Thứ Sáu, 22/11/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Tư, 29/4/2020 9:59'(GMT+7)

Nghệ thuật phối hợp quân và dân Sài Gòn - Gia Định để giải phóng thành phố và giải phóng miền Nam

Xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, trưa 30-4-1975, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước _Ảnh: Tư liệu TTXVN

Xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, trưa 30-4-1975, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước _Ảnh: Tư liệu TTXVN

NHỮNG KHOẢNH KHẮC LỊCH SỬ KHÔNG THỂ NÀO QUÊN

Vào lúc 17 giờ 50 ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị - Quân ủy Trung ương, đã gửi bức điện tối MẬT có mật số 37/TK (ghi biệt danh người gửi là BA (biệt danh của Bí thư Thứ nhất BCH Trung ương Đảng Lê Duẩn), gửi Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định.

Toàn văn bức điện viết rất gọn: Gửi Anh Tám Thành [1], anh Bảy Cường [2], anh Tuấn [3].

 “Ngày 14/4/1975 Bộ Chính trị đã họp nghe Quân ủy Trung ương báo cáo về tình hình mặt trận và các phương hướng, chủ trương mà các anh đã điện ra. Bộ Chính trị nhất trí với các phương hướng, chủ trương ấy. Mong các anh tranh thủ thời gian chuẩn bị thật tốt để giành thắng lợi thật to lớn. Bộ Chính trị đồng ý chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định lấy tên là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Chúc các anh khỏe” BA [4].

Nhận điện, Trung ương Cục miền Nam đã phổ biến nhanh nhất đến tất cả các mặt trận, các quân đoàn, cánh quân đang áp sát Sài Gòn về Quyết định rất quan trọng này, nhằm đáp ứng nguyện vọng tha thiết của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Đồng thời, quyết định mang tên Người còn khẳng định ý chí quyết chiến, quyết thắng với các cánh quân trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, để giải phóng thành phố trung tâm đầu não ngụy Sài gòn, được mang tên nơi Người - Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Hòa chung khí thế các đoàn quân như vũ bão của ta đang áp sát và chiến thắng khắp các mặt trận, ngày 14-4-1975, Sư đoàn 3 (Quân khu 5) và Trung đoàn 25 (Mặt trận Tây Nguyên) cùng tiến công đột phá tuyến phòng thủ Phan Rang - ngụy Sài Gòn. Ở hướng Bắc: Quân đoàn 1 sau khi đã tiêu diệt nhiều trận địa pháo của địch, đánh chiếm Tân Uyên, Phú Lợi, đánh địch ở An Lợi, Búng, đánh chiếm Lái Thiêu, tiểu khu Bình Dương - Thủ Dầu Một. Tại hướng Biên Hòa, Quân đoàn 1 gặp lữ đoàn kỵ binh thiết giáp số 3 ngụy từ Biên Hòa chạy về ở phía Đông cầu Bình Phước, Quân đoàn 1 liền tổ chức đánh chặn, bắt sống 180 xe vũ trang các loại. Tại phía Tây cầu Bình Phước, vũ trang địa phương và Biệt động Sài Gòn chiếm giữ bảo vệ cầu, chờ các binh đoàn chủ lực. Với hướng này, Quân đoàn 1 chia làm hai cánh: Cánh vòng sang An Phú Đông đánh vào Gò Vấp; một cánh tiến thẳng xuống cầu Bình Triệu (Thủ Đức), rồi theo huớng từ Hàng Xanh đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu. Trước đó, tại Bộ Tổng tham mưu ngụy, đơn vị biệt động Z28 cùng biệt động nội tuyến làm công tác địch vận, đã chiếm làm chủ một số bộ phận trong Bộ tổng tham mưu, thu giữ tài liệu quan trọng.

Hướng Tây Bắc: Quân đoàn 3 tiêu diệt 11 trận địa pháo địch, tiến công vào Bộ Tư lệnh sư đoàn 25 ngụy tại căn cứ Đồng Dù. Vào 11 giờ ngày 29/4/1975, địch vượt hàng rào dây thép gai chạy tán loạn. Tại cầu Bông (nay thuộc quận Bình Thạnh), Trung đoàn Gia Định và đơn vị đặc công chiếm giữ cầu. Sau khi chiếm Đồng Dù, lực lượng ta tiếp tục truy quét địch làm tan rã 1 trung đoàn ngụy bắt sống 600 tên, bàn giao cho chính quyền địa phương, sau đó giải thích chính sách của cách mạng và phóng thích cho họ về gia đình.

Tại hướng Tây - Nam: Binh đoàn 232 vượt qua sông Vàm Cỏ Đông đánh chiếm Hậu Nghĩa, Đức Hòa bắt sống gần 1.000 tên địch, rồi tiến xuống Bà Hom. Sáng 30/4/1975, đánh chiếm Biệt khu Thủ đô, tên tướng Lâm Văn Phát, Tư lệnh Biệt khu Thủ đô ra đầu hàng.

Hướng Nam, Trung đoàn 16 theo Quốc lộ số 4 đánh vào Bình Điền, An Lạc rồi tiến vào Chợ Lớn. Các trung đoàn 24, 88… từ Hưng Long, Đa Phước, Nam cầu chữ Y được nhân dân đưa xe đò chở vào Thành phố, đánh chiếm tổng nha cảnh sát ngụy sáng ngày 30/4/1975.

Ở hướng Đông: Quân đoàn 4 tiến đánh rất quyết liệt, tiêu diệt, vô hiệu hóa toàn bộ quân địch từ Trảng Bom, Hố Nai, Hóc Bà Thức (căn cứ Quân khu 3 ngụy), sân bay Biên Hòa và thị xã Biên Hòa. Trước đó, pháo binh ta đã khống chế hoàn toàn sân bay Biên Hòa. Một cánh khác đánh chiếm căn cứ Tam Hiệp để thọc nhanh về Sài Gòn theo dọc đường số 1.

Ở hướng Đông và Đông Nam: Quân đoàn 2 đánh chiếm căn cứ Nước Trong diệt và bắt gần 2.000 học viên sĩ quan ngụy. Sư đoàn 3-Quân khu 5 sau 3 giờ chiến đấu, đã diệt 1 lữ đoàn dù giải phóng tỉnh Bà Rịa, tiến xuống giải phóng Vũng Tàu ngày 29/4/1975. Một đơn vị của Quân đoàn 2 và các lực lượng vũ trang địa phương đánh chiếm Long Thành rồi tiến về Nhơn Trạch, bố trí trận địa pháo bắn khống chế sân bay Tân Sơn Nhất. Đơn vị thọc sâu của quân đoàn 2 tiến đánh giải phóng Long Bình, tại đây đêm 29/4 đơn vị đặc công Đoàn 116 hai lần tiến công đánh chiếm cầu Đồng Nai, tiêu diệt, làm tan rã 1 tiểu đoàn lính dù ngụy, chốt giữ bảo vệ cầu, bắn cháy 15 xe chở lính từ Long Thành chạy về, chiếm giữ bảo vệ cầu và Nam khu Long Bình chờ quân chủ lực tiến vào giải phóng thành phố.

Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị Quân đoàn 3, các đơn vị lực lượng vũ trang Khu Sài Gòn  đã đánh và chiếm giữ Trường huấn luyện Quang Trung, tiến đánh khu Bà Quẹo, trước đó Trung đoàn Quyết Thắng (Gia Định) chiếm giữ và làm chủ chặng đường 15km tạo điều kiện thuận lợi cho Quân đoàn 3 tiến sâu vào nội đô Sài Gòn với các vị trí trọng yếu. Sáng ngày 30/4/1975, quân chủ lực và các đơn vị địa phương Khu Sài Gòn – Gia Định từ Bà Quẹo tiến đánh Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tư lệnh không quân, Bộ Tư lệnh quân dù và khu Truyền tin, một tiểu đoàn dù ngụy chống cự điên cuồng tại khu vực nhà thờ Đắc Lộ - lăng Cha Cả, liền bị lực lượng ta tiêu diệt toàn bộ, số còn lại bỏ súng, quân trang ra đầu hàng.

SỨ MỆNH GIẢI PHÓNG SÀI GÒN – GIA ĐỊNH VÀ TOÀN MIỀN NAM

5 giờ sáng 30/4/1975 Đoàn đặc công 116 gặp Lữ đoàn 203 xe tăng của Quân đoàn 2 tới hiệp đồng chiến đấu; lực lượng Đoàn đặc công 116 lên xe tăng có xe dẫn đường của Lữ đoàn 203 tiến thẳng về trung tâm nội đô. Đúng 6 giờ đoàn xe qua cầu Đồng Nai, rồi qua cầu Rạch Chiếc (Q.2) gặp lực lượng Z23 Biệt động Thành và tiểu đoàn 81 đặc công đã chiếm giữ cầu từ 2 đêm trước (28/4) sau 3 lần giành, giật lại với địch. Qua cầu Sài Gòn gặp tiểu đoàn 4 địa phương Thủ Đức đang chốt giữ. Đoàn  xe tăng đi đầu được một nữ chiến sĩ Biệt động Thành dẫn đường, đồng chí Tống Viết Dương chỉ huy lực lượng Biệt động cánh Đông cùng Lữ đoàn xe tăng 203, nhằm thẳng vào Dinh Độc Lập. Khi chiếc xe tăng 843 chạy thẳng từ hướng đại lộ Thống Nhất (nay là Đ.Lê Duẩn) húc đổ cánh cổng chính của dinh Độc Lập (ảnh kèm), chứng kiến tổng thống cuối cùng ngụy quyền Sài Gòn, tướng Dương Văn Minh cùng lên xe đi với các chiến sĩ ta về Đài phát thanh Sài Gòn đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, lá cờ Tổ quốc tung bay vào đúng thời điểm 11h30 ngày 30/4/1975.

Để hoàn thành nhiệm vụ v vang, Lực lượng vũ trang Khu Sài Gòn - Gia Định tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh có Đoàn 10 Rừng Sác đã đánh chiếm căn cứ Phước Khánh, cảng Hải quân, khu dầu Nhà Bè, khống chế sông Lòng Tàu và sông Sài Gòn cắt đường ra biển, bắn chìm và cháy 12 tàu địch. Các trung đoàn Gia Định 1, trung đoàn Gia Định 2 và 5 tiểu đoàn bộ binh, hàng chục đơn vị đặc công, biệt động nội thành. Các lực lượng vũ trang của Sài Gòn - Gia Định đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được phân công, chủ động phối hợp, hiệp đồng với các đơn vị chiếm giữ các cầu không cho địch phá, gồm cầu Đồng Nai, cầu Ghềnh, cầu Rạch Cát, cầu Mới, cầu Rạch Chiếc, cầu Bình Phước, cầu Chợ mới, cầu Tân An, cầu Bông, cầu Tham Lương, cầu Bà Hom, cầu Phú Lâm, cầu Nhị Thiên Đường, cầu Sài Gòn. Ngoài ra, còn đánh chiếm nhiều mục tiêu, như: Bến Gỗ, Nam khu Long Bình, Sở chỉ huy trung đoàn 15 thiết giáp ngụy, căn cứ Bình Trưng, Phú Hữu, các căn cứ dọc lộ 8, lộ 15, Tân Thạnh Đông, Xuân Thới Thượng, Ngã ba Giồng, ngã năm Vĩnh Lộc, Tân Thới Nhứt, Tân Thới Hiệp, Tân Túc, Đài phát thanh Quán Tre, Trạm rada Phú Lâm, Căn cứ Ký Thủ Ôn, Căn cứ 61 (pháo binh ngụy), trại Phù Đồng (Gò Vấp), v.v… Đặc biệt, vào nội đô, được các chiến sĩ biệt động Thành dẫn đường, cơ động bằng xe cơ giới, tiến vào các đường Tổng đốc Phương - Đồng Khánh - Trần Hưng Đạo - Lê Lợi - Tự Do tiến thẳng vào Dinh Độc Lập, tiếp quản công ty Điện lực Sài Gòn và bót cảnh sát cạnh nơi Hạ viện ngụy… để cùng chiếm giữ những vị trí quan trọng tại trung tâm Sài Gòn sáng ngày 30/4/1975.

Khoảnh khắc không thể nào quên (30-4-1975). Ảnh TTXVN

 NHỮNG Ý NGHĨA LỚN LAO MANG TÍNH THỜI ĐẠI SÂU SẮC

Như vậy, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, lực lượng vũ trang Khu Sài Gòn - Gia Định cùng với các lực lượng tiêu diệt và làm tan rã 31 nghìn tên địch, bắt sống 12.119 tên, chiếm giữ 9 cầu, 21 chi khu quân sự, trụ sở tề, ấp 22 đồn cấp tiểu đoàn, đại đội, chi khu; thu 88 xe quân sự, 12.275 súng các loại, 216 tấn vũ khí, trang bị quân sự [5]

Và giờ phút, trưa ngày 30/4/1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã gửi điện chúc mừng và khen ngợi quân và dân Đảng bộ Sài Gòn – Gia Định: “Bộ Chính trị nhiệt liệt khen ngợi quân và dân Sài Gòn – Gia Định, khen ngợi toàn bộ cán bộ, chiến sĩ; đảng viên; đoàn viên thuộc đơn vị chủ lực, bộ đội địa phương; bộ đội tinh nhuệ, dân quân tự vệ đã chiến đấu cực kỳ anh dũng, lập chiến công chói lọi, tiêu diệt và làm tan rã lực lượng lớn quân địch, buộc chúng phải đầu hàng không điều kiện, giải phóng thành phố, đưa chiến dịch lịch sử mang tên Bác Hồ vĩ đại đến toàn thắng”.

Sài Gòn - Gia Định giải phóng, cả miền Nam hoàn toàn giải phóng, là cuộc chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, bất khuất, anh hùng và là sự hy sinh của hàng triệu người con của mọi miền đất nước, của nhân dân Việt Nam để giải phóng miền Nam thân yêu.  Với chiến thắng này, được thế giới công nhận là cuộc đấu tranh vĩ đại nhất trong lịch sử dựng và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Để đi tới Chiến dịch Hồ Chí Minh, Quận dân Sài Gòn - Gia Định đã không quản mọi gian khổ, hy sinh vô bờ bến để chiến thắng một siêu cường hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ. Đây là sự kiện có một không hai, sau gần 100 năm chịu cảnh nô lệ, dân tộc Việt Nam đã chiến thắng chủ nghĩa thực dân cũ (1954), và nay là chủ nghĩa thực dân mới trên toàn cầu.  

Sài Gòn - Gia Định và Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đây là tâm niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà trong Điếu văn tại Lễ truy điệu Người ngày 9/9/1969, Bí thư Thứ Nhất Lê Duẩn đã đọc: “Nước ta là một, dân tộc ta là một”. “Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”. “Lúc còn sống, Người luôn luôn theo sát từng bước đi của cách mạng giải phóng miền Nam, ngày đêm Người tưởng nhớ đến đồng bào và chiến sĩ miền Nam với tấm lòng thương yêu không bờ bến”.

45 năm,từ Đại thắng Mùa Xuân 1975, thời gian như thấm sâu hơn vào lòng người những người đã sống, chiến đấu và hy sinh nằm lại để cho cả Thành phố, với Đng bộ, Chính quyền và nhân dân Sài Gòn - Gia Định - TP.Hồ Chí Minh, có được ngày hôm nay. Hơn 53.000 liệt sĩ, những người đã đổ máu, nằm lại trên các chiến trường để Sài Gòn-Gia Định được giải phóng. Đó là xương máu, nước mắt, anh linh của hàng triệu triệu người con từ khắp đất nước đã vì một Sài Gòn - Gia Định, vì miền Nam thân yêu để cho một Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí MInh  ngày càng xứng đáng với niềm tin yêu của cả nước./.                        

   Thạc sĩ Phạm Bá Nhiễu

 Viện nghiên cứu Tâm lý kinh doanh & GD học đường

    


[1] - Anh Tám Thành là Đại tướng Hoàng Văn Thái.

[2]  - Anh Bảy Cường là Bí thư Trung ương Cục miền Nam Phạm Hùng;

[3]  - Anh Tuấn, là Đại tướng Văn Tiến Dũng.

[4] - Văn kiện Đảng Toàn tập; Tập 36; tr.109.

[5] - Bộ Quốc phòng - Ban Tuyên giáo Trung ương - Thành ủy TPHCM, Kỷ yếu Hội thảo Đại thắng Mùa Xuân 1975 – kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, tổ chức tại Hội trường TPHCM, ngày 3/4/2015.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất