Năm 2015, Liên hợp quốc đã thông qua 17 mục tiêu phát triển bền vững đến
năm 2030. Để đạt các chỉ số mục tiêu phát triển bền vững về giảm 1/3 tỷ
lệ tử vong sớm do các bệnh không lây nhiễm, bao gồm cả ung thư vào năm
2030, các Chính phủ, các tổ chức phải lựa chọn các hành động để thực
hiện. Để phòng và kiểm soát ung thư tại Việt Nam, Chiến lược quốc gia về
phòng, chống bệnh ung thư giai đoạn 2015-2025 đã được Thủ tướng Chính
phủ ký ban hành, với các giải pháp toàn diện, tổng thể, từ xây dựng các
chính sách, kế hoạch hành động, đến các hoạt động chuyên môn về dự
phòng, sàng lọc, phát hiện sớm, điều trị và quản lý bệnh; các hoạt động
về truyền thông giáo dục sức khoẻ, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ y
tế; thiết lập hệ thống giám sát...
Tại hội thảo, PGS,TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc bệnh viện K cho biết,
ung thư là vấn đề sức khoẻ được quan tâm ở nhiều nước. Tổ chức Y tế Thế
giới đã khuyến cáo về mô hình bệnh tật trong thế kỉ 21 là các bệnh không
lây nhiễm trong đó có ung thư sẽ trở thành nhóm bệnh chủ yếu đe dọa đến
sức khỏe con người chiếm 54% nguyên nhân gây tử vong ở người, nhóm bệnh
nhiễm trùng sẽ bị đẩy xuống hàng thứ yếu chỉ chiếm 16% nguyên nhân gây
tử vong. Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống ung thư được Quốc
hội phê chuẩn từ năm 2008, kế hoạch hoạt động phòng, chống ung thư hằng
năm được xây dựng. Bên cạnh đó đã thực hiện xây dựng quy hoạch mạng lưới
ung thư, xạ trị. Bệnh viện K được giao là cơ quan đầu mối thực hiện
chương trình và nhiệm vụ đầu ngành, tuyến cuối về ung thư, chỉ đạo
tuyến... Theo kết quả điều tra của dự án phòng chống Ung thư (PCUT) giai
đoạn 2010 – 2015, ý thức của người dân về PCUT đã được nâng cao đáng kể
so với trước khi thực hiện dự án, trên 90% người dân biết/nghe nói đến
bệnh ung thư (trong 1 nghiên cứu năm 2008 tỷ lệ này <50%). Thái độ
của người dân khá tích cực đối với công tác PCUT 43% hài lòng với thông
tin PCUT so với điều tra 2008 chỉ có 11,3%. Năm 2016 là giai đoạn đầu
tiên thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống ung thư, để lập kế
hoạch phòng và kiểm soát ung thư dựa trên bằng chứng khoa học và nhằm
theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện các can thiệp, các công nghệ điều
trị và chương trình ung thư quốc gia, việc thiết lập hệ thống theo dõi,
giám sát về ung thư là rất quan trọng và cấp thiết. Hệ thống theo dõi,
giám sát về ung thư cần bảo đảm cung cấp các thông tin y tế thường
xuyên, kịp thời về các chỉ số sức khoẻ; phân tích các chỉ số theo thời
gian, địa điểm và giữa các nhóm quần thể; đồng thời chia sẻ, phổ biến
thường xuyên các kết quả theo dõi, đánh giá. Điều quan trọng là các
thông tin y tế phải có chất lượng để cần thiết cho việc lập kế hoạch và
thực hiện các chính sách, can thiệp y tế/.
Theo qdnd.vn