Đồng chí Hồ Tùng Mậu, tên thật là Hồ Bá Cự, sinh ngày 15/6/1896 tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An trong một gia đình khoa bảng và giàu truyền thống yêu nước. Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh nước mất, nhà tan, các phong trào đấu tranh đều bị dìm trong biển máu của kẻ thù; chính nhờ truyền thống yêu nước của quê hương, gia đình và các bậc cha ông đã hun đúc ý chí và tinh thần cho người thanh niên Hồ Tùng Mậu lòng yêu nước, căm thù quân xâm lược, chiến đấu giành lại độc lập, tự do cho dân tộc và quyết định ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Với sự hoạt động sôi nổi tại nước ngoài, đồng chí Hồ Tùng Mậu đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930. Đây là dấu mốc trọng đại trong lịch sử bởi từ đây con đường cách mạng Việt Nam đã có một tổ chức lãnh đạo, định hướng đúng đắn cho toàn thể dân tộc Việt Nam thực hiện mục tiêu độc lập, tự do.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được ra đời, đánh dấu một bước ngoặt mới trong lịch sử của dân tộc. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ được giải phóng khỏi ách áp bức, bóc lột của chủ nghĩa thực dân, xóa bỏ những trở lực của phương thức sản xuất phong kiến lỗi thời, bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do và tiến lên xây dựng đất nước trong thời kỳ mới.
Tuy nhiên, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa ra đời đã phải đối diện với những khó khăn chồng chất khi chính quyền còn non trẻ và hậu quả do chế độ cũ để lại, đặc biệt là nguy cơ “thù trong, giặc ngoài” đe dọa đến sự tồn vong của chế độ. Đầu tháng 9/1945, gần 30 vạn quân gồm quân đội Trung Hoa dân quốc, quân đội Anh và quân đội Pháp núp bóng tràn vào nước ta với nhiệm vụ giải giáp quân đội phát xít Nhật (1). Ngoài ra, Đảng và Chính phủ còn phải đối mặt với những thách thức lớn như “giặc đói” và “giặc dốt”. Rõ ràng, những khó khăn, thách thức tồn tại nêu trên đe dọa nghiêm trọng đến nền độc lập, tự do mà Đảng và nhân dân ta mới giành lại được; đặt chính quyền dân chủ nhân dân và vận mệnh dân tộc vào thế “nghìn cân treo sợi tóc”.
Trong hoàn cảnh đó, đồng chí Hồ Tùng Mậu đã được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao phó những nhiệm vụ, trọng trách quan trọng khi chính quyền cách mạng còn non trẻ.Với kinh nghiệm hoạt động thực tiễn phong phú và ý chí kiên cường của một người chiến sỹ cộng sản, đồng chí đã có những đóng góp thiết thực trong việc xây dựng và củng cố lực lượng cách mạng, góp phần không nhỏ trong công cuộc kiến thiết Tổ quốc thời kỳ sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.
1. TRÊN CÁC CƯƠNG VỊ THUỘC LIÊN KHU IV
Ngày 15/10/1945, trước sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng vũ trang cách mạng và với mục đích đối phó với âm mưu quay lại xâm lược nước ta của thực dân Pháp và âm mưu chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực phản động trong nước, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định thành lập 9 chiến khu trong cả nước, trong đó có Chiến khu IV (sau này là Liên khu IV). Chiến khu IV gồm 6 tỉnh Bắc Trung Bộ: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên. Đây là địa bàn có vị trí chiến lược, tuyến giao thông nối liền hai miền Bắc - Nam, lại vừa tiếp giáp với vùng căn cứ cách mạng với nước bạn Lào; đây còn là khu vực chia cắt địch giữa Bắc Bộ và Trung Bộ, là hậu phương quan trọng của cách mạng.
Nhận thấy rõ tầm quan trọng chiến lược của Chiến khu IV, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tin tưởng, giao nhiệm vụ cho Hồ Tùng Mậu là Chính ủy. Đồng chí là người thuộc lớp cán bộ cách mạng đầu tiên của Đảng, đã trải qua nhiều thử thách và nhận được sự tín nhiệm cao của Đảng giữ cương vị lãnh đạo trên địa bàn quan trọng này.
Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, đồng chí Hồ Tùng Mậu đã liên hệ với Xứ ủy Trung kỳ và 6 Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh trong Chiến khu để điều động cán bộ, huy động vật chất, nhanh chóng tổ chức hệ thống các cơ quan chỉ huy quân sự từ Chiến khu xuống đến các tỉnh. Khi đã ổn định được công tác tổ chức trong Chiến khu, đồng chí Hồ Tùng Mậu đã quan tâm tới công tác Đảng, tích cực xây dựng tổ chức Đảng trong Chiến khu bộ, trong các chi đội của cả 6 tỉnh, hình thành hệ thống công tác chính trị - tư tưởng trong lực lượng vũ trang liên khu.
Ngoài việc quan tâm tới xây dựng tổ chức Đảng, đồng chí Hồ Tùng Mậu cũng rất chú ý đến công tác xây dựng lực lượng và khắc phục tình trạng thiếu thốn về trang bị vũ khí trong Chiến khu IV. Toàn Liên khu đã khuyến khích, vận động nhân dân quyên góp tiền mua súng cho bộ đội để phục vụ cho công tác huấn luyện chuyên môn và sẵn sàng chiến đấu khi cần. Chỉ riêng ở Hà Tĩnh, sau một tháng vận động đóng góp, nhân dân đã góp tiền mua được hơn 300 khẩu súng trang bị cho Chi đội Phan Đình Phùng(2). Công tác chuẩn bị, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quân sự cũng được đồng chí Hồ Tùng Mậu quan tâm, chỉ đạo. Ở các trường đào tạo tiểu đội trưởng trong Chiến khu IV, đồng chí chủ trương nâng mức đào tạo tiểu đội trưởng mỗi khóa lên một tháng, nội dung gồm cả quân sự, chính trị và hậu cần, đồng thời mở thêm lớp đào tạo trung đội trưởng. Bản thân đồng chí cũng trực tiếp phụ trách trường Quân chính của Xứ ủy Trung Bộ khai giảng khóa đầu tiên ngày 15/11/1945 tại Đại Nội (Huế).
Cuối năm 1946, Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định thống nhất Quân sự Ủy viên hội và Bộ Quốc phòng thành Bộ Quốc phòng – Tổng chỉ huy để chuẩn bị lực lượng sẵn sàng đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp. Đồng chí Hồ Tùng Mậu được cử giữ chức Chủ tịch Ủy ban kháng Chiến khu IV. Với cương vị và trọng trách được giao phó, đồng chí đã thể hiện rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của mình, đặc biệt là việc tìm hiểu sâu sát thực tế kháng chiến, kiến quốc của quân dân khu IV. Thực hiện Chỉ thị toàn quốc kháng chiến của Trung ương Đảng và Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đêm 19/12/1946, đồng chí Hồ Tùng Mậu phối hợp chỉ đạo Trung đoàn 57 Lê Nam Thắng và Trung đoàn Lê Văn Xứng chỉ huy đơn vị tiêu diệt quân Pháp ở sân bay Vinh(3). Trước sức mạnh áp đảo của ta, 0 giờ 30 phút ngày 20/12/1946, trung đội quân Pháp đã đầu hàng vô điều kiện. Đây là chiến công xuất sắc của quân và dân Nghệ An, trong đó có đóng góp không nhỏ của đồng chí Hồ Tùng Mậu.
Ngày 1/10/1947, khi Chính phủ ra Sắc lệnh số 91/SL hợp nhất Ủy ban kháng chiến và Ủy ban hành chính thành Ủy ban kháng chiến kiêm hành chính, đồng chí Hồ Tùng Mậu tiếp tục được Trung ương cử làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến kiêm hành chính khu IV. Để tập trung cho cuộc kháng chiến chống Pháp, đồng chí Hồ Tùng Mậu đã cùng với Bộ chỉ huy Khu IV tập trung phát triển lực lượng vũ trang, huấn luyện quân sự, chính trị. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả của đồng chí nói riêng và Ủy ban kháng chiến kiêm hành chính nói chung đã khơi dậy tinh thần yêu nước, truyền thống đấu tranh của nhân dân khu IV, góp phần vào củng cố xây dựng chiến khu vững mạnh, sẵn sàng chiến đấu khi chiến tranh xảy ra.
Suốt những năm tháng giữ chức Chính ủy và Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến trong Liên khu IV, đồng chí Hồ Tùng Mậu làm việc quên mình với tác phong chan hòa, bình dị và khảng khái. Những cống hiến của đồng chí trong quá trình làm việc tại Liên khu IV đã góp phần thiết lập và củng cố cơ sở, lực lượng cách mạng khu vực các tỉnh Trung Bộ trong thời điểm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời, gặp nhiều khó khăn thử thách. Nhờ vậy, đồng chí đã tạo được uy tín lớn trong nhân dân và đội ngũ cán bộ, được mọi người gọi một cách kính cẩn và yêu mến là “cụ Mậu”.
2. TRÊN CƯƠNG VỊ TỔNG THANH TRA CHÍNH PHỦ NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Hội đồng Chính phủ đã đưa ra vấn đề thành lập tổ chức Thanh tra trên cơ sở thực tiễn có nhiều ý kiến từ các tầng lớp nhân dân phản ánh bằng thư từ, đơn kiện hoặc gặp trực tiếp bày tỏ nguyên vọng cần sớm chấm dứt các hiện tượng, việc làm sai trái của một số nhân viên trong bộ máy chính quyền các cấp, nhất là ở các địa phương. Sau một thời gian chuẩn bị các thủ tục, văn bản và nhân sự, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 64-SL thành lập và quy định quyền hạn Ban Thanh tra đặc biệt. Đến năm 1949, Hội đồng Chính phủ đã tổng kết và đánh giá quá trình thực hiện công tác thanh tra và nhận thấy: “Trong những năm đầu của kháng chiến, công tác thanh tra của Ban Thanh tra đặc biệt tạm thời ít hoạt động hoặc hoạt động chủ yếu là động viên, hướng dẫn nhân dân và các cấp chính quyền tổ chức kháng chiến và sản xuất”(4). Trước tình hình đó, công tác thanh tra đòi hỏi phải đẩy mạnh hoạt động thường xuyên và đúng chức trách của cơ quan Thanh tra Nhà nước; đồng thời cần một đồng chí có uy tín, kinh nghiệm giữ chức Tổng Thanh tra.
Ngày 18/12/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 138B/SL thành lập Ban Thanh tra Chính phủ trực thuộc Phủ Thủ tướng, thay cho Ban Thanh tra đặc biệt thành lập sau Cách mạng Tháng Tám. Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 138C/SL cử đồng chí Hồ Tùng Mậu làm Tổng Thanh tra Ban Thanh tra Chính phủ(5). Ngay khi mới thành lập, Ban Thanh tra Chính phủ đã đẩy mạnh hoạt động thanh tra và chỉ đạo công tác thanh tra ở các Bộ, các địa phương, làm cho công tác thanh tra đi vào nền nếp, thường xuyên và có tác dụng to lớn trong đời sống mọi mặt của đất nước.
Để công tác thanh tra đạt kết quả, đồng chí Hồ Tùng Mậu cùng các đồng chí trong ban lãnh đạo Ban Thanh tra Chính phủ và Ban Kiểm tra Trung ương đặc biệt chú trọng cải tiến, nâng cao phương pháp thanh tra, kiểm tra, làm cho quần chúng nhân dân tin tưởng và hỗ trợ đắc lực cho lực lượng thanh tra. Trong những năm 1949-1951, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Hồ Tùng Mậu, Ban Thanh tra Chính phủ đã cử nhiều đoàn cán bộ liên tục đến các địa bàn thuộc Liên khu Việt Bắc, Liên khu III, Liên khu IV… kiểm tra tình hình ở khu căn cứ địa cách mạng. Qua thanh tra, đoàn đã phát hiện nhiều việc làm sai trái ở các cấp chính quyền tại các địa phương này, trong đó sai phạm lớn nhất là động viên nhân tài vật lực một cách quá mức, làm đời sống nhân dân khó khăn; có nơi mang tính cưỡng bức, quân phiệt, thiếu dân chủ, không chú ý đến yêu cầu, nguyên vọng, hoàn cảnh cụ thể của nhân dân. Đoàn thanh tra cũng phát hiện nhiều địa phương vi phạm chính sách tôn giáo của Chính phủ. Từ những phát hiện trên trong các đợt thanh tra, kiểm tra, đồng chí Hồ Tùng Mậu đã làm văn bản báo cáo lên Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh để đưa ra biện pháp chỉ đạo sửa chữa khuyết điểm, sai lầm. Những kết quả của các đợt thanh tra, kiểm tra đã củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân vào Đảng và Chính phủ, bảo đảm vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân – nền tảng sức mạnh của công cuộc kháng chiến, kiến quốc.
Tháng 2/1951, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng được triệu tập tại chiến khu Việt Bắc. Tại Đại hội, đồng chí Hồ Tùng Mậu được bầu là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng; các chức vụ cũ của đồng chí vẫn giữ nguyên. Sau Đại hội, Chính phủ ban hành chính sách thuế nông nghiệp thu bằng thóc nhằm đáp ứng nhu cầu kháng chiến, phát triển sản xuất nông nghiệp, thống nhất và đơn giản chế độ đảm phụ cho dân… Tình hình đó yêu cầu phải đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát. Đồng chí Hồ Tùng Mậu cùng các đồng chí lãnh đạo của hai ban lập ra một số đoàn kiểm tra có sự phối hợp giữa đại diện Ban Thanh tra Chính phủ, các cấp ủy đảng và Bộ Tư lệnh quân đội. Các đoàn đã về các địa phương kiểm tra việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ. Nhờ công tác thanh tra, kiểm tra đã hạn chế được những sai phạm trong chỉ đạo, thực hiện chính sách thuế nông nghiệp, chính sách ruộng đất ở các địa phương.
Từ tháng 7 đến tháng 9/1951, Hồ Tùng Mậu và các đồng chí lãnh đạo trong Ban Thanh tra Chính phủ và Ban Thanh tra Bộ Tài chính đã cử đoàn thanh tra tiến hành tổng kiểm tra các chi nhánh và chi điếm tín dụng sản xuất ở Liên khu III. Qua thanh tra, kiểm tra, đoàn đã phát hiện những sai sót trong quá trình thu, chi, phát hiện một số cán bộ nhân viên lợi dụng sơ hở trong quản lý để biển thủ công quỹ. Từ đó, các chi nhánh, chi điếm tín dụng sản xuất của Liên khu III đã củng cố lại đội ngũ cán bộ, thực hiện đúng chế độ, sổ sách, giấy tờ theo quy định của Chính phủ.
Trong giai đoạn thực hiện nhiệm vụ kháng chiến kiến quốc (1945-1951), hoạt động của Ban Thanh tra Chính phủ đã góp phần tích cực giúp Trung ương và Chính phủ xem xét việc chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách ở các cấp, các ngành, các địa phương, đồng thời thúc đẩy, củng cố mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng nhân dân. Với phương pháp làm việc khách quan, khoa học, trong đó có vai trò to lớn của đồng chí Hồ Tùng Mậu, Ban Thanh tra Chính phủ đã đặt nền móng đầu tiên trong quá trình xây dựng hệ thống tư tưởng và lý luận của Thanh tra Việt Nam.
Trên cương vị Tổng Thanh tra Chính phủ, đồng chí Hồ Tùng Mậu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thanh tra Nhà nước và kiểm tra Đảng, công việc đó đòi hỏi phải có phẩm chất đạo đức, thanh liêm, trung thành, trung thực, sâu sát, cụ thể. Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, đồng chí luôn nêu cao tinh thần dũng cảm, không sợ va chạm, vượt khó, lăn lộn trong nhân dân, trong Đảng, đề cao trách nhiệm phát hiện những vi phạm trong Đảng và bộ máy nhà nước để kiến nghị xử lý kịp thời. Ngày 23/7/1951, trên đường đi công tác vào Liên khu IV qua thị trấn Còng (Thanh Hóa), do bị máy bay giặc Pháp phát hiện và đuổi bắn, đồng chí Hồ Tùng Mậu đã anh dũng hy sinh, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, cùng với chính quyền non trẻ, dù phải trải qua nhiều khó khăn, gian khổ nhưng ở bất cứ cương vị nào, đồng chí Hồ Tùng Mậu luôn tận tâm, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, mang hết sức mình để phục vụ sự nghiệp cách mạng và quần chúng nhân dân.
Nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh đồng chí Hồ Tùng Mậu, nhìn lại lịch sử thấy rõ đồng chí thực sự là một người cộng sản trung kiên, tấm gương đạo đức trong sáng, phong cách bình dị, là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những hoạt động và cống hiến của đồng chí trong Liên khu IV cũng như Ban Thanh tra Chính phủ không chỉ góp phần vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp mà còn để lại bài học kinh nghiệm, giá trị sâu sắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
ThS. Nguyễn Trung Kiên
Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng
Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
---------------------------
(1) Theo thỏa thuận Đồng minh tại Hội nghị Pốtxđam (Đức) diễn ra từ ngày 17-7 đến ngày 2-8-1945, quân đội Trung Hoa dân quốc vào Đông Dương thực hiện nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật từ vĩ tuyến 16 trở ra; quân đội Anh vào Đông Dương để giải giáp quân đội Nhật từ vĩ tuyến 16 trở vào.
(2) Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng và Cách mạng Việt Nam, Hồ Tùng Mậu tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.114.
(3) Đồng chí Hồ Tùng Mậu với Cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2016, tr.146.
(4) Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng và Cách mạng Việt Nam, Hồ Tùng Mậu tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.127
(5) Thanh tra Chính phủ: Lịch sử Thanh tra Việt Nam (1945-2005), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.33