CỤ THỂ HÓA CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA, TIỀN TỆ HỖ TRỢ PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ
Cách
đây chưa đầy 1 tháng, khi vừa bước sang năm mới 2022 (ngày 11/1), Quốc
hội đã thống nhất và ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài
khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Cũng
ngay trong tháng đầu tiên của năm, với tinh thần làm việc quyết liệt,
tận tâm, không ngừng nghỉ, vào 30/1 (tức ngày 28 Tết Nguyên đán), Chính
phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát
triển kinh tế - xã hội. Việc ban hành Nghị quyết này được đánh giá là phù
hợp với bối cảnh hiện nay của Việt Nam và cả quốc tế, là quyết sách
chiến lược quan trọng, toàn diện nhất để cụ thể hóa chính sách tài khóa,
tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế theo tinh thần Nghị quyết
43 của Quốc hội.
Nói về triển vọng
kinh tế thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, tổ chức thực
hiện hiệu quả Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, Việt Nam sẽ có
nhiều cải thiện cả về động lực và kết quả phục hồi so với năm 2021.
Các
giải pháp về miễn giảm thuế, phí, lệ phí và hỗ trợ lãi suất; chính sách
hỗ trợ doanh nghiệp về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay và
giữ nguyên nhóm nợ; cho vay mới với lãi suất phù hợp; hay việc hỗ trợ
lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh thuộc một số
ngành, lĩnh vực…là phương thức hợp lý và khoa học, vừa hỗ trợ doanh
nghiệp, vừa bảo đảm sử dụng tối đa nguồn lực, đồng thời phù hợp với cơ
chế thị trường.
Liên quan đến cơ hội
phục hồi kinh tế năm 2022, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
(KH&ĐT), tiêu dùng nội địa (vốn đóng góp khoảng 68-70% trong GDP) có
khả năng tăng cao nhờ yếu tố tâm lý thị trường và thu nhập được cải
thiện. Khu vực tư nhân và FDI cũng khôi phục sản xuất kinh doanh nhờ sự
"hồi sinh" từ cả phía cung, cầu, sự thích ứng của khu vực doanh nghiệp
và các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ.
Thêm
vào đó, tác động trực tiếp của các gói hỗ trợ kinh tế sẽ rõ nét hơn.
Việt Nam sẽ có thêm cơ hội phục hồi thông qua hệ thống trợ giúp xã hội
mạnh mẽ và linh hoạt trên cơ sở phân bổ thêm vốn cho các chương trình
trợ giúp xã hội; áp dụng kỹ thuật số, để nhanh chóng xác định những
người dễ bị tổn thương; mở rộng quy mô thanh toán điện tử, để tiếp cận
một cách hiệu quả những người thụ hưởng đã được xác định.
"Các
chính sách hỗ trợ tạo động lực, kích thích cho cả tổng cung và tổng
cầu; củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô và thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế
sâu rộng hơn, tạo thêm "sức bật" cho doanh nghiệp", Bộ trưởng Nguyễn
Chí Dũng khẳng định.
LƯỜNG TRƯỚC CÁC "ĐIỂM NGHẼN"
Số
liệu kinh tế tháng 1/2022 được Tổng cục Thống kê, Bộ KH&ĐT công bố
cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục phục hồi tích cực: Số
doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với
cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng khá cao ở
tất cả các lĩnh vực; tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà
nước tăng 8,6%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam
tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2021…
Theo
Bộ KH&ĐT, những hành động quyết liệt, kịp thời của Quốc hội, Chính
phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có tác động ngay tới tình hình phát triển
kinh tế - xã hội tháng đầu tiên của năm 2022 với nhiều kết quả khởi sắc,
tiếp tục quỹ đạo phục hồi.
Mặc dù
vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần phân tích, lường trước các
"nút thắt", "điểm nghẽn" trong phục hồi và phát triển kinh tế năm 2022
để nhận diện đa chiều cũng như chính xác tình hình, từ đó có phương án
linh hoạt và thích hợp nhất.
Đơn cử
như ảnh hưởng của đại dịch đến chuỗi cung ứng và lưu thông hàng hóa;
"bài toán" thiếu việc làm dẫn đến cắt giảm chi tiêu và tổng cầu của nền
kinh tế giảm sâu; một số quy định không phù hợp và thiếu tinh thần trách
nhiệm của một bộ phận cá nhân và tổ chức liên quan trong giải ngân vốn
đầu tư công.
Bên cạnh đó, dù kim
ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt con số ấn tượng với 332,25 tỷ USD, tăng
26,5% so với năm trước, nhưng kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế
trong nước chỉ đạt gần 88,71 tỷ USD, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất
khẩu và chỉ tăng 13,4% so với mức tăng 21,1% của khu vực FDI. Kinh tế
phụ trợ và liên kết giữa khu vực kinh tế trong nước với khu vực FDI còn
yếu và lỏng lẻo.
Đồng thời, Bộ trưởng
Bộ KH&ĐT cũng nhắc đến các khó khăn hiện hữu khác như: Giá vật tư
nông nghiệp và thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản tăng cao; nhu cầu
thị trường chưa phục hồi, giá sản phẩm đầu ra của nông nghiệp và thủy
sản ở mức thấp khiến người chăn nuôi thua lỗ; nhiều doanh nghiệp vẫn gặp
khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, giá cả hàng hóa tăng cao,
tạo áp lực lên lạm phát;…
GIẢI PHÁP ĐỂ TẬN DỤNG NHỮNG CƠ HỘI MỚI
Cho
rằng dù đối diện với nhiều thách thức nhưng Việt Nam vẫn là điểm đến
hấp dẫn các nhà đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh một số giải
pháp để tận dụng được những cơ hội mới trong quá trình phục hồi kinh tế
năm 2022.
Thứ nhất, cần tiếp tục
triển khai, thực hiện tốt, an toàn chiến dịch bao phủ diện rộng cho toàn
dân tiêm vaccine phòng COVID-19. Trong đó, ưu tiên tiêm cho lực lượng
lao động khu vực doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể để hai khu vực sản
xuất này sớm phục hồi nhanh sản xuất kinh doanh.
Thứ
hai, kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, chú trọng đến
chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể vượt
qua khó khăn. Sử dụng chính sách tiền tệ cần đúng "liều lượng", trúng
đối tượng, hỗ trợ trực tiếp và có hiệu quả, theo đúng tinh thần của Nghị
quyết 11/NQ-CP của Chính phủ.
Thứ
ba, nâng cao năng lực giải ngân và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, trong
đó, thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực
then chốt, các vùng động lực, cực tăng trưởng, các dự án lớn, quan trọng
của quốc gia, dự án kết nối liên vùng. Đặc biệt, nâng cao hiệu quả sử
dụng vốn đầu tư công để tạo sự lan tỏa đến đầu tư tư nhân và khu vực
FDI.
Thứ tư, thực hiện nhanh và hiệu
quả việc cơ cấu lại nền kinh tế. Cơ cấu lại nội bộ từng ngành theo hướng
phát huy lợi thế so sánh và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; tập
trung nội lực, thúc đẩy động lực phát triển những sản phẩm có lợi thế so
sánh, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao.
Thứ
năm, chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh
doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa, giảm áp lực lạm phát.
Đối với các mặt hàng thiếu hụt trong ngắn hạn cần có chính sách và giải
pháp cắt giảm chi phí sản xuất, nhập khẩu kịp thời nguyên vật liệu; tăng
cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý khi phát hiện có hành vi
đầu cơ, tích trữ, thao túng giá...
Thứ
sáu, chuyển đổi số trong cải cách thể chế và thủ tục hành chính rất
quan trọng. Thủ tục hành chính truyền thống và ứng dụng công nghệ trong
giải quyết thủ tục hành chính hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi
của người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh mới. Nhiều gói hỗ trợ bị
vướng về thủ tục hành chính. Rào cản về thủ tục không chỉ gây khó khăn,
mà còn tạo ra sự không công bằng cho cộng đồng doanh nghiệp trong việc
tiếp cận chính sách và làm méo mó môi trường kinh doanh. Vì vậy, cần có
sự hợp tác, phối hợp giữa các cơ quan, bộ, ngành, địa phương thành lập
cơ chế phân quyền, đồng thời cải cách hành chính theo hướng hiện đại, có
lợi cho người dân.
Cuối cùng là tạo
dựng chính sách liên thông, kết nối các chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ
đi kèm với sự đồng thuận tại các chính quyền địa phương, giải quyết
tình trạng tình trạng "cát cứ" không thống nhất gây cản trở cho doanh
nghiệp./.
Minh Ngọc (VGP)