Thứ Bảy, 23/11/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Bảy, 25/7/2015 22:17'(GMT+7)

Nhân văn Hồ Chí Minh


Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, lúc nào Bác Hồ cũng nấu nung một tâm nguyện cháy bỏng: làm cho đất nước được độc lập, nhân dân được tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc và được học hành.

Dù bận trăm công nghìn việc, Bác vẫn nhớ và hiểu rõ cuộc sống hiện tại của các tầng lớp nhân dân, từ em thơ đến cụ già, từ người phụ nữ ở hậu phương đến các chiến sĩ xông pha trong lửa đạn trên tiền tuyến. Sau “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” (19-12-1946) chưa đầy năm, đêm nằm thao thức, Bác nhớ đến những chiến sĩ đang chịu rét, chịu đói, mặt đối mặt với đạn bom, và có người đã phải đổ máu... Hoàn cảnh ấy thôi thúc Bác viết những dòng thư gửi Ban Thường trực của Ban Tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc” vào ngày 17-7-1947, làm xúc động mỗi chúng ta từ đó đến nay: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa. Của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta. Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh.

Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt.

Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”(1).

Tại thời điểm đó, Đảng và Nhà nước ta đang phát động phong trào “chống nạn đói” đi liền nhiệm vụ “chống nạn ngoại xâm”, Bác nêu sáng kiến: đồng bào ta “vui lòng vài ba tháng nhịn ăn một bữa để giúp đỡ chiến sĩ bị thương”. Bác bày tỏ niềm tin “vào lòng nhường cơm sẻ áo của đồng bào ta”; chính mình tự nguyện biếu “một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi, và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng (1.127đ.00)”(2) tặng các thương binh...

Từ đó, ngày 27-7 hằng năm đã trở thành “Ngày Thương binh, liệt sĩ”, là dịp để các tầng lớp nhân dân trong cả nước thể hiện lòng tri ân, tiếp sức, chia sẻ, bày tỏ lòng thành với những thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ đã hy sinh xương máu cho công cuộc giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời cũng là dịp Bác động viên và hoan nghênh đồng bào tùy hoàn cảnh mà gửi thư, tặng quà hoặc quyên giúp quà tặng cho những thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Từ hành động hiếu nghĩa ấy của Bác, đã trở thành phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” lan rộng khắp cả nước, thu hút đông đảo sự tham gia tự nguyện của hàng chục triệu người, nảy nở nhiều phong trào với sức cuốn hút rộng lớn. Đó là phong trào “Trần Quốc Toản” chăm sóc các thương binh nặng; hằng tuần, các cháu đến giúp quét dọn nhà cửa, trồng rau, tỉa cành, làm thêm những bồn hoa đẹp...; phong trào “Đi tìm hài cốt đồng đội”,  “Tu bổ, tôn tạo các  nghĩa trang liệt sĩ”; phong trào góp “Sổ tiết kiệm tình nghĩa”, “Xây dựng nhà tình nghĩa” tặng các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh; phong trào nhận “Phụng dưỡng suốt đời Mẹ Việt Nam anh hùng” của nhiều cơ quan, đơn vị... và một số doanh nghiệp ưu tiên nhận con liệt sĩ, thương binh vào làm việc. Nhiều thầy giáo, cô giáo tự nguyện dạy thêm miễn phí cho các cháu thuộc diện gia đình chính sách...

Biết bao việc làm thể hiện tình cảm sâu nặng của các tầng lớp nhân dân ta tri ân công lao to lớn của các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh đã vì nước quên thân, vì dân phục vụ. Thấm sâu tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh, nhân lên những việc làm cao đẹp ấy, là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể các cấp trong cả nước ta! ./.

 

   Hồng Vinh

(1)  , (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, xuất bản lần thứ 3, t.5, tr. 204, 205.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất