Theo TS.Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế Tài chính (Học Viện Tài chính), năm 2019, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới mức 4% nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng không nên chủ quan do nhiều yếu tố bất lợi đối với việc kiềm chế lạm phát.
Theo TS. Nguyễn Đức Độ, việc kiềm chế lạm phát trong năm 2019 là do giá dầu giảm mạnh trong 2 tháng qua, từ mức trên 70 USD/thùng xuống còn dưới 50 USD/ thùng. Với việc giá dầu giảm mạnh, lạm phát tháng 12/2018 chỉ còn ở mức 2,98%, giảm mạnh so với mức 3,89% trong năm trước, giảm mạnh so với mức 3,98% trong tháng 10/2018.
“Đây là điều kiện rất thuận lợi cho việc đảm bảo kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2019. Bởi mức khởi điểm của lạm phát trong tháng đầu năm tới nhiều khả năng cũng sẽ ở mức dưới 3% sau khi liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định điều chỉnh giảm giá xăng dầu khoảng 500 đồng/lít. Mức lạm phát thấp so với cùng kỳ của tháng đầu năm 2019 sẽ có tác động tích cực đến lạm phát cùng kỳ của tất cả các tháng trong năm, cũng như lạm phát trung bình cả năm 2019”, TS Nguyễn Đức Độ nói.
Theo Học Viện Tài chính, ngoài yếu tố giá dầu giảm còn nhiều yếu tố khác giúp kiềm chế lạm phát như: Giá thịt lợi năm 2019 nhiều khả năng sẽ không tăng; áp lực đối với tỷ giá trong năm 2019 được dự báo sẽ thấp hơn so với năm 2018, bởi kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại và lộ trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng đang ở trong giai đoạn cuối, dẫn đến nhu cầu đối với đồng USD sẽ không tăng mạnh như trước. Một yếu tố tích cực nữa là những căng thẳng Mỹ - Trung đang có chiều hướng dịu bớt.
Còn ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) phân tích: CPI các năm gần đây đều thấp dưới 4%, lạm phát cơ bản các năm gần đây cũng đạt thấp dưới 2%; cung hàng hóa tương đối dồi dào; kinh tế vĩ mô ổn định.
Tuy nhiên theo ông Phương, giá hàng hóa thế giới năm 2019 được dự báo có thể tăng và việc FED dự định sẽ tăng tiếp lãi suất ít nhất 2 lần trong năm 2019. Từ đó, đồng USD sẽ tăng giá tạo sức ép lên tỷ giá và gây sức ép lên lạm phát.
Về các yếu tố trong nước, mục tiêu tăng trưởng GDP tương đối cao, trong khi mô hình tăng trưởng theo chiều rộng chưa đổi mới căn bản cũng là nguyên nhân tạo sức ép lên lạm phát. Bên cạnh đó, việc một số địa phương tiếp tục tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục theo lộ trình; giá điện được duy trì ở mức tương đối thấp khá lâu cũng có thể tăng, thuế đánh vào xăng dầu tăng kịch trần là những yếu tố gây tăng lạm phát.
Cùng với những tác động trong nước lên lạm phát, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran dẫn đến giá năng lượng tăng cao, có thể xảy ra những cú sốc tác động tiêu cực tới nền kinh tế trong nước.
“Nếu như giá nhiên liệu thế giới tiếp tục ở mức cao, đồng thời Việt Nam áp kịch trần thuế môi trường đối với xăng dầu (từ 3.000 lên 4.000 đồng/lít) kể từ ngày 1/1/2019, thì có thể làm tỷ lệ lạm phát trong vòng 1 năm tới tăng thêm 1,6 điểm phần trăm”, TS. Nguyễn Đức Thành nhận định.
Trước những diễn biến của giá năng lượng thế giới, PGS. TS. Phạm Thế Anh - Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô thuộc Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: Xăng dầu là một trong những mặt hàng tác động mạnh nhất lên chỉ số giá tiêu dùng. Việc giá xăng dầu biến động nhiều sẽ tạo nên vòng xoáy tăng giá, đẩy chi phí doanh nghiệp lên cao, hạn chế khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
Nguồn: Báo Tin tức