Trong phiên làm việc sáng nay 6/6 của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa
XIV, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường,
thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật
thủy sản (sửa đổi).
Theo tờ trình của Chính
phủ, dự án Luật gồm có 8 Chương, 100 điều; trong đó, kế thừa 12 điều;
sửa đổi 50 điều; bổ sung mới 38 điều.
Bộ
trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho
biết, so với Luật Thủy sản 2003, dự án Luật bổ sung 1 chương (Kiểm ngư),
bỏ 3 chương: Hợp tác quốc tế về hoạt động thủy sản; Quản lý nhà nước về
thủy sản; Khen thưởng và xử lý vi phạm. Nội dung về hợp tác quốc tế và
quản lý nhà nước về thủy sản được lồng ghép vào các chương và quy định
cụ thể tại Điều 7 và Điều 9 trong Chương quy định chung của dự thảo
Luật.
Luật thủy sản
(sửa đổi) có những điểm mới như: Quy định cấp hạn ngạch Giấy phép thai
thác thủy sản và thay đổi thời hạn của giấy phép (Điều 51, Điều 52);
Thay đổi tiêu chí cấp Giấy phép khai thác thủy sản và đăng kiểm tàu cá
từ công suất máy (CV) sang tổng dung tích (GT) và chiều dài lớn nhất của
tàu (Điều 67); Xã hội hóa công tác đăng kiểm tàu cá (Điều 68, Điều 69);
Quy định quản lý đối với sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản không dùng
làm thực phẩm (Điều 39); ) Quy định về Kiểm ngư trung ương và Kiểm ngư
cấp tỉnh tại 28 tỉnh, thành phố ven biển (Điều 91)...
Trong
đó, với quy định cấp hạn ngạch Giấy phép thai thác thủy sản và thay đổi
thời hạn của giấy phép, dự thảo Luật quy định nâng hời hạn giấy phép
khai thác từ 12 tháng lên 60 tháng nhằm giảm thủ tục hành chính cho
người dân, doanh nghiệp; phù hợp với tình hình thực tiễn; phù hợp với kỳ
điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản (5 năm).
Quy
định cấp hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản nhằm từng bước quản lý
sản lượng khai thác, kiểm soát có hiệu quả các nghề làm suy giảm nguồn
lợi thủy sản; kiểm soát đóng mới và phát triển tàu cá theo nhóm nghề; là
công cụ quản lý hữu hiệu mà phần lớn các quốc gia hiện nay đang áp dụng
để quản lý nguồn lợi thủy sản.
“Nguồn lợi
thủy sản là nguồn tài nguyên có khả năng tái tạo, do đó nếu được quản lý
chặt chẽ và sử dụng hợp lý sẽ đảm bảo trữ lượng nguồn tài nguyên này
phát triển ổn định và bền vững. Quy định trong dự thảo nhằm phù hợp với
xu hướng quản lý nguồn lợi thủy sản của các nước trong khu vực và trên
thế giới. Đặc biệt, trong tình hình nguồn lợi thủy sản đang có dấu hiệu
suy giảm”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Trình
bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật thủy sản (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban
Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cũng cho
biết: “Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhất trí với việc đổi
mới trong việc cấp giấy phép khai thác thủy sản và thống nhất khai thác
thủy sản phải được quản lý bằng hạn ngạch để bảo vệ, tái tạo và phục hồi
nguồn lợi thủy sản hợp lý và bền vững. Thời hạn của giấy phép 60 tháng
như quy định trong dự thảo Luật (điểm a Khoản 2 Điều 51) là phù hợp với
thời hạn điều tra, đánh giá và công bố trữ lượng nguồn lợi thủy sản”.
Riêng
về thẩm quyền giao, cho thuê mặt nước biển (Điều 44), Ủy ban Khoa học,
Công nghệ và Môi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc việc giao UBND cấp tỉnh
có thẩm quyền giao, cho thuê mặt nước biển, vì khó khả thi đối với các
dự án có quy mô đầu tư trên diện tích lớn, ảnh hưởng đến nhiều tỉnh.
Mặt
khác, đối với mô hình nuôi khơi (nuôi xa bờ), theo Nghị định
51/2014/NĐ-CP về quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ
chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển, UBND cấp tỉnh chỉ có
thẩm quyền giao, cho thuê từ vùng biển 3 hải lý trở vào.
“Bên
cạnh đó, do đặc thù của mô hình này là xa vùng bờ nên khó kiểm soát và
ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, cần có sự đánh giá tổng hợp của các
cơ quan chuyên ngành Trung ương. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo quy định
thẩm quyền giao, cho thuê đối với những trường hợp này cho Chính phủ
hoặc cấp Bộ; quy định chi tiết trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ liên
quan trước khi giao, cho thuê mặt nước biển”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học,
Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.
Xuân Phong/TTXVN