Cơ cấu đội
ngũ cán bộ, công chức của cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương hiện nay
tương đối ổn định với tỷ lệ: Nữ 17,3 %; Dân tộc thiểu số 5,35 %; Trình
độ chuyên môn: tiến sĩ 4,5 %; thạc sĩ 32,92 %; đại học 51,44 %; trung
cấp 1,23 %; sơ cấp 9,05 %; Trình độ lý luận chính trị: cao cấp 58,44 %,
cử nhân 16,46 %; trung cấp 6,17 %; Độ tuổi: dưới 40: 25,93 %; từ 41-50:
28,39 %; trên 50: 45,68 %; Ngạch công chức: Kiểm tra viên cao cấp và
tương đương: 37,03 %; Kiểm tra viên chính và tương đương: 33,74 %; Kiểm
tra viên và tương đương: 14,4 %.
Nhìn chung, cán bộ, công chức
của Cơ quan có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, thực hiện nghiêm
Điều lệ Đảng và các quy định, hướng dẫn của Trung ương; kiên định, vững
vàng trước mọi tình huống, có ý thức tổ chức kỷ luật, nói và làm theo
nghị quyết, chỉ thị của Đảng và pháp luật Nhà nước, thực hiện kỷ luật
phát ngôn và chế độ bảo mật theo quy định; thể hiện tính tiên phong,
gương mẫu trong công tác cũng như trong sinh hoạt hằng ngày; phát huy
tinh thần trách nhiệm góp phần quan trọng trong việc hoàn thành nhiệm vụ
của Ủy ban, của Cơ quan được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị,
Ban Bí thư giao. Đội ngũ cán bộ, công chức của Cơ quan có trình độ
chuyên môn, bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp, có phẩm chất chính
trị đạo đức tốt, lối sống giản dị, gần gũi, có uy tín, có phương pháp
công tác phù hợp, hoàn thành tốt nhiệm vụ về công tác kiểm tra, giám sát
và kỷ luật đảng.
Thực hiện các văn bản hướng dẫn của Trung ương,
vào dịp cuối năm và trước khi thực hiện công tác quy hoạch, bố trí và
bổ nhiệm cán bộ, lãnh đạo Cơ quan đã tổ chức đánh giá cán bộ theo quy
định. Việc đánh giá đã cơ bản đúng phẩm chất, năng lực, uy tín của cán
bộ góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ của Cơ quan đáp ứng với yêu cầu của
nhiệm vụ đòi hỏi ngày càng cao. Việc cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo,
hướng dẫn đã tạo điều kiện thuận lợi cho các vụ, đơn vị trong quá trình
tổ chức thực hiện; việc đánh giá, nhận xét, phân loại cán bộ sát với
thực tế, khách quan, đa chiều, phản ánh được chất lượng và tín nhiệm của
cán bộ, công chức, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chủ chốt.
Căn cứ
vào quy định của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, quy định của Cơ quan và
nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ để chọn, cử cán bộ, công chức đi đào
tạo, bồi dưỡng. Khuyến khích cán bộ, công chức tự học nâng cao trình độ
chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học. Do đó, đã
giúp cán bộ, công chức có khả năng tư duy, nhận thức và hành động thích
ứng với tình hình thực tế, có năng lực lãnh đạo, quản lý và thực hiện
tốt nhiệm vụ được giao.
Cơ quan đã phối hợp với Học viện Chính
trị quốc gia Hồ Chí Minh triển khai tổ chức và cử cán bộ Cơ quan tham
gia giảng bài cho các lớp Đại học Kiểm tra và 28 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ
về công tác kiểm tra, giám sát cho gần 4.000 cán bộ trong Ngành và cán
bộ kiểm tra của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Phối hợp với các cơ quan có
liên quan tổ chức các kỳ thi nâng ngạch kiểm tra viên chính và cao cấp
cho 2.230 cán bộ trong Ngành đúng quy định, đảm bảo chất lượng, góp phần
tăng cường đội ngũ cán bộ kiểm tra có chất lượng.
Công tác bổ
nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử Ban Chấp hành Trung ương, Ủy ban Kiểm
tra Trung ương, Quốc hội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được
Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy, Ủy ban và lãnh đạo Cơ quan quan tâm;
phát huy dân chủ đi đôi với đề cao thẩm quyền, trách nhiệm người đứng
đầu trong lựa chọn, giới thiệu nhân sự; về quy trình, thủ tục thẩm định
chặt chẽ theo quy định.
Xác định công tác quy hoạch cán bộ nhằm
chủ động chuẩn bị nguồn cán bộ đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài,
công tác nhân sự Ủy ban Kiểm tra Trung ương các khoá đã được chuẩn bị
đảm bảo số lượng và chất lượng; quy hoạch tạo nguồn cán bộ cấp vụ, cấp
phòng của Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương luôn được quan tâm. Công
tác quy hoạch Ủy ban Kiểm tra Trung ương được tiến hành kỹ, theo đúng
trình tự và từ nhiều nguồn giới thiệu khác nhau kết hợp hài hoà với
nguồn nhân sự trong Cơ quan, trong Ngành. Công tác thẩm tra, xác minh
được thực hiện kỹ lưỡng theo đúng quy định; cán bộ, công chức được tiếp
nhận về Cơ quan công tác phải có kết quả xác minh đủ tiêu chuẩn chính
trị.
Từ năm 2009 đến nay, Cơ quan đã thực hiện quy trình tiếp
nhận đối với 140 cán bộ, công chức. Thủ trưởng Cơ quan đã phối hợp với
Đảng ủy Cơ quan triển khai nghiêm túc Quy định số 57-QĐ/TW của Bộ Chính
trị về “Một số vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ Đảng”, Thông báo Kết luận
số 104-TB/TW ngày 27-9-2012 của Bộ Chính trị “Về chính sách sử dụng và
quản lý cán bộ, đảng viên có vấn đề về lịch sử chính trị”, Quy chế “Công
tác tác bảo vệ chính trị nội bộ Đảng trong Đảng bộ Khối Cơ quan Trung
ương” và các hướng dẫn của Trung ương. Cử lãnh đạo và cán bộ tham gia Tổ
Biên tập sửa đổi, bổ sung Quy định số 57-QĐ/TW, ngày 03-5-2007 của Bộ
Chính trị về "Một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng"; thành lập
Tổ rà soát chính trị nội bộ Cơ quan. Tham mưu với Ban Bí thư cho hưởng
chế độ phụ cấp thâm niên nghề đối với cán bộ làm công tác kiểm tra
chuyên trách của Đảng từ cấp huyện và tương đương trở lên. Phối hợp với
Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nghề
đối với cán bộ làm công tác kiểm tra chuyên trách đảm bảo theo quy
định. Chuyển xếp ngạch kiểm tra đối với cán bộ của Cơ quan và trong
Ngành kịp thời, đúng quy định. Bảo đảm chế độ, chính sách cho cán bộ,
công chức trong Cơ quan.
Thủ trưởng Cơ quan đã ban hành Quy định
về tiêu chuẩn, chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc Cơ quan; Quy chế công
tác cán bộ, công chức của Cơ quan, theo đó cán bộ, công chức dự kiến bổ
nhiệm phải trình bày chương trình hành động của bản thân nếu được bổ
nhiệm trước Lãnh đạo Cơ quan, qua đó Lãnh đạo Cơ quan có thêm căn cứ để
đánh giá về cán bộ. Lãnh đạo Cơ quan, người đứng đầu các vụ, đơn vị đã
cùng với tập thể lãnh đạo đào tạo, bồi dưỡng người kế nhiệm.
Tuy
nhiên, số lượng cán bộ, công chức làm công tác tổ chức, cán bộ của Cơ
quan không nhiều lại biến động do đó đã ảnh hưởng đến chất lượng công
tác tham mưu. Hiện nay, tất cả các ngạch công chức kiểm tra Đảng
(04.023A; 04.024A; 04.025A) và cán bộ giữ các chức danh lãnh đạo, quản
lý đều bồi dưỡng cùng một chương trình, nội dung về kiến thức nghiệp vụ
kiểm tra nên hiệu quả mang lại chưa cao. Hoạt động phối hợp với Học viện
Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ
kiểm tra còn gặp những khó khăn, bất cập. Việc sửa đổi, bổ sung một số
quy định về công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ còn chưa kịp thời. Bổ
nhiệm cán bộ, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng chất lượng cán bộ chưa
đồng đều, số lượng cán bộ chưa cân đối giữa các vụ, đơn vị; cá biệt có
trường hợp sau bổ nhiệm chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ. Thực
hiện xây dựng đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức chưa đạt
theo kế hoạch đã đề ra. Hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn
nghiệp vụ chưa cao; trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực công tác của
một số cán bộ, công chức còn có mặt hạn chế.
Trong thời gian
tới, mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Cơ quan đủ về số lượng,
bảo đảm về chất lượng, có khả năng thích ứng cao với yêu cầu, nhiệm vụ ở
từng thời điểm, từng giai đoạn, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính
trị theo chức năng, nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu thời kỳ hội nhập
sâu rộng và phát triển đất nước đến năm 2030. Do vậy, cần quán triệt
những quan điểm sau:
- Gắn việc đổi mới phương thức lãnh đạo của
Đảng với đổi mới đội ngũ cán bộ, công chức một cách căn bản, đồng bộ,
hiệu quả, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Cơ quan Ủy ban
Kiểm tra Trung ương đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ
đáp ứng yêu cầu thời kỳ hội nhập sâu rộng và phát triển đất nước đến
năm 2030.
- Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý
đội ngũ cán bộ, trong đó có đội ngũ cán bộ, công chức Cơ quan Ủy ban
Kiểm tra Trung ương, đi đôi với phát huy trách nhiệm của các tổ chức và
người đứng đầu tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác cán bộ.
-
Đổi mới phải dựa trên sự kế thừa có lựa chọn các giá trị xây dựng đội
ngũ cán bộ, công chức Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương đạt được trước
đây đồng thời, tiếp thu những kết quả tổng kết thực tiễn trong công tác
xây dựng Đảng nói chung và công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức
Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói riêng.
- Đổi mới phải bảo
đảm sự ổn định và phát triển của đội ngũ cán bộ, công chức Cơ quan, có
tác động tích cực và là căn cứ để đổi mới đội ngũ cán bộ các cơ quan
Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội.
- Gắn việc xây
dựng đội ngũ cán bộ, công chức Cơ quan với công tác xây dựng, chỉnh đốn
Đảng và học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thực
chất, hiệu quả. Phải dựa vào Nhân dân để phát hiện, kiểm tra, giám sát
cán bộ, công chức Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Trên cơ sở đó, cần quan tâm những giải pháp chủ yếu sau:
Một là, xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển cán bộ, công chức.
Đánh giá thực trạng, rà soát cán bộ, công chức, phát hiện những bất cập
trong bố trí, sử dụng. Xác định các vấn đề cần ưu tiên, xây dựng quy
hoạch tổng thể phát triển cán bộ, công chức, trong đó cần xác định rõ
mục tiêu cần đạt, lộ trình thực hiện và điều kiện, nguồn lực đảm bảo
việc thực hiện.
Hai là, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển cán bộ, công chức.
Xây dựng kế hoạch và lộ trình tuyển dụng cán bộ, công chức thực hiện
theo Đề án vị trí việc làm. Tăng ưu tiên đầu tư từ ngân sách nhà nước
cho phát triển nguồn cán bộ, công chức. Điều chỉnh, sửa đổi và ban hành
bổ sung các chính sách ưu đãi trong đào tạo, đãi ngộ, sử dụng dành cho
cán bộ, công chức phù hợp với thực tiễn và với đặc thù công tác. Đổi mới
các thức luân chuyển cán bộ. Xác định rõ luân chuyển cán bộ là để đào
tạo thực tế cho đội ngũ cán bộ đương chức, không thuần tuý để đề bạt
chức vụ cao hơn, luân chuyển để nghiên cứu, rèn luyện thực tế.
Ba là, nhóm giải pháp đổi mới tuyển chọn cán bộ, công chức.
Đổi mới công tác tuyển chọn cán bộ, công chức Cơ quan Ủy ban Kiểm tra
Trung ương nhưng phải bảo đảm và giữ vững sự lãnh đạo của Đảng đối với
công tác cán bộ. Đổi mới cách tuyển chọn phải nhằm thu hút được những
người có đức, có tài gắn với tiêu chuẩn của từng chức danh cán bộ, công
chức cụ thể. Tuyển chọn theo quy định về vị trí việc làm. Việc tuyển
chọn cán bộ, công chức trong Cơ quan phải gắn trách nhiệm và thẩm quyền
của người đứng đầu cơ quan, tổ chức; bảo đảm nguyên tắc đúng người, đúng
việc, dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch và cạnh tranh; bảo đảm
tính kế thừa, ổn định và khắc phục những hạn chế trong các bước của quy
trình tuyển chọn cán bộ, công chức hiện nay./.
TS. Trần Duy Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu,
Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Nguồn: TCCS