Ngày 26/12, tại Hà Nội, Tổng Cục thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) tổ chức
công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về “Ngày truyền thống thi
hành án dân sự;” đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba và triển khai
công tác thi hành án dân sự năm 2014.
Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định lấy ngày 19/7 hàng năm là “Ngày truyền thống thi hành án dân sự.”
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh đây
là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm đối với ngành tư pháp, các cơ quan
thi hành án, cán bộ, công chức thi hành án dân sự.
Về triển khai công tác thi hành án dân sự năm 2014, Phó Chủ tịch Quốc
hội Uông Chu Lưu cho rằng Bộ Tư pháp với chức năng giúp Chính phủ quản
lý công tác xây dựng và thi hành pháp luật, công tác hành chính tư pháp,
bổ trợ tư pháp đứng trước các thách thức rất lớn.
Phó Chủ tịch đề nghị, ngành cần tập trung mọi nguồn lực, phát huy tính
sáng tạo, tinh thần đoàn kết, hợp tác trong toàn bộ hệ thống các cơ quan
thi hành án dân sự, khắc phục bệnh thành tích để tiếp tục thực hiện có
hiệu quả Nghị quyết số 37/2012/QH13 và các yêu cầu đặt ra trong Nghị
quyết số 63/2013/QH13 ngày 27/11/2013 của Quốc hội; tập trung chỉ đạo
giải quyết các vụ án lớn, phức tạp, các vụ việc thuộc những lĩnh vực
nóng, gây ảnh hưởng đến kinh tế, bức xúc trong xã hội, tác động xấu đến
quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngành cần tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ
máy, nâng cao nguồn nhân lực các cơ quan thi hành án, tăng cường phối
hợp với các cấp ủy địa phương trong bổ nhiệm, quản lý cán bộ lãnh đạo
các Cục, Chi cục thi hành án theo đúng quy định; tăng cường hiệu lực,
hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành để phát hiện sớm và
xử lý nghiêm minh các vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật
trong thi hành án.
Ngành tư pháp cần hoàn thành trình Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung
ương đề án về phòng chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp do ngành tư
pháp quản lý nói chung, công tác thi hành án dân sự nói riêng.
Phó Chủ tịch lưu ý các cơ quan thi hành án có trách nhiệm phối hợp, hỗ
trợ các Văn phòng thừa phát lại trong quá trình triển khai các hoạt động
liên quan đến thi hành án, coi đó là nhiệm vụ chính trị chung của cả
ngành…
Năm 2014, ngành tư pháp xác định thực hiện nghiêm chỉ tiêu “ra quyết
định đúng thời hạn đối với 100% bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu
lực theo đúng quy định của pháp luật”; tăng cường và nâng cao chất lượng
công tác xác minh, phân loại án.
Ngành tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức làm
công tác thi hành án dân sự, đặc biệt là việc kiện toàn đội ngũ cán bộ
lãnh đạo quản lý, cán bộ có chức danh pháp lý; trong đó tập trung vào
những địa bàn, đơn vị để xảy ra vi phạm hoặc còn nhiền hạn chế, yếu kém.
Ngành tư pháp chuẩn bị tốt dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật thi hành án dân sự, trình Quốc hội xem xét, quyết định và khẩn
trương xây dựng, hoàn thiện các đề án, văn bản hướng dẫn thi hành Luật
(sau khi được thông qua); tập trung hoàn thiện các văn bản, đề án còn nợ
của năm 2013 và các năm trước, các văn bản khác theo kế hoạch.
Các công việc liên quan đến thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị
quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội, nhất là việc hoàn thiện thể chế, bổ
nhiệm Thừa phát lại, thành lập các Văn phòng, triển khai các Đề án tại
các địa phương thuộc diện thí điểm cũng sẽ được ngành tập trung thực
hiện.
Toàn ngành tập trung giải quyết có hiệu quả số vụ việc khiếu nại, tố cáo
phức tạp, kéo dài theo kế hoạch; tổng hợp, rà soát những vụ việc còn
tồn đọng để tập trung xử lý; nâng cao chất lượng và tiến độ công tác
hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ, chỉ đạo giải quyết những vụ án lớn, phức
tạp; khắc phục những vi phạm thiếu sót về chuyên môn, nghiệp vụ…/.
TTX