Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Ngoại giao làm tốt hơn nữa công tác tham mưu thường xuyên và kịp thời cho Chính phủ trước sự phát triển của tình hình thế giới, tăng cường ngoại giao kinh tế, mở rộng thị trường, thu hút đầu tư…
Chiều 25/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm và làm việc với Bộ Ngoại giao về công tác của ngành Ngoại giao trong thời gian qua và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Tham dự buổi làm việc có các đồng chí Phạm Gia Khiêm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị trong Bộ Ngoại giao.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm và Thứ trưởng Thường trực Phạm Bình Minh đã báo cáo Thủ tướng về việc triển khai công tác đối ngoại cũng như xây dựng ngành của Bộ Ngoại giao thời gian qua, kể từ khi Thủ tướng về làm việc với Bộ Ngoại giao lần thứ nhất ngày 3/11/2006.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, báo cáo cũng nêu rõ những tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục và nêu lên phương hướng chính trong công tác của Bộ Ngoại giao trong thời gian tới. Đại biểu một số đơn vị của Bộ Ngoại giao cũng đã phát biểu nhiều ý kiến về công tác của ngành.
Lực lượng nòng cốt trên mặt trận đối ngoại
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương những nỗ lực của tập thể cán bộ, công nhân viên ngành Ngoại giao đã vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ trên mặt trận đối ngoại.
Bộ Ngoại giao đã thực sự trở thành cơ quan tham mưu chủ yếu và lực lượng nòng cốt thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đối ngoại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá.
Trong 3 năm qua, Bộ Ngoại giao đã triển khai mạnh mẽ các hoạt động đối ngoại trên các trọng tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, tạo được bước tiến mới trong công tác xây dựng ngành, góp phần quan trọng vào các thành tựu chung của đất nước: Chính trị ổn định, an ninh xã hội được giữ vững, vị thế đất nước được nâng cao; Việt Nam đã trở thành thành viên WTO và đảm nhiệm tốt vai trò Uỷ viên không thường trực HĐBA Liên Hợp Quốc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt đánh giá cao vai trò tham mưu thông tin của Bộ Ngoại giao góp phần giúp Chính phủ có những giải pháp điều hành linh hoạt ứng phó với khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu và nỗ lực của Bộ Ngoại giao trong việc đàm phán, hoàn thành tốt công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam- Trung Quốc.
|
Ảnh: Chinhphu.vn |
Góp phần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển của đất nước
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo ngành Ngoại giao cần bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ đã nêu trong Nghị quyết Đại hội X và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội năm 2001 - 2010, tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện công tác đối ngoại, trên các kênh, với các phương thức đa dạng, linh hoạt nhằm tạo sức mạnh tổng hợp, thúc đẩy quan hệ song phương và đa phương với các đối tác, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Ngoại giao làm tốt hơn nữa công tác tham mưu thường xuyên và kịp thời cho Chính phủ trước sự phát triển của tình hình thế giới, tăng cường ngoại giao kinh tế, mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, tiếp tục đẩy mạnh công tác biên giới lãnh thổ, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, công tác văn hóa, thông tin nhằm quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới, đồng thời chú trọng công tác quy hoạch, quản lý và đào tạo đội ngũ cán bộ cả về chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức.
Thủ tướng chỉ rõ năm 2010 là năm có nhiều sự kiện chính trị, ngoại giao, lịch sử, văn hoá trọng đại như Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, Đại lễ 1000 Thăng Long – Hà Nội, tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Bộ Ngoại giao cần phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, phối hợp tốt với các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước để hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Thay mặt cán bộ, nhân viên Bộ Ngoại giao, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm bày tỏ quyết tâm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, triển khai mạnh mẽ ngoại giao toàn diện theo đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhằm tạo sức mạnh tổng hợp trên mặt trận đối ngoại, đáp ứng đòi hỏi của tình hình và nhiệm vụ mới, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nguyễn Hoàng-Chinhphu.vn