Chủ Nhật, 24/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 30/8/2022 13:27'(GMT+7)

Ngoại giao toàn diện, hiện đại, phục vụ phát triển đất nước

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Được Đảng và Bác Hồ trực tiếp rèn luyện ngay từ những ngày đầu của chính quyền cách mạng, Ngoại giao là một trong những mặt trận chiến lược, luôn ở tuyến đầu tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn, rộng rãi của nhân dân thế giới đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong công cuộc đổi mới, ngành ngoại giao cùng với các cơ quan, lực lượng đối ngoại đã đạt những thành tựu quan trọng, để lại nhiều dấu ấn nổi bật về đối ngoại, góp phần vào xây dựng cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế mà đất nước ta chưa bao giờ có được như hiện nay.

Thực hiện khát vọng phát triển của các địa phương, ngành ngoại giao đã và đang có những đóng góp thực chất cho những đổi thay từng ngày trên khắp dải đất hình chữ S.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã có cuộc trao đổi với báo chí về những khó khăn, thuận lợi của ngành ngoại giao trong quá trình đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

- Bối cảnh tình hình thế giới với nhiều khó khăn, biến động khó lường đã ảnh hưởng đáng kể đến công tác hỗ trợ đối ngoại địa phương hội nhập quốc tế. Ngành ngoại giao đã vượt qua thách thức và phát huy vai trò của mình như thế nào?

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Tình hình thế giới, khu vực có nhiều chuyển biến lớn, phức tạp hơn so với năm 2021, khó khăn và thuận lợi đan xen. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại rõ rệt; đại dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, song vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại; xung đột tại Ukraine đã ảnh hưởng sâu sắc đến hòa bình, ổn định, phục hồi kinh tế; quan hệ giữa các nước lớn bước vào giai đoạn đối đầu, căng thẳng mới.

Trước bối cảnh đó, thực hiện đường lối đối ngoại Đại hội XIII và Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030 của Ban Bí thư, các đơn vị trong Bộ Ngoại giao cùng gần 100 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài luôn xác định địa phương và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ.

Hướng tới “nền ngoại giao toàn diện, hiện đại,” Bộ Ngoại giao đã chủ động hướng dẫn, phối hợp với các địa phương nắm bắt diễn biến tình hình, bám sát các nhiệm vụ đối ngoại quan trọng của đất nước và địa phương, xây dựng kế hoạch, phương án triển khai phù hợp với tình hình mới trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, thông tin tuyên truyền, biên giới lãnh thổ, lãnh sự và bảo hộ công dân, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và công tác phi chính phủ nước ngoài.

Nhiều sáng kiến, hướng đi mới, đột phá, hỗ trợ địa phương, giảm thiểu tác động của đại dịch, triển khai các hoạt động kết nối giữa các địa phương với đối tác quốc tế vì mục tiêu phát triển đã được triển khai thời gian qua.

- Đâu là những dấu ấn nổi bật của công tác hỗ trợ đối ngoại địa phương của Bộ Ngoại giao thời gian qua, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Triển khai chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Ban Cán sự Đảng bộ, công tác hỗ trợ đối ngoại địa phương đã được triển khai toàn diện, hiệu quả và thực chất với sự tham gia của tất cả các đơn vị trong Bộ.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã có nhiều chuyến thăm làm việc tại các địa phương với nội dung làm việc toàn diện, để tìm hiểu nhu cầu cùng đặt hàng cụ thể của các địa phương để có thể hỗ trợ, giúp tranh thủ nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển của các tỉnh, thành phố.

Ngoai giao toan dien, hien dai, phuc vu phat trien dat nuoc hinh anh 2
Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các diễn giả dự tọa đàm về Ngoại giao kinh tế lấy doanh nghiệp làm trung tâm. (Ảnh: TTXVN)

Theo thống kê, đã có 48 đoàn do Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ Ngoại giao đến làm việc tại các địa phương trong 8 tháng năm nay. Đây là một con số rất lớn cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Bộ Ngoại giao trong hỗ trợ đối ngoại địa phương.

Nổi bật là các chuyến công tác địa phương của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tại Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Kiên Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Tuyên Quang...

Lãnh đạo Bộ đi làm việc tại Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Đồng Tháp, Bến Tre, An Giang, Thành phố Hồ Chí Minh… kết hợp tham dự các hội nghị xúc tiến thương mại-đầu tư- du lịch, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, công tác biên giới lãnh thổ...

Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ cũng đã có 3 cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, Bến Tre, Lai Châu tại Hà Nội.

Xác định hỗ trợ địa phương trong xây dựng định hướng chiến lược phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch là một trong những nhiệm vụ quan trọng, lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã trực tiếp tham dự, phát biểu chỉ đạo, định hướng tại các hội nghị, diễn đàn kinh tế lớn hỗ trợ địa phương xúc tiến thương mại, thúc đẩy du lịch sau đại dịch do các đơn vị của Bộ chủ trì.

Bộ phối hợp với 63 tỉnh, thành phố xây dựng Đề án trình Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển ngành Halal Việt Nam;” tiếp tục tư vấn, hỗ trợ Đà Nẵng xây dựng Đề án hợp tác và hội nhập quốc tế thành phố Đà Nẵng đến 2030...

Với phương châm “đột phá-mở đường,” “đồng hành,” “phục vụ,” Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực sự là nhà, địa chỉ tin cậy cho địa phương tìm kiếm, thúc đẩy và kết nối cơ hội hợp tác phát triển.

Thành công trong việc đưa vải thiều Lục Ngạn “xuất ngoại” Nhật Bản là một bài học điển hình về sự kếp hợp sáng tạo giữa Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài và địa phương. Sau nhiều nỗ lực đàm phán trong 5 năm, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu đặc sản này sang thị trường khó tính này từ mùa vải thiều năm 2020, kể cả trong bối cảnh dịch COVID-19.

Phát huy bài học thành công đó, năm 2022, một loạt sự kiện như Hội nghị Gặp gỡ Thanh Hóa-Hàn Quốc tháng 3/2022, Hội nghị Kết nối Vĩnh Phúc-Nhật Bản, tháng Hội thảo “Tăng cường xuất khẩu sản phẩm trà của Lai Châu vào thị trường Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á” 6/2022... góp phần khai thông, quảng bá “đặc sản” của địa phương đến với các nhà đầu tư quốc tế, kéo theo đó là những cơ hội kết nối.

Hỗ trợ địa phương triển khai đồng bộ công tác ngoại giao văn hóa và UNESCO cũng là một điểm sáng của công tác đối ngoại địa phương. Sau nhiều nỗ lực không mệt mỏi phối hợp giữa Bộ Ngoại giao và các địa phương Ninh Thuận, Gia Lai trong quá trình chuẩn bị hồ sơ, vận động UNESCO, tháng 9/2021, Khu Dự trữ sinh quyển Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận) và Cao nguyên Kon Hà Nừng (tỉnh Gia Lai) của Việt Nam đã được UNESCO xem xét công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới.

Đây không chỉ là niềm tự hào của hai tỉnh Ninh Thuận và Gia Lai nói riêng, của Việt Nam, nói chung mà còn cho thấy những nỗ lực của Việt Nam trong công tác bảo vệ đa dạng sinh học, môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như thể hiện cam kết của Việt Nam trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Đồng thời, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Trên các lĩnh vực công tác khác, phối hợp giữa Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài và các địa phương trong giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ, lãnh sự, bảo hộ công dân và người Việt Nam ở nước ngoài cũng được thực hiện kịp thời, hiệu quả.

- Thời gian tới, sứ mệnh đồng hành cùng địa phương sẽ tiếp tục được Bộ Ngoại giao triển khai như thế nào?

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các địa phương triển khai và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế nhằm phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó có một số nội dung hợp tác trọng tâm:

Thứ nhất, phối hợp xây dựng, cập nhật các định hướng chiến lược của địa phương về phát triển kinh tế-xã hội gắn với nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Ngoai giao toan dien, hien dai, phuc vu phat trien dat nuoc hinh anh 3
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc. (Ảnh: TTXVN phát)

Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện ở nước ngoài sẽ tăng cường các hoạt động thông tin, tham mưu cho các địa phương về tình hình thế giới và khu vực, các chính sách của các đối tác quốc tế có tác động đến Việt Nam, các xu hướng và mô hình tăng trưởng mới… nhằm phục vụ công tác hoạch định chính sách phát triển của địa phương.

Thứ hai, đồng hành hỗ trợ triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế, bao gồm các hoạt động hợp tác, thiết lập quan hệ đối tác với các địa phương của các nước phù hợp với yêu cầu của từng địa phương và định hướng đối ngoại chung; đẩy mạnh triển khai các hoạt động ngoại giao kinh tế nhằm tận dụng cơ hội từ giai đoạn bình thường mới, mở cửa du lịch, mở cửa giao thương, xúc tiến thương mại, triển khai các hoạt động ngoại giao tập đoàn.

Cùng với đó, hỗ trợ địa phương thúc đẩy hợp tác quốc tế trong một số vấn đề mới và lĩnh vực ưu tiên, tạo bứt phá cho tăng trưởng của tỉnh như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…

Thứ ba, đề xuất các biện pháp, cơ chế nhằm cụ thể hóa và triển khai chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm; hướng tới phát huy hơn nữa vai trò của đối ngoại địa phương trong công tác kết nối, hội nhập phục vụ phát triển.

Thứ tư, phối hợp đẩy mạnh thực hiện công tác đối ngoại địa phương trên các lĩnh vực như ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài theo Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, công tác lãnh sự, bảo hộ công dân...

Thứ năm, hỗ trợ kiện toàn và nâng cao hiệu quả bộ máy làm công tác đối ngoại địa phương, đào tạo đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện.

- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất