Thứ Năm, 21/11/2024
Khoa giáo
Thứ Tư, 2/11/2022 15:22'(GMT+7)

Nghệ An: Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn ở Nghệ An có nhiều chuyển biến tích cực sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW.

Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn ở Nghệ An có nhiều chuyển biến tích cực sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW.

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 19-CT/TW, nhận thức của nhiều cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và xã hội về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn được quan tâm. Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, chương trình, giáo trình đào tạo, đội ngũ nhà giáo được tăng cường, chuẩn hóa; cơ cấu ngành, nghề, phương pháp đào tạo cho lao động nông thôn được đổi mới và cơ bản đáp ứng được thực tiễn sản xuất và yêu cầu của thị trường sử dụng lao động trong và ngoài nước.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 40% đầu năm 2012 và dự kiến đạt 67,7% cuối năm 2022; trong đó tỷ lệ có văn bằng, chứng chỉ tăng từ 18,4% lên 27,4%; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ trọng lao động ngành nông nghiệp, tăng lao động ngành công nghiệp và dịch vụ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thường xuyên được chú trọng; số lượng và chất lượng nhà giáo tham gia, đạt giải tại Hội giảng nhà giáo các cấp tăng lên; số cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngày một đáp ứng nhu cầu dạy học(1).

Công tác dạy nghề cho thanh niên nông thôn được quan tâm; tổng số thanh niên nông thôn được đào tạo nghề là 309.124 người (chiếm 44,97% tổng số lao động nông thôn học nghề); trong đó lao động nữ 92.791 người. Số thanh niên nông thôn thuộc các đối tượng chính sách là 134.661 người; trong đó, lao động thuộc hộ nghèo 14.308 người, hộ cận nghèo 11.655 người, khuyết tật 2.698 người, dân tộc thiểu số 30.662 người, đối tượng chính sách khác là 75.338 người. Tỷ lệ thanh niên nông thôn có việc làm sau học nghề đến cuối năm 2022 đạt tỷ lệ 80,51%.

Dạy nghề cho nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được tăng cường và tăng lên theo từng năm; tổng số lao động nông dân được đào tạo nghề nông nghiệp là 149.515 người (chiếm 21,75% tổng số lao động nông thôn học nghề); trong đó, lao động nữ 68.437 người. Số lao động thuộc các đối tượng chính sách là 65.823 người; trong đó, lao động thuộc hộ nghèo 7.082 người, hộ cận nghèo 6.733 người, khuyết tật 374 người, dân tộc thiểu số 15.275 người, đối tượng chính sách khác là 36.359 người. Tỷ lệ lao động nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp có việc làm sau học nghề đạt 77,19%, trong đó, số lao động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến để tiếp tục sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ 93,59%.



Công tác dạy nghề ngày một đáp ứng cho việc xây dựng nông thôn mới tại các địa phương, đơn vị. Giai đoạn 2011-2022, toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề cho 687.477 lao động nông thôn (chiếm 76,18% tổng số người được đào tạo nghề của tỉnh), gồm các cấp trình độ: Cao đẳng 34.422 người, trung cấp 67.047 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 586.008 người. Chất lượng đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực; tỷ lệ học sinh, sinh viên đạt khá, giỏi trong các trường cao đẳng, trung cấp tăng từ 19,6% năm 2011 lên 45% năm 2022 (tăng 25,4%). Tại các kỳ thi kỹ năng nghề cấp tỉnh, quốc gia, có nhiều em đạt giải cao được lựa chọn tham gia và đạt giải tại kỳ thi Kỹ năng nghề khu vực và thế giới, cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp quốc gia.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động tìm kiếm thị trường, phối hợp với các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để ký cam kết về việc làm cho học sinh, sinh viên sau đào tạo. Giai đoạn 2011-2022, đã giải quyết việc làm cho 471.326 lao động nông thôn; tỷ lệ có việc làm sau tốt nghiệp đạt 75,94%, trong đó: tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ có việc làm đạt 80,37%, tăng 9,55% so với năm 2011. Mức lương khởi điểm bình quân của sinh viên cao đẳng 8-10 triệu đồng/tháng, học sinh trung cấp đạt 6,5 - 9 triệu đồng/tháng; một số ngành nghề thuộc lĩnh vực kỹ thuật, du lịch có thu nhập cao từ 15 - 18 triệu đồng/tháng. Nguồn lực thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn ngày càng được các cấp, các ngành quan tâm.

Tuy nhiên, việc chuyển đào tạo nghề từ năng lực sẵn có của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp sang đáp ứng yêu cầu của xã hội, thị trường lao động còn chậm. Chất lượng, hiệu quả một số ngành nghề đào tạo cho lao động nông thôn chưa phù hợp nhu cầu của thị trường lao động. Cơ cấu trình độ tuyển sinh, đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa phù hợp. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo còn thiếu và lạc hậu; đội ngũ nhà giáo thiếu về số lượng, trình độ kỹ năng tay nghề chưa đáp ứng được yêu cầu; chương trình, giáo trình đào tạo chưa thực sự đổi mới, linh hoạt, chưa sát với thực tế sản xuất kinh doanh, dịch vụ và thị trường lao động. Một bộ phận lao động nông thôn sau học nghề chưa áp dụng được kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tế sản xuất, kinh doanh; không tạo việc làm, chuyển đổi việc làm mới, hoặc có việc làm nhưng không ổn định, thu nhập thấp. Số lao động nông thôn được hưởng chính sách ưu đãi học nghề, việc làm còn hạn chế, nhất là người có công với cách mạng, hộ nghèo, dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người mãn hạn tù, người bị thu hồi đất. Sự phối hợp, gắn kết giữa cơ sở đào tạo nghề nghiệp với doanh nghiệp còn hạn chế; đào tạo nghề cho lao động nông thôn để phục vụ chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân ở một số địa phương chưa thực sự được chú trọng; chưa có định hướng rõ ràng về ngành nghề, việc làm sau đào tạo.

Nguồn lực lao động nói chung hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang còn rất dồi dào nhất là nguồn lao động chưa qua đào tạo ở nông thôn. Việc tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn để sử dụng ngay tại địa phương tránh bị lãng phí là rất cần thiết và bức thiết. Thời gian tới cần tập trung tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị đối với công tác đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn. Huy động cả hệ thống chính trị trong việc quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện công tác giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề cho lao động nông thôn, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và lâu dài để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực ở khu vực nông thôn nhằm đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và của tỉnh.

Cần thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm, tầm quan trọng đối với công tác giáo dục nghề nghiệp và đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường phối hợp với các địa phương, các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, các cơ quan truyền thông thường xuyên tuyên truyền định hướng, tư vấn nghề nghiệp, phân luồng học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông lựa chọn ngành, nghề học phù hợp với bản thân và nhu cầu của xã hội; từng bước làm thay đổi tư tưởng, nhận thức "thích làm thầy hơn làm thợ" của người dân, từ đó, chủ động tham gia học nghề để sớm có được việc làm và thu nhập ổn định.

Tập trung củng cố, nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tập trung đầu tư đồng bộ, hiện đại cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là các thiết bị công nghệ mới, công nghệ cao đáp ứng yêu cầu đào tạo, phù hợp nhu cầu thị trường sử dụng lao động. Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đạt chuẩn quy định. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động đào tạo, quản trị nhà trường và quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành trong việc chỉ đạo thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Thực hiện nghiêm việc đánh giá, kiểm định chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy định. Đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, giám sát trong việc triển khai thực hiện các chương trình, đề án thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề cho lao động nông thôn./.

Phạm Công Tứ

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An

 ---------------------------------

(1) - Đến năm 2022, có 100% nhà giáo đạt chuẩn về trình độ chuyên môn; 1.375 nhà giáo đạt chuẩn kỹ năng nghề; 2.680 nhà giáo đạt chuẩn nghiệp vụ sư phạm; 1.947 nhà giáo có trình độ ngoại ngữ bậc 1, 2, 3 trở lên; 2.575 nhà giáo có trình độ cơ bản và nâng cao về tin học ;số cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là 571 người; số cán bộ quản lý kiêm nhiệm giáo viên là 444 người.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất