Đây là kết quả cho thấy hiệu quả của chính sách, của quản trị và nền
kinh tế đã phản ứng khá nhanh, hiệu quả với những thách thức đặt ra.
Trong đó, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong suốt thời
gian qua đã thực sự trở thành nền tảng vững chắc của tăng trưởng kinh
tế.
Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương diễn ra hôm qua
(2/7), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thời gian qua, cả hệ thống
chính trị đã rất nỗ lực, năng động trong thực hiện nhiệm vụ, trong đó
nhiều lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã làm việc lăn xả ngày đêm. Ở
nhiều địa phương đã xuất hiện những hình thức sáng tạo như “cà phê doanh
nhân” để lãnh đạo địa phương thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với các
doanh nghiệp nhằm nắm bắt tâm tư, tháo gỡ vướng mắc.
Việc tổ chức các buổi “cà phê doanh nhân” như trên không phải là nỗ lực
đơn lẻ của một vài lãnh đạo tỉnh mà là biểu hiện việc thay đổi về chất
của nền hành chính Việt Nam, chuyển mạnh từ tính chất quản lý sang phục
vụ, chuyển từ thế thụ động, chờ đợi sang việc chủ động tìm kiếm cơ hội
mới cho tăng trưởng kinh tế. Có những cơ quan hành chính sẵn sàng làm
việc cả ngày nghỉ, giờ nghỉ để phục vụ người dân. Cùng với đó, tất cả
những chính sách, những quy định quản lý đều được rà soát tính hợp lý để
kịp thời điều chỉnh. Rõ nhất là việc Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành
cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với
hàng hóa xuất nhập khẩu; cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa
thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành trước thông quan. Nền hành
chính với các văn bản giấy truyền thống dần được thay thế bằng hành
chính điện tử hiện đại với các văn bản điện tử, góp phần minh bạch hóa
quy trình, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng giải quyết công việc,
phòng tránh tiêu cực. Nhờ đó, thời gian cấp giấy phép kinh doanh, thời
gian thông quan hàng hóa, nộp thuế của doanh nghiệp giảm rõ rệt.
Phần lớn doanh nghiệp đang khá hài lòng với tình hình hiện nay. Kết quả
điều tra về xu hướng kinh doanh cho thấy quý II/2018 có tới 82,6% doanh
nghiệp tỏ ý tin tưởng và đánh giá tình hình làm ăn của họ tốt và ổn
định. Về triển vọng trong quý III/2018, có tới 88,5% doanh nghiệp đánh
giá tình hình sẽ tốt hơn hoặc ổn định.
Thế nhưng, hiện nay dường như động lực cải thiện môi trường đầu tư kinh
doanh đang có dấu hiệu chững lại, cần thêm các ý tưởng cải cách mới,
cần nuôi dưỡng khát vọng, nỗ lực cải cách. Ví dụ như hiện nay, các vấn
đề mới, vấn đề điểm nút của tăng trưởng kinh tế như tập trung ruộng đất,
tạo dữ liệu mở cho công nghiệp 4.0... cần được nghiên cứu, thí điểm, để
kịp thời đề ra chính sách đúng, hợp lý.
Trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục lắng nghe
người dân và doanh nghiệp, rà soát, phát hiện những vướng mắc để tháo
gỡ, từ đó đề xuất, thiết kế những chính sách vượt trội, gắn chặt với
thực tiễn cuộc sống, để tạo cơ hội cho kinh tế tăng tốc phát triển. Cùng
với đó, tinh thần liêm chính, kiến tạo, phục vụ của hệ thống hành chính
cần tiếp tục được đề cao./.
Hồ Quang Phương (QĐND)