Quốc ca Việt Nam là biểu tượng về niềm tự hào, ý chí, khát vọng
của toàn thể nhân dân Việt Nam. Chào cờ Tổ quốc và hát Quốc ca là nghi
lễ thiêng liêng, thể hiện tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, là quyền
lợi, nghĩa vụ của mỗi công dân đối với Tổ quốc, với dân tộc. Đó cũng là
nét đẹp văn hóa trong mỗi người và toàn xã hội.
Tạo “hiệu ứng” tích cực, sức lan tỏa rộng lớn
Thủ đô Hà Nội đã đi đầu cả nước trong việc giáo dục, tuyên truyền cho
cán bộ, đảng viên, hội viên, học sinh, sinh viên, các tầng lớp nhân dân
nhận thức rõ, đầy đủ về mục đích, ý nghĩa và tổ chức tốt nghi lễ chào cờ
Tổ quốc, hát Quốc ca trong các lễ kỷ niệm, sự kiện chính trị quan
trọng.
Ngày 24-7-2015, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Thông tri số
23-TT/TU về việc hát Quốc ca trong nghi thức chào cờ Tổ quốc; trong đó
nêu rõ: “... Các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính
trị - xã hội các cấp, các đơn vị lực lượng vũ trang của thành phố căn
cứ chức năng, nhiệm vụ, thực hiện nền nếp việc tổ chức nghi thức chào cờ
Tổ quốc, hát Quốc ca và sinh hoạt dưới cờ vào mỗi sáng thứ hai hằng
tuần, bắt đầu triển khai từ ngày 1-8-2015...”.
Đây là chủ trương đúng đắn, cần thiết của Thành ủy và sau một năm triển
khai tại các cơ quan, đơn vị và trong hệ thống chính trị của thành phố
đã được cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao. Việc
thực hiện hát Quốc ca trong nghi thức chào cờ Tổ quốc vào thứ hai hằng
tuần đã làm cho cán bộ, đảng viên, công nhân viên, đoàn viên, hội viên,
học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức rõ, đầy đủ hơn về
mục đích, ý nghĩa việc hát Quốc ca trong lễ chào cờ Tổ quốc và trở
thành nếp sinh hoạt chính trị thường xuyên ở các cơ quan, đơn vị.
Thực hiện Thông tri số 23-TT/TU của Thành ủy Hà Nội, việc hát Quốc ca
trong nghi thức chào cờ Tổ quốc đã trở thành nếp sinh hoạt trong các cơ
quan Đảng, chính quyền, các đơn vị lực lượng vũ trang, các trường đại
học, cao đẳng, THCS, THPT, THCN&DN... Sau nghi lễ chào cờ Tổ quốc -
hát Quốc ca, nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức “sinh hoạt dưới cờ”, đánh giá
những nội dung công việc đã thực hiện trong tuần qua và thông tin, chỉ
đạo triển khai những nhiệm vụ trọng tâm trong tuần; cung cấp thông tin
những vấn đề thời sự cần quan tâm, những nội dung liên quan đến chức
năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị để tuyên truyền, định hướng tư tưởng
cho cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức. Việc duy trì nền nếp tiến
hành nghi thức chào cờ Tổ quốc, hát Quốc ca và sinh hoạt dưới cờ vào thứ
hai hằng tuần nhận được sự quan tâm, đánh giá tích cực của các phương
tiện thông tin đại chúng, sự đồng tình của xã hội trong việc khơi dậy
tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, bồi dưỡng truyền thống
cách mạng đối với thế hệ trẻ, tạo “hiệu ứng” tích cực, lan tỏa đến các
cơ sở giáo dục - đào tạo trong phạm vi cả nước.
Cần khẳng định rằng, việc triển khai Thông tri 23 của Thành ủy ở các cấp
ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, MTTQ và các đoàn thể chính
trị - xã hội trên địa bàn thành phố trong một năm qua đã được thực hiện
nghiêm túc, trang trọng, bảo đảm đúng quy định, thiết thực và hiệu quả,
góp phần làm cho cán bộ, đảng viên, hội viên, học sinh và các tầng lớp
nhân dân nhận thức rõ, đầy đủ hơn về mục đích, ý nghĩa việc hát Quốc ca
trong lễ chào cờ Tổ quốc và trở thành nếp sinh hoạt chính trị thường
xuyên của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Việc quy định thực hiện hát
Quốc ca trong nghi thức chào cờ Tổ quốc vào thứ hai hằng tuần ở các cơ
quan, đơn vị đã được thực hiện nghiêm túc, trang trọng, thiết thực, qua
đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, hành động mang tính tự giác của
các cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức, người lao động và các tầng
lớp nhân dân đang sinh sống, làm việc trên địa bàn Thủ đô. Nhiều cơ
quan, đơn vị trong quá trình triển khai đã có những sáng tạo trong tổ
chức thực hiện.
Nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Thông tri 23
của Thành ủy vẫn còn có một số tồn tại, hạn chế, như: Một số cơ quan,
đơn vị chưa chú trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến và
thực hiện nghiêm túc Thông tri của Thành ủy; chưa tạo chuyển biến mạnh
mẽ trong ý thức tự giác tham gia của đông đảo cán bộ, đảng viên, công
nhân viên. Có những cơ quan, đơn vị của thành phố chưa thực hiện nghiêm
túc việc cử hành nghi lễ chào cờ Tổ quốc, hát Quốc ca và sinh hoạt dưới
cờ vào sáng thứ hai hằng tuần, mà chỉ tổ chức vào thứ hai tuần đầu của
tháng. Một số xã, phường triển khai thực hiện còn mức độ, chưa thường
xuyên, chưa “gắn kết” việc chào cờ với việc nhận xét, định hướng công
việc do nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền và cán bộ, đảng viên
chưa cao. Nhiều cơ quan, đơn vị trong khối doanh nghiệp còn coi việc
thực hiện nghi lễ chào cờ trong sinh hoạt tập thể, hội nghị và sự kiện
quan trọng là nội dung chỉ dành cho khối hành chính, sự nghiệp, do đó
chưa tham gia tích cực. Bên cạnh đó, do đặc thù và tính chất công việc,
cán bộ, đảng viên, công nhân viên, người lao động được bố trí làm việc ở
nhiều địa điểm khác nhau nên việc tổ chức thực hiện hát Quốc ca vào mỗi
sáng thứ hai chưa được đầy đủ và thường xuyên. Cá biệt vẫn còn có đơn
vị sử dụng bài Quốc ca được ghi âm sẵn, đại biểu tham dự không hát hoặc
hát không đúng nhạc, đúng lời.
Để việc hát Quốc ca trong nghi thức chào cờ Tổ quốc và sinh hoạt dưới cờ
vào sáng thứ hai hằng tuần tiếp tục được thực hiện nghiêm túc và đi vào
nền nếp, trong thời gian tới TP Hà Nội mong muốn các cơ quan, đơn vị
trung ương đóng trên địa bàn cũng tổ chức triển khai thực hiện chào cờ,
hát Quốc ca định kỳ, qua đó cùng với Thủ đô tạo sức lan tỏa trong toàn
xã hội. Đồng thời, yêu cầu nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm lãnh
đạo của các cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong
việc tổ chức học và hát Quốc ca, coi đây là một nội dung trong công tác
bồi dưỡng chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, là một
trong những tiêu chí trong quá trình đánh giá cán bộ, công chức hằng năm
với mục đích nâng cao hơn nữa ý thức của cán bộ, đảng viên để việc tiến
hành nghi thức chào cờ Tổ quốc, hát Quốc ca, tổ chức sinh hoạt dưới cờ
vào sáng thứ hai hằng tuần thực sự đi vào nền nếp. Tăng cường kiểm tra,
đôn đốc, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Thông tri 23 của Thành ủy lồng
ghép với đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số
vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ
Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,
phong cách Hồ Chí Minh” và đánh giá chất lượng công tác xây dựng Đảng
hằng năm ở mỗi TCCS Đảng.
Theo hanoimoi.com.vn