Chủ Nhật, 24/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 5/3/2013 14:35'(GMT+7)

Nhiều ý kiến tâm huyết góp ý sửa đổi Hiến pháp



Chiều 4/3, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đây là lần thứ 2 cấp thành phố tổ chức Hội nghị lấy ý kiến nhân dân.

Trong hơn hai tháng qua, tại các quận, huyện, phường, xã và các tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn thành phố đã tổ chức nhiều cuộc lấy ý kiến cán bộ, nhân dân về chuyên đề này với trên 1.000 ý kiến đóng góp về các lĩnh vực và những điều, khoản của Dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Đặc biệt có hàng trăm ý kiến đóng góp của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đóng góp ý kiến được gửi thẳng đến UBMT Tổ quốc thành phố.

Luật sư Đỗ Pháp - Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng, đề nghị sửa đoạn trong lời nói đầu “dưới ánh sáng của chủ nghĩa Marx-Lenin...;” chỉ cần đề cập “Trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh và tư tưởng tiến bộ của thời đại….” là đủ.

Luật sư Đỗ Pháp cho rằng, các quy định về quyền đồng thời giới hạn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân cần phải phải rạch ròi, cụ thể hơn. Điều 21-Mọi người có quyền sống. Đây là quyền đương nhiên không một ai có thể xâm phạm, theo tôi nên thêm cụm từ “mọi người có quyền sống và mưu cầu hạnh phúc” đã được nêu bật trong “Tuyên ngôn độc lập.”

Đối với các quyền trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống của công dân trong Dự thảo nêu khá nhiều nhưng thiếu tập trung. Hiến pháp sửa đổi bổ sung lần này cần khẳng định tính thống nhất cao của hệ thống pháp luật Việt Nam không dể xảy ra tình trạng chồng chéo, áp dụng tùy tiện.

Về Quyền lực Nhà nước là thống nhất và tập trung, một số ý kiến đóng góp: Tại Điều 2, nên bổ sung thêm cụm từ “và tập trung” vào sau từ “thống nhất,” để thành “… Quyền lực Nhà nước là thống nhất và tập trung…” Tại Điều 5 của Dự thảo sửa đổi, bổ sung nên thêm 1 điểm, gọi là điểm 5 với nội dung như sau: “Người nước ngoài đã được nhập quốc tịch Việt Nam và đang sinh sống trên đất nước Việt Nam thì cũng được áp dụng theo điểm 1, 2, 3 và 4 của Điều này.” Bởi lẽ, viết như vậy là để thể hiện quan điểm nhân quyền đúng đắn của Nhà nước ta khi đối xử bình đẳng với những người cùng có quốc tịch Việt Nam. Tại Điều 31, đề nghị bổ sung thêm 1 điểm, gọi là điểm 4 với nội dung; “Nhà nước bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của cá nhân và gia đình người thực hiện quyền khiếu nại, quyền tố cáo.”

Ngày 4/3, Thường trực Hội đồng Nhân dân phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến các cán bộ chủ chốt của tỉnh vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Nhiều ý kiến đóng góp về chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; bảo vệ Tổ quốc; các vấn đề liên quan đến kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường… Đơn cử như các ý kiến đóng góp vào quyền hạn của Chủ tịch nước trong chương VI, đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ “ân xá” sau cụm từ “đặc xá” tại Khoản 3 Điều 93. Đề nghị bổ sung thêm cụm từ “việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân theo luật do Quốc hội quy định” vào cuối Khoản 2, Điều 7 để làm rõ hơn việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân.

Trong Chương II về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tại Điều 21, có ý kiến đề nghị sửa “mọi người có quyền sống” thêm vào thành “mọi người có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” để phù hợp với ý nguyện của Bác Hồ thể hiện trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945... Sau 2 tháng triển khai kế hoạch của tỉnh Hà Nam về việc lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, toàn tỉnh đã tổ chức 510 hội nghị, tiếp nhận trên 5.200 lượt ý kiến.

Ngày 4/3, Hội đồng Nhân dân thành phố Điện Biên Phủ phối hợp với Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân tham gia vào Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 và Luật đất đai (sửa đổi).

Nhiều ý kiến đề nghị sửa chữa, bổ sung một số điều, khoản cho phù hợp hơn trong dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi. Cụ thể trong đó, tại Điều 21: “”Mọi người đều có quyền sống”, theo các đại biểu, nếu để câu này riêng rẽ thì sẽ vô nghĩa mà nên có một liên từ với các quyền khác; Tại Điều 50 quy định: “Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế”, theo các đại biểu, nên đổi lại là “Mọi tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ nộp thuế.”

Cụ Bùi Đình Lại ở Hội người cao tuổi thành phố Điện Biên Phủ cho rằng, mặc dù có những luồng ý kiến khác nhau về dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này, tuy nhiên người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, tránh mắc phải những sai lầm khi thuận theo các luồng tư tưởng đó.” Cụ Lại đóng góp ý kiến, dự thảo sửa đổi Hiến pháp nên quy định mô hình Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư cho phù hợp với thực tế; Đối với Khoản 2 Điều 9, nên dùng cụm từ “đại đoàn kết toàn dân” thay cho “đại đoàn kết toàn dân tộc” vì toàn dân có ý nghĩa rộng hơn là dân tộc.

Đối với Điều 17 thì nên bỏ Khoản 2 vì bản thân Khoản 1 đã mang đầy đủ nội dung của Khoản 2 rồi. Điều 83 quy định “Khi cần thiết, Quốc hội thành lập Ủy ban lâm thời...”, điều này rất khó thực hiện mà kèm theo nó, cần có quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban lâm thời.

Cũng tại hội nghị này, các đại biểu cũng đã đóng góp ý kiến vào Luật đất đai (sửa đổi). Nhiều ý kiến cho rằng Luật đất đai sửa đổi lần này nên quy định rõ hạn mức đất ruộng cho phép chuyển đổi sang mục đích khác và các quy định chặt chẽ kèm theo.

Chiều cùng ngày, Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân thành phố Cần Thơ đã phối hợp tổ chức hội thảo chuyên đề lấy ý kiến đại biểu dân cử, các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ làm công tác quản lý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

12 bài tham luận và hàng chục ý kiến tại hội thảo đã tập trung phân tích, đóng góp nhiều nội dung về hình thức, kỹ thuật, thuật ngữ trong nhiều chương, điều của dự thảo nhằm đảm bảo tính logic, liên tục của nội dung.

Với chủ đề "Sửa đổi Hiến pháp phải gắn liền vai trò lãnh đạo của Đảng, đồng thời đảm bảo tính độc lập, thực hiện hiệu quả các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp," tiến sĩ Nguyễn Quốc Dũng - Giám đốc Học viện Chính trị hành chính quốc gia khu vực IV phân tích: "Mục tiêu sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhằm̉ bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân, do nhân dân và vì nhân dân; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế.”/.

PV (tổng hợp)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất