Chủ Nhật, 24/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 24/7/2013 11:11'(GMT+7)

“Ngã ba này dân tộc đã đi qua”

Chương trình nghệ thuật "Ngã ba Đồng Lộc - Khúc tráng ca bất tử"

Chương trình nghệ thuật "Ngã ba Đồng Lộc - Khúc tráng ca bất tử"

Những gương mặt anh dũng một thời

Ngã ba Đồng Lộc nay đã trở thành một “địa chỉ đỏ”, nơi du lịch tâm linh thu hút nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế về chiêm bái, tri ân. Khúc tráng ca của một thế hệ “Tim còn đập, mạch máu giao thông còn chảy”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt” còn mãi âm vang...

Cơn mưa lớn trong ngày đã làm những tán cây bồ kết trong Khu mộ mười nữ liệt sĩ thanh niên xung phong đẫm nước. Mưa lớn nhưng dòng người từ mọi miền đất nước cứ tiếp nối nhau đến thắp hương, đặt vòng hoa viếng các anh hùng, liệt sĩ và mười cô gái Đồng Lộc. Chiều qua, có ai đó đã đặt trên phần mộ các chị những nhành sim, trái sim chín mọng...

Trên đất đai Đồng Lộc, vùng chiến địa bị bom đạn chiến tranh cày xới điêu tàn ngày xưa, giờ đây là đồi thông xanh, sim mua nở tím yên bình... Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc với nhiều công trình tưởng niệm, nổi bật giữa một vùng đồi núi thực sự đã trở thành một điểm đến linh thiêng. Đài phun nước nghệ thuật vừa được khánh thành ngày 20-7, như trở thành một biểu tượng về sự hồi sinh nơi ngã ba này.

Theo thống kê trong chiến tranh, mỗi mét vuông Đồng Lộc từng phải hứng chịu 40 quả bom. Hố bom chồng lên hố bom. Bây giờ, vẫn còn một hố bom như thế được trùng tu, phục dựng nguyên trạng tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc. Đó chính là hố bom mà mười cô gái Đồng Lộc hy sinh... Cô giáo Vĩnh Hoàng, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Thành Sen, TP Hà Tĩnh cùng các học sinh của mình đứng lặng rất lâu trước hố bom này. Giọng cô nghẹn lại khi đọc bài thơ “Cúc ơi”:

Tiểu đội đã  xếp một hàng ngang

Cúc ơi! Em ở đâu không về tập hợp

Chín bạn đã quây quần đủ hết

Nhỏ, Xuân, Hà, Hường, Hợi, Rạng, Xuân, Xanh

A trưởng Võ Thị Tần điểm danh

Chỉ thiếu mình em

Chín bỏ làm mười răng được...

Cô giáo Vĩnh Hoàng kể: “Chị Hồ Thị Cúc, một trong mười cô gái hy sinh tại nơi này vào ngày 24-7-1968, ba ngày sau mới tìm thấy thi thể. Tác giả bài thơ, Yến Thanh-anh Nguyễn Thanh Bính khi đó là cán bộ kỹ thuật Đội thanh niên xung phong N55-P18 đã viết bài thơ “Cúc ơi” vào chiều 25-7-1968, khi chưa tìm được thi thể chị Cúc. Mỗi lần giảng bài, đọc cho học sinh nghe bài thơ này, tôi đều rất xúc động bởi tình người, tình đồng chí ấm áp và thiêng liêng, tiêu biểu cho một thời đạn bom, họ đã sống vì nhau”.

Tối 23-7, hòa trong dòng người về Ngã ba Đồng Lộc, chúng tôi đã gặp tác giả Yến Thanh cầm trên tay bản chép bài thơ “Cúc ơi” lặng lẽ hóa trước mười nấm mộ các cô gái Đồng Lộc. Không ai nhận ra một nhà thơ, một cựu thanh niên xung phong, tác giả của bài thơ xúc động thời chiến tranh...

Nhưng, những người đã làm nên những sự tích Đồng Lộc mãi mãi được ghi nhớ trong ký ức... Ngày 28-12-1966, bom nổ chậm phủ kín một quãng đường qua Ngã ba Đồng Lộc, lão dân quân Nguyễn Bính đã xung phong đi tháo gỡ. Mọi người ngăn lại, cụ nói: “Cuộc chiến đấu còn dài, phải để dành lớp trẻ cho cuộc chiến đấu trường kỳ, việc phá bom nguy hiểm này hãy để cho chúng tôi đảm nhiệm”. Ngày 14-6-1967, tuyến đường bị bom Mỹ đánh sạt lở, hư hỏng gần 500m. Ông Nguyễn Năm đã dỡ căn nhà gỗ lim ba gian của mình ra lát đường thông tuyến, mở đầu cho huyền thoại “xe chưa qua, nhà không tiếc” của quê hương Hà Tĩnh. Và câu chuyện hơn 1000 ngày cô gái La Thị Tám và đồng đội đã túc trực, đánh dấu những quả bom chưa nổ. Giờ đây, La Thị Tám không nhớ nổi mình đã bị bom vùi, bom lấp bao nhiêu lần, nhưng mỗi lần nghe bài hát “Người con gái sông La”, La Thị Tám lại rưng rưng, nhớ những đồng đội đã hy sinh trên những cung đường chiến tranh. Bà tâm sự: “Biết là có thể hy sinh bất cứ lúc nào nhưng không cho phép bất cứ ai được đắn đo chần chừ, mà chỉ có tìm mọi cách hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ tập thể giao”. Dũng sĩ phá bom Vương Đình Nhỏ đã tháo gỡ 300 quả bom các loại với một nguyên tắc giản đơn: “Phải tìm bằng được bộ phận đếm thời gian trong ngòi nổ của các loại bom này để vô hiệu hóa chúng”. Chiến sĩ lái xe Uông Xuân Lý đã được đồng đội tổ chức lễ truy điệu sống, trước khi anh tình nguyện dùng máy ủi của mình gạt 2 quả bom nổ chậm ra khỏi lòng đường...

“Ngã ba này dân tộc đã đi qua”

Ngã ba Đồng Lộc trong những năm tháng chiến tranh chứa đầy những huyền thoại, những con người bình thường đã trở thành anh hùng, dũng sĩ một cách giản dị mà phi thường...

Đại úy Bùi Thị Phương, cán bộ thuộc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn lần đầu tiên đến Ngã ba Đồng Lộc. Chị nói: “Tôi rất cảm động khi vào thắp hương viếng mộ mười cô gái thanh niên xung phong và các anh hùng, liệt sĩ... Khi về nhà, tôi sẽ kể cho người thân, bạn bè nghe về sự tích Đồng Lộc”. Đại tá Lê Cao Thịnh, Chủ nhiệm Chính trị Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết: “Dịp này, đoàn công tác của đơn vị đã tổ chức chuyến hành hương về thăm và tặng quà tại các địa phương trên cả nước. Đến Ngã ba Đồng Lộc, chúng tôi càng hiểu thêm về sự hi sinh, mất mát của dân tộc cho hòa bình hôm nay. Những di tích, những huyền thoại và hiện vật ở đây là “tài sản” tinh thần quý báu giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay...”.

Buổi tối, Tháp chuông Đồng Lộc sáng ngời ánh đèn. Tiếng chuông Đồng Lộc vang trong không gian huyền hoặc. Chúng tôi đứng trên tháp chuông, nhìn ra xa một vùng rộng lớn, những con đường chạy dài  giữa cánh đồng và làng mạc sầm uất. Những chuyến xe qua, để lại vệt bụi mờ khiến lòng cảm thấy yên bình...

Sáng 23-7, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức Đại lễ cầu siêu tưởng niệm, tri ân anh linh các anh hùng liệt sỹ và cầu quốc thái dân an tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc. Rất đông các đoàn cựu chiến binh, khách tham quan và đông đảo người dân cùng thành kính tưởng niệm, cầu cho hương hồn các anh hùng, liệt sỹ được siêu thoát. Các hoạt động như hội trại thanh niên, gặp mặt cựu thanh niên xung phong đã được tổ chức ngay nơi chiến trường xưa tạo nhiều ấn tượng tốt đẹp. Em Nguyễn Thị Hồng, nhà ở ngay Ngã ba Đồng Lộc nhiều năm nay đi làm ăn xa ở tỉnh Bình Dương, hôm nay về thăm nhà, đã đưa các em gái nhỏ của mình đến thắp hương, viếng mộ mười cô gái Đồng Lộc. Nguyễn Thị Hồng đặt lên phần mộ các cô những chiếc gương, lược: “Em gửi tặng các chị món quà nhỏ. Em đi làm công nhân ở xa một mình nên gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Những lúc như thế, em nghĩ đến các chị để tự động viên mình, vượt qua khó khăn...”.

Đồng Lộc đổ nát năm xưa nay đã trở thành một thị tứ đông đúc, phát triển. Trường THPT Đồng Lộc đã trở thành điển hình mới của ngành giáo dục Hà Tĩnh. Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc không chỉ đón tiếp ngày càng đông đảo khách tham quan mà còn tiếp nhận sự quan tâm đầu tư của rất nhiều tổ chức, cá nhân. Những công trình tâm linh tri ân sự hy sinh anh dũng của các liệt nữ được xây dựng tại đây như cụm tượng thanh niên xung phong, tháp chuông, nhà bia tưởng niệm, hố bom, v.v.. giúp hình ảnh về những năm tháng chiến tranh được dựng lại đầy đủ và sinh động hơn. Và mới đây, Ngã ba Đồng Lộc lại đón nhận thêm tấm lòng của kiều bào Việt Nam tại Nga đầu tư Đài phun nước nghệ thuật vừa được hoàn thành. Cũng giống như thời chiến tranh, trong hòa bình Ngã ba Đồng Lộc cũng là nơi tụ hội của những tấm lòng... Đúng như một nhà thơ đã viết về Ngã ba Đồng Lộc “Ngã ba này, dân tộc đã đi qua”.

TRẦN HOÀI - KHẮC THUẦN/
QĐND

 


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất