Phát biểu đề dẫn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Bùi Văn Tiếng khái quát chặng đường hoạt động cách mạng của nhà trí thức Lê Văn Hiến.
Bước đầu giác ngộ cách mạng từ “chiếc nôi tri thức” tại Nhà hội Quảng Nam - ngôi nhà gần chợ Bến Ngự dành cho học trò xứ Quảng ra Huế ở trọ nhưng do phải bỏ học giữa chừng để mưu sinh nên người thanh niên Lê Văn Hiến chỉ thực sự tham gia phong trào đấu tranh cách mạng theo đường lối vô sản nơi quê nhà Đà Nẵng.
Từ tháng 4-1927 đến cuối năm 1945, cuộc đời cách mạng Lê Văn Hiến gắn với thành phố Đà Nẵng (trừ thời gian thuyên chuyển vào làm việc ở Bưu điện Nha Trang và bị giam giữ tại các nhà ngục) và trực tiếp đóng góp cho phong trào cách mạng theo đường lối vô sản ở Đà Nẵng.
Trong phiên họp Chính phủ Liên hiệp kháng chiến ngày 2-3-1946, khi giới thiệu đến Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng khẳng định, đó là “một nhà cách mạng lẫm liệt nhiều năm, mà cũng nhiều năm ở trong tù tội của đế quốc”.
Từ năm 1962 đến 1976, nhà trí thức cách mạng Lê Văn Hiến là người đầu tiên và duy nhất được bổ nhiệm Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Vương quốc Lào và sau này được truy tặng Huân chương Sao Vàng vào năm 2008.
Phát biểu tại tọa đàm, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đoàn Ngọc Hùng Anh khẳng định, Đà Nẵng là mảnh đất nơi “đầu sóng, ngọn gió”, là nơi có nhiều nhà yêu nước, nhà cách mạng theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc đã hội tụ về để bàn bạc việc khởi nghĩa, hoạt động cách mạng như Trần Cao Vân, Thái Phiên, Trần Quý Cáp... Và chính nơi đây đã sinh ra nhà yêu nước, chiến sĩ cách mạng Lê Văn Hiến, với những cống hiến xuất sắc và được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đoàn Ngọc Hùng Anh phát biểu tại buổi tọa đàm.
Trưởng ban Tuyên giáo khẳng định, tọa đàm được tổ chức trong thời điểm cả nước, thành phố Đà Nẵng cũng như quận Ngũ Hành Sơn đang tích cực thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng để hoàn thành nhiệm vụ đề ra trong nhiệm kỳ 2020-2025, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII; Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương gắn với Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Buổi tọa đàm hôm nay để tưởng nhớ, tri ân những công lao to lớn của nhà yêu nước, người chiến sĩ cách mạng Lê Văn Hiến cho phong trào cách mạng của Đà Nẵng nói riêng và đất nước nói chung. Đồng thời, cũng là dịp để học tập và noi theo tấm gương người lãnh đạo tài năng, đức độ, một tấm lòng trung kiên với Đảng, trung thành và tận tụy với nhân dân.
Từ đó, nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình, cố gắng phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao để chung tay cùng thành phố, đất nước phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, quốc phòng - an ninh; kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, góp phần xây dựng tổ chức Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. Học tập và tiếp nối những thành quả mà đồng chí Lê Văn Hiến để lại, chúng ta nguyện một lòng đoàn kết, quyết tâm xây dựng thành phố Đà Nẵng ngày càng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại.
Với tham luận “Vị Bộ trưởng Bộ Tài chính trong Chính phủ Hồ Chí Minh”, Tiến sĩ Chu Đức Tính, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh nhấn mạnh, với ý thức trách nhiệm cao, tuân thủ sự phân công của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng sự kiên trì tự học, nhất là sự ứng xử từng trải, nghĩa tình, tư cách mẫu mực và khả năng tổ chức, Bộ trưởng Lê Văn Hiến đã quy tụ, hoạch định, phát huy sức mạnh, sự quyết tâm của tập thể cán bộ, nhân viên, nỗ lực xây dựng và phát triển ngành tài chính vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân giao phó.
Bộ trưởng Lê Văn Hiến lãnh đạo Bộ Tài chính thực hiện hiệu quả đường lối kháng chiến kiến quốc trong công cuộc kháng chiến (1946-1954) và khôi phục phát triển kinh tế trong thời kỳ đầu hòa bình ở miền Bắc (1955-1958). Là một người học hết trung học trường Tây, rẽ ngang ra làm bưu chính rồi đi hoạt động cách mạng, chưa một ngày được đào tạo về tài chính, nhưng được lãnh tụ Hồ Chí Minh tin tưởng giao cho nắm ngành tài chính, Lê Văn Hiến đã tiếp quản và thực hiện xuất sắc công việc của người tiền nhiệm Phạm Văn Đồng giao lại.
Với tham luận “Lê Văn Hiến - người cán bộ mẫu mực của cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh”, bà Vũ Thị Kim Yến, Phó trưởng phòng Sưu tầm, kiểm kê tư liệu Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch nhấn mạnh, ông Lê Văn Hiến là một chiến sĩ cách mạng tiêu biểu thuộc thế hệ đầu tiên của cách mạng Việt Nam, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ lãnh đạo tài đức, tin cậy của Đảng và nhân dân ta... Mỗi ngành đều có thể học từ ông những bài học quý giá nhưng cái quý giá nhất đó là bài học làm người, làm cán bộ với những chuẩn mực đạo đức: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư - nhất là khi chúng ta đang thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tại tọa đàm, Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn Mai Thị Ánh Hồng nhấn mạnh, cán bộ đảng viên, nhân dân quận Ngũ Hành Sơn tự hào về đồng chí Lê Văn Hiến - người con quê hương Ngũ Hành Sơn, chiến sĩ cách mạng tiêu biểu thuộc thế hệ đầu tiên của cách mạng Việt Nam, một cán bộ lãnh đạo tài đức của Đảng và nhân dân.
Noi gương đồng chí Lê Văn Hiến, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân Ngũ Hành Sơn tiếp tục học tập tấm gương đạo đức, trí tuệ, bản lĩnh chính trị và tư duy sáng tạo của đồng chí.
Đặc biệt, Đảng bộ quận sẽ tiếp tục tăng cường sự đoàn kết, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chương trình công tác trọng tâm, quyết liệt thực hiện những chỉ tiêu, giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, góp phần xây dựng quê hương Ngũ Hành Sơn ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Giao Tuyến