(TG) - Ngày 12/7, nhân dịp Việt Nam đóng vai trò nền kinh tế chủ nhà của Hội nghị cấp cao APEC 2017, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Tsutomu Koizumi, Phó Cục trưởng Cục các vấn đề kinh tế thuộc Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn Nhật Bản tại Hội nghị quan chức cấp cao APEC lần 1 (SOM 1) về vấn đề này. Tin từ TTXVN
- Ông đánh giá thế nào về vai trò của APEC, với tư cách là một cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu của khu vực và thế giới, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang có xu hướng gia tăng?
Ông Tsutomu Koizumi: Hiện tại, vẫn đang có tranh luận về cái gọi là xu hướng chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng. Tuy nhiên, trên quan điểm cá nhân, tôi vẫn đặt câu hỏi liệu xu hướng chủ nghĩa bảo hộ có thực sự đang mạnh lên hay không.
Kể từ khi được thành lập vào năm 1989, APEC đã gặt hái được các thành quả lớn trên nhiều lĩnh vực trong đó bao gồm cả việc hội nhập kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Hiện nay, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của APEC chiếm tới 60% GDP thế giới, khoảng 44.300 tỷ USD, APEC chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch thương mại của thế giới, khoảng 17.800 tỷ USD và các thành viên APEC chiếm tới 40% tổng dân số thế giới với 2,84 tỷ người.
Các nỗ lực liên tục của APEC đã đóng góp cho một khu vực châu Á-Thái Bình Dương phát triển như ngày nay.
Với tư cách là một trong những thành viên sáng lập APEC, Nhật Bản luôn luôn coi trọng vai trò của APEC.
Trong bối cảnh, môi trường kinh doanh thay đổi với sự xuất hiện các ngành dịch vụ, thương mại kỹ thuật số và chủ nghĩa bảo hộ đang có xu hướng gia tăng trên thế giới, APEC đang đóng vai trò ngày một quan trọng hơn trong việc thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho xu thế tự do hóa thương mại và đầu tư trên thế giới.
Một trong những ưu điểm của APEC chính là việc lập ra cơ chế lắng nghe tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, gọi là Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC).
APEC cần lắng nghe các ý kiến đóng góp, từ đó vận dụng để xây dựng những quy định về đầu tư và thương mại cho tương lai.
Với tư cách là nền kinh tế thành viên đi tiên phong cho tự do hóa thương mại, Nhật Bản sẽ tiếp tục đóng góp cho các nỗ lực mở rộng thị trường tự do và công bằng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
- Các ưu tiên của Năm APEC Việt Nam 2017 sẽ tập trung vào các hướng thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo; tăng cường liên kết kinh tế khu vực; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) trong kỷ nguyên số và cuối cùng tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ông đánh giá thế nào về cơ hội và thách thức của APEC khi thúc đẩy việc thực thi các sáng kiến theo các chủ trương trên trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp như hiện nay?
Ông Tsutomu Koizumi: APEC, trên cơ sở hoạt động với các nguyên tắc hành động tự nguyện, đồng thuận và hợp tác khu vực mở, đã thúc đẩy các sáng kiến trên trong nỗ lực giải quyết các thách thức mới của thế giới.
Một trong những ví dụ cụ thể của các nỗ lực này là thúc đẩy phát triển trên cơ sở các cuộc thảo luận tại APEC cũng như các thỏa thuận liên quan đến hàng hóa và môi trường trong khuôn khổ Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Mặt khác để lắng nghe các vấn đề của doanh nghiệp, việc tổ chức đối thoại doanh nghiêp công-tư với sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, thêm vào đó, lắng nghe tiếng nói của các doanh nghiệp và nêu lên các vấn đề này trong tiến trình đối thoại giữa Hội nghị cấp cao APEC và Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC) để từ đó áp dụng một cách hiệu quả các ý kiến đó cho quá trình hoạch định chính sách cũng là một ưu điểm quan trọng của APEC.
Với những ưu điểm trên, APEC sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả các lợi thế của mình với tư cách là một cơ chế hợp tác mang tính quốc tế.
Trong bối cảnh chỉ còn 3 năm nữa, APEC sẽ kỷ niệm 30 năm thành lập, hiện tại đang diễn ra các cuộc thảo luận về cơ cấu của APEC với tư cách là một tổ chức trong đó bao gồm cả những vấn đề với các quan sát viên.
Bên cạnh đó, đến năm 2020, thời điểm được xác định hoàn thành Mục tiêu Bogor về tự do hóa đầu tư và thương mại tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, APEC cần phải hoạch định tầm nhìn trung, dài hạn đồng thời với việc đẩy nhanh các nỗ lực liên quan.
Với chủ trương này, từ cả quan điểm về thực chất và tổ chức, tôi cho rằng cần thúc đẩy thảo luận sâu về định hướng tương lai của APEC.
- Xin ông cho biết đánh giá về đóng góp của Việt Nam trong toàn bộ tiến trình hợp tác APEC cũng như ý nghĩa của việc Việt Nam là chủ nhà tổ chức hội nghị cấp cao APEC vào năm 2017?
Ông Tsutomu Koizumi: Năm 1998, Việt Nam trở thành thành viên APEC. Năm 2006, lần đầu tiên, Việt Nam đảm nhận vai trò nền kinh tế chủ nhà APEC.
Năm 2017 là lần thứ hai Việt Nam gánh vác vai trò này. Việt Nam được đánh giá cao trong nỗ lực thực hiện trọng trách của nền kinh tế đóng vai trò chủ trì hội nghị quốc tế của APEC.
Năm 2017, tôi đã hai lần đến Việt Nam để tham dự Hội nghị quan chức cấp cao (SOM) với tư cách là Trưởng đoàn Nhật Bản và Hội nghị các Bộ trưởng phụ trách thương mại APEC, trong thời gian ngắn tại Việt Nam, tôi cảm thấy rất thoải mái. Bên cạnh đó, tôi cũng cho rằng các hội nghị APEC đã có thành công lớn xét về thực chất.
Việt Nam đảm nhận vai trò tiên phong trên nhiều lĩnh vực cơ bản của các vấn đề chính mà APEC đang đối mặt ngày nay. Ví dụ, Khu vực tự do thương mại châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) là sáng kiến được đề xuất vào năm 2006, thời điểm Việt Nam đảm nhận vai trò nền kinh tế chủ nhà tại Hội nghị cấp cao APEC 2006.
Đánh giá về tình hình hội nhập kinh tế khu vực, năm nay, Thỏa thuận thương mại và kinh tế toàn diện giữa Canada, nền kinh tế thành viên APEC, với Liên minh châu Âu (EU) sẽ có hiệu lực vào khoảng tháng Chín tới.
Bên cạnh đó, Nhật Bản và EU cũng đã ký kết Hiệp định đối tác kinh tế EPA vào ngày 6/7 vừa qua.
Năm nay, Việt Nam đề xuất các sáng kiến liên quan bao gồm các lĩnh vực xã hội, tài chính, kinh tế, đào tạo nguồn nhân lực, thương mại điện tử. Mặt khác,Việt Nam cũng đóng vai trò là nền kinh tế chủ trì thảo luận chủ đề hướng đến Mục tiêu Bogor 2020.
Việc Việt Nam, với tư cách là một thị trường đang nổi ở khu vực châu Á có tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đưa ra những sáng kiến có tầm nhìn xa sẽ đóng vai trò rất quan trọng. Nhật Bản kỳ vọng lớn vào sự lãnh đạo của Việt Nam trong vai trò là nền kinh tế chủ nhà của Hội nghị cấp cao APEC 2017.
Nhật Bản, với tư cách là một nền kinh tế thành viên APEC, sẽ tiếp tục đóng góp tích cực cho các cuộc thảo luận của APEC.
Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác cũng như ủng hộ một cách toàn diện để Hội nghị cấp cao APEC diễn ra vào tháng 11 tới tại Việt Nam thành công tốt đẹp.
- Xin trân trọng cảm ơn ông./.
TG