Thứ Bảy, 23/11/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Ba, 16/10/2012 20:47'(GMT+7)

Những ký ức thấm đẫm tình người

Các tác giả đạt giải Nhất tại Lễ trao giải

Các tác giả đạt giải Nhất tại Lễ trao giải

 Sau hơn 7 tháng phát động, (từ ngày 21/2 đến 30/9/2012), cuộc thi "Ký ức gia đình- thắp sáng tương lai" đã nhận được sự hưởng ứng của gần một nghìn độc giả trong cả nước. 1.430 tác phẩm là 1.430 câu chuyện về gia đình, về các mối quan hệ, những tình huống vui buồn trong cuộc sống. Nội dung các bài dự thi thể hiện một cách phong phú, chân thực, hấp dẫn những quan hệ, góc cạnh của đời sống gia đình, những ký ức thấm đẫm tình người. Đó là sự hy sinh của những người làm cha, làm mẹ vì con cái; là lòng hiếu thảo của các con với cha mẹ, để báo đáp công ơn sinh thành; là tình yêu thương và lòng vị tha khi người thân yêu của mình lầm đường lạc lối...

Đối tượng tham dự cuộc thi trải rộng từ độ tuổi 12 đến 80, có các nhà báo chuyên nghiệp, có cả những người viết dân tộc thiểu số. Trong số tác giả dự thi có tác giả Nguyễn Đình Khuê, năm nay 80 tuổi, ở Tân Thành (Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk) đã gửi tới cuộc thi hơn 100 bài thơ viết tay.

Tại lễ tổng kết và trao giải cuộc thi diễn ra vào ngày 15/10, Ban tổ chức đã trao giải cho 16 bài dự thi xuất sắc nhất (trong đó có 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 10 giải Khuyến khích).

Bài viết "Nụ cười trở lại", của tác giả Nguyễn Thị Bưởi ở xóm 4, xã Đà Sơn, Đô Lương, Nghệ An, đoạt giải Nhất của cuộc thi, kể về câu chuyện có thật của một người phụ nữ biết mình nhiễm HIV từ chồng khi đang mang thai đứa con đầu lòng được 6 tháng. Vượt qua sự thất vọng, đau khổ..., chị cắn răng vừa chăm nuôi chồng hấp hối vì AIDS, vừa chuẩn bị cho đứa con chào đời trong nỗi lo sợ con cũng nhiễm bệnh như mình. Sinh con được hai tháng, chồng chị qua đời. May mắn là con gái của chị không nhiễm HIV. Nhờ tình yêu thương, đùm bọc của gia đình, bạn bè, chị đã đứng vững trong cuộc đời, trở thành tuyên truyền viên giúp cộng đồng hiểu rõ và phòng tránh lây nhiễm căn bệnh thế kỷ. Điều chị Nguyễn Thị Bưởi muốn gửi gắm trong bài viết của mình là dù có gặp khó khăn, đau khổ như thế nào trong trong cuộc sống thì mỗi người cũng phải cố gắng vượt qua, để vươn tới ngày mai tươi sáng.

Trong bài viết "Những tháng ngày bên con nuôi", ông Phạm Huy Định- ở Thanh Xuân- Hà Nội kể về hành trình nuôi con của một đồng đội đã hy sinh. Trải qua bao thiếu thốn, vất vả, tình cảm cha con vẫn vô cùng ấm áp. Ngày con bị bệnh hiểm nghèo, người cha nuôi hết lòng chăm sóc cho con. Tôi nuôi con từ lúc 18 tháng, rồi chăm cho con học Đại học, rồi gả chồng cho con. Đến khi con ốm, trong hoàn cảnh rất ngặt nghèo, tôi là đàn ông mà phải tắm rửa, chăm sóc con gái, đưa cháu vào viện rồi chăm con trong những tháng ngày vào viện vì cháu bị u não. Sau đó con gái khỏi bệnh...- Ông Định kể.

Nhưng "ngày vui ngắn chẳng tày gang", bệnh tạm lui, nhưng vợ chồng con gái ly hôn, ông Định lại đón con về chăm sóc. Hai năm sau, con gái nuôi tái phát bệnh u não vì bị phơi nhiễm chất độc da cam và mất ở tuổi 26.

Bà Trần Thị Huyên, ở xã Đông Hưng (huyện Đông Sơn, Thanh Hóa) trong bài viết "Câu chuyện cuộc đời", kể về câu chuyện mình nhận nuôi một bé gái bị bỏ rơi ở một phòng học, khi dây rốn còn chưa cắt, trên người chỉ có một manh áo mỏng, kiến và muỗi bu đầy... Lúc đó, cô giáo Huyên còn trẻ, chưa có gia đình. Khi nhận nuôi cô bé, cô giáo Huyên bị rất nhiều người dị nghị. Nhưng bà Huyên vẫn quyết tâm nuôi bé gái thành người, rồi dựng gả chồng cho con. Hiện con gái nuôi của bà đã có hai con trai, đang học lớp 12 và lớp 10. May mắn là bà đã gặp được một người chồng thông cảm và chung sức cùng bà vượt mọi khó khăn. Bà kể, "ông ấy nói dù vất vả cũng nuôi hắn thành người. Sau này chúng tôi có thêm 3 con nữa. Thời bao cấp, khó khăn lắm mà ông ấy là bộ đội, tôi là giáo viên nên tôi xin về "một cục", giờ không có đồng lương nào cả. Không có lương nhưng tôi có sự động viên là chồng yêu thương, hỗ trợ tôi rất nhiều. Con cháu cũng thành đạt, có công ăn việc làm, có gia đình tử tế".

Bà Huyên nói rằng, trong thâm tâm bà không bao giờ phân biệt con nuôi hay con đẻ. Thậm chí bà có phần chăm chút, thương yêu con nuôi hơn vì muốn bù đắp sự thiếu hụt tình yêu thương cho cô. Qua bài viết tham dự cuộc thi, bà mong muốn tìm bố mẹ ruột cho con gái nuôi của mình.

Còn với chị Lý Thị Thủy, giáo viên Trường THCS và THPT Sơn Giang (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên), trong bài viết "Tự đứng lên nghe con", chị kể lại kỷ niệm đẹp đẽ về người cha thân yêu- tấm gương sáng soi cho chị đi trong suốt cuộc đời. Tôi viết về người cha đã biết vượt khó vươn lên, dạy con bằng nghị lực của mình. Dạy con biết đứng lên bằng đôi chân của mình. Lời của cha cứ vang vọng theo cuộc đời. Mỗi lần vấp ngã thì nhớ tới lời cha để tự vươn lên, tự khẳng định mình để vượt qua khó khăn. Mình cố gắng trở thành tấm gương để giáo dục cho con, dạy con giống như ba đã dạy...- Chị Thủy xúc động nói.

Qua 4 lần tổ chức, cuộc thi "Ký ức gia đình- thắp sáng tương lai" ngày càng có sức lan tỏa rộng lớn hơn. Từ miền ký ức gia đình của mỗi người, mỗi gia đình, chúng ta trăn trở, nghĩ suy để vượt mọi gian khó, hướng tới một tương lai tươi sáng, tốt đẹp. Qua cuộc thi cũng thấy cốt lõi gia đình truyền thống ở mọi thời đại vẫn được tôn trọng. Gia đình luôn luôn là nền tảng vững chắc của xã hội, giá trị tốt đẹp của các gia đình trường tồn mãi với thời gian.../.

- Mai Hồng -



 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất