Thứ Tư, 9/10/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Sáu, 27/2/2009 8:7'(GMT+7)

Nghệ An: Nâng cao hơn nữa vai trò của Đoàn - Hội Thanh niên vùng nông thôn

Lớp đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn của Huyện đoàn Yên Thành (Nghệ An)

Lớp đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn của Huyện đoàn Yên Thành (Nghệ An)

Các cấp bộ Đoàn trong tỉnh luôn xác định việc xây dựng tổ chức Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi khu vực nông thôn vững mạnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vừa tạo cơ sở để tập hợp đông đảo thanh niên, đồng thời vừa thông qua tổ chức Đoàn - Hội để tuyên truyền, vận động thanh thiếu nhi thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; phổ biến các kiến thức khoa học vào đời sống, nhất là áp dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội; giữ vững an ninh trật tự và an toàn xã hội.

Đến nay, 100% xã trên địa bàn tỉnh đều có tổ chức Đoàn - Hội. Hội khu vực nông thôn luôn có nhiều đổi mới trong hoạt động, thường xuyên xây dựng được các phong trào, các hoạt động bổ ích, thiết thực. Tuy nhiên, công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi ở khu vực nông thôn còn nhiều hạn chế cần kịp thời tháo gỡ. Trong đó, đáng kể là sự rập khuôn, máy móc trong công tác tổ chức, vận động thanh thiếu nhi. Nhiều nơi tổ chức Đoàn - Hội hoạt động còn mang tính hình thức, cầm chừng, chưa tạo được sức hút mạnh mẽ. Chính điều này đã phần nào làm sút giảm uy tín, niềm tin của thanh thiếu nhi đối với Đoàn - Hội. Nhiều địa phương, số thanh, thiếu nhi đứng ngoài tổ chức Đoàn - Hội đông hơn số lượng đoàn viên, hội viên. Bên cạnh đó, tình trạng thanh thiếu nhi không thiết tha với tổ chức của mình, cuốn theo các tệ nạn xã hội nhưng Đoàn - Hội chưa đưa ra giải pháp để khắc phục.

Ở một số nơi còn tình trạng "khai" số lượng đoàn viên, hội viên "ảo". Trên sổ sách thì danh sách đoàn viên, hội viên lớn nhưng thực chất không sinh hoạt, sinh hoạt không đều, hoặc bỏ địa phương đi tìm việc làm ở nơi khác nhưng không chuyển sinh hoạt Đoàn. Vì thế, mỗi khi có các chủ chương, chương trình mới từ trên đưa xuống, nhiều tổ chức Đoàn - Hội thiếu lực lượng để huy động thực hiện. Thực tế này có thể thấy rõ qua các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử - truyền thống hay các phong trào, chiến dịch tình nguyện đã qua. Điển hình như cuộc thi tìm hiểu 75 năm lịch sử Đoàn vừa rồi, số lượng bài dự thi của đoàn viên thanh niên nông thôn không đáng kể (chủ yếu là bài dự thi của học sinh và giáo viên các trường).

Có thể nói, một giải pháp phổ biến được các tổ chức Đoàn - Hội khu vực nông thôn thời gian qua tập trung khai thác để thu hút, tập hợp đông đảo thanh thiếu nhi trên địa bàn, tăng cường uy tín, vai trò của Đoàn - Hội là đứng ra tổ chức, triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho đoàn viên thanh niên trên địa bàn Đoàn - Hội là chủ dự án giúp đoàn viên thanh niên vay vốn, hùn vốn, hỗ trợ sản xuất; tập huấn chuyển giao kiến thức chăn nuôi, trồng trọt, tổ chức các câu lạc bộ giúp nhau, các sân chơi văn hóa - văn nghệ và thể dục thể thao... Tuy nhiên, không phải nơi nào tổ chức Đoàn - Hội nào cũng thực hiện được; số lượng các mô hình kinh tế mới hiệu quả không đáng kể trong khi đó nhu cầu được hỗ trợ, tư vấn, nhu cầu vui chơi, giải trí của thanh thiếu nhi khu vực nông thôn của tỉnh là rất lớn và rất thiết thực. Đây là những yếu kém, tồn tại còn phổ biến cần thẳng thắn nhìn nhận, có như thế mới tìm ra được các giải pháp khắc phục, từng bước góp phần đổi mới nội dung, phương pháp công tác Đoàn - Hội và phong trào thanh thiếu nhi ở khu vực nông thôn theo hướng thiết thực hơn, hiệu quả hơn, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thanh, thiếu nhi./.

(Báo Nghệ An)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất