Thứ Bảy, 23/11/2024
Tuyên truyền
Chủ Nhật, 9/7/2017 18:53'(GMT+7)

Những giá trị còn mãi trong tác phẩm “Tự chỉ trích”

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9-7-1912, tại thôn Phù Khê Thượng, xã Phù Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Thân phụ đồng chí là cụ Đồ Quán Nguyễn Trọng Mạo, hậu duệ của Nguyễn Trãi; thân mẫu là cụ Nguyễn Thị Khuyến. Hiếu học, lại học giỏi, Nguyễn Văn Cừ được cha mẹ và họ hàng nội ngoại chung sức nuôi cho ăn học. Năm 1928, học tại trường Bưởi, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Cuối năm 1928, đồng chí về vùng mỏ Vàng Danh và tháng 6-1929 được kết nạp vào chi bộ Đông Dương Cộng sản đảng. Sau ngày thành lập Đảng (3-2-1930), đồng chí công tác ở mỏ than Mạo Khê, làm bí thư đầu tiên của đặc khu ủy Hòn Gai - Uông Bí. Tháng 2-1931, đồng chí bị địch bắt đày đi Côn Đảo, cuối năm 1936 được trả tự do. Tháng 3-1938, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 6-1940, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt và đến ngày 28-8-1941, bị thực dân Pháp xử tử hình, khi mới 29 tuổi.

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã viết đăng nhiều bài báo; xuất bản sách Các quyền tự do dân chủ của nhân dân Đông Dương và Tự chỉ trích, tháng 7-1939. Tác phẩm “Tự chỉ trích” là một cuốn sách mỏng, hơn 40 trang, nhưng nội dung lại rất dày về tư tưởng lý luận và rất lớn về ý nghĩa thực tiễn, có giá trị to lớn đối với Đảng ta. Sau đây là một số giá trị căn bản.

1. Mục tiêu của “tự chỉ trích Bôn-sơ-vích”

Theo Nguyễn Văn Cừ, mục tiêu trực tiếp của “tự chỉ trích Bôn-sơ-vích” là thống nhất về tư tưởng. Ông tin và thấy: “Những cuộc thảo luận điều khiển một cách đúng đắn là cần thiết để thống nhất tư tưởng, một sự thống nhất thật sự, mạnh mẽ, dựa trên sự giác ngộ và trung thành của mọi người”(1). Và sự thống nhất càng trở nên vững chắc khi Đảng có nguyên tắc tập trung dân chủ, là “thiểu số cũng phải phục tùng đa số..., ngàn người sẽ như một để thực hành ý chí ấy”(2).

Nhờ có tự chỉ trích mà Đảng khắc phục được cả hai khuynh hướng rất nguy hại. Đó là: “xu hướng “tả khuynh”, cô độc nó muốn làm cho Đảng co bé, rút hẹp bởi biệt phái, cách xa quần chúng, và xu hướng thỏa hiệp hữu khuynh, lung lay trước những tình hình nghiêm trọng nhãng quên hoặc che lấp sự tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin, lăm le rời bỏ những nguyên tắc cách mệnh”(3).

Tự chỉ trích nhằm làm cho Đảng mạnh hơn, nhưng không dừng lại, mà phải đạt tới mục tiêu tối cao, là: “chúng ta đứng về lợi ích về công cuộc của dân chúng mà chỉ trích những khuyết điểm, những chỗ lừng chừng hoặc hèn nhát để đẩy phong trào phát triển mạnh mẽ rộng rãi hơn”(4). Với quan điểm biện chứng, Nguyễn Văn Cừ đã nhấn mạnh tới mối quan hệ nhân - quả của mục tiêu trực tiếp và mục tiêu tối cao của tự chỉ trích. Theo ông, “tự chỉ trích Bôn-sơ-vích, nghĩa là để huấn luyện quần chúng và giúp đảng viên tự huấn luyện… để cho Đảng được càng thống nhất và củng cố, để đưa phong trào phát triển lên, đưa cách mạng tới thắng lợi”(5).

Như vậy, mục tiêu của “tự chỉ trích Bôn-sơ-vích” có hai cấp độ: mục tiêu trực tiếp là làm cho Đảng ngày càng vững mạnh và mục tiêu tối cao là cách mạng thắng lợi, bảo đảm quyền lợi, lợi ích của nhân dân lao động.

Giá trị của “tự chỉ trích” ở đây là khẳng định mối quan hệ giữa Nhân dân và Đảng là quan hệ máu thịt, không thể tách rời, song hai mặt đó không ngang bằng nhau, mà Nhân dân luôn cao hơn Đảng, quyết định mối quan hệ. Đó là mệnh lệnh để những người cộng sản Việt Nam ở mỗi thời kỳ, biết chọn và xác định đúng đắn không chỉ về nội dung, mà còn là hình thức, phương pháp tự chỉ trích cụ thể là gì.

2. Thái độ và phương pháp “tự chỉ trích Bôn-sơ-vích”


Về vấn đề này, Nguyễn Văn Cừ có yêu cầu rất cao, trước hết là cần vượt qua những điều “cãi vã những chuyện nhỏ nhen”. Từ đó, khắt khe hơn, Nguyễn Văn Cừ chỉ ra: “Tự chỉ trích Bôn-sơ-vích không phải là công kích Đảng, mạt sát Đảng, đặt danh dự cá nhân lên trên tất cả quyền lợi của Đảng, của cách mệnh”(6).

Trong tự chỉ trích, Nguyễn Văn Cừ nhấn mạnh và có so sánh, tới các phương pháp rất căn bản, như: “Người cộng sản có bổn phận nói sự thật với quần chúng, dẫn đường cho quần chúng chớ không phải theo đuôi hay phỉnh họ. Những chủ trương chính trị mà lấy ý kiến của mình làm ý muốn của quần chúng như anh T.B. là rất sai lầm và nguy hiểm; nó làm cho Đảng xa quần chúng và có thể dẫn tới những thất bại nặng nề đau đớn”(7).

Thật cao cả và chí lý khi Nguyễn Văn Cừ phân tích về vai trò của những phương pháp tự chỉ trích, rằng: “Công khai, mạnh dạn, thành thực vạch ra những nhầm lỗi của mình và tìm phương châm sửa đổi, chống những xu hướng hoạt đầu thỏa hiệp, như thế không phải làm yếu Đảng, mà là làm cho Đảng được thống nhất, mạnh mẽ. Làm như thế không bị địch nhân lợi dụng, chửi rủa vu cáo cho Đảng, không sợ “nối giáo cho giặc”. Trái lại, nếu “đóng kín cửa bảo nhau, giữ cái vỏ thống nhất mà bề trong thì hổ lốn một cục, đầy rẫy bọn hoạt đầu, đó mới chính là để cho quân thù chửi rủa; hơn nữa, đó tỏ ra không phải một đảng tiền phong cách mạng, mà là một đảng hoạt đầu cải lương”(8).

Như vậy, “tự chỉ trích Bôn-sơ-vích” là một phương thức phát triển không chỉ của Đảng, mà còn là của lực lượng, phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo.

Tư tưởng Nguyễn Văn Cừ về thái độ và phương pháp tự chỉ trích có giá trị lớn từ phương diện vận dụng phép biện chứng duy vật vào việc giải quyết các vấn đề, các mâu thuẫn chính trị - xã hội đương đại. Ở đây, lý luận khoa học về “quy luật sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập”, một quy luật phổ biến của thế giới, cũng như phương pháp luận toàn diện và lịch sử cụ thể của phép biện chứng duy vật cần được những người cộng sản Việt Nam đương đại sử dụng vào quá trình “tự chỉ trích Bôn-sơ-vích”, do đó mà có hiệu quả cao và thành công lớn.

3. Những năng lực cần có để tham gia vào quá trình “tự chỉ trích Bôn-sơ-vích”


Nguyễn Văn Cừ cũng có yêu cầu rất cao đối với những người cộng sản tham gia tự chỉ trích, là họ nhất định phải có trình độ lý luận, khoa học cao và phải có năng lực thực tiễn dày dặn. Ông viết: “Người cộng sản chẳng bao giờ hô hào những chuyện cao xa viển vông cho sướng miệng, nhưng căn cứ vào sự thực, đồng thời nắm lấy sự đi tới (le devenir) của sự vật, hiểu thấu luật tiến hóa của xã hội”(9).

Nguyễn Văn Cừ đã không ít lần nhắc và vận dụng, thậm chí trích nguyên câu của Lê-nin trong tác phẩm Bệnh ấu trĩ của chủ nghĩa cộng sản. Ông yêu cầu người cộng sản “phải biết phân tích tình hình theo mácxít, phải biết những điều kiện đặc biệt của Đông Dương”(10). Năng lực đó phải được mỗi người cộng sản thể hiện bằng hành động. Vậy, “Xét một người cách mệnh cũng như một đảng chính trị, người ta chỉ căn cứ vào những chương trình và hành động của họ, chớ ai có thể căn cứ vào những ý nghĩ không hề nói ra của họ”(11). Hơn nữa, “Kinh nghiệm đã chỉ cho ta thấy rằng những sự ký kết trong phòng giấy đã dẫn tới nhiều sự phản bội nhơ nhuốc”(12).

Người tham gia tự chỉ trích phải có kiến thức lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đó là tốt nhưng chưa đủ, mà quan trọng hơn, họ phải biết vận dụng phù hợp lý luận. Về việc này, Nguyễn Văn Cừ chỉ ra trường hợp: “mặc dầu anh T.B. đã đưa ra nhiều nguyên tắc rất đúng, đã trích nhiều câu nói rất hay của Lê-nin - 
Xta-lin, nhưng anh đã đem ứng dụng một cách sai lầm”(13).

Giá trị tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ ở đây là, người cộng sản Việt Nam hiện nay, trong cả nhận thức và hành động, phải luôn đặt lý luận và thực tiễn trong mối quan hệ hữu cơ và nhân quả. Như thế có nghĩa là, người cộng sản đã thâu thái được cái bản chất quan điểm chính trị là khoa học và nghệ thuật của Lê-nin. Vậy hiện nay, Đảng cần đổi mới hơn nữa cả về nội dung cũng như phương pháp học và hành chủ nghĩa Mác - Lê-nin.

4. Ý nghĩa của tư tưởng tự chỉ trích đối với Đảng ta hiện nay

a. Nhận thức đúng về tính tất yếu và về vai trò động lực của việc phê bình và tự phê bình trong toàn bộ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Đồng thời đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và của cấp ủy các cấp trong mỗi quá trình “tự chỉ trích Bôn-sơ-vích”.

b. Bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, đảng viên nhận thức đúng và vận dụng phù hợp chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong sự kết hợp với tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Có kế hoạch tìm chọn cán bộ và nâng cao trình độ, tiếp cận kiến thức khoa học chuyên ngành, đa ngành cho họ để ngang tầm thời đại. Chỉ có như thế, người lãnh đạo xã hội mới biết và mới không sợ tự chỉ trích, có đủ khả năng dẫn đường cho quần chúng.

c. Nâng cao năng lực, trình độ thực tiễn và tổ chức chính trị thực tiễn cho cán bộ, đảng viên, tạo cơ sở vững chắc cho việc nắm bắt, kiểm nghiệm chân lý qua phê bình và tự phê bình.

d. Dự báo và nắm bắt đúng bản chất những vấn đề xã hội - chính trị phát sinh, tồn tại liên quan đến sự mạnh yếu, sống còn của Đảng và của nhu cầu, quyền lợi, trách nhiệm của nhân dân lao động, kịp thời chuyển nó thành nội dung phê bình và tự phê bình trong Đảng, xã hội.

-------------------------

1 Nguyễn Văn Cừ, Tự chỉ trích, Nxb. CTQG - ST, H, 2012, tr.10.

2 Sách đã dẫn, tr.10.

3 Sách đã dẫn, tr.45.

4 Nguyễn Văn Cừ, Tự chỉ trích, Nxb. CTQG - ST, H, 2012, tr.38, 39.

5 Sách đã dẫn, tr.13.

6 Sách đã dẫn, tr.11.

7 Nguyễn Văn Cừ, Tự chỉ trích, Nxb. CTQG - ST, H, 2012, tr.43, 44.

8 Nguyễn Văn Cừ, Tự chỉ trích, Nxb. CTQG - ST, H, 2012, tr.14.

9 Sách đã dẫn, tr.28.

10 Sách đã dẫn, tr.32.

11 Sách đã dẫn, tr.29.

12 Nguyễn Văn Cừ, Tự chỉ trích, Nxb. CTQG - ST, H, 2012, tr.40.

13 Sách đã dẫn, tr.8.

TG

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất