Sáng 25/7, tại Thủ đô Hà Nội, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ
thuật Việt Nam đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 75 năm thành lập
(25/7/1948 - 25/7/2023).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng:
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Chánh Văn phòng
Trung ương Đảng Lê Minh Hưng; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó
Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tới dự.
Nhân dịp này, nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã gửi lẵng hoa chúc mừng.
Dự Lễ kỷ niệm có các đại biểu đại diện cho hơn 40.000 văn nghệ
sỹ thuộc 5 thế hệ gồm các chuyên ngành (văn học, sân khấu, mỹ thuật, âm
nhạc, nhiếp ảnh, điện ảnh, múa, văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc
thiểu số, kiến trúc), đang hoạt động trong 10 Hội chuyên ngành Trung
ương và 63 Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, thành phố trong toàn quốc cùng
Quỹ hỗ trợ Sáng tạo Văn học Nghệ thuật Việt Nam.
Trong diễn văn ôn lại quá trình thành lập và phát triển của Liên hiệp
trong 75 năm qua, PGS. TS. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng
đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam nhấn mạnh,
Hội nghị Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất, diễn ra từ ngày 25 đến 27/7/1948
tại làng Dộc Phát, Yên Kỳ, Hạ Hòa, Phú Thọ, được coi là Đại hội đầu tiên
của tổ chức văn nghệ cách mạng Việt Nam với sứ mệnh tập hợp giới văn
nghệ sĩ thuộc mọi thế hệ, tầng lớp, các dân tộc ở các vùng miền trong cả
nước Việt Nam độc lập, nhằm đoàn kết cùng toàn dân góp phần thực hiện
các nhiệm vụ cách mạng, bảo vệ, dựng xây chế độ mới.
Hội Văn nghệ Việt Nam đã đổi tên để phù hợp với sự lớn mạnh về đội
ngũ, trưởng thành về tổ chức qua các thời kỳ. Từ năm 1995 đến nay, Hội
chính thức mang tên Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.
Văn học Nghệ thuật Việt Nam cũng đã giành được nhiều giải thưởng danh
giá trong các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật quốc tế, góp phần giúp
người dân thế giới hiểu rõ về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam;
xây dựng nhịp cầu hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân thế giới.
Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, giới văn học - nghệ thuật Việt
Nam đã được Đảng và Nhà nước tặng những phần thưởng cao quý như Huân
chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ nhất (1987),
Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai (2008) và Huân chương Sao vàng
(2018).
Tính đến tháng 5/2023, đã có 136 văn nghệ sĩ (tác giả và đồng tác
giả) được trao tặng và truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ
thuật; 665 văn nghệ sĩ (tác giả và đồng tác giả) được trao tặng và truy
tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Hàng trăm văn nghệ sĩ được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng
Các lực lượng Vũ trang và các huân chương cao quý: Huân chương Độc lập,
Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Lao động. 452 văn nghệ sỹ được tặng
thưởng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, 2.621 văn nghệ sĩ được tặng danh
hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
Phát biểu tại buổi lễ, các đại biểu văn nghệ sĩ bày tỏ niềm tự hào về
truyền thống vẻ vang của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam
trong suốt 75 năm qua.
Những ý kiến phát biểu đầy tâm huyết của các vị đại diện văn nghệ
sĩ tiêu biểu đã đề cập toàn diện, đầy đủ và sâu sắc lịch sử hình thành,
phát triển hào hùng, truyền thống quý báu, vẻ vang và sự đóng góp to
lớn, rất quan trọng của Hội Văn hóa Cứu quốc trước đây, cũng như của
Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật ngày nay và đội ngũ văn nghệ
sĩ nước nhà trong suốt 75 năm qua.
ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CHẤN HƯNG VĂN HÓA, XÂY DỰNG CON NGƯỜI VIỆT NAM THỜI ĐẠI MỚI
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, nhìn lại 75 năm qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng vui mừng nhận thấy anh chị em văn nghệ sĩ dưới mái nhà chung của
Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đã có sự phát triển,
trưởng thành đầy ấn tượng, góp phần to lớn vào công cuộc sáng tạo các
sản phẩm văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của nhân dân,
đưa văn hóa ngày càng thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội;
xứng đáng là lực lượng nòng cốt sáng tạo các giá trị văn hóa, là đội ngũ
văn nghệ sĩ - chiến sĩ tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại lễ kỷ niệm. (Ảnh: TTXVN)
Với các kết quả đã đạt được, văn học - nghệ thuật đã
góp phần quan trọng vào nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng
con người; đấu tranh với mọi biểu hiện sai trái, tạo ra bầu không khí
lành mạnh trong xã hội.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
nhiệt liệt hoan nghênh, chúc mừng, biểu dương và cảm ơn những đóng góp
to lớn của đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà, của Liên hiệp các Hội Văn học
Nghệ thuật Việt Nam.
Tổng Bí thư nêu rõ Đảng ta đã luôn luôn khẳng định: "Văn học - nghệ
thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu
cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một
trong những động lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh
thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam" trong
thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động và tích cực
hội nhập quốc tế để phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Một tiết mục nghệ thuật tại Lễ kỷ niệm. (Ảnh: TTXVN)
Để tạo điều kiện cho văn học - nghệ thuật phát triển, Tổng Bí thư nhấn
mạnh Đảng và Nhà nước luôn luôn khuyến khích mọi sự tìm tòi, tôn trọng
tự do sáng tạo của người nghệ sĩ, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù
đối với văn học - nghệ thuật và văn nghệ sĩ phù hợp với sự phát triển kinh
tế - xã hội của đất nước.
Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn luôn mong muốn, kỳ vọng và đòi hỏi
đội ngũ văn nghệ sĩ có nhiều tác phẩm có giá trị cao hơn nữa về tư tưởng
và nghệ thuật; phản ánh chân thực, sâu sắc, toàn diện hiện thực của đất
nước ta trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển.
Tổng Bí thư chỉ rõ, xã hội Việt Nam thời kỳ đổi mới, hội nhập sâu
rộng đang diễn ra rất sôi động, nhanh chóng và xuất hiện nhiều vấn đề
mới, khác nhiều so với trước đây, trong chiến tranh và thời kỳ quan
liêu, bao cấp. Điều đó đòi hỏi mỗi người nghệ sĩ phải tự đổi mới mình, vừa có bản
lĩnh, sự tỉnh táo; vừa có trình độ, tầm nhìn, cách nghĩ và phương thức
thể hiện mới trong sáng tạo nghệ thuật, phù hợp với yêu cầu thực tiễn
phát triển của Việt Nam hôm nay.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xem một số hình ảnh trưng bày tại buổi lễ. (Ảnh: TTXVN)
“Hơn lúc nào hết, người nghệ sĩ phải bám sát cuộc sống, dám đi vào
những mũi nhọn của cuộc sống trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ,
trên thương trường và mặt trận an ninh, quốc phòng, đối ngoại; đến với
vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, biên cương, hải
đảo để phát hiện và phản ánh những nhân tố mới, cách làm hay, những vấn
đề mới nảy sinh trong cuộc sống, tham gia tích cực và có trách nhiệm vào
các nhiệm vụ của xã hội, đặc biệt là cuộc đấu tranh phòng, chống tham
nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa,
văn minh, thanh lịch, chan chứa tình người. Chỉ có như vậy, văn học -
nghệ thuật của chúng ta mới có được những tác phẩm hay, làm lay động
lòng người và cần thiết cho công chúng, cho xã hội”, Tổng Bí thư nhấn
mạnh.
Tổng Bí thư chia sẻ, thời đại, cuộc sống quanh ta có rất nhiều điều
để nói, để viết, nhưng quan trọng là nói và viết như thế nào? Văn nghệ
phải chiếu sáng cuộc sống chứ không chỉ là nơi cuộc sống hiện hình. Văn
nghệ bồi dưỡng, nâng cao con người chứ không phải chỉ là nơi giãi bày
tâm trạng cá nhân...
Tổng Bí thư mong muốn các văn nghệ sĩ nhận thức và thể hiện thật rõ
điều đó để xứng đáng với niềm tin yêu và hy vọng mới của nhân dân; đừng
để cho sự tầm thường dễ dãi ám ảnh mình.
Các văn nghệ sĩ cần thường xuyên học hỏi, đúc rút những bài học tốt
từ các thế hệ đi trước để tiếp tục đi xa hơn, vững vàng hơn. Bài học đó vẫn là khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả, hòa nhịp đập
trái tim mình với nhịp đập trái tim toàn dân tộc, lăn lộn với thực tiễn
phong phú, sôi động của cuộc sống nhân dân, chứ không phải chỉ sa vào
tâm trạng cá nhân, gặm nhấm tâm tư, yếm thế, lấy tiểu xảo thay cho tài
năng, nhìn đời bằng góc nhìn chật hẹp, thậm chí coi văn nghệ chỉ đơn
giản như là một thú vui, giải trí hoặc một cuộc chơi, một sự đam mê tầm
thường.
Thực tế đời sống văn học ở nước ta và trên thế giới cho thấy chỉ có
khát vọng và hoài bão lớn về sự sáng tạo thì mới có thể đi xa và bền
vững. Mục đích cuối cùng của người nghệ sĩ là tác phẩm hay, có giá trị tư
tưởng và nghệ thuật cao, phản ánh tâm hồn và tính cách dân tộc, những
điều lớn lao, mạnh mẽ của con người và dự báo cho cả tương lai.
Tổng Bí thư đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến
địa phương, cần nhận thức sâu sắc hơn nữa về vai trò, vị trí quan trọng
của văn hóa, văn học nghệ thuật trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc; luôn luôn cổ vũ, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất
cho các hoạt động văn hóa, văn học - nghệ thuật thông qua các cơ chế,
chính sách như hỗ trợ tài chính, mở trại sáng tác, đi thực tế, phát
hiện, đào tạo, bồi dưỡng các tài năng văn nghệ; huy động mọi nguồn lực,
cả về vật chất và tinh thần, để văn hóa, văn học - nghệ thuật phát triển
mạnh mẽ và cống hiến nhiều hơn nữa trong những năm tới.
Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật, trí thức văn học nghệ
thuật Việt Nam với những kinh nghiệm đúc rút được trong 75 năm qua, tiếp
tục tăng cường tham mưu cho Đảng và Nhà nước; phối hợp với cấp ủy,
chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, tiếp tục quán
triệt và tổ chức thực hiện tốt hơn nữa chủ trương, đường lối của Đảng về
xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, phát triển văn hóa, xây dựng
con người Việt Nam.
Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tiếp tục tham mưu, tư vấn, phản
biện trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, các
văn bản quy phạm pháp luật với các tiêu chí cụ thể để phát hiện, thu
hút, trọng dụng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức - văn nghệ sĩ tài
năng, nhằm xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ lớn mạnh, bảo đảm số lượng và
chất lượng, có cơ cấu phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa, xây
dựng con người Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp ảnh lưu niệm cùng đại biểu tham dự buổi lễ. (Ảnh: TTXVN)
Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật có kế hoạch bố trí, sử dụng đội
ngũ trí thức một cách hợp lý; có chính sách phát hiện, đào tạo, bồi
dưỡng tài năng trẻ; quan tâm đến công tác khuyến khích, tôn vinh các văn
nghệ sĩ có thành tích xuất sắc trong hoạt động sáng tạo văn học - nghệ
thuật.
Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam từ Trung ương đến địa
phương tăng cường củng cố tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động; tham mưu
xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ văn
nghệ sĩ hoạt động và đóng góp cho sự phát triển nước nhà; tiếp tục đổi
mới nội dung và phương thức hoạt động để nâng cao hơn nữa chất lượng,
hiệu quả hoạt động; làm tốt công tác chính trị tư tưởng đối với các văn
nghệ sĩ để anh chị em nhận thức sâu sắc hơn nữa trách nhiệm vẻ vang của
mình đối với Tổ quốc, với nhân dân và dân tộc.
Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam các cấp đoàn kết phấn
đấu, lao động sáng tạo, hoàn thành thật tốt trọng trách của mình; tăng
cường công tác bồi dưỡng chính trị, cũng như đạo đức nghề nghiệp cho đội
ngũ văn nghệ sĩ; động viên anh chị em có nhiều đóng góp tài năng, trí
tuệ vào sự phát triển nền văn hóa, văn học - nghệ thuật cao quý của nước
nhà.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn
luôn mong đợi và tin tưởng vững chắc rằng Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ
thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam sẽ luôn đồng hành cùng dân tộc và
sự nghiệp đổi mới của Đảng; tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng
quý báu, rất vẻ vang của mình; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, đáp ứng tốt
hơn nữa yêu cầu của sự nghiệp chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Việt
Nam thời đại mới.
Nhân dịp này, thay mặt Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ
thuật Việt Nam, PGS. TS. Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng
đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao tặng
GS. TS. Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương
Đảng Cộng sản Việt Nam Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Văn học Nghệ
thuật Việt Nam"./.
TTXVN