Thứ Hai, 25/11/2024
Ủy ban an toàn giao thông
Thứ Năm, 30/9/2021 14:15'(GMT+7)

Ngành Đường sắt nỗ lực bảo đảm an toàn giao thông sau khi lắp cảnh báo tự động

Xe cộ dừng, đỗ ngay ngắn trước điểm giao cắt có chắn tự động gần ga Hố Nai (thành phố Biên Hòa).

Xe cộ dừng, đỗ ngay ngắn trước điểm giao cắt có chắn tự động gần ga Hố Nai (thành phố Biên Hòa).

Ông Phạm Văn Hiệp, Phó TGĐ Công ty CP Thông tin tín hiệu đường sắt Hà Nội cho biết, hệ thống cảnh báo tự động (CBTĐ) đường ngang đã được triển khai thực hiện trong ngành Đường sắt hơn 10 năm nay.

Hệ thống này bao gồm nhiều thiết bị như cảm biến (thiết bị phát hiện tàu) trong đó cảm biến được lắp đặt tại đường ray, các thiết bị khác được lắp tại đường ngang.

Từ ga vào khu gian, tàu sẽ chạy qua các cảm biến và truyền tín hiệu về bộ điều khiển tại tủ thiết bị đường ngang để tự động tính toán khoảng thời gian tàu sắp đến hoặc sắp qua hết đường ngang và điều khiển tự động các thiết bị phòng vệ như chuông, đèn hoạt động, phát tín hiệu cảnh báo (hạ hoặc nâng cần chắn). Ngành Đường sắt đã chủ động hoàn toàn về thiết kế, lắp đặt, viết phần mềm điều khiển, phần mềm giám sát, mua vật tư thiết bị (bán rộng rãi trên thị trường) rất tiện lợi khi thay thế, giá thành thấp hơn nhập ngoại.

Theo đó, mỗi đường ngang CBTĐ là một hệ thống thiết bị rời, độc lập, các đơn vị lại quản lý hàng trăm đường ngang. Trước đây, những trục trặc, hư hỏng thiết bị sẽ không được phát hiện ngay. Mỗi ngày nhân viên kĩ thuật thông tin tín hiệu sẽ phải ra hiện trường kiểm tra 2 lần.

Vì vậy, vài năm gần đây, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã cho triển khai việc giám sát online trên tất cả các tuyến. Theo đó, trạng thái hoạt động các thiết bị theo thời gian thực sẽ được truyền dữ liệu 24/24h từ tủ thiết bị đường ngang về trung tâm giám sát đặt tại các công ty thông qua đường truyền cáp quang hoặc mạng di động 3G, 4G.

Thông qua các màn hình hiển thị tại trung tâm giám sát, nhân viên trực giám sát, các nhà quản lý, cán bộ kĩ thuật sẽ biết được trạng thái hoạt động của thiết bị và của tất cả các đường ngang CBTĐ ngay tại thời điểm theo dõi.

Cùng đó, các đơn vị cũng tiến hành lắp đặt camera giám sát trên các cột tín hiệu để ghi nhận các hoạt động tại đường ngang từ hai phía, không chỉ cho biết trạng thái thực đang diễn ra mà còn lưu làm tư liệu phân tích lỗi khi xảy ra tai nạn, sự cố. Qua thực tiễn sử dụng cho thấy, hệ thống thiết bị đường ngang CBTĐ và cần chắn tự động hoạt động tốt, độ hoạt động ổn định đạt 99,98%.

Vì vậy, Tổng công ty đã kiến nghị cấp có thẩm quyền nâng cấp các đường ngang biển báo thành đường ngang CBTĐ, lắp đặt cần chắn tự động. Theo kế hoạch Bộ GTVT giao, thời gian tới cần tiến hành nâng cấp, lắp cần chắn tự động đối với hơn 300 đường ngang. Tổng công ty đã kiến nghị bố trí vốn sớm để triển khai thực hiện kế hoạch này.

Để nâng cao hiệu quả phòng ngừa tai nạn, Tổng công ty Đường sắt VN đang cho nghiên cứu giải pháp, thiết kế chế tạo và lắp đặt thử nghiệm hệ thống thiết bị phát hiện chướng ngại vật tại các đường ngang CBTĐ và các lối đi tự mở có tần suất lưu thông lớn để kịp thời dừng tàu.

Không chỉ với đường ngang CBTĐ, Tổng công ty đang nghiên cứu việc lắp đặt cần chắn tự động đối với các đường ngang có gác trên các tuyến có mật độ chạy tàu thấp, chiều rộng đường ngang nhỏ. Mục tiêu nhằm đảm bảo an toàn cho nhân viên gác chắn và giảm cường độ lao động, giảm nhân lực gác chắn.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã báo cáo và trình cấp có thẩm quyền xem xét bố trí 96 tỷ đồng để nâng cấp, cải tạo 82 đường ngang biển báo. Đây là số đường ngang còn lại thuộc dự án cải tạo, nâng cấp 452 đường ngang biển báo thành đường ngang CBTĐ có cần chắn tự động và đường ngang có gác, nhằm gia tăng thiết bị cảnh báo, ngăn chặn; đảm bảo ATGT đường sắt cho người và phương tiện qua đường ngang./.

Thanh Vân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất