Thứ Ba, 1/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 13/4/2016 9:46'(GMT+7)

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII: Thành tựu vượt bậc về lập hiến, lập pháp -những giá trị cốt lõi

Đánh giá về nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng – Người nhạc trưởng tài ba chèo lái nghị trường qua chặng đường 5 năm đầy “sóng gió” nhận xét: Năm năm qua, toàn bộ hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và mỗi đại biểu chúng ta đều hướng tới mục đích phục vụ Tổ quốc, phụng sự Nhân dân. Làm Hiến pháp, làm luật vì dân, giám sát để phục vụ dân. Là đại biểu sống trong dân, được Nhân dân tin yêu, đồng tình, chia sẻ, ủng hộ, đóng góp ý kiến và giám sát mọi hoạt động. Đó chính là cội nguồn tạo nên sức mạnh của Quốc hội, là bản chất cốt lõi của chế độ dân chủ của chúng ta. 

Nhắc đến những cái được của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, chắc chắn, thành tựu lớn nhất, cũng là dấu ấn to lớn nhất là công tác lập hiến, lập pháp - nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Quốc hội. Trong suốt 5 năm của nhiệm kỳ, gần 500 vị đại biểu Quốc hội khóa XIII đã nỗ lực vượt bậc trong công tác xây dựng pháp luật với khối lượng 107 luật, bộ luật được ban hành (nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX thông qua được 53 luật, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI thông qua được 84 luật, bộ luật; nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII thông qua được 67 luật, bộ luật). 

Và điều dễ nhận thấy, văn bản pháp lý, thành tựu lập hiến, lập pháp nổi bật nhất trong 5 năm qua chính là sự ra đời của Hiến pháp 2013 – bản Hiến pháp có quá trình xây dựng với quy mô tầm cỡ nhất từ trước đến nay trong lịch sử lập hiến nước nhà với hơn 26 triệu lượt ý kiến góp ý của Nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và hơn 28.000 hội nghị, hội thảo, tọa đàm trong nước, ngoài nước được tổ chức. 

Những tư tưởng tiến bộ, đổi mới chứa đựng trong Hiến pháp 2013 được cử tri và cả những chuyên gia pháp lý quốc tế đánh giá là hết sức mạnh mẽ trên tinh thần phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân, kế thừa thành tựu của 4 bản Hiến pháp trong hơn 70 năm dựng nước. Hiến pháp 2013 thể hiện rõ quy định Đảng phải gắn bó mật thiết với Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, phục vụ Nhân dân. Đặc biệt, Hiến pháp quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước phải tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Hiến pháp cũng khẳng định trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc Việt Nam của mọi công dân, lực lượng vũ trang trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân. Những quy định này mang đậm tinh thần đổi mới để giữ vững nền tảng kinh tế chính trị ổn định, đưa đất nước ngày một phát triển. 

Có thể nói rằng, Hiến pháp 2013 là niềm tự hào của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, là văn bản “dẫn đường, chỉ lối” cho công tác lập pháp cả nhiệm kỳ bởi ngay sau khi có Hiến pháp 2013 và thậm chí ngay trong quá trình xây dựng bản Hiến pháp này, Quốc hội đã bắt tay vào việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các đạo luật để triển khai thi hành Hiến pháp. Hơn 2 năm từ khi Hiến pháp ra đời, đã có gần 70 đạo luật được Quốc hội thông qua, thuộc hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội… 

Song, như nhiều đại biểu đã phân tích, hoạt động lập pháp còn không ít hạn chế. Hoàn thành được một khối lượng công việc khổng lồ trong lĩnh vực lập pháp, song đánh giá lại cả nhiệm kỳ, các đại biểu Quốc hội cũng cảm thấy chưa hài lòng với chất lượng của một số Bộ luật và đạo luật chưa sát với thực tiễn cuộc sống, thậm chí có bộ luật phải sửa ngay khi vừa mới được Quốc hội thông qua. Không ít quy định của luật còn nặng về nguyên tắc chung, thiếu tính ổn định, chưa xác định được nguồn lực để triển khai thực hiện. Công tác ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành vẫn là một khâu yếu, làm cho pháp luật chậm đi vào cuộc sống, chưa phát huy đầy đủ tác dụng điều chỉnh các quan hệ kinh tế - xã hội. 

Trong nhiệm kỳ, Quốc hội đã kế thừa và tiếp tục có nhiều cải tiến, đổi mới hoạt động giám sát thể hiện rõ thông qua những buổi chất vấn và trả lời chất vấn làm sôi động nghị trường, thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri. Và lần đầu tiên, Quốc hội đã tiến hành “chất vấn toàn khóa” đối với những người đứng đầu các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, về chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ.

Trong nhiệm kỳ, Quốc hội khóa XIII hai lần thay mặt nhân dân cả nước thực hiện quyền giám sát tối cao trong việc đánh giá tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy nhà nước. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã thúc đẩy những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn không ngừng phấn đấu, rèn luyện phẩm chất, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác, tạo chuyển biến rõ rệt trong trong một số ngành, lĩnh vực. 

Gắn bó chặt chẽ, mật thiết với cử tri và Nhân dân; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân góp phần tạo ra sức mạnh cho Quốc hội, bảo đảm để Quốc hội bám sát sự vận động của đời sống kinh tế - xã hội, có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, sát thực tiễn, hợp lòng dân. 

Yếu tố trọng dân, vì dân, bám sát thực tiễn trong quyết sách của Quốc hội nhiệm kỳ này được thể hiện rõ nét. Mỗi phát biểu của đại biểu Quốc hội trên diễn đàn đều như thổi bùng lên “hơi nóng” cuộc sống thường nhật, thể hiện ý chí, mong muốn và nguyện vọng của người dân, lấy mục tiêu lo việc của dân để bàn thảo và quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước. Vì vậy việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, vì lợi ích của quốc gia, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của Nhân dân, góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô, đưa nền kinh tế từng bước vượt qua khó khăn, tiếp tục tăng trưởng, thúc đẩy chuyển dịch mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. 

Một nét riêng biệt nữa của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII là việc hoàn tất công tác nhân sự tại Kỳ họp cuối khóa. Quốc hội đã tiến hành bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, 2 Phó Chủ tịch Quốc hội, 7 ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm 5 Ủy ban của Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước; phê chuẩn việc bổ nhiệm 3 Phó Thủ tướng Chính phủ, 18 Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ. 

Ba chức danh chủ chốt là Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ đã được Quốc hội bỏ phiếu tán thành với số phiếu tập trung rất cao, thể hiện niềm tin tưởng, kỳ vọng của các vị đại biểu Quốc hội đối với các chức danh này. Không chỉ các đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước đều gửi gắm niềm tin và đặt nhiều kỳ vọng vào các nhân sự vừa được Quốc hội bầu và mong muốn Quốc hội, Chính phủ sẽ có nhiều quyết sách bám sát vào thực tiễn đời sống như vấn đề bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, phòng chống tham nhũng, bảo đảm an sinh xã hội…Kết quả của công tác nhân sự sẽ tạo động lực và khí thế mới để toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII. 

Nhìn lại một nhiệm kỳ 5 năm với nhiều dấu ấn in đậm trong lòng các đại biểu và cử tri cả nước, Quốc hội khóa XIII đã nêu cao tinh thần đoàn kết, đổi mới mạnh mẽ, dân chủ thực sự, công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động. Với Quốc hội, đoàn kết, đổi mới, trí tuệ và trách nhiệm là yêu cầu thường xuyên, liên tục, là động lực tạo nên sức mạnh, sự năng động, sáng tạo để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. 

Có thể khẳng định rằng, thành tựu cả nhiệm kỳ vừa qua khẳng định trước hết Quốc hội đã tự đổi mới và biết nghe tiếng nói từ nhân dân. Bên cạnh đó từng vị đại biểu Quốc hội thấy được trách nhiệm của mình trước nhân dân, gắn bó với nhân dân, mang những suy tư, trăn trở của nhân dân vào nghị trường tạo nên tầm vóc mới của Quốc hội Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, hội nhập./.

Quang Vũ

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất