Thứ Sáu, 29/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 29/12/2017 19:38'(GMT+7)

Những giá trị lịch sử trường tồn

Quang cảnh tọa đàm (Ảnh: TA)

Quang cảnh tọa đàm (Ảnh: TA)

Sáng nay, 29-12, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm khoa học Kỷ niệm 45 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” (1972-2017), nhằm ôn lại những ký ức lịch sử hào hùng của 12 ngày đêm lịch sử Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không và những bài học kinh nghiệm.

Tham dự tọa đàm có đông đảo các tướng lĩnh, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng và các nhà khoa học, các nhà quân sự và các nhân chứng lịch sử đã tới dự.



 Các đại biểu tham dự tọa đàm (Ảnh: TA)

Ban Tổ chức đã nhận được hơn 30 báo cáo tham luận của các nhà khoa học, các nhà quân sự, tướng lĩnh của quân đội nhân dân Việt Nam đã từng sống, chiến đấu trong những giờ phút bom đạn khói lửa của 12 ngày đêm chiến đấu bảo vệ bầu trời Thủ đô.

Tại tọa đàm, các ý kiến tham luận đều đề cập nhiều khía cạnh cuộc tập kích đường không của Mỹ và chiến dịch phòng không của quân và dân Hà Nội. Trong đó, các ý kiến đều khẳng định tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời, sáng tạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng. Đây là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng, là nhân tố quyết định thắng lợi của chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” năm 1972.

 
B-52 phơi xác trên đường phố Hà Nội, một trong những tấm ảnh nổi tiếng
về trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - Ảnh tư liệu 


Đặc biệt, nhiều ý kiến tại buổi tọa đàm đã phân tích, làm rõ mối quan hệ biện chứng giữa thắng lợi của trận “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” với thắng lợi trên chiến trường miền Nam và chiến trường 3 nước Đông Dương trong năm 1972; buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút hết quân Mỹ và quân các nước đồng minh của Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam; tạo ra bước ngoặt làm thay đổi căn bản cục diện chiến tranh, mở ra thời cơ lớn cho quân và dân Việt Nam giành thắng lợi quyết định, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa Xuân năm 1975.

Trong Chiến dịch “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B.52 (riêng ở Hà Nội đã bắn rơi được 25 chiếc B.52), 5 máy bay F.111, 42 máy bay chiến thuật các loại,…; tiêu diệt và bắt sống gần 100 phi công. Đây là tổn thất lớn đối với Đế quốc Mỹ. Tướng Gioóc Ết-tơ (phó chỉ huy không quân chiến lược Mỹ) thú nhận trên tạp chí Không lực Hoa Kỳ rằng: “Tổn thất về máy bay chiến lược B.52 cùng các nhân viên phi hành là hết sức nặng nề, là đòn choáng váng đánh thẳng vào những nhà vạch kế hoạch của Lầu Năm góc…”. Trong hồi ký, Tổng thống Níchxơn viết: “ Nỗi lo của tôi trong những ngày này không phải là lo những làn sóng phản đối, phê phán nghiêm khắc ở trong nước và trên thế giới, mà chính là mức độ tổn thất về máy bay B.52 quá nặng nề…”.

 
 Trung tướng Phạm Tuân, Anh hùng LLVTND kể lại những giây phút lịch sử bắn rơi máy bay B52 trên bầu trời Hà Nội (Ảnh: TA)

Các nhân chứng lịch sử, nhất là các tướng lĩnh, cựu chiến binh đều khẳng định: Với tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất, quân dân ta đã làm nên kỳ tích lịch sử “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” vang dội năm châu, là đỉnh cao của cuộc đối đầu lịch sử giữa lực lượng Phòng không – Không quân nhân dân Việt Nam với lực lượng không quân chiến lược Mỹ; là biểu tượng của ý chí kiên cường, là chiến thắng của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam.

Có thể khẳng định, chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là đỉnh cao của chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, là bản anh hùng ca vang mãi cùng năm tháng của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung./.

Nhật Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất