Chủ Nhật, 8/12/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 13/2/2020 13:35'(GMT+7)

Ngân hàng giảm lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do dịch

Doanh nghiệp chủ động các phương án sản xuất, kinh doanh khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Doanh nghiệp chủ động các phương án sản xuất, kinh doanh khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19) dự báo tiếp tục có những biến động khó lường, đe dọa tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế. Vì thế, hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam được nhận định sẽ đối mặt với không ít khó khăn.

Tuy nhiên, các ngân hàng lớn, nhỏ đã nhanh chóng nhập cuộc bằng nhiều hành động thiết thực hỗ trợ khách hàng khắc phục thiệt hại từ tác động của dịch bệnh này.

CHIA SẺ KHÓ KHĂN

Tính đến sáng ngày 13/2 trên thế giới đã có 1.115 người tử vong, 45.170 người nhiễm bệnh COVID-19 (nCoV). Tại Việt Nam đến nay cũng đã ghi nhận 15 trường hợp, song chưa có trường hợp tử vong, 7 ca đã xuất viện. Tình hình an ninh-trật tự xã hội được đảm bảo, người dân bình tĩnh và thực hiện theo các hướng dẫn của cơ quan y tế và các đơn vị chức năng, nên về cơ bản, tình hình dịch bệnh trong tầm kiểm soát.

Bên cạnh những tác động nhất định đến xã hội như gây xáo trộn cuộc sống, học sinh nghỉ học, tạm dừng hoặc thu hẹp các hoạt động lễ hội, tụ tập đông người, tác động của dịch COVID-19 đối với kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Một số lĩnh vực chịu ảnh hưởng nhiều như: Dịch vụ y tế và nguồn nhân lực; du lịch-lữ hành-khách sạn; dịch vụ giao thông-vận tải; bán lẻ (tiêu dùng giảm); ngoại thương; đầu tư; chuỗi sản xuất-cung ứng và dịch vụ tài chính-ngân hàng.

Theo cập nhật từ Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB, tại thời điểm này, nhiều ngân hàng trung ương khu vực châu Á cũng đã lên kế hoạch hạ lãi suất nhằm đối phó với ảnh hưởng của bệnh dịch trên đối với nền kinh tế.

Cụ thể trong những ngày vừa qua, lần lượt Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) hạ lãi suất từ 1,25% xuống mức thấp 1,0%, Ngân hàng Trung ương Philippines (BSP) hạ lãi suất từ 4,0% xuống 3,75%.

Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có lần giảm một bước nhẹ vào tháng 9/2019, cùng lần hạ trần lãi suất tiền gửi VND vào tháng 11/2019.

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã yêu cầu các ngân hàng thương mại triển khai các biện pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Một trong các giải pháp được cơ quan quản lý đưa ra là xem xét cơ cấu lại nợ, giãn nợ, giảm lãi suất và yêu cầu không được tăng lãi suất đối với các khách hàng bị ảnh hưởng, đồng thời tiếp tục duy trì hoạt động cho vay ưu đãi với các lĩnh vực ưu tiên.

Sau "hiệu lệnh" của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đã đồng loạt đưa ra các giải pháp để hỗ trợ cho các khách hàng.

Trên thực tế, ngân hàng đi tiên phong đầu tiên trong việc giảm lãi suất cho vay lần này lại không phải là những ngân hàng lớn mà là các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân. Điển hình, Kienlongbank mạnh tay công bố giảm 3%/năm lãi suất cho vay đối với các khách hàng hiện hữu có mục đích vay để trồng các loại trái cây như thanh long, dưa hấu, sầu riêng, mít, xoài, chôm chôm, chuối đã nhận cấp vốn tín dụng của ngân hàng trong thời gian qua.

VPBank cũng công bố giảm từ 1%-1,5%/năm đối với các khoản vay không có tài sản bảo đảm thuộc những lĩnh vực như vận tải, du lịch, nhà hàng-ăn uống; thủy sản; SHB cũng dành 6.000 tỷ đồng cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Mới đây, Vietcombank cũng thông báo giảm lãi suất từ 0,5%-1,5% cho các khách hàng là doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực vận tải kho bãi; du lịch, nhà hàng, khách sạn; thực phẩm và đồ uống có cồn; các doanh nghiệp xuất nhập khẩu chủ yếu với thị trường Trung Quốc (thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thủy sản, dệt may, da giày…). Đối với khách hàng vay USD hiện hữu sẽ giảm lãi suất 0,5% với các khoản vay ngắn hạn và 0,75% đối với các khoản vay trung, dài hạn.

Đặc biệt, Vietcombank sẽ thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn thời hạn trả nợ, không tính lãi suất phạt quá hạn cho các doanh nghiệp từ nay đến 30/4.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, dư nợ của các khoản vay hiện hữu với các khách hàng nói trên hiện khoảng 30.000 tỷ đồng, tức ngân hàng sẽ giảm lãi khoảng 300-450 tỷ đồng.

“Thời điểm này, lợi nhuận ngân hàng chỉ là mục tiêu thứ yếu. Ưu tiên hàng đầu của ngân hàng hiện nay là rà soát khó khăn của khách hàng để có biện pháp hỗ trợ kịp thời, đồng hành và phát triển bền vững. Bởi khi khách hàng khó khăn, chất lượng tín dụng bị ảnh hưởng, nợ xấu vì thế có thể tăng lên, chi phí trích lập dự phòng tăng theo,” ông Tùng nhấn mạnh.

Ngân hàng TPBank cũng vừa thông báo sẽ triển khai các gói cho vay ưu đãi bằng VND và ngoại tệ với tổng giá trị gần 3.000 tỷ đồng và mức lãi suất giảm từ 1%-1,5% so với biểu lãi suất hiện hành nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Chương trình được áp dụng từ ngày 12/2 đến hết 30/6.

Bên cạnh đó, TPBank sẽ tiến hành rà soát để đưa ra các biện pháp hỗ trợ kịp thời với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp bởi dịch cúm COVID-19 như du lịch, khách sạn, các công ty vận tải lữ hành, các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu sang thị trường Trung quốc.

Một số ngân hàng khác như Agribank, VietinBank, BIDV cũng cam kết đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh nhất là lĩnh vực bị ảnh hưởng...

Giữa lúc khó khăn, nhận được sự hỗ trợ kịp thời nên nhiều doanh nghiệp đã đánh giá cao sự nhanh chóng này từ phía ngân hàng.

Lãnh đạo Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, động tái trợ giúp khách hàng lần này của các ngân hàng đã tiết kiệm được 6 tỷ đồng cho Vietnam Airlines, đây là nguồn động viên rất quan trọng đối với doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay.

Mặc dù vậy, Một số lãnh đạo ngân hàng cũng mong Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để có đánh giá cụ thể từng đối tượng khách hàng, không để những khách hàng bị ảnh hưởng của dịch lợi dụng việc này làm rối loạn thị trường.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong vòng hai tuần tới sẽ hoàn thành dự thảo cơ chế hỗ trợ cho các đối tượng vay vốn ngân hàng bị tác động bởi dịch COVID-19 để vừa hỗ trợ kịp thời hiệu quả đối với người bị thiệt hại, vừa không tạo kẽ hở cho những người có ý định trục lợi.

LÃI SUẤT HUY ĐỘNG VẪN LÀ ẨN SỐ

Bên cạnh việc giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp trong đợt đại dịch này, một số ngân hàng cũng đã giảm nhẹ lãi suất huy động như Techcombank vừa giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 36 tháng từ 6,5%/năm xuống còn 6,4%/năm; Eximbank giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng từ 7,6%/năm xuống còn 7,4%/năm, kỳ hạn 36 tháng tại ngân hàng này giảm mạnh từ 8,4%/năm xuống còn 8%/năm.

Nhận định về diễn biến lãi suất trong thời gian tới, các chuyên gia của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng có thể lãi suất sẽ giảm nhẹ trong năm 2020. Theo BVSC, tính đến nay, Việt Nam mới có một lần điều chỉnh giảm 0,25% lãi suất điều hành vào tháng 9/2019, ít hơn so với các nước trong khu vực. Hiện dư địa để Việt Nam cắt giảm tiếp lãi suất điều hành là khá nhiều nếu trong trường hợp kinh tế tăng trưởng thấp dưới mục tiêu.

Tuy nhiên, tiến sỹ Cấn Văn Lực (chuyên gia tài chính ngân hàng) cho rằng lãi suất nên duy trì ở mức hiện tại. Nhất là lãi suất huy động nên giữ mức tương đối hấp dẫn để khuyến khích người dân có thể tiếp tục gửi tiền vào hệ thống ngân hàng. Qua đó có nguồn vốn đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh đang có nhiều kênh đầu tư hấp dẫn hơn như chứng khoán, vàng…

Dù vậy, tại buổi làm việc với 21 ngân hàng thương mại mới đây, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh thời gian tới, các ngân hàng không được tăng cả lãi suất huy động lẫn lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch COVID-19./.

Theo Vietnam+

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất