Thứ Năm, 3/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 14/7/2015 11:31'(GMT+7)

Những điểm nhấn trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Chuyến thăm thành công tốt đẹp. Kết quả và ý nghĩa chuyến thăm đã vượt ra ngoài khuôn khổ quan hệ song phương, chuyển tải một thông điệp mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam về tinh thần yêu chuộng hòa bình, đoàn kết và hợp tác cùng có lợi và cùng phát triển, vì một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.

Hòa bình, hòa hiếu

Lần đầu tiên, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm chính thức Hoa Kỳ, sau 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ và 3 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.

Việc chính quyền Tổng thống Obama mời Tổng Bí thư ​Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức và tiếp đón trọng thị với những nghi thức đặc biệt, tiến hành hội đàm tại phòng bầu dục trong Nhà Trắng, với sự có mặt của những nhân vật chủ chốt trong chính quyền như Phó Tổng thống, Cố vấn An ninh quốc gia, Đại diện Thương mại, Bộ trưởng Tài chính... đã thể hiện sự tôn trọng đầy đủ hơn thể chế chính trị của Việt Nam và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Với Việt Nam, chuyến thăm nhằm triển khai đường lối đối ngoại nhất quán của Đảng, Nhà nước ​Việt Nam là độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, chủ động, tích hội nhập quốc tế. Chuyến thăm là minh chứng rõ nét về truyền thống hòa hiếu và tinh thần yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam.

Ngày đầu tiên đến Thủ đô Washington D.C, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến dâng hoa tưởng niệm Tổng thống Thomas Jefferson, vị Tổng thống thứ ba và là tác giả bản Tuyên ngôn nhân quyền năm 1776 của Hoa Kỳ, cũng là người có nhiều cơ duyên với Việt Nam. Tưởng nhớ Jefferson, càng hiểu rõ hơn những tư tưởng tiến bộ và nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người trích dẫn Tuyên ngôn Nhân quyền năm 1776 để mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Và cũng ngay từ những ngày đầu lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mong muốn xây dựng mối quan hệ “hợp tác đầy đủ” với Hoa Kỳ.

Nhưng lịch sử quan hệ hai nước đã phải trải qua những chương đau buồn. Đến nay, người dân Việt Nam vẫn đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề sau chiến tranh, trong đó 3 triệu người đã bị chết, 4 triệu người bị thương, 4,8 triệu người bị phơi nhiễm chất da cam/dioxin, hàng trăm ngàn người mất tích trên chính quê hương mình, và biết bao mất mát hy sinh để giành được hòa bình, độc lập tự do cho dân tộc, thống nhất đất nước. Yêu chuộng hòa bình và hòa hiếu, Việt Nam đã chủ trương “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai," để cùng Hoa Kỳ xây dựng một mối quan hệ bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi. Từ cựu thù, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ được xây dựng, phát triển như ngày nay, là vì mối quan hệ đó “phù hợp với lợi ích của nhân dân và xu hướng phát triển của thời đại, đó là hòa bình hữu nghị, hợp tác và phát triển thịnh vượng” như lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc họp báo tại Nhà trắng.

Thông điệp đoàn kết

“Đất nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” - Thông điệp đó cùng với giai điệu tha thiết của bài hát “Nối vòng tay lớn” khiến không khí buổi gặp mặt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với đông đảo bà con Việt kiều tại Hoa Kỳ thêm lắng đọng, ấm áp tình quê hương. Trong các chuyến công tác nước ngoài, dù bận rộn đến đâu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành thời gian thỏa đáng để gặp gỡ, nói chuyện, dành những tình cảm thân thương nhất đối với bà con Việt kiều. Nhưng lần này, Tổng Bí thư nói chuyện với bà con với niềm xúc động đặc biệt, bằng tất cả tấm lòng rộng mở, chân thành, thẳng thắn. Điều đó cũng dễ hiểu bởi trong số hơn 4 triệu người Việt Nam định cư ở nước ngoài, Hoa Kỳ là địa bàn có đông kiều bào nhất, thành phần cũng rất đa dạng. Tổng Bí thư đã đề cập những vấn đề cốt lõi trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ; những trọng tâm ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta. Gửi thông điệp mạnh mẽ về chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước ta, Tổng Bí thư mong muốn bà con luôn hướng về quê hương đất nước, không chỉ bằng các hoạt động từ thiện, đầu tư, mà bằng tất cả tấm lòng, tình cảm gắn bó với quê hương. Tổng Bí thư nhắn nhủ, mong muốn bà con kiều bào hãy phát huy tinh thần đoàn kết, hòa hợp dân tộc, đối với nước ngoài còn “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, huống hồ “người trong một nước, phải thương nhau cùng.” Dù đi đâu, làm gì, trong bất cứ hoàn cảnh nào, hãy luôn nhớ mình là người Việt Nam, sống xứng đáng là con Lạc, cháu Hồng... cùng chung tay đóng góp xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh.

Buổi gặp mặt với đông đảo đại diện các thế hệ Việt kiều, thuộc nhiều lứa tuổi, thành phần khác nhau, nhưng dù là giáo sư hay học sinh, doanh nhân hay nhà báo... bà con đều bày tỏ sự quan tâm sâu sắc và phấn khởi về kết quả chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ lần đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, coi đây là kết quả thực hiện đường lối ngoại giao đúng đắn và nhất quán của Đảng, Nhà nước ​Việt Nam, đó là đường lối đa dạng hóa, đa phương hóa, tôn trọng lẫn nhau cùng phát triển, không xâm phạm, không liên kết với nước này để chống nước khác, khẳng định Việt Nam là một đối tác xây dựng trong nền kinh tế thế giới mới. Qua các ý kiến phát biểu, có thể nhận thấy đại đa số bà con đều đồng tình, ủng hộ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; đồng thời quan tâm đến những vấn đề lớn của đất nước, của dân tộc, như vấn đề biển Đông, chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; tăng cường thông tin giới thiệu về Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với bạn bè quốc tế; phát triển khoa học công nghệ ở trong nước và tăng cường hợp tác quốc tế...

Nhớ lại những thời điểm khó khăn nhất trong tiến trình bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, nguyên Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton cho biết: "Tôi đã nhận được sự ủng hộ từ người dân và thật ngạc nhiên là những người tham gia chiến tranh Việt Nam lại rất muốn bình thường hóa và kết bạn với Việt Nam." Điều đó thật ý nghĩa khi trong thành phần Đoàn Việt Nam thăm Hoa Kỳ lần này còn có đại diện cựu chiến binh, chức sắc tôn giáo, nhân sĩ trí thức, kiều bào và doanh nghiệp. Và trong chuyến thăm, với tổng số 23 hoạt động, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam không chỉ hội đàm, gặp gỡ với lãnh đạo chính quyền, mà còn tiếp xúc, trao đổi với các học giả, doanh nghiệp, lãnh đạo tôn giáo, đại diện các tầng lớp xã hội Hoa Kỳ... qua đó chuyển tải thông điệp đoàn kết, hữu nghị của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam tới lãnh đạo và nhân dân Hoa Kỳ.

Hợp tác cùng phát triển

Mặc dù triết lý chính trị khác nhau, hệ thống chính trị khác nhau; giữa hai nước còn tồn tại những khác biệt trong nhận thức về nhân quyền, tự do tôn giáo..., nhưng quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ những năm qua vẫn đạt những kết quả tốt đẹp. Theo Tổng thống Barack Obama, đó là do “lãnh đạo hai nước cùng hợp tác, dựa trên nền tảng vì lợi ích và hạnh phúc của nhân dân.” Còn theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, động lực quan trọng để thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ là những lợi ích chung mà hai nước cùng chia sẻ trên các bình diện song phương, khu vực và toàn cầu. Hai nước có nhiều tiềm năng, dư địa để tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, vì lợi ích và sự phát triển mỗi nước, đồng thời có lợi cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.

Với việc ký kết 14 văn kiện, thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực và thông qua Tuyên bố tầm nhìn chung Việt Nam-Hoa Kỳ, hai bên đã định hướng phát triển quan hệ song phương trong thời gian tới, không ngừng làm sâu sắc và phong phú thêm quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước. Trong đó, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư là trọng tâm; hợp tác khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, y tế, môi trường... là điểm sáng, đầy tiềm năng; hợp tác về quốc phòng-an ninh cần được tăng cường với những bước đi phù hợp với lợi ích hai bên; hợp tác trong lĩnh vực nhân đạo cần được tiếp tục đẩy mạnh; giao lưu nhân dân là lĩnh vực quan trọng ... Tuy nhiên, để quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ tiếp tục tiến lên phía trước, rất cần sự chung tay, nỗ lực của cả hai bên, với tinh thần “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”, trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi.

Từng rất nỗ lực, cố gắng để có thể đi đến quyết định bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, nguyên Tổng thống Bill Clinton rất tin tưởng vào triển vọng tốt đẹp của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ. Trong cuộc trò chuyện với báo chí Việt Nam, nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm gia đình ông - ​cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton chia sẻ: "Người Hoa Kỳ rất yêu mến Việt Nam. Họ muốn làm bạn với nhân dân Việt Nam và muốn thấy nhân dân hai nước cùng nắm tay nhau, cùng phát triển, đi đến tương lai."

Một hoạt động quan trọng, một điểm nhấn trong chuyến thăm, đó chính là cuộc hội kiến giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon tại Trụ sở Liên hợp quốc. Là nước đi đầu trong việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ, tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, thể hiện trách nhiệm đối với những vấn đề chung của thế giới, Việt Nam luôn thể hiện và khẳng định là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, luôn ủng hộ và chung tay với Liên hợp quốc vì một thế giới hòa bình và phát triển bền vững cho tất cả mọi người.

Những ngày này, các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước tiếp tục đưa tin, bài về kết quả, ý nghĩa chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - một chuyến thăm lịch sử. Với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông hài lòng về kết quả chuyến thăm – “một kết quả toàn diện”./.

Theo VN+

Phản hồi

Các tin khác

Chuyến thăm của Tổng Bí thư mở ra chương mới quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ

Nhận lời mời của Chính quyền Tổng thống Barack Obama, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thăm chính thức Hợp chúng quốc Hoa Kỳ từ ngày 6-10/7 vừa qua. Kết thúc chuyến thăm, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân đã trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả, ý nghĩa chuyến thăm. Xin trân trọng giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn: - Trong những ngày qua, dư luận trong và ngoài nước có nhiều đánh giá rất tích cực về chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhiều nhận định cho rằng đây là một chuyến thăm lịch sử. Với tư cách là Trưởng ban Đối ngoại Trung ương - cơ quan chủ trì chuẩn bị và tổ chức chuyến thăm, xin ông cho biết ý kiến của mình về những nhận định, đánh giá này? Ông Hoàng Bình Quân: Đúng là chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo chí, dư luận trong và ngoài nước. Với thời điểm, nội dung, chương trình và lễ tân chuyến thăm, rõ ràng đây là chuyến thăm lịch sử, một dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ. Xin nêu mấy điểm cụ thể sau: Thứ nhất, là chuyến thăm lịch sử vì nhận lời mời của Chính quyền Tổng thống Barack Obama, lần đầu tiên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, một chức danh tương đương không có trong hệ thống quản trị của Hoa Kỳ, thăm chính thức Hoa Kỳ - một quốc gia vốn là cựu thù, có hệ thống chính trị khác biệt. Tổng thống Obama, lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội Hoa Kỳ đã đón Tổng Bí thư với nghi thức rất cao, rất trọng thị, với một chương trình làm việc rất phong phú và thực chất. Thứ hai, chuyến thăm lịch sử vì nó diễn ra vào đúng dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Chính vì vậy, chuyến thăm là dịp để hai bên đánh giá quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ 20 năm qua, xác định tầm nhìn, định hướng phát triển quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới. Văn kiện quan trọng của chuyến thăm là Tuyên bố về tầm nhìn chung Việt Nam-Hoa Kỳ, cũng như nội dung Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Obama và trao đổi với các lãnh đạo khác của Hoa Kỳ thể hiện rất rõ điểm nhấn quan trọng này. Thứ ba, chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử vì đã có một cuộc hội đàm lịch sử. Hai nhà Lãnh đạo cao nhất, của hai nước đã từng đối đầu và hiện có chế độ chính trị khác nhau, đã gặp gỡ, trao đổi với nhau và họp báo ngay tại Phòng Bầu dục của Nhà trắng. Xin nói thêm rằng, cuộc hội đàm ban đầu dự kiến trong khoảng thời gian 45-60 phút, thực tế đã diễn ra đến 95 phút. Đặc biệt nữa là thành phần tham dự hội đàm của phía Hoa Kỳ rất cao. Ngoài Tổng thống Obama, còn có Phó Tổng thống Joe Biden, Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice, Bộ trưởng Tài chính Jack Lew và Đại diện Thương mại Micheal Froman - điều đặc biệt chưa có tiền lệ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Obama đã trao đổi thẳng thắn, cởi mở, xây dựng và tích cực về nhiều vấn đề quan trọng trong quan hệ giữa hai nước, kể cả những vấn đề mà hai bên còn có sự khác biệt, những vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm, thể hiện chia sẻ và giúp tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau. Với những nội dung thiết thực được bàn thảo về tầm nhìn quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trong tương lai, đã có một số ý kiến đánh giá đây là cuộc hội đàm cho tương lai. Sau hội đàm, hai nhà Lãnh đạo đã có một cuộc họp báo ngắn gọn, sâu sắc và thú vị, gây ấn tượng mạnh mẽ đối với truyền thông báo chí. Chuyến thăm nói lên rằng hai quốc gia có chế độ chính trị khác nhau vẫn có thể vượt qua khác biệt, hiểu biết và chấp nhận nhau, hợp tác với nhau vì lợi ích chung. Việc Hoa Kỳ mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức đã thể hiện sự tôn trọng đầy đủ hơn thể chế chính trị của Việt Nam và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngoài ra chuyến thăm còn có ý nghĩa quốc tế do tầm quan trọng của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đối với khu vực, quốc tế, và việc Tổng Bí thư gặp và trao đổi với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon. - Tổng Bí thư đã có một chuyến thăm cực kỳ bận rộn với lịch hoạt động dày đặc ở Hoa Kỳ. Xin ông cho biết những kết quả quan trọng nổi bật của chuyến thăm? Ông Hoàng Bình Quân: Đúng vậy, Tổng Bí thư đã có 23 hoạt động rất phong phú, thực chất, trong đó có các hoạt động quan trọng là cuộc hội đàm lịch sử với Tổng thống Obama, phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), gặp gỡ các tầng lớp xã hội Hoa Kỳ, gặp gỡ các nghị sỹ Hoa Kỳ, thăm gia đình Cựu Tổng thống Bill Clinton, gặp gỡ bạn bè cánh tả có cảm tình với Việt Nam... Nhìn tổng thể, chuyến thăm có dấu ấn đậm nét, với kết quả rất toàn diện, thực chất. Xin nêu một số điểm lớn sau: Thứ nhất, về chính trị, chuyến thăm góp phần tăng cường lòng tin chính trị, qua đó thúc đẩy quan hệ giữa hai nước. Hai bên đã trao đổi thẳng thắn, cởi mở các vấn đề đòi hỏi nỗ lực của cả hai bên như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các vấn đề còn tồn tại giữa hai bên như nhân quyền, khắc phục hậu quả chiến tranh.... Xây dựng lòng tin và hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau là một điểm nhấn quan trọng. Tổng thống Barack Obama đã vui vẻ nhận lời mời thăm Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thứ hai, hai bên đã cùng đánh giá quan hệ song phương sau 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và xác định tầm nhìn quan hệ cho thời gian tới; bàn thảo về việc thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư, tăng cường quan hệ chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh, mở rộng hợp tác về khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, y tế, biến đổi khí hậu, nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác toàn diện, làm cơ sở đưa quan hệ hai nước phát triển lên tầm cao mới. Hai bên đã ra Tuyên bố về tầm nhìn chung Việt Nam-Hoa Kỳ. Đây là khuôn khổ quan trọng, định hướng tầm nhìn quan hệ hai nước theo hướng tích cực, lành mạnh, ổn định. Tổng Bí thư và đoàn đã tham dự một cuộc tọa đàm và một cuộc gặp gỡ với hơn 100 doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ, qua đó chuyển tới Chính phủ và giới đầu tư Hoa Kỳ thông điệp mạnh mẽ là Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam. Trong thời gian chuyến thăm, hai bên đã ký kết 14 văn kiện, thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực, trong đó có những văn bản quan trọng liên quan đến hàng không, thuế, ngân hàng, dầu khí, thể hiện thông điệp mạnh mẽ về tương lai quan hệ thương mại giữa hai nước. Thứ ba, qua chuyến thăm, hai bên đã trao đổi và chia sẻ quan điểm, nhận thức về các vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông, nhằm tăng cường hợp tác, đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chúng ta hoan nghênh các nước, trong đó có Hoa Kỳ, đóng vai trò tích cực và có trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thúc đẩy hợp tác phát triển ở khu vực. Thứ tư, chuyến thăm góp phần quan trọng triển khai chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước ta. Cuộc gặp gỡ rất cảm động, ấm tình quê hương giữa Tổng Bí thư với bà con kiều bào là một thông điệp mạnh mẽ về chính sách đại đoàn kết của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với kiều bào ta ở nước ngoài. Những trao đổi gần gũi, sự quan tâm, lắng nghe của Tổng Bí thư đối với các tâm tư, nguyện vọng bà con đã xóa mờ khoảng cách địa lý của những người con sống xa quê hương với Tổ quốc; động viên bà con yên tâm làm ăn, sinh sống ở sở tại, luôn hướng về quê nhà, đoàn kết, chung tay với đồng bào trong nước cùng xây dựng đất nước giàu mạnh, ấm no, hạnh phúc; góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của đất nước; và là cầu nối hiệu quả cho sự phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ. Đồng thời, qua chuyến thăm này chúng ta đã khẳng định một cách mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế rằng Việt Nam nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, chủ trương tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. - Trong chuyến thăm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng và trao đổi với các học giả Hoa Kỳ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). Xin ông cho biết một số điểm nổi bật của cuộc trao đổi này? Ông Hoàng Bình Quân: Đây là bài phát biểu rất quan trọng của Tổng Bí thư trong chuyến thăm lần này tại một cơ quan nghiên cứu và trao đổi học thuật hàng đầu của Hoa Kỳ, có vai trò quan trọng trong việc đối thoại giữa chính giới, học giả các nước. Bài phát biểu phản ánh tầm nhìn toàn diện về quan hệ giữa hai nước, đề cập trực diện những vấn đề nhạy cảm và những phân tích chiến lược về diễn biến tình hình khu vực và thế giới. Khái quát trên một số điểm sau: - Phân tích những sự kiện lịch sử về quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ chưa được biết đến rộng rãi để hiểu sâu hơn, đầy đủ hơn về quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ; nhìn nhận khách quan, biện chứng về cuộc chiến tranh mà Hoa Kỳ tiến hành ở Việt Nam, về tinh thần “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai.” - Khẳng định thành tựu của quan hệ hai nước 20 năm qua từ khi bình thường hóa; phân tích sâu sắc tình hình thế giới, từ đó nêu bật chủ trương đối ngoại của Việt Nam. - Đưa ra tầm nhìn cho quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ với tinh thần làm sâu sắc, phong phú hơn quan hệ đối tác toàn diện, làm cơ sở nâng quan hệ lên tầm cao mới trong tương lai; nêu những định hướng lớn cho quan hệ hai nước: tăng cường trao đổi, tiếp xúc cấp cao, xây dựng và củng cố tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư là những trọng tâm, nền tảng và động lực cho phát triển quan hệ song phương; mở rộng hợp tác khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, y tế, môi trường...; coi hợp tác quốc phòng-an ninh là yếu tố gia tăng sự tin cậy chính trị và giá trị chiến lược của quan hệ song phương, tăng cường hợp tác nhân đạo, giao lưu nhân dân. - Trao đổi thẳng thắn về vấn đề nhân quyền; nêu chủ trương hợp tác trên các vấn đề khu vực và quốc tế; trong đó có việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông. Đặc biệt, trong bài phát biểu của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi một thông điệp tích cực và lạc quan đối với tương lai quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ bằng việc trích dẫn câu nói nổi tiếng của Tổng thống Theodore Roosevelt "Khi tin là có thể, thì bạn đã đạt được một nửa thành công." Bài phát biểu của Tổng Bí thư được các cử tọa đánh giá rất cao và chăm chú lắng nghe, cho rằng đây là một bài phát biểu rất sâu sắc và có tầm chiến lược cao. - Với những kết quả và dấu ấn tích cực như vậy của chuyến thăm lịch sử này, xin ông chia sẻ một vài suy nghĩ của mình về tương lai quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ? Ông Hoàng Bình Quân: Phải nói rằng quan hệ hai nước trong 20 năm qua đang trong xu hướng phát triển tích cực và chắc chắn chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ rất thành công của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ là một dấu mốc lịch sử, mở ra một chương mới trong quan hệ giữa hai nước. Nhìn về tương lai, hai nước có động lực quan trọng để tăng cường quan hệ, đó là những lợi ích chung ở các bình diện song phương, khu vực và toàn cầu. Hai nước cũng có nhiều tiềm năng, nhiều dư địa để tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, nếu TPP được sớm ký kết, thì sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn nữa cho hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Người dân và doanh nghiệp của cả Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ đều được chia sẻ lợi ích từ hiệp định này. Với những cơ sở và tiềm năng đó, nhìn về tổng thể, tôi cho rằng, Việt Nam và Hoa Kỳ đang đứng trước những cơ hội hợp tác lớn, mang lại lợi ích cho hai nước và nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới. Chúng ta hoàn toàn có thể tin vào triển vọng tốt đẹp của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ. Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng, để quan hệ hai nước phát triển tích cực như mong muốn, chúng ta rất cần có sự nỗ lực của cả hai bên với tinh thần “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai,” trên nguyên tắc “tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị của nhau và hợp tác cùng có lợi;” và với phương châm “đối thoại thẳng thắn, xây dựng” đối với các vấn đề còn có sự khác biệt./.

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất