Thứ Tư, 18/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 19/8/2024 19:21'(GMT+7)

Nghiên cứu kỹ giá điện phù hợp với thực tế

Quang cảnh phiên họp.

Quang cảnh phiên họp.

BÁM SÁT CHIẾN LƯỢC ĐẶT RA

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều thống nhất với việc sửa đổi Luật Điện lực cần bám sát Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Các thành viên Ủy ban tập trung thảo luận về chính sách của Nhà nước trong phát triển điên lực; quy hoạch điện lực quốc gia cần phù hợp với Luật Quy hoạch, theo quy trình của đầu tư công; phát triển năng lượng tái tạo và các loại năng lượng mới là cần thiết, phù hợp với cam kết quốc tế và cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26 về giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý về giá điện; hỗ trợ về giá điện cho hộ nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...

Nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển năng lượng tái tạo và các loại năng lượng mới, trong dự án Luật Điện lực (sửa đổi) cần làm rõ chính sách, cũng như tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp khi tham gia đầu tư. Đồng thời, cần chú trọng đến đảm bảo an ninh năng lượng, phân phối điện; nghĩa vụ của các nhóm liên quan đến quản lý Nhà nước về đảm bảo an ninh, cung cấp điện; chính sách phát triển năng lượng điện cạnh tranh...

Đóng góp ý kiến và chỉ đạo tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý về đề nghị của Chính phủ trình Quốc hội trong xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi), với 6 chính sách lớn. Bởi đây là những chính sách tác động tới người dân, liên quan đến nhiều đối tượng.

Với đề xuất của Chính phủ về việc trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật theo quy trình 1 kỳ họp tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra vào tháng 10/2024 có đủ tiêu chuẩn hay không, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự án Luật cần làm rõ, chú trọng đến việc thúc đẩy lưới điện, đảm bảo an ninh mạng lưới điện; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển năng lượng, điện gió ngoài khơi...

Đối với việc thực hiện cơ chế giá điện, minh bạch trong hoạt động mua bán, điều tiết về giá điện cần có sự nhất quán, phù hợp với các bên. Giá điện cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, xem xét phù hợp với thực tế. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ và các cơ quan cần bám sát, quán triệt nghiêm túc theo tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

KIẾN NGHỊ CÁC NỘI DUNG TRỌNG TÂM ĐỂ ĐẢM BẢO CHÁT LƯỢNG LUẬT

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị hồ sơ dự án Luật Điện lực (sửa đổi), thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng dự án luật, đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, ý kiến của Thường vụ Quốc hội và các cơ quan thẩm tra, các cơ quan Quốc hội và lưu ý một số vấn đề như sau:

Tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương, đáp ứng yêu cầu xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đa dạng hóa các hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh, xóa bỏ mọi rào cản để đảm bảo giá năng lượng minh bạch cho thị trường quyết định kết nối với thị trường khu vực và thế giới, áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng, không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng, miền.

Bên cạnh đó, Nhà nước điều tiết hợp lý thông qua công cụ thị trường, thuế, phí, các quỹ và chính sách an sinh xã hội, phù hợp luật hóa việc điều hành giá điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; khuyến khích và thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, triển khai tích trữ điện năng, có cơ chế đấu thầu, đấu giá, cung cấp năng lượng phù hợp, đặc biệt là dự án năng lượng tái tạo và các dự án năng lượng mới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận Phiên họp.

Đồng thời, thực hiện nghiêm quy định 178 về kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, rà soát các quy định để đảm bảo nguyên tắc không hợp thức hóa các sai phạm, đặc biệt các quy định về cơ chế xử lý các nguồn điện chậm tiến độ; rà soát phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự án Luật để đáp ứng quan điểm, mục tiêu và yêu cầu sửa đổi Luật, tuân thủ Hiến pháp và các điều ước quốc tế, đánh giá tác động đầy đủ đối với các chính sách; rà soát các khái niệm, từ ngữ chuyên môn để giải thích đầy đủ, đảm bảo rõ nghĩa, tránh cách hiểu chung chung không thể thực hiện được.

Ngoài ra, cần lưu ý ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đã nêu về việc có liên quan đến Luật Đất đai (sửa đổi) Quốc hội đã thông qua; quy định về phát triển điện, năng lượng tái tạo, năng lượng mới, chuyển dịch năng lượng, giấy phép hoạt động điện lực, miễn trừ giấy phép, thị trường điện cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi của khách hàng sử dụng điện, hợp đồng mua bán điện, giá điện và giá dịch vụ về điện; công khai, minh bạch về các loại giá và nhiều nội dung khác nêu trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ, Môi trường và các cơ quan của Quốc hội...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo và cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật, làm rõ các nội dung cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp thu đầy đủ hoặc giải trình, thuyết phục các ý kiến tham gia để sớm trình Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách và trình Quốc hội xem xét, quyết định./.

TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất