Ngày 22/9, tại Thái Bình, Ban Công tác đại biểu (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Thái Bình tổ chức Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Bắc Bộ lần thứ 5, nhiệm kỳ 2016 - 2021, với chủ đề "Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND cấp tỉnh”.
Tại Hội nghị, Thường trực HĐND 11 tỉnh, thành phố trong khu vực, gồm Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Quảng Ninh, Nam Định, Hải Phòng, Hà Nam, Thái Bình đã tập trung trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND cấp tỉnh, thành phố, về các vấn đề thực thi pháp luật, thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh, thành phố trong lĩnh vực kinh tế - ngân sách, lĩnh vực văn hóa - xã hội, lĩnh vực nội chính; thực hiện trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh, thành phố; giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết kiến nghị của cử tri...
Phát biểu tổng kết và bế mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên cho biết các đại biểu dự hội nghị thống nhất, giám sát có vai trò rất quan trọng trong hoạt động của HĐND, là một trong hai chức năng cơ bản của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương. Việc tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND là nhằm phát huy tốt hơn vai trò của cơ quan đại diện cho nhân dân, bảo đảm quyền lực nhà nước thực sự thuộc về nhân dân, giúp HĐND thực hiện tốt hơn chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương và giải quyết những vấn đề cử tri quan tâm, góp phần tích cực trong việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Thời gian qua, Thường trực và các Ban của HĐND các cấp nói chung, HĐND cấp tỉnh nói riêng đã có nhiều đổi mới, chú trọng giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của HĐND và giám sát thực hiện các nội dung chất vấn, giải quyết kiến nghị của cử tri. Tuy nhiên, hoạt động giám sát của HĐND còn bộc lộ một số hạn chế trong việc lựa chọn đối tượng, nội dung, thành phần đoàn giám sát, phương pháp tổ chức giám sát; hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát...
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND cấp tỉnh, hội nghị đã thảo luận và thống nhất cần tập trung thực hiện có hiệu quả 5 nội dung vấn đề trọng tâm. Trong đó, trước tiên chú trọng nâng cao chất lượng công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng giám sát cho đại biểu HĐND, tạo điều kiện cho các đại biểu được cập nhật các chủ trương, chính sách, nhất là những chính sách mới, gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm hay, cách làm tốt, góp phần nâng cao năng lực, chất lượng và hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND; đổi mới nội dung và phương pháp giám sát theo hướng thiết thực, cụ thể, nhất là việc lập bảng hỏi, phiếu điều tra dư luận xã hội, chất vấn người đứng đầu các cơ quan, tổ chức tại kỳ họp; tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu và phê chuẩn.
Khi giám sát chuyên đề cần tập trung vào những vấn đề bức xúc, nổi cộm được dư luận xã hội và cử tri quan tâm, đồng thời, phải chọn đúng đối tượng, phương pháp, thời điểm giám sát và triển khai thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc. Báo cáo kết luận giám sát phải bảo đảm trung thực, khách quan, những kiến nghị phải cụ thể và khả thi, tránh kết luận, kiến nghị chung chung gây khó khăn cho việc thực hiện. Việc thành lập đoàn giám sát phải bảo đảm bao gồm các đại biểu có năng lực, chuyên môn vững vàng làm nòng cốt, đồng thời, huy động và mời những chuyên gia có trình độ, chuyên môn phù hợp để xem xét, đánh giá khách quan, toàn diện các nội dung giám sát, nhất là các cuộc giám sát chuyên đề, có tính chuyên môn sâu hoặc phạm vi giám sát rộng...
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm ban hành các văn bản hướng dẫn cần thiết để thi hành hiệu quả Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Ban hành Quy chế hoạt động của HĐND các cấp, trong đó cần quy định thống nhất, cụ thể hơn về quy trình, phương thức tổ chức hoạt động chất vấn giữa hai kỳ họp, phiên giải trình của Thường trực HĐND.
Cơ quan chức năng nghiên cứu, bổ sung các chế tài mạnh hơn trong tổ chức thực hiện hoạt động giám sát để nâng cao trách nhiệm của chủ thể giám sát và các đối tượng chịu sự giám sát; chỉ đạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, bảo đảm phù hợp với thực tiễn, nhất là quy định về giảm hợp lý số lượng đại biểu HĐND kiêm nhiệm, tăng số lượng đại biểu chuyên trách, về tổ chức Văn phòng tham mưu, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII.
Đồng thời đề nghị Ban Công tác đại biểu tiếp tục tổ chức các cuộc hội thảo, các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên đề về kỹ năng hoạt động giám sát nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng giám sát cho đại biểu HĐND các cấp.
Tại hội nghị, Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương đã nhận Cờ đăng cai tổ chức hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Bắc Bộ lần thứ 6, nhiệm kỳ 2016-2021.
TTX