Thứ Bảy, 21/9/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Sáu, 6/11/2015 21:56'(GMT+7)

Nhân danh lịch sử để xuyên tạc lịch sử Việt Nam

 

Như tự bạch trong bài Tôi bắt đầu dạy về chiến tranh Việt Nam như thế nào (How I Began to Teach about the Vietnam War) đăng trên số mùa thu năm 2004 ấn phẩm ra hàng quý do Đại học Mi-si-gân phát hành (Michigan Quarterly Review) - bài này sử dụng bản dịch của Thái Anh trên diendannguoidanvietnam.com nhưng xin phép sửa đôi chữ do dịch chưa sát nguyên văn) thì K. Tay-lo tốt nghiệp đại học tháng 5-1968. Lúc đó, do tác động của cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân dân miền nam Việt Nam, chính phủ Mỹ đã không cho sinh viên tiếp tục hoãn quân dịch rộng rãi như trước. K. Tay-lo hoặc “bị bắt quân dịch và bị gửi đi bất cứ nơi nào để làm bất cứ một phận sự gì”, hoặc “chọn cho mình một nhiệm vụ trong quân đội”, và K. Tay-lo chọn hướng thứ hai: xin gia nhập ngành quân báo để được huấn luyện về tình báo và tiếng Việt trong hai năm với hy vọng “may ra chiến tranh sẽ kết thúc trước khi năm học được hoàn tất”. Hy vọng đó không thành sự thật, vì K. Tay-lo bị đẩy sang chiến trường Việt Nam năm 1970 với cấp bậc trung sĩ.

K. Tay-lo kể tiếp: “Tôi nhận thấy một vấn đề ở Việt Nam: quân đội Mỹ đang trong chiều hướng bị mất tinh thần. Sau khi công luận quay lưng lại với cuộc chiến vào năm 1968, phong trào phản chiến thâm nhập vào quân đội Mỹ ở Việt Nam. Tất cả các vấn nạn thường thấy trong cuộc chiến như xì ke, xung đột sắc tộc, bạo hành, giết hại nhau và bất phục tùng đều là bằng chứng đã ảnh hưởng đến tinh thần tác chiến của quân đội và, ít ra theo hiểu biết của tôi, chúng có liên quan đến sự kiện: do hệ quả của sự lãnh đạo tồi, nước Mỹ không còn ủng hộ chiến tranh, song chúng tôi vẫn đang được kỳ vọng phải tiếp tục chiến đấu. Các nhà lãnh đạo trong quân đội, cả quân nhân lẫn dân sự, nhận ra sự cần thiết phải “tái phối trí” quân đội ra khỏi Việt Nam càng nhanh càng tốt để ngăn chặn tinh thần bất mãn lan rộng sang các chiến tuyến khác trên thế giới. Trong khi đó, chúng tôi đã được yêu cầu thử thời vận của mình như là “người tử trận cuối cùng ở Việt Nam”… Rõ ràng tôi đã bị ảnh hưởng bởi não trạng bất mãn này. Đối với tôi, dường như cuộc chiến đang bị thua và chúng tôi, chỉ đơn giản là hậu vệ có thể bị hy sinh. Tôi không thích điều đó. Tôi trở nên nghi ngờ cấp trên của tôi, cảm nhận rằng sự thất trận mà chúng tôi đang tham gia ít nhất đã giúp cho sự nghiệp của họ cơ hội thăng tiến, trong khi với các phần tử còn lại trong chúng tôi chỉ còn một băn khoăn giữa sự sống hay cái chết”.

Rồi K. Tay-lo bị thương, giữa năm 1971 được giải ngũ và trở về Mỹ với tâm trạng “choáng váng và mất phương hướng”. Ông ta viết: “Tôi giận dữ vì đã phải hy sinh tuổi trẻ của mình cho sự vô dụng của người già”. Vì vậy, “trong hơn hai thập niên, tôi cưỡng lại tư tưởng của bản thân rằng mình là một cựu chiến binh của cuộc chiến tranh Việt Nam. Tôi muốn được trở về với cuộc sống và không được mô tả bởi câu chuyện đau buồn đó. Tôi không thích Đài tưởng niệm ở Oa-sinh-tơn D.C với tên của tất cả những người tử vong được khắc trên một bức tường đá. Đó là đài tưởng niệm cho người chết, nhưng tôi là một người sống sót và bức tường không có liên hệ gì với tôi”. Để “trở về với cuộc sống”, tháng 1-1972, K. Tay-lo làm nghiên cứu sinh tại Đại học Mi-si-gân. Vì trước đó đã học tiếng Việt, nên K. Tay-lo chọn lịch sử Việt Nam cổ đại (từ khi lập quốc đến giữa thế kỷ 10) làm đề tài luận án, và xem đó là “một lối thoát an lành cho kinh nghiệm rối ren của cá nhân tôi đối với cuộc chiến Việt Nam”. Luận án bảo vệ năm 1976, được sửa chữa, in thành sách xuất bản năm 1983 với nhan đề Sự ra đời của Việt Nam (The Birth of Vietnam). K. Tay-lo tránh chọn đề tài liên quan đến lịch sử Việt Nam hiện đại vì không muốn đụng tới cuộc chiến tranh mà ông ta đã tham dự.

Lâu nay, hầu hết người Mỹ luôn tự hào đất nước họ là siêu cường số một thế giới, đánh đâu thắng đó, cho nên họ không thể nuốt trôi thất bại trước một dân tộc nhỏ bé, chưa phát triển như Việt Nam. Bên nỗi buồn chiến bại là mặc cảm tội lỗi, vì nước Mỹ đã ném bom, rải hóa chất độc, thảm sát, tra tấn… gây bao tang thương chết chóc cho nhân dân Việt Nam. Nhiều nhà nghiên cứu Mỹ đã chỉ ra các sai lầm suốt 30 năm (1945-1975) trong chính sách đối với Việt Nam của các đời tổng thống Mỹ. Như R. Mắc Na-ma-ra, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, người được xem là “kiến trúc sư của chiến tranh Việt Nam”, sau một thời gian im lặng, đã thừa nhận: “Chúng tôi đã sai lầm, sai lầm khủng khiếp” (R. McNamara: Hồi tưởng quá khứ - Tấn thảm kịch và những bài học ở Việt Nam [In Retrospect - The Tragedy and Lessons of Vietnam], NXB Times Books, New York, 1995, tr.xvi). Do những sai lầm ấy, cho nên, tuy chiến tranh đã kết thúc, nhưng nó vẫn tiếp tục phủ bóng đen lên lương tâm người Mỹ. Tâm trạng đó được khái quát thành khái niệm “hội chứng Việt Nam”. Vì từng tham chiến ở Việt Nam, K. Tay-lo khó tránh khỏi bị “hội chứng” ấy dày vò. Như ông ta tâm sự: “Rất nhiều năm, kinh nghiệm chiến trường của tôi giống như một cục bướu lớn không tiêu hóa nổi vẫn nằm sâu trong tâm thức”, và thừa nhận nếu thỉnh thoảng bị yêu cầu nói về chiến tranh ở Việt Nam: “Tôi luôn ngán ngẩm khi phải làm điều đó, bởi vì nói chuyện trước công chúng về cuộc chiến thường mang lại cho tôi cảm giác buồn nôn”.

Một số người Mỹ hiếu chiến lại không muốn nước Mỹ đắm chìm trong “hội chứng Việt Nam”, vì sợ ảnh hưởng đến vai trò của Mỹ trên trường quốc tế. R. Ri-gân lên tiếng kêu gọi: “Chúng ta đã sống với “hội chứng Việt Nam” trong thời gian quá lâu… Năm tháng trôi qua, người ta nói với chúng ta rằng hòa bình sẽ đến nếu chúng ta ngưng can thiệp và trở về nước. Đã đến lúc chúng ta thừa nhận rằng sự nghiệp của chúng ta là cao quý… Chúng ta sẽ làm ô danh việc tưởng nhớ 50.000 thanh niên Mỹ đã chết trong sự nghiệp ấy nếu chúng ta cứ cảm thấy phạm tội như thể chúng ta làm một điều gì đó xấu hổ và chúng ta bủn xỉn trong việc đối xử với người trở về” (www.reagan.utexas.edu)! Sau hô hào của R. Ri-gân, khuynh hướng “xét lại chiến tranh Việt Nam” xuất hiện trong giới nghiên cứu lịch sử ở Mỹ nhằm biện hộ cho sự can thiệp quân sự của Mỹ. K. Tay-lo tìm đến khuynh hướng này với mong ước “vứt bỏ cảm giác tội lỗi sai lầm về cuộc chiến tranh mà [ông ta] đã cưu mang khoảng một phần tư thế kỷ”. Năm 1998, ông ta viết bài Các xung đột vùng miền giữa các dân tộc Việt từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 19 (Regional Conflicts among the Viêt Peoples between the 13th and 19th Centuries - in trong Chiến tranh và hòa bình ở Đông Nam Á [Guerre et Paix en Asie du Sud-Est], NXB L’Harmattan, Paris, 1998 - Chúng tôi sử dụng bản dịch của Lê Quỳnh trên tạp chí Xưa và Nay, số 269 và 270, tháng 10-2006). Ngày 26-6-2003, trả lời phỏng vấn của BBC, ông ta đưa ra “một cái nhìn mới về lịch sử Việt Nam”. Mùa thu năm sau, trên tạp chí Michigan Quarterly Review, K. Taylor giải thích “bắt đầu dạy về chiến tranh Việt Nam như thế nào”. Cách đây hai năm, K. Tay-lo xuất bản cuốn Một lịch sử của người Việt Nam (A History of the Vietnamese - Cambridge University Press ấn hành, New York, 2013). Trong cuốn sách này cũng như các bài viết đã liệt kê ở trên, K. Tay-lo tự phủ nhận những gì ông ta viết trong cuốn sách đầu tiên Sự ra đời của Việt Nam.

Không khó để chỉ ra các sai lầm nghiêm trọng trong kiến thức và nhận thức của K. Tay-lo. Một số nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài đã viết nhiều bài phê bình. Như GS N.G. Ô-oen đã đưa ra một số nhận xét về cuốn Một lịch sử của người Việt Nam: “Về việc Mỹ dính líu, K. Tay-lo để lộ ra sự mâu thuẫn lớn trong suy nghĩ, và chương trọng yếu cuối cùng (Từ hai nước trở thành một nước trang 561 đến trang 619) có lẽ là chương gây tranh cãi nhiều nhất. Ông ta xuất hiện như người cuối cùng (…) bảo vệ chế độ VNCH chống lại cả người cộng sản (…) lẫn người Mỹ (…). Ông ta không biết hay tránh né việc những người tả khuynh phê phán Mỹ phá hoại Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954, khiêu khích hay ngụy tạo sự kiện vịnh Bắc Bộ năm 1964, phá hoại cuộc đàm phán ở Pa-ri năm 1968, “bí mật” ném bom Cam-pu-chia năm 1969, ném bom Hà Nội vào dịp lễ Chúa giáng sinh năm 1972 mà không có lý do rõ ràng. Thay vào đó, ông ta lại phẫn nộ với A. Ha-ri-man và nhóm của ông này tại Bộ Ngoại giao vì đã xúi giục việc lật đổ Ngô Đình Diệm là “thành tích gây tai họa nhất của Ken-nơ-đi ở Việt Nam” (tr.589) và với những người có trách nhiệm trong việc rút lại sự ủng hộ của Mỹ năm 1975 để VNCH phải “tử thương bởi một đồng minh lật lọng” (tr.626) (…). Ông ta xem việc đột nhập vào Cam-pu-chia và Lào là tích cực trong việc tạo ra thời gian để Việt Nam hóa chiến tranh và như vậy giúp chế độ Sài Gòn “thành công trong việc ổn định miền Nam Việt Nam” (tr.606 - 607) ít ra là cho tới khi Mỹ bán đứng chế độ Sài Gòn bằng Hiệp định hòa bình Pa-ri năm 1973, “vứt bỏ chủ quyền của Đệ nhị Cộng hòa” (tr.612 - 613)”. Vẫn theo GS N.G. Ô-oen, thì trong cuốn sách kể trên, K. Tay-lo cũng đã “đánh giá lại một vài lãnh tụ bị nhiều tiếng xấu ở miền Nam”. Mặc dù thừa nhận họ có nhiều thiếu sót sai lầm, ông ta miêu tả Ngô Đình Nhu là người có nhiều ý định dân chủ (tr.581), khẳng định Nhu bị ghét vì ông duy trì an ninh có hiệu quả và chống lại sự giám hộ của Mỹ (tr.577), Nguyễn Cao Kỳ tỏ ra “không có tì vết tham nhũng nào” (tr.593), Nguyễn Văn Thiệu - được ca tụng một cách yếu ớt hơn - được coi là không “tham nhũng thái quá hay lạm quyền quá đáng” (tr.607)…

Trong bài viết này, chúng tôi không có ý định kể ra tất cả sai lầm trong cuốn sách Một lịch sử của người Việt Nam và các bài viết của K. Tay-lo, mà chỉ muốn tìm hiểu cái ông ta gọi là “một cái nhìn mới về lịch sử Việt Nam” gồm hai điểm:

1. Việt Nam không phải là một dân tộc thống nhất sống trên một lãnh thổ thống nhất(?)

Đất nước Việt Nam trải dài trên 15 vĩ độ, từ đỉnh Lũng Cú (23°22’59 Bắc) tới mũi Cà Mau (8°30’ Bắc) và lãnh thổ Việt Nam được mở rộng dần về phía nam. Do đó, việc hình thành những vùng miền là điều tự nhiên. Nhưng dù ở đâu và được ghi vào bản đồ Việt Nam lúc nào thì các vùng miền đó đều là những bộ phận hợp thành của một Tổ quốc Việt Nam duy nhất và thống nhất. Cường điệu một số điểm khác biệt giữa các vùng miền, K. Tay-lo lại chia nước Việt Nam thành ít nhất năm vùng miền: Đông Kinh (tức vùng đồng bằng sông Hồng, lấy Hà Nội làm trung tâm), Thanh Nghệ Tĩnh (gồm ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh), Thuận Quảng (gồm bốn tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và TP Đà Nẵng), Bình Định và Nam Bộ. Điều đáng nói là K. Tay-lo không chỉ chia cắt lãnh thổ mà còn buộc các vùng miền này vào tình huống thường xuyên mâu thuẫn, đối kháng với nhau, thường xuyên xung đột với nhau, như ông ta viết: “Trong những năm mà tôi đề cập, không có giai đoạn nào mà những người nói tiếng Việt không đánh lẫn nhau hoặc giao chiến với các nước láng giềng”!

Ứng dụng thuyết “xung đột vùng miền”, K.Tay-lo xem cuộc tranh chấp giữa nhà Mạc và nhà Lê trung hưng trong thế kỷ 16 như cuộc xung đột giữa Đông Kinh với Thanh Nghệ: “Đông Kinh đã trung thành sâu sắc với gia đình họ Mạc trong thế kỷ 16 và Đông Kinh đã cứng rắn chống lại cuộc chinh phục của đoàn quân Thanh Nghệ vào cuối thế kỷ này”. K.Tay-lo nhận định: “Cuộc xung đột vùng giữa Đông Kinh và Thanh Nghệ là đặc điểm nổi bật trong hình dung của chúng ta về một kinh nghiệm lịch sử Việt Nam… Bắt đầu với Hồ Quý Ly và sau đó với Lê Lợi, Thanh Nghệ trở thành khu vực của các vị vua và lãnh chúa có khao khát thống trị Đông Kinh”. Tương tự, ông ta giải thích, sự phân tranh giữa họ Trịnh và họ Nguyễn là xung đột giữa Đông Kinh và Thuận Quảng, khởi nghĩa Tây Sơn là “sự phản ứng của vùng Bình Định trước những yêu sách của các nhà cai trị Thuận Quảng áp đặt lên vùng này”. Vùng Bình Định “sản sinh ra một nhân vật, Nguyễn Huệ, người dẫn quân từ lãnh thổ này sang lãnh thổ khác và cố tìm cách thống nhất mọi khu vực của người Việt dưới uy quyền của ông”. Sau khi Nguyễn Huệ qua đời, “Nguyễn Ánh cuối cùng đã xây dựng nền tảng quyền lực tại Sài Gòn ở Nam Bộ, và từ đây chinh phục các vùng ở miền bắc nơi người Việt sinh sống, lập nên một vương quốc vào đầu thế kỷ 19 mà trước đó chưa bao giờ tồn tại”!

Cho nên không chỉ người đọc Việt Nam cảm thấy chối tai trước những từ “xung đột”, “chinh phục” cứ bị lặp đi lặp lại… mà người đọc ở nước ngoài cũng thấy không chịu nổi. Như GS N.G.Ô-oen đã nhận xét: Trong cuốn Một lịch sử của người Việt Nam “các tiêu đề lớn nhỏ - Chiến tranh 70 năm, Chiến tranh 50 năm, Chiến tranh 30 năm - gợi lên ý nghĩ về những cuộc xung đột nồi da xáo thịt đẫm máu và liên miên, nhưng không nói đến nhiều cuộc chiến tranh với nước ngoài và vô số các cuộc nổi dậy. Kết quả là một bức tranh chắp vá về mặt chính trị và văn hóa” (asiapacific.anu.edu.au).

Thuyết “xung đột vùng miền” của K.Tay-lo xây dựng trên các kiến thức và quan điểm sai lầm, nên không khó để bác bỏ. Thật ra, các cuộc nội chiến nói trên xảy ra giữa hai thế lực chính trị - quân sự có quyền lợi mâu thuẫn nhau. Chẳng hạn, chiến tranh Nam triều - Bắc triều là giữa nhà Mạc (lật đổ nhà Lê) và nhà Lê trung hưng (tìm cách lập lại ngai vàng của dòng họ mình); Trịnh - Nguyễn phân tranh xảy ra giữa con cháu của Nguyễn Kim (người đầu tiên khởi xướng việc trung hưng nhà Lê) và con cháu của Trịnh Kiểm (người bị xem là đã giết con trai của Nguyễn Kim), v.v. Những thế lực này hoàn toàn không đại diện cho quyền lợi một vùng miền nào và chưa hẳn đã nhận được sự ủng hộ của người dân trong vùng miền đó. Thái độ chính trị của một người không phụ thuộc vào việc người đó ở một vùng miền nào. Không hiếm những người thay đổi thái độ chính trị, thí dụ như cha con Nguyễn Thiến. Nguyễn Thiến làm thượng thư nhà Mạc, hai con là Quyện và Miễn làm tướng của nhà Mạc, nhiều lần cầm quân đánh nhau với nhà Lê. Do mâu thuẫn trong nội bộ nhà Mạc, ba cha con đã dẫn quân bản bộ về hàng nhà Lê (1550). Năm sau, Quyện theo quân nhà Lê ra đánh nhà Mạc. Năm 1557, sau khi cha qua đời, Quyện và Miễn lại bỏ nhà Lê, trở về với nhà Mạc, lập nhiều chiến công. Năm 1592, Quyện và Miễn bị nhà Lê bắt, sau bị giết. Thử hỏi K. Tay-lo sẽ xếp ba cha con của Nguyễn Thiến vào vùng miền nào?

Thuyết “xung đột vùng miền” trở nên nguy hiểm khi K. Tay-lo biến các cuộc chiến tranh xâm lược của nước ngoài thành nội chiến, phủ nhận các phong trào đấu tranh bảo vệ độc lập, hay giải phóng dân tộc của người Việt Nam. Chẳng hạn như nhà Minh xâm lược Việt Nam đầu thế kỷ 15, K. Tay-lo quả quyết: “Có nhiều bằng chứng cho thấy đa số sĩ phu ở Đông Kinh sẵn sàng chấp nhận sự cai trị của quân Minh và nhiều thế gia vọng tộc ở khu vực này (…) đã trung thành phục vụ quân Minh (…). Hiệu lực sự cai trị của nhà Minh đã không thể xảy ra nếu không có sự chấp nhận và tham gia với mức độ lớn của người địa phương”. Theo K. Tay-lo thì “người Đông Kinh nhìn Lê Lợi như một kẻ nổi loạn nhà quê”, “Không khó để đọc cái gọi là phong trào giải phóng dân tộc của Lê Lợi như là cuộc chinh phục của Thanh Nghệ đối với Đông Kinh, với việc nhiều nhân vật Đông Kinh xem người Minh như thế lực bảo vệ chống sự quê kệch của các tỉnh phía Nam”! Tương tự như thế, với lịch sử Việt Nam ở giữa thế kỷ 19, K. Taylor cho rằng: “khi vấn đề bảo hộ của Pháp xuất hiện, giới tinh hoa Thuận Quảng ủng hộ việc hòa hoãn và hợp tác để cứu chế độ quân chủ, trong khi các lãnh đạo Thanh Nghệ lại ủng hộ cuộc kháng chiến… Chính sự chủ động của người Thanh Nghệ đã dẫn đến việc đưa hoàng gia thoát khỏi Huế và kêu gọi “Cần vương” năm 1885… trong lúc các lãnh đạo Thuận Quảng nhanh chóng hòa hoãn với Pháp chống lại các đối thủ Thanh Nghệ của họ”!

Kết quả là, trong khi hư cấu, cường điệu về xung đột vùng miền giữa Đông Kinh và Thanh Nghệ hay giữa Thanh Nghệ và Thuận Quảng, K. Tay-lo đã cố tình che giấu tội ác xâm lược của nhà Minh, của thực dân Pháp ở Việt Nam. Thuyết “xung đột vùng miền” không dừng lại ở đó. Trong bài điểm sách Một lịch sử của người Việt Nam, GS, TS L.C.Ken-ly ở Đại học Ha-oai (Mỹ) viết: “Qua cuốn sách dài hơi này, Tay-lo nhiều lần lôi kéo sự chú ý của người đọc vào những kích thước vùng miền của lịch sử Việt Nam. Đó là căng thẳng giữa Thanh Hóa và Thăng Long trong những thế kỷ trước hay giữa Sài Gòn và Hà Nội trong thời gian gần đây hơn, chủ nghĩa địa phương đã là một nét đặc trưng lâu dài trong trải nghiệm lịch sử của những người nói tiếng Việt…” (Journal of Vietnamese Studies, vol. 9, 1-1-2014). Bình luận của L.C.Ken-ly để lộ thâm ý của K.Tay-lo trong Một lịch sử của người Việt Nam là muốn dẫn dắt người đọc đi đến kết luận: chiến tranh trong hai thập niên qua tại Việt Nam chỉ là “xung đột vùng miền” giữa miền bắc và miền nam chứ không phải là chiến tranh xâm lược của Mỹ đối với Việt Nam!

2. Việt Nam không có lịch sử và văn hóa thống nhất, phát triển liên tục (?)

Theo K.Tay-lo, “những người quyết tâm cai trị toàn bộ các dân tộc Việt sẽ nhấn mạnh về một lịch sử và văn hóa Việt Nam đơn nhất, với một cội nguồn duy nhất và một xung lực duy nhất xuyên suốt thời gian và không gian. Nhưng những giấc mơ về tính độc nhất này là sự thể hiện niềm tin chính trị, chứ không phải là điều nghiễm nhiên”. Ngược lại, K.Tay-lo chủ trương “chia lịch sử và văn hóa Việt Nam thành mỗi khu vực” để từ đó cho rằng “lịch sử của mỗi vùng cũng đứt đoạn”, “mang tính chất giai đoạn, chứ không tiến triển liên tục”. K.Tay-lo không thừa nhận có một dân tộc Việt Nam thống nhất, tồn tại liên tục hàng nghìn năm nay. Để làm điều này, K.Tay-lo đưa ra khái niệm “những người nói tiếng Việt” (people who speak Vietnamese) cùng sống trên mảnh đất hình chữ S; và những người nói tiếng Việt không nhất thiết hợp thành một dân tộc Việt duy nhất, cũng như những người nói tiếng Anh ở Mỹ, Anh, Ca-na-đa, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân… thuộc nhiều dân tộc khác nhau! Khái niệm “những người nói tiếng Việt” gợi nhớ tới mồ ma T.Đác Giăng-li-ơ. Trong Thông tư số 215/CP.Cab ngày 15-1-1947, viên Cao ủy Pháp tại Đông Dương này cấm dùng từ “Việt Nam” trong các tài liệu chính thức, trên báo chí cũng như khi trò chuyện; thay vào đó, ông ta bắt dùng cụm từ “ba xứ nói tiếng An Nam” (trois pays de langue annamite - ba xứ là Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Philippe Devillers, Paris - Sài Gòn - Hà Nội, hồ sơ lưu trữ chiến tranh 1944 - 1947 [Paris - Saigon - Hanoi, les archives de la guerre 1944 - 1947], NXB Gallimard/Julliard, Paris, 1988, tr.336).

K.Tay-lo không thể chối bỏ một thực tế hiển nhiên là người Việt từ Lũng Cú đến mũi Cà Mau “đều nói một ngôn ngữ mà tất cả đều hiểu”, nhưng vẫn gượng gạo đưa ra nhận xét: “Cái “ngôn ngữ chung” đó là một lớp âm thanh, từ vựng và cú pháp tương đối hời hợt (?!) mà ẩn bên dưới đó là những lớp sâu sắc hơn của những mô hình ngôn ngữ vùng”, “bên dưới lớp âm thanh, ngữ âm, lời nói chung, hay bất kỳ cách tưởng tượng nào của chúng ta về hiện tượng ngôn ngữ con người, là những con người khác biệt mà cái nhìn của họ về bản thân và người khác dựa vào địa hình vùng họ sống và dựa vào những trao đổi văn hóa có được tại vùng đó”. Không chỉ khác biệt trong không gian, người Việt còn khác biệt trong thời gian: “Người Việt thế kỷ 13, 15, 17 không giống người Việt thế kỷ 20”!

K.Tay-lo coi Việt Nam không phải là một dân tộc thống nhất, phát triển liên tục nên ông ta đã phủ nhận việc Việt Nam có một lịch sử chung: “Ý tưởng về một “lịch sử chung” là một điều được tưởng tượng và tranh luận, chứ không phải là một vấn đề hiển nhiên; nó không phải là một di sản rõ rệt, mà đúng hơn, nó được nghĩ ra, dạy dỗ và học từ thế hệ này sang thế hệ khác: nó là vấn đề truyền thụ. Một “lịch sử chung của người Việt” là chuyện ý thức hệ và chính trị, không phải là học thuật (…). Việc xây dựng một “lịch sử chung” nằm trong địa hạt thần thoại”. K.Tay-lo cũng phủ nhận Việt Nam có bản sắc văn hóa dân tộc. Nếu các nhà viết sử thường nhận định “người Việt Nam trở thành một loại người riêng biệt nhờ một phản ứng chung hay thống nhất trước mối đe dọa can thiệp của nước ngoài” thì K.Tay-lo bác bỏ, coi đó “đơn giản là sự kiêu ngạo của cách viết sử dân tộc chủ nghĩa đã biến “tinh thần chống ngoại xâm” thành tố chất vĩnh cửu trong “bản sắc Việt Nam”…”.

K.Tay-lo thường bác bỏ quan điểm sử học của Việt Nam trước kia cũng như hiện nay, coi đó là sử học dân tộc chủ nghĩa, sử học bị chính trị hóa. Thực ra chính K.Tay-lo dưới lớp áo “sử gia” đã sử dụng sử học để phục vụ những quan điểm chính trị sai trái, xuyên tạc lịch sử Việt Nam, biện minh cho chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Thế nhưng, gần đây, không biết do chưa nắm bắt được quan điểm sử học đầy sai trái của K.Tay-lo hay vì lý do nào khác mà trong diễn văn tại lễ trao giải của một quỹ văn hóa ở Việt Nam, người thay mặt quỹ này lại ca ngợi K.Tay-lo là “người thật sự yêu đất nước này, muốn hiểu nó tận cùng như hiểu chính mình, để cho đất nước anh hùng mà khổ đau này sống thật đàng hoàng trong thế giới xiết bao khó nhọc ngày nay”, thậm chí còn “cảm ơn K.Tay-lo vì tình yêu chân chính và nỗ lực trằn trọc của ông cho khoa học lịch sử Việt Nam, cho Việt Nam”!?

Thật mỉa mai cho cái gọi là giải thưởng đã xuyên tạc trắng trợn lịch sử Việt Nam! Chẳng lẽ họ không biết đâu là những kẻ đã gây ra bao nỗi khổ đau bất hạnh cho đất nước này. Chẳng lẽ họ đồng tình với kết luận mà K.Tay-lo rút ra khi nghiên cứu lịch sử Việt Nam? Phải chăng vì K.Tay-lo “yêu Việt Nam” theo kiểu mà họ “đang yêu” là lợi dụng tên tuổi của Phan Chu Trinh - một chí sĩ trọn đời hy sinh cho dân, cho nước - để phục vụ mục đích riêng? Đó là câu hỏi chính họ, chứ không ai khác, phải trả lời trước dân tộc, trước Tổ quốc!

Nguyễn Đình
Theo Nhân Dân


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất