EU là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia và hồi tháng 2/2020, Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan hành chính của EU - đã khuyến nghị về việc rút một phần EBA dành cho Campuchia kể từ tháng 8/2020.
Lĩnh vực xuất khẩu hàng dệt may trị giá 7 tỷ USD mỗi năm của Campuchia sẽ chịu thiệt hại từ việc Liên minh châu Âu (EU) rút một phần ưu đãi thuế quan theo thỏa thuận "Tất cả Trừ Vũ khí" (EBA) dành cho Campuchia bắt đầu từ ngày 12/8, giữa lúc hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương Campuchia-Trung Quốc sắp được ký kết.
Quyết định rút một phần EBA dành cho Campuchia được EU đưa ra từ tháng 2/2020 và bắt đầu có hiệu lực từ 12/8, cho dù chính phủ và lĩnh vực tư nhân của Campuchia nỗ lực vận động EU không áp dụng hoặc chí ít là lùi thời gian rút một phần EBA.
Hiệp hội các nhà sản xuất hàng may mặc Campuchia (GMAC) và Hiệp hội giày dép Campuchia (CFA) cùng với Phòng Thương mại châu Âu tại Campuchia đã nhiều lần kêu gọi EU hoãn rút một phần EBA, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang tàn phá ngành dệt may và giày dép của Campuchia.
Trả lời báo Khmer Times ngày 11/8, Chủ tịch GMAC Van Sou Ieng nói rằng GMAC cùng các bên liên quan liên tục kiến nghị EU xem xét lại hoặc hoãn rút một phần EBA nhưng không có kết quả. Tuy nhiên, GMAC vẫn sẽ tiếp tục nỗ lực với hy vọng có thể thay đổi ngay cả khi quyết định của EU được thực thi.
EU là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia và hồi tháng 2/2020, Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan hành chính của EU - đã khuyến nghị về việc rút một phần EBA dành cho Campuchia kể từ tháng 8/2020 với lý do Campuchia vi phạm nghiêm trọng và có hệ thống các nguyên tắc về 4 quyền cơ bản của con người và người lao động.
Quyết định của EU ảnh hưởng tới 1/5 (tương đương 1,08 tỷ USD) giá trị xuất khẩu hàng năm của Campuchia sang thị trường EU.
Quốc vụ khanh Bộ Thương mại Campuchia Sok Sopheak ngày 12/8 cho biết ngày hôm nay sẽ không có thay đổi gì trong quyết định của EU, song điều này cũng không quá gây lo ngại cho dù hàng may mặc xuất khẩu sẽ bị tổn thất một phần.
Quyết định rút một phần ưu đãi thuế quan của EU ảnh hưởng 20% tới mặt hàng đường, nhưng Campuchia không xuất khẩu đường sang EU, trong khi xuất khẩu đồ lữ hành của Campuchia sang EU không nhiều bằng xuất sang Mỹ.
Trong khi đó, Campuchia hy vọng sẽ ký FTA với Trung Quốc trong tháng này để bù đắp một phần thiệt hại từ việc EU rút một phần EBA.
Tuy nhiên, là người đứng đầu đoàn đàm phán của Campuchia, ông Sopheak từ chối bình luận về thời điểm chính xác FTA Campuchia-Trung Quốc sẽ được ký kết.
Theo nhà nghiên cứu kinh doanh Hong Vannak, thuộc Học viện Hoàng gia Campuchia, cần có thời gian để bù đắp thiệt hại do EU rút EBA bằng FTA Trung Quốc-Campuchia, cho dù kim ngạch thương mại hai chiều Campuchia-Trung Quốc hiện đã đạt con số khổng lồ./.
Theo TTXVN