THU NỘI ĐỊA ĐẠT 79,5% TỔNG THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 do Bộ trưởng Bộ Tài
chính Hồ Đức Phớc trình bày nêu rõ, về quyết toán thu ngân sách nhà
nước: Dự toán thu ngân sách nhà nước là 1.413.408 tỷ đồng; quyết toán là
1.820.310 tỷ đồng, tăng 406.902 tỷ đồng (28,8%) so với dự toán. Tỷ lệ
huy động vào ngân sách nhà nước đạt 19,1% GDP, riêng từ thuế và phí đạt
15,16% GDP.
Trong đó, thu nội địa dự toán là 1.178.408 tỷ đồng; quyết toán là
1.447.915 tỷ đồng, tăng 269.507 tỷ đồng (22,9%) so với dự toán, tỷ
trọng thu nội địa trên tổng thu ngân sách nhà nước đạt 79,5%. Thu dầu
thô dự toán là 28.200 tỷ đồng; quyết toán là 78.137 tỷ đồng, tăng 49.937
tỷ đồng (177,1%) so với dự toán, chủ yếu do giá dầu và sản lượng khai
thác, xuất khẩu tăng so với kế hoạch.
Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu dự toán là 199.000 tỷ đồng;
quyết toán là 285.898 tỷ đồng, tăng 86.898 tỷ đồng (43,7%) so với dự
toán do tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu vượt kế hoạch và
tăng cao so với năm 2021. Số hoàn thuế giá trị gia tăng theo thực tế
phát sinh là 150.729 tỷ đồng, giảm 2.271 tỷ đồng so với dự toán.
Về quyết toán chi ngân sách nhà nước, dự toán là 1.855.641 tỷ đồng;
quyết toán là 1.750.790 tỷ đồng, giảm 104.851 tỷ đồng (5,7%) so với dự
toán; trong đó quyết toán chi ngân sách trung ương là 651.408 tỷ đồng,
bằng 86,7% so với dự toán; quyết toán chi ngân sách địa phương là
1.099.382 tỷ đồng, bằng 99,6% so với dự toán.
Quyết toán chi ngân sách Nhà nước theo các lĩnh vực chi chủ yếu gồm:
Chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển, chi trả nợ lãi. Trong đó, đối
với chi thường xuyên, dự toán là 1.111.194 tỷ đồng; quyết toán là
1.034.250 tỷ đồng, giảm 76.944 tỷ đồng (6,9%) so với dự toán do một số
nhiệm vụ không triển khai được phải hủy dự toán, một số nhiệm vụ không
đủ điều kiện quyết toán phải thu hồi nộp ngân sách nhà nước, một số nội
dung được chuyển nguồn sang năm sau để thực hiện nhiệm vụ theo quy định
của Luật Ngân sách nhà nước.
Tỷ trọng chi thường xuyên bằng 59% tổng chi ngân sách Nhà nước
(1.034.250 tỷ đồng/1.750.790 tỷ đồng) theo đúng định hướng Nghị quyết số
23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính quốc gia
và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 và Nghị quyết số
07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ
cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính
quốc gia an toàn, bền vững.
Đối với chi đầu tư phát triển, dự toán là 597.147 tỷ đồng; quyết toán
là 615.640 tỷ đồng, tăng 18.493 tỷ đồng (3,1%) so với dự toán, trong
đó: Dự toán chi đầu tư phát triển ngân sách trung ương là 169.282 tỷ
đồng, quyết toán là 138.131 tỷ đồng, giảm 31.151 tỷ đồng (18,4%) so với
dự toán. Dự toán chi đầu tư phát triển ngân sách địa phương là 427.865
tỷ đồng, quyết toán là 477.509 tỷ đồng, tăng 49.644 tỷ đồng (11,6%) so
với dự toán, do bao gồm số giải ngân từ nguồn năm trước chuyển sang theo
quy định và nguồn bổ sung từ dự phòng ngân sách trung ương, ngân sách
địa phương. Đối với chi trả nợ lãi, dự toán là 103.700 tỷ đồng; quyết
toán là 96.084 tỷ đồng, giảm 7.616 tỷ đồng (7,3%) so với dự toán.
ĐA SỐ CÁC KHOẢN THU VƯỢT DỰ TOÁN
Theo Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 do Tổng
Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trình bày, về thu ngân sách nhà nước,
quyết toán là 1.820.310 tỷ đồng, bằng 128,8% (tương ứng vượt 406.902tỷ
đồng) so với dự toán giao, bằng 114,3% so với thực hiện năm 2021
(1.591.411 tỷ đồng); trong đó thu nội địa vượt 22,9% dự toán giao; thu
từ hoạt động xuất nhập khẩu vượt 24% dự toán giao; thu dầu thô vượt 177%
dự toán giao.
Đa số các khoản thu vượt dự toán, song còn một số khoản thu đạt thấp
như: thuế bảo vệ môi trường đạt 72,2% dự toán giao; thu hồi vốn, thu cổ
tức, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu chi ngân hàng nhà nước đạt 83,5%
dự toán giao (nguyên nhân do số thu hồi vốn ngân sách nhà nước đầu tư
tại các tổ chức kinh tế chỉ đạt 12,83% dự toán giao). Tình trạng hạch
toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí từ đó tính thiếu
thuế cũng như các khoản thu khác được Kiểm toán Nhà nước phát hiện qua
kiểm toán và kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước 3.841 tỷ đồng. Công
tác quản lý thu của cơ quan thuế còn hạn chế.
Đối với chi ngân sách nhà nước, quyết toán là 1.750.790 tỷ đồng, bằng
94,3% dự toán (giảm 104.851 tỷ đồng). Trong đó, lĩnh vực chi đầu tư
phát triển quyết toán 615.640 tỷ đồng, bằng 103,1% dự toán giao. Chi
thường xuyên quyết toán 1.034.250 tỷ đồng, bằng 93,07% dự toán.
Một số khoản chi sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương thực hiện thấp
so với dự toán giao: Chi lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề; lĩnh vực
y tế, dân số và gia đình, lĩnh vực văn hóa thông tin, lĩnh vực bảo vệ
môi trường. Tại một số bộ, cơ quan trung ương còn tình trạng chi sai quy
định phải thu hồi nộp ngân sách nhà nước; có 5/60 địa phương được kiểm
toán hỗ trợ không đúng nhiệm vụ chi theo phân cấp; 31/60 địa phương sử
dụng sai nguồn 3.296,266 tỷ đồng.
THỰC HIỆN NGHIÊM KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG TÀI CHÍNH
Theo Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 do Chủ
nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày,
kết quả giám sát của Ủy ban Tài chính Ngân sách cho thấy: Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật,
kỷ cương trong việc chấp hành pháp luật về tài chính, ngân sách nhà
nước. Nhờ đó, việc quản lý thu, chi ngân sách nhà nước đạt được nhiều
kết quả tích cực. Công tác quyết toán ngân sách nhà nước có nhiều chuyển
biến.
Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ và báo cáo
kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 của Kiểm toán Nhà nước
cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế chưa được xử lý dứt điểm, cụ thể như:
Việc lập, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 còn
nhiều tồn tại, hạn chế tại một số bộ, ngành, địa phương. Dự toán chi
ngân sách nhà nước không sát, dẫn đến một số khoản chi thường xuyên,
giải ngân đầu tư thực hiện thấp hơn nhiều so với dự toán; phải hủy bỏ
hoặc chuyển nguồn sang năm sau lớn. Tình trạng chậm tổng hợp, gửi báo
cáo quyết toán ngân sách nhà nước tồn tại ở nhiều bộ, ngành, địa phương.
Tình trạng điều chỉnh thông tin, số liệu quyết toán sau thời gian chỉnh
lý quyết toán ngân sách nhà nước chưa được khắc phục.
Cơ quan chủ trì thẩm tra đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ,
ngành, địa phương thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương tài chính; làm rõ
nguyên nhân, lý do việc các tổ chức, cá nhân không chấp hành nghiêm quy
trình lập, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022, số
liệu quyết toán thu, chi, bội chi ngân sách nhà nước điều chỉnh lớn sau
thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách nhà nước; đề xuất sửa đổi các
Luật có liên quan để rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách
nhà nước hằng năm.
Về quyết toán thu ngân sách nhà nước, theo Báo cáo của Chính phủ, dự
toán thu ngân sách nhà nước năm 2022 là 1.413.408 tỷ đồng; quyết toán
1.820.310 tỷ đồng, tăng 406.902 tỷ đồng (tăng 28,8%) so với dự toán. Ủy
ban Tài chính Ngân sách thống nhất và đánh giá cao kết quả tăng thu ngân
sách nhà nước năm 2022.
Đối với quyết toán chi ngân sách nhà nước, theo Báo cáo của Chính
phủ, dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2022 là 1.855.641 tỷ đồng, quyết
toán 1.750.790 tỷ đồng, bằng 94,3% dự toán, thấp hơn dự toán 104.851 tỷ
đồng.
Đa số ý kiến Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, số quyết toán chi
ngân sách nhà nước năm 2022 nêu trên giảm khá nhiều so với dự toán và
giảm lớn so với số Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5. Điều này
cho thấy cần xem xét, đánh giá kỹ lưỡng về công tác lập dự toán chi
ngân sách nhà nước, tổ chức triển khai thực hiện, chấp hành dự toán và
theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện chi ngân sách nhà nước chưa sát
sau thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách nhà nước.
Việc lập dự toán chi ngân sách nhà nước, tổ chức thực hiện chưa tốt,
đánh giá tình hình thực hiện chi ngân sách nhà nước không sát, gây lãng
phí nguồn lực, phải vay, trả nợ lãi để bù đắp bội chi nhưng không có khả
năng thực hiện, phải hủy dự toán… và ảnh hưởng đến việc xây dựng dự
toán ngân sách nhà nước năm 2024 và các năm sau.
Trong lĩnh vực chi thường xuyên, dự toán là 1.111.194 tỷ đồng, quyết
toán là 1.034.250 tỷ đồng, bằng 93,1% dự toán, thấp hơn 76.944 tỷ đồng
so với dự toán. Báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ số cắt giảm, tiết kiệm
chi thường xuyên trong năm 2022; số hủy dự toán chi thường xuyên của
địa phương, nên không có căn cứ để thẩm tra, đánh giá tính tiết kiệm,
hiệu quả tổng thể việc thực hiện dự toán chi thường xuyên của cả nước.
Tỷ lệ quyết toán chi thường xuyên nguồn ngân sách trung ương tại một
số ngành, lĩnh vực đạt khá thấp so với dự toán; số chuyển nguồn và hủy
bỏ dự toán chi thường xuyên tại một số bộ, cơ quan trung ương cũng khá
lớn và tăng cao hơn so với năm trước. Cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung
báo cáo số liệu tiết kiệm chi thường xuyên của các bộ, ngành, địa
phương; nguyên nhân và trách nhiệm không thực hiện được dự toán và kết
quả hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực./.
TTXVN