Thứ Sáu, 20/9/2024
Tin hoạt động
Chủ Nhật, 7/5/2017 8:57'(GMT+7)

Nhiếp ảnh gia Nick Út tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam bức ảnh “Em bé Napalm”

Tác giả và bức ảnh “Em bé Napalm”.

Tác giả và bức ảnh “Em bé Napalm”.

Ngày 6/5, nhiếp ảnh gia Nick Út đã tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam 5 bức ảnh, trong đó có 4 ảnh do ông chụp và 1 ảnh do đồng nghiệp chụp có hình ông trong chuỗi ảnh chụp cô bé Phan Thị Kim Phúc bị bỏng bom do Napalm vào ngày 8/6/1972 tại Trảng Bàng, Tây Ninh; 1 chiếc máy ảnh ông đã sử dụng trong thời gian làm phóng viên chiến trường tại Việt Nam.

Nick Út tên thật là Huỳnh Công Út, sinh ngày 29/3/1951, là người Mỹ gốc Việt. Trở thành phóng viên ảnh của hãng tin AP có văn phòng tại Sài Gòn từ năm 16 tuổi, Nick Út đã đi khắp chiến trường Việt Nam, Lào, Campuchia để tác nghiệp và nhanh chóng trở thành phóng viên chiến trường giàu kinh nghiệm.

Bức ảnh “Em bé Napalm” của ông đã trở thành một trong những biểu tượng về sự tàn khốc của chiến tranh ở Việt Nam và đã dấy lên phong trào phản chiến ở Mỹ cũng như nhiều nước trên thế giới. Bức ảnh đã mang lại cho Nick Út giải Pulitzer (Mỹ) năm 1973, đây được coi là giải thưởng danh giá nhất thế giới về báo chí thời đó.

Bức ảnh “Em bé Napalm” còn làm thay đổi số phận của nhân vật chính-cô bé Kim Phúc. Từ một nạn nhân chiến tranh, chị Kim Phúc đã trở thành Đại sứ hòa bình của Liên hiệp quốc. Chị đi khắp thế giới để nói chuyện về chiến tranh Việt Nam. Hiện nay, Nick Út và Kim Phúc vẫn thường xuyên giữ liên lạc với nhau và chị Kim Phúc gọi Nick Út là cậu Út với sự thân thương như người thân trong gia đình.

Là một nhiếp ảnh gia nổi tiếng trong làng báo chí thế giới nhưng trong sâu thẳm trái tim, ông vẫn luôn tự hào mình là người Việt Nam, Nick Út mong muốn gửi lại thành công của mình ở quê nhà để lưu giữ lịch sử cho thế hệ mai sau. Đây là lần đầu tiên ông tặng những bức ảnh này và mong muốn chuyển thông điệp hòa bình đến toàn nhân loại.

Nhiếp ảnh gia Nick Út tâm sự: “Tôi không còn trẻ nữa, đã 3 lần bị thương trong chiến tranh, giờ vẫn còn mảnh đạn trong người. Nhiều bảo tàng trên thế giới  muốn có bức ảnh “Em bé Napalm” để trưng bày nhưng tôi nghĩ, tôi là người Việt Nam nên tôi chọn Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam để trao tặng tác phẩm của mình. Tôi muốn gửi lại quê hương tác phẩm của mình để gìn giữ lịch sử cho đất nước". /.

(Theo: Khánh Huyền/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất