(TG) - Cục Quản lý cạnh tranh khuyến cáo người dân cần tìm hiểu thật kỹ doanh
nghiệp mà mình dự định định ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp như
tình trạng đăng ký, uy tín của doanh nghiệp, cách thức hoạt động, chính
sách trả thưởng và các sản phẩm kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Trước những sự việc biến tướng của mô hình bán hàng đa cấp gây ảnh hưởng không nhỏ
đến cộng đồng xã hội và đã bị các cơ quan pháp luật xử lý hình sự thời gian vừa qua như vụ
việc MB 24, Colony Invest, Tâm mặt trời và gần đây nhất là
Công ty Cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam, Công ty Cổ phần
Đầu tư Thương mại và Phát triển Việt Phát, Cục Quản lý Cạnh tranh đã lên tiếng chính thức cảnh báo, khuyến cáo
người dân cần tìm hiểu thật kỹ doanh nghiệp mà mình dự định ký hợp
đồng tham gia bán hàng đa cấp.
Theo đó, khi có dự định tham gia bán hàng đa cấp, người dân cần tìm hiểu thật kỹ tình trạng đăng ký, uy tín của doanh
nghiệp, cách thức hoạt động, chính sách trả thưởng và các sản phẩm kinh
doanh theo phương thức đa cấp. Thông tin về các doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt
động bán hàng đa cấp được công bố công khai trên trang thông tin điện tử
của Cục Quản lý cạnh tranh (www.vca.gov.vn).
Cùng với đó, nếu người dân muốn tham gia bán hàng đa cấp cần nắm rõ quy
định của pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp để biết và bảo
vệ quyền lợi chính đáng mà mình được hưởng. Nếu tham gia hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp đã cấp Giấy
chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp thì phải ký hợp đồng đúng với mẫu
hợp đồng Công ty đã đăng ký với Cục Quản lý cạnh tranh.
Ngoài ra, phải rất cảnh giác trước các thông tin được đưa ra liên quan
đến hàng hóa như công dụng của sản phẩm, về lợi ích khi tham gia mạng
lưới bán hàng đa cấp và cần lưu ý các khoản hoa hồng, tiền thưởng chi
trả cho nhà phân phối phải xuất phát từ hoạt động bán hàng của doanh
nghiệp và bản thân các nhà phân phối. Mọi lời chào mời tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp có hoa hồng cao,
lãi suất lớn hoặc hình thức đầu tư tài chính mà không dựa vào việc bán
hàng hóa đều là dấu hiệu của hành vi lợi dụng mô hình đa cấp để lừa đảo
nhằm chiếm đoạt tài sản.
Không những vậy, mọi hình thức thu tiền của người vào sau để trả hoa
hồng cho người vào trước mà không qua giao dịch mua bán hàng hóa đều bị
pháp luật nghiêm cấm. Ngoài ra, theo quy định của pháp luật, mức trần chi trả hoa hồng, tiền
thưởng và các lợi ích khác cho nhà phân phối là 40% doanh thu từ hoạt
động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp. Vì vậy, mọi cam kết chi trả lớn
hơn 40% đều vi phạm quy định của pháp luật.
Và cuối cùng là phải lưu ý sản phẩm cần phải phù hợp với nhu cầu sử dụng của nhà phân phối cũng như người tiêu dùng. Nhà phân phối có quyền yêu cầu doanh nghiệp mua lại lượng sản phẩm chưa sử dụng trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận hàng.
Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có nghĩa vụ mua lại các sản phẩm này với
mức giá không thấp hơn 90% giá đã bán cho nhà phân phối, đồng thời, có
thể khấu trừ thêm các khoản hoa hồng, tiền thưởng đã trả cho nhà phân
phối phát sinh từ lượng sản phẩm được yêu cầu mua lại đó. Ngoài thời hạn này, doanh nghiệp không có nghĩa vụ mua lại sản phẩm đã
bán cho nhà phân phối. Vì vậy, nhà phân phối cần tránh mua lượng hàng
hóa quá lớn, không phù hợp với khả năng tiêu dùng hoặc bán lại của mình.
Trong trường hợp, quyền và lợi ích của người tham gia bị xâm hại, đề
nghị liên hệ với các cơ quan quản lý (Cục Quản lý cạnh tranh, Sở Công
Thương) hoặc nhận thấy doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình
sự đề nghị liên hệ với các cơ quan công an tại các địa phương để được hỗ
trợ./.
TG