Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành một Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết
228/NQ-UBTVQH10 và Nghị quyết 694/2008/NQ-UBTVQH12.
Sáng 5/7, thực hiện sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban pháp luật
của Quốc hội đã tổ chức cuộc họp thường trực Ủy ban mở rộng với sự tham gia của
nhiều chuyên gia, đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước; cho ý kiến về Dự thảo
sửa đổi bổ sung Nghị quyết 228/NQ-UBTVQH10 về việc Đại biểu Quốc hội tiếp công
dân, tiếp nhận, chuyển đơn, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo
và kiến nghị của công dân và Nghị quyết 694/2008/NQ-UBTVQH12 về việc tiếp nhận,
phân loại, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân gửi Quốc
hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc
hội.
Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý chủ trì buổi
họp việc.
Qua 14 năm thực hiện Nghị quyết số 228 và hơn 4 năm thực hiện
Nghị quyết số 694, hoạt động tiếp công dân, tiếp nhận, chuyển đơn, đôn đốc, theo
dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và kiến nghị của công dân và
giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân của Đại biểu Quốc hội,
Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và cơ quan của
Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày càng được nâng lên về chất lượng, hiệu quả, góp
phần tăng cường trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc
thi hành pháp luật về khiếu nại tố cáo.
Tuy nhiên, theo Ban Dân nguyện
của Quốc hội – Cơ quan soạn thảo Dự thảo, đến nay, qua thực tế tổ chức thực hiện
hai Nghị quyết nói trên cũng bộc lộ một số bất cập, cần được sửa đổi, bổ sung vì
một số nội dung của hai văn bản này không còn phù hợp, thiếu tính khả thi, chưa
cụ thể về thẩm quyền xử lý, giám sát việc giải quyết đơn, thư, còn lúng túng
trong tổ chức, thực hiện.
Một lý do nữa cần phải sửa đổi hai Nghị quyết
này là do số lượng đơn thư liên quan đến khiếu nại, tố cáo cả về lĩnh vực hành
chính, tư pháp là rất lớn và có xu hướng gia tăng theo năm, trong khi công việc
của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội ngày càng nhiều, nhất là thẩm tra
các dự án xây dựng pháp luật và hoạt động giám sát; Đại biểu Quốc hội chuyên
trách làm việc tại các cơ quan của Quốc hội còn ít; bộ máy giúp việc còn thiếu
cả về số lượng và còn hạn chế về chất lượng….
Vì vậy, cần có những quy
định rõ hơn, cụ thể hơn về trách nhiệm, sự phối hợp của các cơ quan của Quốc hội
và chia sẻ của các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các điều kiện đảm
bảo nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực này.
Hình thức
sửa đổi lần này là ban hành một Nghị quyết mới thay thế hai Nghị quyết trên đảm
bảo thuận tiện trong việc áp dụng.
Mục đích sửa đổi, bổ sung Nghị quyết
là nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Đại biểu
Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc
hội trong việc tiếp công dân, tiếp nhận, nghiên cứu, chuyển đơn, theo dõi, đôn
đốc, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân và giám sát việc giải quyết của cơ
quan Nhà nước có thẩm quyền; bổ sung và cụ thể hóa các quy định về trách nhiệm,
về việc tổ chức, phục vụ và hướng dẫn thống nhất hoạt động này; thúc đẩy các cơ
quan có thẩm quyền giải quyết nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật các khiếu
nại, tố cáo của công dân.
Phiên họp thống nhất quan điểm: Các đại biểu
Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải có trách nhiệm
tiếp công dân; tăng cường thời lượng, chất lượng xử lý và giám sát việc giải
quyết các đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân; đảm bảo các yếu tố công khai,
minh bạch, dân chủ.
Các thành viên của Ủy ban Pháp luật, Ban soạn thảo
cũng như các chuyên gia tham dự phiên họp cũng đề xuất Quốc hội cần có trụ sở
tiếp công dân riêng; các Đoàn đại biểu Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội cũng
cần có lịch tiếp công dân tại địa phương nơi ứng cử, để cử tri gần hơn với đại
biểu Quốc hội.
Góp ý kiến tại phiên họp, các đại biểu đều tán thành với
yêu cầu sửa đổi hai Nghị quyết trên, đáp ứng tình hình thực tế, đồng thời tăng
cường thẩm quyền, chức năng phù hợp với vai trò, trách nhiệm của cơ quan, cá
nhân là đại biểu của nhân dân.
Các ý kiến cũng đề nghị việc sửa đổi, bổ
sung lần này phải tập trung khắc phục những bất cập; tạo thuận lợi, nâng cao
trách nhiệm và phát huy tính chủ động của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc
hội, cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong mọi hoạt động tiếp và
xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; giám sát việc giải quyết của cơ
quan Nhà nước có thẩm quyền; nâng cao hơn nữa trách nhiệm, vai trò các cơ quan,
tổ chức, đơn vị hữu quan trong giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công
dân. Nghị định mới ban hành phải phù hợp với Hiến pháp 1992 sửa đổi; Luật Tiếp
Công dân các các văn bản pháp luật liên quan./.
Quang Vũ
(TTXVN)