Thủ tướng Chính phủ mong
muốn ngành Hóa chất tiếp tục phát huy tinh thần, trách nhiệm, bằng mệnh
lệnh của trái tim, tình yêu Tổ quốc và trách nhiệm với Đảng, Nhà nước và
nhân dân. Ngành cùng với cả nước thực hiện mục tiêu đến năm 2030 (kỷ
niệm 100 năm thành lập Đảng) là nước đang phát triển có công nghiệp hiện
đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 (100 năm thành lập nước) trở
thành nước phát triển, thu nhập cao.
Cùng dự sự kiện có: Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Chủ
tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; Chủ
tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Bí thư Đảng ủy
khối doanh nghiệp Trung ương Nguyễn Long Hải; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ
quan Trung ương và địa phương.
55 NĂM PHÁT TRIỂN CÙNG ĐẤT NƯỚC
Diễn văn Kỷ niệm nêu rõ, ngành Hóa chất Việt Nam hình thành gắn liền
với nhiệm vụ phục vụ quốc phòng, nông nghiệp và dân sinh ngay trong thời
kỳ cả nước dốc sức kháng chiến cứu nước của dân tộc. Ngày 19/8/1969, Tổng Cục Hóa chất được thành lập, là mốc son quan trọng đánh
dấu bước phát triển của ngành công nghiệp hóa chất nước nhà. Trải qua
nhiều giai đoạn phát triển, từ Tổng Cục Hóa chất, sau này là Tổng công
ty, rồi Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) không ngừng phát triển,
lớn mạnh cùng đất nước.
Từ năm 1965 đến 1975 là giai đoạn 10 năm vừa chiến đấu vừa sản xuất,
công nghiệp hóa chất vẫn đạt tốc độ tăng trưởng đáng kể. Giá trị tổng
sản lượng năm 1975 bằng 2,3 lần so với năm 1965, với 24 nhà máy được xây
dựng, đảm bảo được gần 70% giá trị tổng sản lượng toàn ngành.
Giai đoạn 1976 - 1980, Tổng cục Hóa chất đã phát triển thêm, có 38
nhà máy. Giai đoạn 1981-1985, giá trị tổng sản lượng của Tổng cục tăng
gấp 2,8 lần, đưa công nghiệp hóa chất trở thành ngành có tỷ trọng cao
nhất trong toàn ngành Công nghiệp.
Trong giai đoạn 1996 - 2009, Tổng công ty đạt mức tăng trưởng ấn
tượng và là đơn vị có tốc độ tăng trưởng cao trong các ngành công
nghiệp. Năm 2000, giá trị tổng sản lượng bằng 2,14 lần, doanh thu bằng 2
lần so với năm 1996. Năm 2009, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem)
được thành lập, doanh thu tăng 54,5%, lợi nhuận tăng 2,78 lần so với năm
2006.
Năm 2010, Vinachem đã chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty
trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Giai đoạn
2010 - 2015, mặc dù chịu tác động bất lợi từ khủng hoảng kinh tế thế
giới nhưng các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn vẫn duy trì hoạt động kinh
doanh ổn định, hiệu quả, đảm bảo việc làm và cải thiện thu nhập cho
người lao động.
Giai đoạn 2016 - 2020, Tập đoàn đã phải đối mặt với những khó khăn,
thách thức to lớn từ một số dự án, doanh nghiệp quy mô lớn hoạt động
kinh doanh thua lỗ, kém hiệu quả, các chỉ tiêu hoạt động của Tập đoàn
liên tục giảm sút, thị phần thu hẹp, áp lực trả nợ tăng cao. Tuy nhiên,
Tập đoàn vẫn có tăng trưởng về doanh thu, đảm bảo việc làm và ổn định
thu nhập cho gần 25 ngàn lao động.
Từ năm 2021 đến nay, bằng sự nỗ lực cố gắng của tập thể cán bộ, công
nhân viên, người lao động và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, đặc
biệt là Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương liên quan, Tập
đoàn cơ bản đã tháo gỡ khó khăn thách thức, phấn đấu vươn lên hoàn thành
xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Từ chỗ kinh doanh thua lỗ, nguy cơ không giữ được quy mô Tập đoàn,
đến nay Tập đoàn với 21 đơn vị thành viên, 11 công ty liên kết, 04 đơn
vị sự nghiệp và hạch toán phụ thuộc đã kinh doanh có lãi, các chỉ tiêu
doanh thu và lợi nhuận đạt mốc lịch sử, cao nhất từ trước tới nay. Năm
2023, doanh thu toàn Tập đoàn đạt trên 57 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận đạt
gần 3.300 tỷ đồng.
Các dự án của Tập đoàn nằm trong 12 dự án chậm tiến độ kém hiệu quả
là Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP 2 Lào Cai, trên cơ sở chủ trương của
Bộ Chính trị, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt cơ chế tháo gỡ. Đến nay
các dự án hoạt động trên 90% công suất, không có hàng tồn kho, hoạt động
hiệu quả, trả nợ vay ngân hàng theo kế hoạch. Tập đoàn đang quyết tâm
sớm đưa các dự án này ra khỏi danh sách các dự án chậm tiến độ kém hiệu
quả.
Với những đóng góp cho nền kinh tế và phục vụ đời sống, Vinachem vinh
dự 2 lần được tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng
Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác. Vinachem xác định mục tiêu tiếp
tục thực hiện vai trò trụ cột dẫn dắt ngành công nghiệp hóa chất Việt
Nam; trở thành một trong những Tập đoàn hàng đầu khu vực ASEAN về lĩnh
vực sản xuất hóa chất cơ bản, hóa chất tiêu dùng, phân bón và cao su.
Phát biểu tại sự kiện, bày tỏ vui mừng, nhất là sau khi Vinachem vượt
qua khó khăn, trở lại phát triển vượt bậc và ôn lại quá trình 55 năm
hình thành, phát triển của ngành Hóa chất Việt Nam - ngành kinh tế, kỹ
thuật có tính chất nền tảng, đóng góp quan trọng cho xây dựng và phát
triển kinh tế, xã hội của đất nước, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước,
Thủ tướng Chính phủ nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những thành tựu
đã đạt được và sự nỗ lực cố gắng của toàn ngành Hóa chất trong 55 năm
qua, góp phần vào thành tựu chung của cả nước trong xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc.
Theo Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh những thành tựu đạt được là cơ
bản, ngành công nghiệp hóa chất đang đối mặt với nhiều thách thức như:
còn ít sản phẩm hóa chất kỹ thuật cao; chưa có nhiều sản phẩm có giá trị
gia tăng cao; nhiều loại nguyên liệu và sản phẩm hóa chất đầu vào phụ
thuộc nhập khẩu; nhiều cơ sở sản xuất nhỏ, lạc hậu; chưa chú ý đến
nghiên cứu khoa học, cải tiến công nghệ, năng lực cạnh tranh; còn tình
trạng ô nhiễm, dẫn đến tâm lý sợ, không chào đón tại một số địa phương
và cộng đồng dân cư…
TÁI CẤU TRÚC, MỞ RA GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN MỚI
Chỉ rõ bài học kinh nghiệm quý trong việc thực hiện các mục tiêu phát
triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển ngành Hóa chất nói
riêng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, công nghiệp hóa chất là ngành
nền tảng trong nền kinh tế của mỗi quốc gia và là ngành sản xuất lớn
thứ 5 toàn cầu, sau các ngành công nghệ cao, máy móc và thiết bị, xe cơ
giới và phụ tùng, hàng hóa thực phẩm.
Đảng, Nhà nước khẳng định và dành sự quan tâm đối với vai trò quan
trọng của ngành công nghiệp hóa chất, ngành công nghiệp nền tảng. Nghị
quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra nhiệm vụ phát triển một số
ngành công nghiệp nền tảng; Nghị quyết 29, Khóa XIII về tiếp tục đẩy
mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước đến năm 2030 đặt ra mục
tiêu “Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh với năng lực sản xuất
mới, tự chủ, khả năng thích ứng, chống chịu cao, từng bước làm chủ công
nghệ lõi, công nghệ nền của các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp
ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn”.
Cho rằng, bối cảnh đất nước trong giai đoạn phát triển mới với yêu
cầu cao hơn, nặng nề hơn, trong đó có nhiều vấn đề mới, phức tạp hơn đặt
ra nhiều thách thức hơn, Thủ tướng yêu cầu ngành Hóa chất, cụ thể là
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam phát huy vai trò làm trụ cột, điều phối, tập
hợp sức mạnh toàn ngành, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để
phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Thủ tướng yêu cầu rà soát, thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Kết
luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; cụ
thể hóa các nhiệm vụ vào kế hoạch của Tập đoàn, của từng đơn vị để tổ
chức thực hiện và kiểm tra, giám sát; tiếp tục giữ vững sự đoàn kết,
thống nhất; nâng cao tinh thần dám nghĩ, dám làm với khát vọng xây dựng
và phát triển.
Vinachem phải bám sát định hướng và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ, của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; định hướng
phát triển của ngành theo "Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa
chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040", phát huy cao độ vai
trò của doanh nghiệp nhà nước, thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ chính trị
được giao, tiếp tục có những đóng góp quan trọng hơn nữa, thiết thực
hơn nữa vào sự nghiệp đổi mới, phát triển.
Ngành tiếp tục củng cố bộ
máy, xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng, tinh gọn, phát huy tinh thần
đoàn kết nhất trí, dám nghĩ, dám làm; rà soát, cơ cấu lại các nguồn lực;
tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác tái cấu trúc doanh
nghiệp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước; nâng cao năng lực quản trị,
kinh doanh phù hợp với quy mô doanh nghiệp lớn, địa bàn hoạt động rộng,
nắm giữ tài sản, tài nguyên lớn của đất nước; đổi mới quản trị theo
hướng thông minh; đẩy mạnh chuyển đổi số; giải quyết dứt điểm những tồn
đọng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Tập đoàn Hóa chất phát huy vai trò
dẫn đầu của doanh nghiệp nhà nước, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát
triển trung và dài hạn để có cơ cấu nhóm ngành hợp lý, làm mới lại các
động lực cũ tập trung vào các ngành, nghề kinh doanh chính, tổ chức sản
xuất, kinh doanh có hiệu quả, phát triển bền vững, đi đôi với bảo vệ môi
trường, đảm bảo an toàn cho người lao động và sức khỏe cộng đồng; đi
đầu trong nghiên cứu, đầu tư vào các lĩnh vực mới theo hướng có chọn
lọc, phù hợp với xu thế thế giới, phát triển các ngành công nghiệp trong
tương lai, nhất là về công nghệ, kỹ thuật hiện đại trong một số ngành
mới nổi như công nghiệp bán dẫn, ắc quy và pin lưu điện...
Tập đoàn phải duy trì cơ cấu tài chính lành mạnh, cân đối các nguồn
lực tài chính đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư
phát triển; xây dựng, củng cố và mở rộng quan hệ với các ngân hàng có uy
tín trong nước, khu vực và trên thế giới, bảo đảm nhu cầu vốn đầu tư
của Tập đoàn và các đơn vị thành viên; thu hút đầu tư trực tiếp nước
ngoài (FDI) và các thành phần kinh tế khác đầu tư vào các dự án của Tập
đoàn để tận dụng được lợi thế và cơ hội phát triển đã được xây dựng và
tích lũy 55 năm qua về lĩnh vực hóa chất với nhiều yêu cầu về hạ tầng và
bảo vệ môi trường; tích cực đổi mới, tái cơ cấu các đơn vị trong Tập
đoàn phù hợp với định hướng phát triển của ngành nhằm thực hiện ngày
càng tốt hơn vai trò tập hợp, phát huy sức mạnh của hệ thống các doanh
nghiệp trong ngành; phấn đấu trở thành Tập đoàn kinh tế mạnh, đủ sức
cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới.
Yêu cầu Tập đoàn Hóa chất tiếp tục cơ cấu lại 3 dự án yếu kém là Đạm
Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP số 2- Vinachem theo các đề án đã được cấp có
thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm hiệu quả, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh
nghiên cứu phát triển và áp dụng các giải pháp công nghệ, công cụ và vật
liệu tiên tiến, hiện đại để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh
tranh và góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường, thúc đẩy phát triển
ngành công nghiệp hóa chất bền vững; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với cơ
quan có thẩm quyền, các doanh nghiệp, đối tác trong triển khai thực hiện
từng nhiệm vụ, mục tiêu để góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa,
hiện đại hóa đất nước; làm tốt hơn nữa công tác chăm lo đời sống vật
chất, tinh thần cho người lao động; tham gia tích cực công tác an sinh
xã hội.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Vinachem tái cấu trúc quản trị, cả về con
người và bộ máy, đảm bảo tinh gọn, giảm chi phí và ứng dụng công nghệ
số vào quản trị; tái cấu trúc các nguồn vốn, sử dụng có hiệu quả mọi
nguồn vốn có thể huy động được; tái cấu trúc sản phẩm đầu vào, giảm giá
thành theo hướng tăng cường sử dụng các sản phẩm trong nước và tự sản
xuất; thực hiện đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng
hóa chuỗi cung ứng để tạo ra thị trường rộng lớn, tạo công ăn việc làm,
tạo sinh kế cho cán bộ, công nhân, người lao động; phối hợp chặt chẽ, có
hiệu quả với các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn, tổng công ty có
liên quan ở trong và ngoài nhà nước để cùng tham gia các chuỗi cung ứng
trong nước và toàn cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng, với chiến lược đúng đắn, kế
hoạch, giải pháp đồng bộ và đặc biệt là tinh thần đoàn kết, trách nhiệm,
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam tiếp tục hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ
được giao, có nhiều đóng góp quan trọng, thiết thực hơn nữa vào sự
nghiệp đổi mới, phát triển chung của đất nước. Tập đoàn Hóa chất Việt
Nam ngày càng phát triển vững mạnh và đạt được thành tích năm sau cao
hơn năm trước./.
TTXVN