của cán bộ, đảng viên, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài

Dư luận xã hội là một hiện tượng xã hội đặc biệt, một trong những hình thức thể hiện nhận thức, cảm xúc, tâm tư, ý chí, nguyện vọng, ý kiến và thái độ (đôi khi cả hành động) của công chúng trước các vấn đề, sự kiện, hiện tượng nảy sinh trong cuộc sống, có tính thời sự, liên quan đến lợi ích và các mối quan tâm của các tầng lớp nhân dân.

 

Dư luận xã hội là sự thống nhất của cả ba yếu tố nhận thức, thái độ, hành vi; thể hiện dưới nhiều hình thức công khai hoặc ngấm ngầm…Do đó cần phải có những phương pháp nắm bắt và xử lý phù hợp mới có thể nắm bắt dư luận xã hội một cách khách quan, đầy đủ và thấu đáo.

 

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng lớn mạnh, với hơn 4,5 triệu người đang sinh sống tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Cộng đồng này là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nguồn lực quý báu cho sự phát triển của đất nước. Việc nắm bắt tâm trạng, tư tưởng, lắng nghe ý chí, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, kiều bào ta ở nước ngoài là một trong những nhiệm vụ quan trọng để làm cơ sở cho Đảng và Nhà nước đề ra những chủ trương, chính sách và biện pháp, phù hợp, kịp thời, nhằm phát huy cao nhất tiềm năng, thế mạnh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, khuyến khích kiều bào ta tiếp tục hướng về quê hương, chung sức với nhân dân cả nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Về tổng thể, việc nắm bắt, xử lý thông tin về dư luận xã hội của cán bộ, đảng viên và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đang được tiến hành đồng bộ cả qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua thư tín, e-mail, điện thoại, mạng xã hội, internet và qua sinh hoạt, hội họp của các tổ chức, hội đoàn của người Việt Nam ở nước ngoài…

 

'

1. Nắm bắt, phân tích dư luận xã hội thông qua các phương tiện thông tin đại chúng

Các phương tiện truyền thông đại chúng là công cụ định hướng, hình thành và thể hiện dư luận xã hội khá phong phú, đa chiều. Nắm bắt, phân tích dư luận xã hội thông qua các phương tiện thông tin đại chúng là hoạt động tìm kiếm thông tin từ báo viết, báo điện tử, đài phát thanh, truyền hình, internet...

 

Phương pháp này có ưu điểm là có thể nắm bắt nhanh chóng các luồng ý kiến của các nhóm đối tượng trong cộng đồng xã hội. Nhờ sự phát triển của CNTT, hiện nay, các phương tiện báo viết, truyền hình, đài phát thanh, internet và các loại hình báo điện tử, mạng xã hội (như facebook, twitter, blog…) đã, đang và sẽ thu hút lượng lớn người truy cập, theo dõi và phản hồi thông tin nhanh chóng. Việc sử dụng các công cụ hỗ trợ tìm kiếm có thể giúp theo dõi tin tức một cách hệ thống, đầy đủ, chi tiết về một sự kiện nhất định và các luồng dư luận xã hội khác nhau về sự kiện đó. Các ý kiến nhận xét, bình luận của bạn đọc từ các trang báo mạng chính thức và phi chính thức đều có thể chứa dựng những luồng dư luận xã hội nhất định.

 

Kết quả nắm dư luận xã hội qua các phương tiện truyền thông đại chúng phụ thuộc vào khả năng chắt lọc thông tin, phân tích, tổng hợp của người thực hiện. Thông tin và các loại ý kiến bình luận thường rất phong phú, đa dạng, đòi hỏi cần có kỹ năng truy cập, tìm kiếm một cách hệ thống, thường xuyên và nghiêm túc. Nếu chỉ “lướt mạng” một cách đại khái, qua loa hoặc không thường xuyên, liên tục và hệ thống, thì kết quả tìm kiếm được sẽ mang tính vụn vặt, phiến diện, cảm tính, chạy theo đám đông, chạy theo tin giật gân, thậm chí là “tin vịt”, hoặc cảm thấy hoang mang, nhiễu loạn, quá tải.

 

Trong phân tích và tổng hợp thông tin dư luận xã hội bằng phương pháp này cần lưu ý:

 - Phân loại, sắp xếp thông tin dư luận: Cần sắp xếp, phân loại thông tin tiếp cận được theo từng nội dung, phạm trù nhất định để xử lý. Ví dụ: (1) Dư luận về các sự kiện, vấn đề chính trị; (2) Dư luận về các sự kiện, vấn đề tôn giáo, dân tộc; (3) Dư luận về các sự kiện, vấn đề môi trường, sinh thái; (4) Dư luận về các vấn đề kinh tế; (5) Dư luận xã hội về các vấn đề quốc tế....

 

- Xác định mức độ phổ biến của thông tin: Cần làm rõ, thông tin xuất  hiện trên nhiều phương tiện truyền thông, hay chỉ một số kênh phản ánh? Thông tin xuất hiện ở nhiều nơi hay mới chỉ ở một địa bàn nào đó?

 

- Xác định tính chất của thông tin: Cần làm rõ thông tin có đúng là dư luận xã hội không hay chỉ là tin đồn? Thông tin khẩn cấp (có thể dẫn đến những hành động xã hội như “phản ứng tập thể”...) hay không khẩn cấp?

 

- Phân tích các căn nguyên nhận thức và xã hội của các luồng dư luận xã hội (có chính đáng không? hay xuất phát từ nhận thức không đúng, thiếu thông tin, lợi ích cá nhân, cục bộ?)

 

2. Nắm bắt dư luận xã hội thông qua thư tín, e-mail, điện thoại

 

Các phương pháp nắm dư luận này có thể được thực hiện bởi các cơ quan, tổ chức, hội đoàn của người Việt Nam ở nước ngoài khi cần nắm bắt nhanh những sự kiện dư luận xã hội đang được đông đảo mọi người quan tâm.

 

- Nắm dư luận xã hội thông qua thư tín: Là hình thức gửi bảng câu hỏi đã soạn sẵn, kèm phong bì đã dán tem đến đối tượng điều tra qua đường bưu điện. Nếu mọi việc trôi chảy, người nhận được thư sẽ trả lời và gửi lại bảng câu hỏi cho cơ quan điều tra cũng qua đường bưu điện. 

 

Phương pháp này được áp dụng khi: (1)Đối tượng điều tra rất khó gặp, do họ ở quá xa, sống quá phân tán, sống ở khu dành riêng rất khó vào, những người rất bận rộn, khó gặp; (2)Vấn đề cần điều tra thuộc loại khó nói, riêng tư; (3)Vấn đề cần lấy ý kiến dư luận liên quan trực tiếp đến lợi ích của đối tượng điều tra

Ưu điểm của phương pháp này là: có thể lấy ý kiến dư luận với số lượng người lớn; có thể đề cập đến nhiều vấn đề riêng tư tế nhị; có thể dùng hình ảnh minh hoạ kèm với bảng câu hỏi; thuận lợi cho người trả lời vì họ có thời gian để suy nghĩ kỹ câu trả lời, họ có thể trả lời vào lúc rảnh rỗi; chi phí thấp, chi phí phát sinh thấp; không có sai số do người phỏng vấn gây ra.

Nhược điểm của phương pháp này là: khó có sự hợp tác từ đối tượng điều tra, tỷ lệ phiếu thu về thường thấp; mất nhiều thời gian chờ đợi thư đi và thư hồi âm; không kiểm soát được người trả lời, người trả lời thư có thể không đúng đối tượng  mà ta nhắm tới; phù hợp bảng câu hỏi lấy ý kiến dư luận với câu hỏi đơn giản, ngắn gọn.

 

Để làm tăng tỷ lệ trả lời thư, có thể áp dụng các biện pháp:

 

 + Thông báo trước cho người được phỏng vấn: có thể dùng bưu ảnh, thư báo ngắn gọn khoảng chừng năm ngày, trước khi gởi bảng câu hỏi. Ghi cụ thể: họ tên người nhận và thông báo mục đích.

 

+ Chuẩn bị kỹ phong bì: có in tên nơi gửi và họ tên địa chỉ người nhận. Trên đó in đậm dòng chữ: Đây là cuộc nghiên cứu chúng tôi đã thông báo với quý vị.

 

+ Chuẩn bị kỹ bức thư: kích thích người nhận thư điền vào bảng câu hỏi và gởi trả lại. Nêu vắn tắt đến mục đích nghiên cứu, tầm quan trọng của đối tượng được hỏi, lợi ích nếu họ tham gia, tính đơn giản của bảng câu hỏi, và thời gian ngắn để trả lời.

+ Hình thức trình bày của bảng câu hỏi: đơn giản, hấp dẫn, dễ đọc, dễ trả lời. Có thể dùng

tranh nhỏ để gây sự thích thú và kích thích trả lời.

 Chuẩn bị phong bì có dán tem trả lời với địa chỉ nơi nhận.

 Theo dõi quá trình hồi đáp: sau 3 đến 5 ngày sau nên có bưu thiếp/thư gởi nhắc nhở. Sau 3 đến 4 tuần sau khi gửi bảng câu hỏi lần 1 gửi một bức thư mới để kêu gọi sự trả lời, kèm theo một bảng câu hỏi và phong bì có dán tem thư trả lời (để dự phòng khi đối tượng bận công tác hay đi nghỉ phép…).

 

- Phương pháp điều tra qua thư điện tử (email): Là hình thức gửi thư điện tử (email) có kèm theo phiếu lấy ý kiến dư luận đến đối tượng cần điều tra.

 

Ưu điểm của phương pháp này: Chi phí thấp; có thể tiếp cận cộng đồng quốc tế; có thể thực hiện cuộc lấy ý kiến trong thời gian ngắn; có thể lấy được ý kiến của nhiều người, nhiều nhóm đối tượng khác nhau; dữ liệu sẵn có ngay sau khi người trả lời điền phiếu, giảm thiểu hoặc không cần nhập liệu nên giảm sai số do nhập liệu.

 

Nhược điểm: Phụ thuộc vào số hộ gia đình có máy tính và truy cập internet; không kiểm soát được người trả lời, người trả lời thư có thể không đúng đối tượng  mà ta nhắm tới; sự khác biệt trong khả năng sử dụng máy tính và thư điện tử của mọi người.

 

Biện pháp làm tăng hiệu quả phỏng vấn qua thư điện tử:

 

 + Sử dụng phiếu điều tra ngắn, thường dùng dưới hình thức thăm dò nhanh dư luận xã hội về sự kiện, hiện tượng, vấn đề xã hội.

 

+ Áp dụng cho các cuộc điều tra, thăm dò dư luận xã hội với các nhóm đối tượng sống ở thành thị, các nhóm nghề nghiệp cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên, doanh nhân.

 

- Phương pháp điều tra qua điện thoại (cố định hoặc di động): Là hình thức lấy ý kiến dư luận trực tiếp bằng cách gọi điện thoại phỏng vấn theo một bảng câu hỏi được soạn sẵn.

 

Ưu điểm: Dễ thiết lập quan hệ với đối tượng (vì trao đổi trực tiếp qua điện thoại); sự trao đổi trực tiếp giữa người phỏng vấn và người trả lời giúp nâng cao được chất lượng phỏng vấn; dễ chọn mẫu (có thể căn cứ trên danh bạ điện thoại, trên danh sách cử tri, danh sách từ các cơ quan, tổ chức, hội đoàn của người Việt Nam ở nước ngoài…); tỷ lệ trả lời cao (có thể lên đến 80%); nhanh và tiết kiệm chi phí; trong quá trình phỏng vấn, có thể giải thích nếu người được hỏi không hiểu câu hỏi.

 

Nhược điểm: Thời gian phỏng vấn bị hạn chế vì người trả lời thường không sẵn lòng nói chuyện lâu qua điện thoại; nhiều khi người cần hỏi từ chối trả lời hay không có ở nhà; không thể trình bày các hình ảnh minh hoạ để thăm dò ý kiến; hạn chế đối với những cuộc lấy ý kiến dư luận có bộ câu hỏi phức tạp.

 

Biện pháp làm tăng hiệu quả phỏng vấn qua điện thoại:

 

+ Sử dụng bảng câu hỏi lấy ý kiến ngắn, thường dùng dưới hình thức thăm dò nhanh dư luận xã hội về sự kiện, hiện tượng, vấn đề xã hội.

 

+ Đào tạo đội ngũ phỏng vấn viên qua điện thoại có kỹ năng thuyết phục đối tượng điều tra và ghi chép thông tin.

 

+ Sử dụng điện thoại có chức năng ghi âm, hoặc nối với máy tính để ghi lại cuộc điện thoại và xử lý thông tin. Người ta còn căn cứ vào ngữ điệu và cường độ âm thanh để đo lường mức độ cảm nhận của đối tượng điều tra.

 

 3. Nắm dư luận xã hội thông qua sinh hoạt, hội họp của các cơ quan, tổ chức, hội đoàn của người Việt Nam ở nước ngoài

 

Nắm dư luận xã hội qua sinh hoạt, hội họp của các cơ quan, tổ chức, hội đoàn của người Việt Nam ở nước ngoài…

 

Ưu điểm của phương pháp này: là có thể nhanh chóng và trực tiếp nắm dư luận của từng nhóm đối tượng sinh hoạt trong cùng một tổ chức.  

 

Hạn chế của phương pháp nắm bắt này: là các tổ chức, hội đoàn của  người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay chưa đủ mạnh, quy mô nhỏ, ít thành viên, tổ chức còn lỏng lẻo, phân tán. Một bộ phận không nhỏ bà con còn phải bươn chải, tập trung kiếm sống, duy trì công việc làm ăn nên ít có điều kiện tham gia vào hoạt động của các tổ chức, hội đoàn.

 

Để nắm dư luận xã hội thông qua hình thức này cần thực hiện tốt quá trình mang tính hai chiều sau:

 

- Tiếp nhận những ý kiến dư luận được phản ánh từ cán bộ, đảng viên, kiều bào trước những vấn đề thời sự nổi lên liên quan đến mọi mặt đời sống  của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

 

- Truyền đạt, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, những thông tin chính thức, chính thống liên quan đến tình hình đất nước, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước với bạn bè quốc tế cũng như những chủ trương, chính sách đối với kiều bào ta ở nước ngoài; đấu tranh khắc phục những quan điểm, tư tưởng, ý kiến lệch lạc, bác bỏ các tin đồn nhảm, các luận điểm phản tuyên truyền, sai trái, xuyên tạc,…cho cán bộ, đảng viên, kiều bào hiểu rõ và tham gia định hướng dư luận, tạo dư luận xã hội đồng thuận, tích cực trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Ths. Từ Thúy Quỳnh Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội – Ban Tuyên giáo Trung ương

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất