Việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc nói chung và nhất là bảo vệ biên- đảo trong bối cảnh tranh chấp phức tạp về chủ quyền biển đảo ở khu vực biển Đông hiện nay lại ngày càng trở nên bức thiết. Trong đó, tuyên truyền, giáo dục cho các tầng lớp nhân dân và đặc biệt là thế hệ trẻ về ý thức, trách nhiệm bảo vệ gìn giữ chủ quyền biển đảo càng trở nên cấp thiết cả về trước mắt và lâu dài.
Vì sao lại coi trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biển- đảo đối với thế hệ trẻ- thanh niên và học sinh trung học phổ thông? Vì đây là chủ nhân tương lai của đất nước. Họ cần phải được trang bị kiến thức khoa học, lịch sử, thực tiễn, cơ sở pháp lý và tầm quan trọng, ý nghĩa kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng của biển- hải đảo…Từ đó họ sống, hành động và luôn có khát vọng cháy bỏng trong việc gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Đặc biệt, đối với học sinh trung học phổ thông (HSTHPT) là lực lượng trẻ, nhiệt huyết, có kiến thức, đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ về thể chất và nhân cách. Thế hệ HSTHPT ngày nay lớn lên không phải chứng kiến sự tàn khốc, hủy diệt, những hy sinh, mất mát của chiến tranh mà chỉ biết qua phim ảnh, sách báo và các môn học xã hội ở các bậc học phổ thông. Vì vậy, nếu HSTHPT ngày nay không có vốn hiểu biết cần thiết về biển đảo, về chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc thì rất dễ nảy sinh thái độ thờ ơ với thời cuộc, đồng thời, không thể bồi đắp được những phẩm chất cần có của người công dân tương lai.
Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của công tác tuyên truyền biển đảo cho HSTHPT, trong những năm qua, tỉnh Hưng Yên đã tiến hành nhiều hoạt động hướng về biển đảo. Tỉnh đoàn Hưng Yên đã phát động nhiều phong trào, cuộc thi về biển đảo: “Viết thư gửi chiến sĩ Trường Sa”, tổ chức đồng loạt “Ngày hội tuổi trẻ Hưng Yên vì biển đảo quê hương” trong cùng một thời điểm tại 100% cơ sở Đoàn trên địa bàn tỉnh. Hưởng ứng cuộc vận động “Nghĩa tình biên giới hải đảo”, chương trình “Vì các chiến sỹ nơi biên giới, hải đảo” các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh đã vận động cán bộ, đoàn viên quyên góp, xây dựng quỹ với tổng số tiền 101,5 triệu đồng; tổ chức 193 buổi tuyên truyền về biển đảo thu hút 70.328 lượt đoàn viên tham gia; tổ chức cho 27.438 lượt đoàn viên viết thư thăm hỏi chiến sỹ Trường Sa...
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, hiệu quả tuyên truyền biển đảo cho HSTHPT vẫn chưa tương xứng với mục đích đề ra và đòi hỏi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Nhận thức và chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền về tuyên truyền biển đảo cho HSTHPT còn hạn chế, thể hiện ở: chất lượng, hiệu quả tuyên truyền chưa cao; nội dung cũng như cách thức tuyên truyền còn nặng nề, chưa thật hấp dẫn, đa dạng; việc triển khai hoạt động tuyên truyền biển đảo cho học sinh ở các địa phương trong tỉnh chưa thường xuyên, liên tục; đội ngũ cán bộ chuyên trách về tuyên truyền biển đảo còn thiếu và hoạt động chưa hiệu quả; sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan, ban, ngành và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tuyên truyền biển đảo tuy đã có nhưng chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra….
Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền biển đảo cho học sinh trung học phổ thông ở Hưng Yên, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chủ thể tuyên truyền biển đảo cho HSTHPT
Đây là một trong những giải pháp căn bản nhằm tạo ra những hiểu biết toàn diện về tuyên truyền biển đảo, đồng thời, đây cũng là giải pháp nhằm phát huy tính chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tuyên truyền biển đảo. Bởi vì, trong bất cứ lĩnh vực nào, một hành động được coi là tự giác khi chủ thể nhận thức đúng đắn mục đích, vị trí, vai trò và quy trình của hành động đó và nếu chủ thể không có nhận thức đúng thì rất dễ xảy ra hiện tượng qua loa, hời hợt, không mang lại hiệu quả cao và gây lãng phí nguồn lực.
Vì vậy, để nâng cao nhận thức của chủ thể, đòi hỏi chủ thể phải nắm chắc các tri thức cả về lí luận và thực tiễn thì mới có thể đánh giá một cách đầy đủ, đúng đắn, đề ra được các biện pháp phát huy những tác động tích cực và hạn chế tác động tiêu cực đến hiệu quả tuyên truyền biển đảo cho HSTHPT. Bên cạnh việc trang bị nhận thức đúng về hiệu quả, còn đòi hỏi chủ thể phải đấu tranh khắc phục bệnh hình thức trong tuyên truyền: làm đối phó, qua loa, hời hợt, chiếu lệ.
Hai là, phân định rõ trách nhiệm của từng thành phần chủ thể tham gia tuyên truyền biển đảo cho HSTHPT
Giải pháp này nhằm phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm của từng chủ thể một cách tự giác, tích cực, việc phân định này còn là giải pháp có ý nghĩa về mặt kinh tế vì nó không đòi hỏi nhiều thời gian, công sức mà nhanh chóng mang lại hiệu quả cho hoạt động tuyên truyền. Bởi khi đã phân định rõ trách nhiệm của từng chủ thể, thì từng chủ thể sẽ biết mình phải làm gì, phối hợp với ai để tiến hành hoạt động tuyên truyền biển đảo. Trong đó, Ban Tuyên giáo các cấp là chủ thể có vai trò quan trọng trong việc định hướng, chỉ đạo và kiểm tra hoạt động tuyên truyền biển đảo. Đoàn thanh niên, với chức năng, nhiệm vụ của mình, rất phù hợp trong việc đưa ra những hình thức, phương pháp tuyên truyền biển đảo phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí của HSTHPT như: các phong trào, cuộc thi về biển đảo, chương trình văn nghệ về biển đảo...
Sở Giáo dục và đào tạo có nhiệm vụ phối hợp với các chủ thể khác như: Ban Tuyên giáo, Đoàn thanh niên... để hướng dẫn, tổ chức các buổi tuyên truyền, cuộc thi, phong trào liên quan đến biển đảo. Các trường trung học phổ thông có nhiệm vụ xây dựng chương trình đào tạo, kế hoạch học tập và chủ trì tổ chức các hoạt động tuyên truyền biển đảo chính khóa và ngoại khóa trong phạm vi nhà trường. Các phương tiện thông tin đại chúng như: đài phát thanh – truyền hình, báo chí... có vai trò trong việc đưa các tin, bài, các ấn phẩm văn hóa tuyên truyền về biển đảo để thu hút HSTHPT.
Ba là, chủ thể tuyên truyền biển đảo cần nắm vững các đặc điểm của đối tượng tuyên truyền
Trong các giải pháp để nâng cao hiệu quả tuyên truyền biển đảo cho HSTHPT, thì giải pháp này sẽ phát huy được vai trò tích cực, tự giác của đối tượng. Đây là giải pháp xây dựng tình cảm về biển đảo cho học sinh, hình thành ở họ hệ thống kiến thức về biển đảo, giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc. Đây là giải pháp rất phù hợp với xu thế tuyên truyền hiện nay, vì nó xuất phát từ việc tìm hiểu kĩ càng các đặc điểm của đối tượng về: thể chất, tâm sinh lí, tâm tư, nguyện vọng... để mà đề ra cách thức tuyên truyền phù hợp.
Hiện nay, trong công tác tuyên truyền nói chung và tuyên truyền biển đảo nói riêng, chúng ta chỉ cố gắng truyền đạt những gì mình có mà không quan tâm xem đối tượng cần gì để thỏa mãn nhu cầu hiểu biết và xây dựng niềm tin của họ, cho nên, hiệu quả của tuyên truyền biển đảo cho HSTHPT thường không cao, bởi vì, chủ thể không để ý, hay đúng hơn là không tiếp cận tìm hiểu những đặc điểm của đối tượng, những nhu cầu của đối tượng và lợi ích mà đối tượng có được sau khi được tuyên truyền biển đảo. Do vậy, một trong những yêu cầu bức thiết, đó là đòi hỏi nâng cao nhận thức của chủ thể về nhu cầu và lợi ích chính trị – xã hội của học sinh. Để làm được điều đó, cần phải mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về tâm lí học sinh cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền biển đảo. Có như vậy, thì mới nắm bắt được nhu cầu của đối tượng, từ đó đưa ra các cách thức tuyên truyền phù hợp để nâng cao hiệu quả tuyên truyền biển đảo.
Bốn là, cần đa dạng hóa các hình thức, phương pháp tuyên truyền biển đảo
Trong quá trình tuyên truyền biển đảo, cần đa dạng hóa hình thức, phương pháp cho phù hợp với đặc điểm của đối tượng là HSTHPT, không nên áp dụng các cách tuyên truyền khô cứng cho đối tượng này. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần phát huy vai trò các tổ chức, đoàn thể, nhất là Đoàn thanh niên, nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp trong công tác tuyên truyền biển đảo. Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền và tăng tính hấp dẫn đối với học sinh, nên đa dạng các hình thức, phương pháp: tuyên truyền thông qua giao lưu giữa các cựu chiến binh với học sinh; tổ chức các hoạt động ngoại khóa với các hình thức khác nhau: thi văn nghệ hát về biển đảo, thi vẽ tranh, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức về biển đảo theo hình thức viết, hùng biện, kể chuyện về chủ đề biển đảo; tuyên truyền thông qua panô, áp phích, tờ rơi, các tài liệu hướng dẫn tuyên truyền; phát động các phong trào biển đảo trong HSTHPT như: “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”, “Tuổi trẻ giữ nước”, “Năm xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “Nghĩa tình biên giới, hải đảo”, “Vì Trường Sa thân yêu”, “Góp đá xây Trường Sa”, “Tuổi trẻ hướng về biển, đảo của Tổ quốc”…
Các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể, gia đình, nhà trường, xã hội (nhất là Đoàn Thanh niên) cần thông qua các hoạt động văn hoá, phương tiện thông tin đại chúng tạo sức mạnh tổng hợp để phát huy vai trò xung kích, sáng tạo, tinh thần tình nguyện, khơi dậy tiềm năng to lớn của học sinh trung học phổ thông, giúp họ thấy rõ ý nghĩa thiêng liêng cao quý và bất khả xâm phạm về chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia. Các cấp bộ Đoàn cần chú trọng tổ chức các hoạt động thi tìm hiểu, tọa đàm về chủ quyền lãnh thổ quốc gia trong học sinh bảo đảm thiết thực, chất lượng tốt. Mở rộng giáo dục chính khóa và tuyên truyền ngoại khóa cho học sinh về tiềm năng biển đảo và nhiệm vụ của các thế hệ công dân Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Tổ quốc.
Năm là, hoạt động tuyên truyền biển đảo cho HSTHPT phải được tiến hành thường xuyên, đồng bộ và toàn diện
Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, thông tin tuyên truyền không được chậm trễ, đi sau các sự kiện thời sự chính trị nóng bỏng, nhưng cũng không được hấp tấp, vội vàng, nông cạn, thậm chí có khi sai lệch, thiếu sự phân tích, bình luận sâu sắc và trái với sự chỉ đạo, định hướng của các cơ quan có chức năng. Mặt khác, nhận thức và hành động của đối tượng tuyên truyền thường khó thay đổi một cách nhanh chóng mà cần có một quá trình nhất định. Tiến hành tuyên truyền biển đảo một cách thường xuyên có tác dụng củng cố nhận thức, thôi thúc hành động. Bác Hồ từng nhắc nhở cán bộ tuyên giáo: “tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân tin, dân làm”, quá trình ấy không thể diễn ra trong chốc lát nên công tác tuyên truyền nói chung, công tác tuyên truyền biển đảo cho học sinh trung học phổ thông nói riêng không được lúc nào buông lỏng.
Để đạt hiệu quả cao, hoạt động tuyên truyền biển đảo cần phải tiến hành đồng bộ, toàn diện. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị – xã hội từ tỉnh xuống cơ sở cần có sự thống nhất về nội dung và lựa chọn phương thức tuyên truyền phù hợp với đối tượng học sinh trung học phổ thông. Cần phải phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các binh chủng tuyên truyền biển đảo để tạo sự đồng thuận trong xã hội về hoạt động tuyên truyền biển đảo. Nội dung tuyên truyền về biển đảo cần phải được đưa vào chương trình đào tạo chính khóa ở các trường trung học phổ thông.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền biển đảo cho HSTHPT ở tỉnh Hưng Yên, tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, thái độ và tính tích cực chính trị – xã hội của HSTHPT về bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Nguyễn Đình Việt