Ngày 25-1, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Khu di tích Phủ Chủ tịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “50 năm tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân - Giá trị lý luận và thực tiễn đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay”.
Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm 50 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, góp phần nghiên cứu, học tập và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa, giá trị quan trọng của tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh đối với công tác xây dựng Đảng và công tác cán bộ hiện nay.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đã tới dự và phát biểu đề dẫn tại Hội thảo khoa học.
Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, suốt cuộc đời Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Trong bản Di chúc thiêng liêng để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, Người vẫn đau đáu dặn dò: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng.”
Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân là bài báo cuối cùng về công tác xây dựng Đảng Chủ tịch Hồ Chí Minh viết nhân dịp kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng (3-2-1969). Đúc kết tư tưởng của Người về đạo đức cách mạng, dù năm 50 đã qua, tác phẩm: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” đến nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục đi vào cuộc sống và trở thành tư tưởng chỉ đạo đối với công tác xây dựng Đảng; là phương châm hành động, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên hôm nay.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học và các quý vị đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ các nội dung:
Thứ nhất, mỗi cán bộ đảng viên phải là tấm gương thực hành đạo đức cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Trong công tác cán bộ, đạo đức cách mạng là yếu tố quan trọng hàng đầu, bởi: “cũng như sông thì phải có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân.”
Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải nỗ lực phấn đấu, nâng cao phẩm chất, năng lực lãnh đạo và thực hành đạo đức cách mạng, để xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân.
Với tư cách là người lãnh đạo, cán bộ phải có năng lực thực sự, vừa giỏi về chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ, vừa có trình độ tổ chức, tập hợp quần chúng, giỏi quản lý và điều hành. Người cán bộ phải tận tâm, tận lực thực thi nhiệm vụ được giao, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, vì mục tiêu cao cả là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Mỗi đảng viên phải chăm lo tu dưỡng đạo đức cá nhân, đồng thời hết sức chú trọng công tác xây dựng Đảng, để Đảng ta trở thành “một đảng to lớn, mạnh mẽ, chắc chắn, trong sạch, cách mạng triệt để”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, trong điều kiện Đảng cầm quyền, phải hết sức đề phòng nguy cơ thoái hoá biến chất. Mỗi cán bộ đảng viên phải ra sức nâng cao trí tuệ cho ngang tầm nhiệm vụ lịch sử, đồng thời phải trau dồi đạo đức cách mạng, không ngừng tăng cường mối quan hệ máu thịt với nhân dân; luôn có ý thức rèn luyện để trở thành người cán bộ tốt. Người nói: “Người đảng viên, cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ ngày càng ít, mà những tính tốt như sau, ngày càng thêm. Nói tóm tắt, tính tốt ấy gồm có năm điều: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm.”
Thứ hai, muốn nâng cao đạo đức cách mạng, phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân.
Nguyên nhân làm suy thoái đạo đức của cán bộ đảng viên, đều bắt nguồn từ “căn bệnh cá nhân chủ nghĩa”. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “...còn có một số ít cán bộ, đảng viên mà đạo đức, phẩm chất còn thấp kém. Họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”.
Chủ nghĩa cá nhân là nguồn gốc dẫn đến nhiều sai lầm, khuyết điểm. Nó khiến cho con người ta ngại gian khổ, khó khăn; sa vào tham ô, hủ hoá, lãng phí, xa hoa; tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành; tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền; xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh; thiếu tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ. Chủ nghĩa cá nhân còn gây ra tình trạng mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, thiếu tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, phương hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân.
Thứ ba, cán bộ, đảng viên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện để nâng cao đạo đức cách mạng.
Nhận diện và chỉ ra những tác hại của chủ nghĩa cá nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cảnh báo, trong điều kiện Đảng cầm quyền, chủ nghĩa cá nhân ngày càng có những biểu hiện tinh vi, phức tạp, do đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên, liên tục tu dưỡng đạo đức, nâng cao cảnh giác, quét sạch mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Với tầm nhìn xa, Người đã căn dặn: "Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân".
Đối với Đảng, Người nhấn mạnh: “Để làm cho tất cả cán bộ đảng viên xứng đáng là những chiến sĩ cách mạng, Đảng ta phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên. Phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng. Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc. Kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh. Công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ”.
Đối với cán bộ, đảng viên, Người yêu cầu: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng".
Đối với đội ngũ cán bộ công chức, Người thường xuyên nhắc nhở: “Những người trong công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”.
Thứ tư, phát huy ý nghĩa, giá trị của tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân trong giáo dục, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên, đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân của Chủ tịch Hồ Chí Minh dù ngắn gọn, chỉ chưa đầy 700 chữ, nhưng đã đề cập đến những vấn đề cơ bản nhất trong công tác xây dựng Đảng – đó là giáo dục, rèn luyện tu dưỡng đạo đức của cán bộ, đảng viên, để xây dựng Đảng ta “là đạo đức, là văn minh”.
Trong thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương khoá XII đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết quan trọng, như: Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" trong nội bộ; Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 7 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Quy định 08 của Ban chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương. Và sắp tới đây, Bộ Chính trị sẽ ban hành Quy định về kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền; Ban Bí thư sẽ ban hành Chỉ thị về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng, v.v.
Có thể khẳng định, từ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là công tác cán bộ của Đảng hiện nay, chúng ta càng thấy rõ các chỉ dẫn về xây dựng đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị và có tính thời sự sâu sắc.
Mỗi cán bộ, đảng viên bằng hành động của mình, trên mỗi vị trí, việc làm, cần nêu gương về đạo đức, nghiêm túc chấp hành kỷ luật của Đảng, kiên quyết chống lại mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, nâng cao ý thức giữ gìn đoàn kết trong Đảng, xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh.
Thu Hằng