Chủ Nhật, 6/10/2024
Đời sống
Thứ Tư, 29/4/2015 15:9'(GMT+7)

Nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên

Sau 40 năm giải phóng, nhất là sau gần 30 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước đã tập trung chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội toàn diện và bảo vệ vững chắc an ninh chính trị vùng Tây Nguyên. Các Bộ, ngành Trung ương, các cấp ủy, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên cũng đã chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiều chương trình, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đã đạt được những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Đặc biệt, trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay không còn tình trạng đói cơm, nhạt muối, ốm đau, bệnh tật triền miên như trước năm 1975.

 Các chương trình, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước trong những năm qua, đã tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc nhất của vùng dân tộc, miền núi nói chung và đồng bào dân tộc Tây Nguyên nói riêng, tạo đà cho khu vực Tây Nguyên phát triển, như: đầu tư cơ sở hạ tầng các xã, thôn, buôn, bon, làng đặc biệt khó khăn (Chương trình 135), chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn (Quyết định 132, 134, 159, 1592 của Thủ tướng Chính phủ), chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở (Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ), chính sách đầu tư hỗ trợ định canh định cư, chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững 62 huyện nghèo, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn, chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất,…

Anh Y Hiền Niê ở buôn Adơng Điết, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk (Đắk Lắk) hồ hởi cho biết, gia đình anh cũng như hàng trăm hộ đồng bào vùng sâu Adơng Điết, trước ngày giải phóng sống du canh du cư, đói cơm, nhạt muối quanh năm. Sau ngày giải phóng đến nay, được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước đưa đồng bào vào định canh, định cư, cấp đất sản xuất, đất ở hướng dẫn thâm canh cây trồng nên đời sống của đồng bào ngày càng có của ăn, của để. Riêng gia đình anh Y Hiền Niê đã chuyển trên 4 ha lúa rẫy sang trồng cà phê, hồ tiêu nên mỗi năm đã có thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên.

 Còn ở buôn Croá, xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk), theo già làng Ama Ngâm, trước đây nghèo lắm. Cái nghèo mà già làng Ma Ngâm ví như cơn lốc cuốn qua làm cho hơn 180 hộ đồng bào dân tộc Êđê ở đây quanh năm làm quần quật nhưng không đủ cái ăn, cái mặc, nhà cửa trống huơ trống hoác, con cái không được học hành… Khi Công ty TNHH MTV cà phê Thắng Lợi liên kết với buôn, thật sự trở thành “bà đỡ” đã giúp đồng bào đổi đời. Công ty đã đưa cán bộ kỹ thuật về khảo sát, quy hoạch, hướng dẫn đồng bào kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch; đồng thời, đầu tư phân bón, nước tưới, bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường. Hiện nay, ngoài 130 ha cà phê liên kết với Công ty, các hộ gia đình đồng bào Êđê ở buôn Cróa còn tận dụng đất vườn, đất nương rẫy làm thêm cà phê; bình quân mỗi hộ có từ 1 ha cà phê, tiêu trở lên. Đặc biệt, vườn cà phê ở đây được trồng xen các loại cây ăn quả như sầu riêng cơm vàng hạt lép, tiêu, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao trên từng đơn vị diện tích nên đời sống của đồng bào không ngừng được nâng cao, buôn không còn hộ đói, nghèo, tỷ lệ hộ giàu ngày càng tăng. Buôn Cróa đã được công nhận là buôn văn hóa….

Theo ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, toàn vùng Tây Nguyên đã xây dựng trên 12.277 km đường giao thông nông thôn phục vụ tốt cho sản xuất , lưu thông hàng hóa và đi lại của nhân dân; trong đó, 100% xã có đường xe ô tô về đến trung tâm xã. Các tỉnh Tây Nguyên cũng đã đầu tư xây dựng trên 2.260 công trình thủy lợi, với gần 5.000 km kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho người dân, 100% số xã có điện lưới quốc gia, 70,75% số hộ được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục, điều kiện chăm sóc sức khỏe, mức thụ hưởng về văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được cải thiện... Công tác xóa đói giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm được các địa phương vùng Tây Nguyên triển khai liên tục, rộng khắp và bằng nhiều giải pháp có hiệu quả…

Trong thời gian tới, các tỉnh Tây Nguyên đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng chính sách về dân tộc, miền núi nói chung, Tây Nguyên nói riêng mang tính tập trung, có nhiều nội dung, giải quyết nhiều mục tiêu với nguồn lực đủ mạnh cho từng vùng, không nên dàn trải, giảm bớt các đầu mối quản lý, tránh tình trạng có nhiều cơ chế, chính sách chồng chéo như hiện nay. Nhất là ưu tiên giải quyết đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt, đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; thực hiện chính sách giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân tộc thiểu số quản lý để phát triển trồng, chăm sóc, bảo vệ và khai thác rừng hiệu quả; hỗ trợ phát triển sản xuất (kỹ thuật và vốn) các sản phẩm nông nghiệp, kết nối thị trường tiêu thụ; hỗ trợ đầu tư, nâng cấp và xây dựng mới hồ chứa, công trình thủy lợi, hỗ trợ khai hoang mở rộng diện tích đất sản xuất để góp phần nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng Tây Nguyên…/.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất