Thứ Tư, 27/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Tư, 2/12/2015 15:15'(GMT+7)

Nâng cao chất lượng nhân lực để hội nhập Cộng đồng ASEAN

Sản xuất linh kiện điện tử. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Sản xuất linh kiện điện tử. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Áp lực cạnh tranh lớn hơn

Theo dự báo mới đây của Tổ chức Lao động Quốc tế và Ngân hàng Phát triển châu Á, khi tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN, số việc làm của Việt Nam sẽ tăng thêm 6 triệu vào năm 2025. Trong số này, các ngành có nhiều cơ hội gia tăng việc làm mạnh mẽ nhất gồm sản xuất lúa gạo, xây dựng, vận tải, dệt may và chế biến lương thực.

Đánh giá về những thách thức của lao động Việt Nam khi Cộng đồng ASEAN được hình thành, trong báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tại phiên giải trình về Cộng đồng ASEAN do Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tổ chức cho thấy, sự “tự do” này vừa là cơ hội cho thị trường lao động Việt Nam, đồng thời cũng là thách thức không nhỏ khi một lượng lớn lao động từ các nước thuộc Cộng đồng kinh tế ASEAN vào Việt Nam sẽ tạo nên cuộc cạnh tranh với lao động trong nước.

Chất lượng nguồn nhân lực thấp, ứng với trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp, thiếu nguồn nhân lực có tay nghề cao, trong khi cơ hội việc làm khi gia nhập ASEAN chỉ đến với những lao động có kỹ năng và tay nghề. Do vậy, những lao động giản đơn không thể tiếp cận việc làm. Ngoài ra, khi tham gia hội nhập, ngoài việc có kỹ năng nghề nghiệp giỏi, người lao động còn cần có ngoại ngữ và các kỹ năng mềm khác để có cơ hội tham gia làm việc tại các quốc gia thuộc Cộng đồng ASEAN. Nếu người lao động Việt Nam không ý thức được điều này thì sẽ thua ngay trên “sân nhà," bởi khó cạnh tranh về trình độ tay nghề, chuyên môn với nhiều quốc gia trong ASEAN. Để thích ứng với hoàn cảnh mới, người lao động phải học hỏi, cập nhật kỹ năng mới.

Cộng đồng ASEAN được hình thành sẽ tạo áp lực lớn cho thị trường lao động Việt Nam như vấn đề quản lý lao động nước ngoài, vấn đề tiếp cận với thông tin thị trường lao động nước ngoài do hạn chế tiếng Anh. Việt Nam sẽ tiếp nhận nhiều lao động chất lượng cao từ các nước bạn tới làm việc, trong khi đó trình độ lao động Việt Nam thấp, làm việc chủ yếu ở khu vực phi chính thức, với gần một nửa số lao động Việt Nam đang làm việc trong ngành nông nghiệp, lĩnh vực có năng suất lao động, thu nhập ở mức thấp so với nhiều nền kinh tế khác trong ASEAN. Điều đó cho thấy cạnh tranh trực tiếp giữa lao động Việt Nam và lao động các nước sẽ diễn ra rất quyết liệt.

Ngoài ra hệ thống thông tin của thị trường lao động Việt Nam hiện nay còn nhiều yếu kém và hạn chế như bị chia cắt giữa các vùng, miền; khả năng bao quát, thu nhập và cung ứng thông tin chưa đáp ứng được nhu cầu các đối tác trên thị trường lao động, đặc biệt là người sử dụng lao động và người lao động. Hệ thống chỉ tiêu về thị trường lao động tuy đã ban hành nhưng chưa hoàn thiện, chưa đầy đủ, thiếu thống nhất và khó so sánh quốc tế. Vì vậy, chưa đánh giá được hiện trạng của cung-cầu lao động, các “nút thắt” về nhu cầu nhân lực trong nước. Ngoài ra, còn thiếu mô hình dự báo thị trường lao động tin cậy và nhất quán, thiếu đội ngũ cán bộ, chuyên gia làm công tác thống kê, phân tích, dự báo.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh cần tăng cường tuyên truyền về ASEAN và một số chương trình hợp tác quốc tế để dân chúng, người lao động, các doanh nghiệp nhận thức đúng tầm quan trọng, sự cần thiết phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh mới, chuẩn bị sẵn sàng cho hội nhập.

Việt Nam cần tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo hướng tăng khả năng thực hành và các kỹ năng nghề nghiệp cho người học, ưu tiên đào tạo nghề và định hướng nghề nghiệp, tăng cường khả năng sử dụng kỹ năng mềm như giao tiếp, ngoại ngữ, lập kế hoạch. Từng chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương, vùng, ngành phải thực sự coi đầu tư đào tạo nghề nghiệp là đầu tư cho phát triển, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo đặc biệt trong nội khối ASEAN.

Đối với việc tăng cường quản lý lao động sau năm 2015, cần xuất phát từ quan điểm bảo vệ vị trí việc làm trong nước đối với các công việc mà lao động Việt Nam có thể đáp ứng được và chỉ tuyển lao động nước ngoài đối với vị trí công việc mà lao động Việt Nam chưa đáp ứng được. Việt Nam sẽ cần xây dựng nhiều văn bản pháp luật và các văn bản hướng dẫn việc dịch chuyển lao động giữa các quốc gia; nghiên cứu và xây dựng một hệ thống văn bản pháp luật thống nhất để điều chỉnh các đối tượng thay vì hướng dẫn từng trường hợp riêng biệt.

Đối với việc đàm phán các hiệp định hợp tác liên quan đến việc dịch chuyển lao động giữa Việt Nam và các quốc gia khác, Việt Nam cần được tham gia là các thành viên đàm phán ngay từ quá trình chuẩn bị, dự thảo hiệp định để đảm bảo quyền lợi của Việt Nam dưới góc nhìn của cơ quan chuyên môn và chủ động trong quá trình tham mưu, đề xuất Chính phủ giải quyết các vấn đề phát sinh trong đàm phán thay vì việc thực hiện các hiệp định sau khi đã được ký kết như hiện nay.

Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động sẽ giúp các cơ sở giáo dục và đào tạo có thể đáp ứng nhu cầu về kỹ năng hiện tại và tương lai của các doanh nghiệp và các ngành kinh tế. Mở rộng bao phủ các chương trình bảo hiểm thất nghiệp quốc gia, việc hội nhập sẽ góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế tạo ra nhu cầu mới cho một số ngành nghề trong khi giảm nhu cầu đối với một số ngành nghề khác.

Trong khối ASEAN cần tăng cường hợp tác về các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với lao động di cư thông qua các thỏa thuận công nhận tham gia và hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giữa các quốc gia ASEAN./.

TTXVN


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất