Thứ Sáu, 25/5/2018 5:0'(GMT+7)
Nhận rõ tình hình mới và các dạng quan điểm sai trái, thù địch
(TG) - Trong cuộc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ, có hai vấn đề nổi bật cần được nhận rõ trước tiên. Đó là, từ tình hình mới trên phạm vi quốc tế và trong nước, tìm ra những nguyên nhân và nguyên cớ của những quan điểm sai trái, thù địch. Đồng thời phải nhận diện cho được các quan điểm sai trái, thù địch để đưa ra những đối sách thích hợp với từng đối tượng cụ thể.
1. Tình hình mới
Tình hình mới trên thế giới có thể nhận rõ qua những chuyển biến nổi bật.
Thứ nhất, sự chuyển dịch quyền lực theo hướng từ Tây sang Đông dẫn tới sự thay đổi tương quan so sánh lực lượng giữa các nước lớn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sự chuyển dịch này đã và đang tác động đến quan hệ quốc tế, tập hợp lực lượng giữa các nước không chỉ trong phạm vi các khu vực mà biến động sâu sắc tới toàn cầu, làm cho tiến trình chuyển biến cục diện thế giới theo hướng đa cực, đa trung tâm diễn ra nhanh hơn. Trong bối cảnh như vậy, sự cọ xát và cạnh tranh chiến lược, điều chỉnh chiến lược, tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn ngày càng gia tăng, quyết liệt, tác động sâu rộng đến an ninh, chính trị thế giới.
Thứ hai, các vấn đề toàn cầu và an ninh phi truyền thống ngày càng nghiêm trọng như: khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, phổ biến vũ khí hủy diệt, thảm họa thiên tai, thảm họa môi trường sinh thái, nghèo đói và dịch bệnh, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh mạng... Cùng với đó, an ninh biển cũng đang nổi lên, không chỉ liên quan đến an toàn các tuyến đường hàng hải mà ngày càng mở rộng ra các khía cạnh khác như an ninh môi trường biển, các nguồn lợi hải sản. Do tác động của việc gia tăng các tranh chấp biển, đảo và các chuyển biến của an ninh phi truyền thống khác, an ninh biển sẽ trở thành một trong những vấn đề chi phối quan hệ giữa các nước.
Thứ ba, trào lưu dân túy, xu hướng bảo hộ có chiều hướng gia tăng mạnh mẽ ở các nước phát triển gây ra một số tác động khá tiêu cực. Các trào lưu dân túy cổ vũ cho việc xây dựng một nhà nước mạnh và chuyên chế nhưng kết quả lại làm tăng thêm các mâu thuẫn nội bộ, đẩy tình trạng bất ổn lên cao, làm cho chính sách đối nội và đối ngoại bất định. Trào lưu này chống liên kết, hội nhập quốc tế và khu vực, thậm chí ly khai khỏi các cơ chế đa phương, làm giảm hợp tác, tăng cạnh tranh, xung đột và do đó đưa đến những căng thẳng mới trong quan hệ quốc tế.
Xu hướng bảo hộ (hoặc còn gọi là chủ nghĩa bảo hộ) gần đây phát triển mạnh tại Mỹ và một số nước Tây Âu. Việc quay trở lại chủ nghĩa bảo hộ, đóng cửa thị trường, hạn chế liên kết kinh tế, giảm sự ủng hộ đối với tự do thương mại đa phương, cản trở thương mại và đầu tư quốc tế đã và đang tạo ra hệ lụy tiêu cực, làm chậm lại tiến trình tăng trưởng kinh tế thế giới. Xu hướng bảo hộ ở một số nền kinh tế lớn sẽ làm tăng mâu thuẫn, bất đồng vốn có về một số vấn đề kinh tế, thương mại, do đó làm gia tăng va chạm lợi ích, không loại trừ có những hành động “trả đũa” dẫn tới chiến tranh thương mại, tỷ giá. Tình hình đó làm cho liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu đứng trước nhiều khó khăn, toàn cầu hóa có xu hướng bị chậm lại.
Về tình hình trong nước: Chưa bao giờ tầm vóc của dân tộc, của đất nước ta lại rạng rỡ và mạnh mẽ như hôm nay. Điều đó làm cho công tác lý luận nói chung và cuộc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch nói riêng có một “cốt vật chất” vững chắc để thực hiện nhiệm vụ của mình. Nhưng mặt khác, những tồn tại, khiếm khuyết trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng đặt ra những thách thức không hề nhỏ. Nhiều vấn đề nảy sinh từ tính phức tạp của thực tiễn chưa được lường hết, có trường hợp từ sai lầm về nhận thức dẫn tới sai lầm về hành động, từ sự thiếu hiểu biết mà làm sai, làm ẩu, từ sự thiếu nhạy cảm nên chậm chạp để mất thời cơ, từ sự vi phạm nguyên tắc dẫn tới sự chệch hướng… Quá trình mở cửa hội nhập, chủ động làm ăn với các nước tư bản chủ nghĩa, phát triển kinh tế thị trường trong điều kiện toàn cầu hóa giữ vững định hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội đặt ra nhiều thách đố đối với công tác lý luận và có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch. Vận mệnh của chủ nghĩa xã hội phụ thuộc vào chính việc nhìn nhận rõ và khắc phục tốt những vướng mắc bên trong cả về lý luận và thực tiễn, nhất là trong giai đoạn quá độ, chủ nghĩa xã hội chưa hoàn thiện. Do vậy, trong đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, phải khắc phục cho được những khó khăn do bối cảnh thời đại, do tác động khách quan và cả do chủ quan duy ý chí, bảo thủ trì trệ, từ đó, khắc phục sự lúng túng và thiếu lý lẽ trong lập luận.
2. NHẬN DIỆN CÁC DẠNG QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH
Những quan điểm của các thế lực thù địch
Sau nhiều thập niên thực hiện chính sách thù địch, chống phá không đạt hiệu quả, các thế lực thù địch đang thay đổi phương thức hoạt động. Mục tiêu nhất quán không thay đổi của chúng là chống phá tận gốc về tư tưởng chính trị, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, “phi chính trị hóa”, vô hiệu hóa quân đội và lực lượng công an, tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Việt Nam.
Vừa qua, các thế lực chống cộng sản, chống chủ nghĩa xã hội (CNXH) đã lợi dụng dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười và 170 năm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” - tác phẩm kiệt xuất của Mác và Ăngghen, tập trung vào việc phê phán, đả kích chủ nghĩa Mác hòng làm lung lay nền tảng tư tưởng của chúng ta. Các thế lực thù địch tung ra đủ thứ lý luận nhằm bác bỏ chủ nghĩa cộng sản. Bên cạnh phủ định tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng tấn công vào đường lối của Đảng, tập trung đánh vào các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, đặc biệt là vào nguyên tắc tập trung dân chủ. Chúng đối lập Đảng với Nhà nước, đối lập Đảng, Nhà nước với nhân dân. Cùng với phủ nhận sứ mạng lịch sử của giai cấp công nhân, chúng phủ nhận mục tiêu, lý tưởng, con đường đi lên CNXH ở nước ta, phê phán triệt để, bôi đen CNXH hiện thực, công khai ca ngợi con đường tư bản chủ nghĩa (TBCN).
Mục tiêu của các thế lực thù địch là tập trung hướng vào nội bộ ta, tìm mọi hình thức, tinh vi hoặc trắng trợn, công khai hoặc bí mật, ráo riết làm cho nội bộ không ổn định, luôn luôn gieo rắc ngờ vực, nghi kỵ, giảm sút lòng tin hòng gây chia rẽ, lục đục nội bộ. Các chiến dịch tung tin thường tập trung vào các kỳ đại hội Đảng, kỳ bầu cử Quốc hội nhằm mục đích kích động, chia rẽ nội bộ. Xuất hiện nhiều luận điệu hết sức giản đơn nhưng thâm độc, nguy hiểm như “Phe thân Mỹ sẽ thắng và phe thân Trung Quốc sẽ thua” hay ngược lại…. Hoặc, hiện nay, công tác chống tham nhũng đang được Đảng và Nhà nước ta thực hiện một cách kiên quyết, công khai, minh bạch, được nhân dân đồng tình và tin tưởng, nhưng các thế lực thù địch lại xuyên tạc bóp méo, cho đó là cuộc đấu tranh thanh trừ nội bộ giữa các phe phái và các nhóm lợi ích.
Những quan điểm sai trái do các phần tử phản động, thoái hóa, cơ hội chính trị, bất mãn gây ra
Một số đối tượng lá mặt, lá trái, cơ hội chính trị, số phần tử bất mãn, cực đoan, quá khích đang sống, làm việc thụ hưởng những thành quả cách mạng do Đảng và nhân dân mang lại, nhưng lại bí mật cộng tác với những phần tử bất mãn, phản động nước ngoài để mưu cầu lợi ích cá nhân. Số đối tượng này tiếp nhận, tán phát tài liệu có nội dung xấu, móc nối viết bài nói xấu chế độ, chống phá Nhà nước Việt Nam. Những bài viết được tung lên internet có nội dung tuyên truyền những quan điểm phản động, cực đoan chống Đảng, Nhà nước, kích động tụ tập đông người, biểu tình gây áp lực với chính quyền, đòi thả tự do cho những kẻ vi phạm pháp luật mà chúng gọi là “tù nhân lương tâm”…
Tư tưởng cơ hội hữu khuynh của những phần tử phản động thoái hóa, cơ hội chính trị không chỉ được xây dựng trên một cơ sở lý luận xét lại nào đó, mà còn là sự cóp nhặt hỗn tạp giữa trào lưu triết học, xã hội học tư sản hiện đại, song lại chưa thoát được căn bệnh giáo điều và bệnh thực dụng. Điều này thể hiện thái độ và lối sống cơ hội nhằm trục lợi cả chính trị và vật chất.
Có không ít người cơ hội trước kia đã từng giáo điều trong việc nhận thức về “sự thối nát, giãy chết của CNTB”, thì bây giờ họ lại “đảo chiều”, quay sang tôn sùng CNTB.
Các đối tượng còn phủ định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, công kích đường lối, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước ta, đặc biệt là định hướng XHCN. Trong phát triển kinh tế thị trường, tất cả các mũi tấn công đều nhằm vào phát triển mầm mống các nhân tố chống CNXH, thúc đẩy sự hình thành xã hội dân sự dưới tác động của hàng hóa, nguồn vốn phương Tây hòng hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân để lấn át kinh tế nhà nước, lôi kéo thêm lực lượng cán bộ, đảng viên yếu kém về nhận thức chính trị, có quan điểm sai trái.
Cùng với việc tung ra luận điệu trong Đảng có phe cải cách và phe bảo thủ, chúng tìm mọi cách bịa đặt, nói xấu cán bộ Đảng và Nhà nước, phát tán những cuốn nhật ký, hồi ký kể lể chuyện “giật gân” trong sinh hoạt của các nhà lãnh đạo, đề cao người này, hạ thấp người kia, kích động, chia rẽ lãnh đạo cao cấp của Đảng, gây nghi ngờ để chia rẽ nhân dân với Đảng.
Những quan điểm sai trái hình thành do trình độ nhận thức chính trị kém
Do tác động nhiều mặt, trong xã hội đã xuất hiện nhiều hiện tượng như chạy theo lối sống sinh hoạt văn hóa lai căng, dung tục, xa rời văn hóa truyền thống. Một số tác phẩm văn hóa có tư tưởng phủ định lịch sử, nhận thức sai về văn học, nghệ thuật, cổ súy cho những hành vi sai trái, lệch lạc.
Trong khi đó, một số cơ quan thông tấn báo chí nước ngoài đưa các tin, bài vu cáo ta vi phạm nhân quyền, đàn áp tôn giáo; mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin sai trái, bịa đặt mà không ít cán bộ, đảng viên và một bộ phận quần chúng nhân dân đã đọc, nghe không phân biệt được đúng, sai… dẫn đến có những cán bộ đảng viên đã biểu hiện dao động, mất lòng tin và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, suy thoái tư tưởng về chính trị. Thực tế là, các thế lực thù địch luôn quan tâm lôi kéo tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ, thanh niên, học sinh, sinh viên, coi đó là hướng hoạt động có tính chiến lược nhằm chuyển hóa tư tưởng của thế hệ điều hành đất nước trong tương lai. Do ảnh hưởng từ những chiêu bài dẫn dụ của các thế lực thù địch cùng với tác động của một số yếu tố khách quan, nên đã có những trí thức, sinh viên viết bài, bày tỏ cảm xúc cực đoan, tuyên truyền chống phá, nói xấu chế độ. Có một số cán bộ, đảng viên, trí thức cũng ngộ nhận, xoay chiều phê phán nguyên tắc tập trung dân chủ, thậm chí có người còn đòi xóa bỏ nguyên tắc này.
Khi tình hình thế giới và trong nước với cả mặt thuận và mặt trái đều có thể ảnh hưởng qua nhiều cách, nhiều chiều, trên nhiều phương diện thì việc nghe, nhìn, cũng như suy nghĩ của mỗi người trong điều kiện mở rộng dân chủ bên trong, hội nhập với bên ngoài ngày càng trở nên phức tạp. Điều đó có tác động lớn đến công tác đấu tranh tư tưởng. “Cây muốn lặng, gió chẳng đừng”, Đảng ta, nhân dân ta luôn mong muốn một môi trường ổn định, hòa bình để xây dựng một đất nước ấm no, tự do, hạnh phúc nhưng các thế lực thù địch không để chúng ta yên. Chúng thường xuyên chống phá chúng ta bằng nhiều thủ đoạn tinh vi và xảo quyệt. Vì vậy, đấu tranh chống quan điểm sai trái luôn là nhiệm vụ tất yếu chúng ta phải làm.
Để làm thật tốt, cùng với việc tăng cường tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chúng ta cần chủ động nắm chắc tình hình tư tưởng, tâm trạng xã hội; sớm phát hiện và xử lý kịp thời những vụ việc phức tạp, nổi cộm mới phát sinh, những vấn đề bức xúc, không để các thế lực thù địch lợi dụng. Chủ động theo dõi và nắm bắt kịp thời các dạng quan điểm sai trái và những hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, từ đó xác định những giải pháp đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả./.
___________________________________
GS.TS. Vũ Văn Hiền
Bài đăng Tạp chí Tuyên giáo số 5/2018